Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Siết lại “chuẩn giả”, học lệch trong giáo dục

Đặng Chung - Hữu Long - Hà Phương - Phạm Hoài |

Sáng nay 6.6, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Ba nhóm vấn đề các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Lao Động xin tường thuật trực tiếp phiên chất vấn này.

11h30: Phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tạm dừng và ông sẽ tiếp tục đăng đàn từ 14h chiều.

11h15 Tình trạng sinh viên thất nghiệp ở Việt Nam so với thế giới là bình thường

Về tình trạng bạo hành trẻ em, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đây là vấn đề bức xúc xã hội. 

"Có rất nhiều nguyên nhân của bạo hành trẻ em nhưng có nguyên nhân liên quan đến chất lượng đào tạo giáo viên mầm non hiện còn nhiều bất cập. Việc nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm là rất quan trọng và Bộ trưởng Bộ GDĐT đã nói kỹ", Phó thủ Vũ Đức Đam nói và cho biết thêm, không chỉ ở mầm non và các bậc học khác, nếu giáo viên có hành vi bạo hành với trẻ em cương quyết đưa ra khỏi ngành trong mọi trường hợp. Không thể vì một số cá nhân mà làm ảnh hưởng đến toàn ngành giáo dục.

Về con số 200.000 người có trình độ đại học đang thất nghiệp, phó thủ tướng nói tính ra tỉ lệ thì con số này ở VN chỉ chiếm 4% tổng số người có trình độ đại học, trong khi trên thế giới con số này là 7%. Chính vì vậy, đây cũng là thực trạng bình thường.

"Để khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị Quốc hội, nhân dân ủng hộ giải pháp đẩy mạnh hướng nghiệp ngay từ khi các cháu học xong trung học cơ sở", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề thi cử, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, thời gian qua đổi mới thi cử đạt được những kết quả khá tốt. "Tới đây định hướng là ổn định vấn đề này và nếu cải tiến thì chủ yếu là cải tiến cách thức ra đề thi", Phó thủ tướng nói.

11h10: Rà soát biên chế giáo viên

Bộ trưởng  Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thông tin: Nhiều địa phương và các cơ sở giáo dục công lập thực hiện số lượng hợp đồng làm công tác chuyên môn lớn. Có nơi, biên chế được giao chưa sử dụng hết hết nhưng vẫn thực hiện chế độ hợp đồng.  

"Chính phủ nêu rõ, chấm dứt tình trạng tự duyệt hoặc giao biên chế cao hơn so với biên chế của cơ quan có thẩm quyền giao. Chúng ta phải rà soát ngày trong năm 2018. 

Tôi đề nghị các địa phương, các cơ sở giáo dục công lập rà soát về biên chế được giao, đánh giá năng lực đối với các giáo viên thực hiện hợp đồng. Đối với Bộ GDĐT, tôi đề nghị chúng ta phải có có quy định để giảm tỉ lệ gián tiếp quản lý trong các cơ sở giáo dục; nếu nơi nào còn thiếu thì chúng ta phải chuyển ngay không để học sinh không có giáo viên…", Bộ trưởng nói.

Đối với những địa phương tuyển dụng viên chức thừa so với được giao, Bộ Nội vụ hiện đã giao cho các địa phương rà soát, bố trí giải quyết công việc cho các giáo viên này rồi mới thực hiện tinh giản biên chế.

"Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GDĐT, Bộ Y tế để cân đối với những địa phương tăng dân số cơ học, chúng ta có thể bổ sung biên chế để tránh trường hợp thiếu giáo viên hoặc thiếu người phục vụ trong các nhà trường…", Bộ trưởng cho biết.

11h05: Tổ chức thi tốt nghiệp hiện nay đã hiệu quả chưa?

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đặt vấn đề tổ chức thi tốt nghiệp hiện nay đã hiệu quả chưa, khi thời gian qua chưa nhận được sự đồng thuận. Việc thi cử vẫn gây áp lực lên học sinh… Chương trình giáo dục phổ thông mới cử tri đánh giá là còn nặng nề, khi dạy thử nghiệm nhiều giáo viên kêu khó… đề nghị Bộ trưởng có câu trả lời về những vấn đề này?

 
 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: Kỳ thi THPT quốc gia đã được thử nghiệm năm 2017, về cơ bản được xã hội đồng tình, bây giờ chủ yếu là khắc phục những tồn tại.

Trước khi tiến hành chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi vẫn tiếp tục làm gọn nhẹ, thiết thực hơn đề thi, câu hỏi chuẩn hoá, đề thi chuẩn hoá được kiến thức và kiểm tra được kiến thức của người học.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở Bộ GDĐT cần lưu tâm đến những ý kiến của đại biểu và cử tri về vấn đề chương trình giáo dục phổ thông mới khi đưa vào dạy thử nghiệm thì nhiều cử tri đánh giá là còn nặng nề, khó với cả giáo viên và học sinh. Bộ GDĐT cần có giải pháp cho vấn đề này.

11h: Sinh viên thất nghiệp có phải là chất lượng cao hay không?

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Thái Bình) nêu vấn đề: Bộ GDĐT hiện còn 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm, trong khi Bộ LĐTBXH báo cáo nước ta còn một nguồn lao động chưa đạt chất lượng cao. Vậy phải chăng 200.000 sinh viên của chúng ta được đào tạo chưa đạt chất lượng cao? Sự liên kết nào giữa Bộ LĐ-TB-XH và Bộ GD-ĐT trong việc giải quyết việc làm?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: Sinh viên trong các bậc học trình độ ĐH trở lên là chất lượng cao, tuy nhiên chúng tôi cũng ghi nhận có những sinh viên trong 200.000 sinh viên chưa có chất lượng đảm bảo. Sắp tới Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH phối hợp chặt chẽ về khâu dự báo thị trường, hạn chế số sinh viên tốt nghiệp không có việc làm.

10h56: Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) đặt câu hỏi: Tại sao điểm đầu vào sư phạm thấp, không thu hút học sinh giỏi.... Bộ GD&ĐT có trách nhiệm như thế nào và giải pháp gì về thực trạng này?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: Về chất lượng sinh viên sư phạm, đây là vấn đề từ xưa đến nay có câu “Chuột chạy đồng sào”. Ba nguyên nhân Đại biểu Nguyệt nêu hoàn toàn chính xác. Quan trọng nhất là giải pháp, chúng tôi xin được nhấn mạnh về phía ngành. Đó là giải pháp chỉ đạo địa phương rà soát để làm sao biết được nhu cầu sử dụng giáo viên từng môn học.

Theo đó có kế hoạch gắn giữa đào tạo với sử dụng. Chúng tôi đã chỉ đạo quy hoạch lại các trường sư phạm theo hướng chỉ tập trung một số các trường sư phạm lớn. Còn các trường đại học không chuyên, các trường cao đẳng hướng theo hướng vệ tinh theo các trường đào tạo. Để mạng lưới các trường đào tạo sư phạm phải thực sự chuyên nghiệp. Giải pháp khác cùng phối hợp với các bộ ban ngành cùng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giải pháp đồng bộ. Trách nhiệm của Bộ là đột phá từ khâu có việc làm. Chúng tôi tin rằng học sinh sẽ đăng ký vào ngành sư phạm rất cao.

10h40: Giáo viên mầm non quá vất vả, chưa có nhiều ưu đãi

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) chất vấn: Số trẻ mầm non đến lớp tăng nhanh, địa phương khó khăn đáp ứng giáo viên, biên chế ít làm tăng áp lực lên giáo viên mầm non sẽ gây quá tải mất an toàn cho trẻ? Bộ trưởng có ý kiến gì về thực trạng này?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận: Giáo viên mầm non rất vất vả, bình quân một năm tăng 250.000 trẻ, nhưng biên chế không tăng, tôi cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phối hợp với chúng tôi giải quyết vấn đề này.

Cùng mạch vấn đề này, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đặt  câu hỏi: Chất lượng giáo dục trẻ mầm non chưa được chú trọng do điều kiện chưa được đảm bảo. Việc phân công, phân cấp chưa đồng bộ, thống nhất. Sự phân cấp chưa phù hợp với đặc thù kinh tế, xã hội ở các địa phương. Giải pháp của Bộ trưởng là gì?

Bộ trưởng Bộ GDĐT trả lời câu hỏi của đại biểu: Tôi rất mong muốn theo phân cấp giáo dục mầm non, phường xã trực tiếp, giám sát. Bồi dưỡng các giáo viên đạt yêu cầu, nhưng trong quá trình phân cấp, mong chính quyền địa phương phối hợp với chúng tôi kiểm tra giám sát, tránh khi bạo hành xảy ra, báo chí vào cuộc thì địa phương mới biết.

Chúng tôi cũng đã tham mưu Chính phủ, đề án 115 để đưa giám sát địa phương vào quản lý giáo dục.

Không thỏa mãn với câu hỏi của Bộ trưởng, Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP HCM) tranh luận về vấn đề giáo dục mầm non, đặc biệt là vấn đề xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chưa nêu rõ được nguyên nhân, giải pháp, trách nhiệm từ phía quản lý nhà nước?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp tục trả lời: Nguyên nhân chủ quan rất quan trọng, từ việc quy hoạch đội ngũ giáo viên mầm non phải đáp ứng được số lượng trẻ mầm non tăng đột ngột. Cùng với việc di cư sinh học, dẫn đến thiếu nhà trẻ và giáo viên mầm non. Các cấp chưa thực sự quan tâm, dành quỹ đất để xây dựng nhà trẻ mẫu giáo. Chúng tôi sẽ tiếp thu và phối hợp với các bộ ngành liên quan để giải quyết vấn đề này.

10h30: Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) nói: Theo luật, nhóm trẻ từ 3-6 tháng tuổi được vào mầm non, nhưng thực tế trường công không ai nhận nhóm trẻ này và đây cũng là nhóm trẻ dễ bị bạo hành nhất. Bộ trưởng thì nói là do khó khăn về kinh tế, điều kiện nên chỉ phổ cập mầm non với trẻ 5 tuổi. Vậy xin hỏi Bộ trưởng, một quy định của pháp luật nhiều năm nay không thực hiện được, Bộ trưởng có giải pháp gì?

Bộ trưởng trả lời: Có thực trạng các trường không dám mạo hiểm dạy trẻ dưới 3 tháng tuổi. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, trong chính sách thai sản, người mẹ được nghỉ 6 tháng nhưng nhiều công nhân, mẹ làm từ 3 tháng. Ở đây, chúng  tôi đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng các trường mầm non quan tâm đến các lứa tuổi này trong các khu thiết chế, khu chế xuất.

10h25: Tự chủ đại học không có nghĩa là tăng học phí

Nhiều đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về vấn đề tự chủ đại học. Đặc biệt liên quan đến vấn tự chủ sẽ dẫn đến việc học phí đại học tăng, là gánh nặng với những gia đình khó khăn trong việc cho con em mình tiếp cận giáo dục đại học. 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Tự chủ không có nghĩa là tăng học phí. Tự chủ không có nghĩa là không có đầu tư của Nhà nước, mà vẫn có sự đầu tư, nhưng sẽ theo cơ chế đặt hàng đào tạo.Ngoài ra, Nhà nước và các trường cũng sẽ có nhiều chính sách, cấp học bổng, cho vay vốn để đảm bảo con em người dân muốn tiếp cận giáo dục đại học sẽ không gặp nhiều khó khăn.

10h20: Không thể tái diễn tình trạng 30 điểm/3 môn vào sư phạm

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) tranh luận xin tranh luận với Bộ trưởng Nhạ về vấn đề đạo đức nhà giáo: Vừa rồi Bộ trưởng có nói về tình trạng xuống cấp đạo đức của giáo viên và chất lượng đầu vào. Vậy tình trạng xuống cấp có liên quan đến việc tuyển sinh sư phạm có quá dễ dàng. Bộ trưởng có ý kiến gì khi cử tri cho rằng khi tuyển dụng cần chú trọng đến việc phát âm…?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tôi xin chia sẻ, tình trạng này có thật. Sư phạm là ngành đặc thù, ngoài điểm ra còn chuẩn để tuyển sinh, giống như ngành nghệ thuật. Tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu.

Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa- Vũng Tàu) xin tranh luận: Đại biểu cũng nêu ra hiện tượng 3 điểm một môn cũng vào trường sư phạm, chất lượng đầu vào sư phạm quyết định chất lượng đội ngũ giáo viên, nhưng điều này chưa được làm tốt.

Về vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm ngoái có hiện tượng 3 điểm/môn vào cao đẳng nhưng các trường đại học đều trên điểm sàn. Một số trường chất lượng yêu cầu điểm rất cao. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm, thống nhất với các trường sư phạm điểm đầu vào phải đảm bảo chất lượng ngay từ đầu.

10h15: Chất lượng giáo dục đại học đang có vấn đề?

Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hoà Bình) chất vấn: Việc mở rộng quy mô giáo dục đại học quá lớn, chất lượng kém sẽ dẫn đến lãng phí, cử tri hoài nghi chất lượng giáo dục đại học. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này? Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đại học?.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận chất lượng của các trường đại học không đạt yêu cầu, sinh viên thất nghiệp, nguyên nhân liên quan đến nội dung đào tạo, tiếp cận thị trường của các trường chưa tốt. Nếu không siết chặt quy mô sẽ dẫn đến lãng phí. Việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường đại học cũng chưa cao. 

9h55: Giảng viên dạy "chay" ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục đại học

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang): Xã hội phát triển mạnh mẽ, phụ nữ tham gia phát triển ngoài xã hội. Hiện nay nỗi băn khoăn hiện nay là nơi trông giữ con em được an toàn, nhất là con em từ 6 tháng đến 5 tuổi, trong khi các cơ sở giáo dục mầm non công lập chỉ nhận trẻ 24 tháng tuổi trở lên, việc trông trẻ còn nhiều bất cập? Bộ trưởng cho biết giải pháp hữu hiệu?

Hiện còn nhiều giảng viên dạy chay ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục đại học. Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học cần nhiều giảng viên giỏi cả lý luận, khoa học và thực tiễn. Bộ trưởng có giải pháp, chính sách gì?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chúng tôi rất quan tâm đến đối tượng này, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tới đây, Bộ tham mưu Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho nhóm trẻ nhà trẻ tư thục. Chúng tôi tiếp thu để làm sao thực hiện tốt công tác chăm sóc, đặc biệt đối với trẻ cho những đối tượng khó khăn, tránh những hiện tượng đáng tiếc.

Về vấn đề giảng viên, nhìn chung giáo viên được đào tạo ở nước ngoài tâm huyết cao, tuy nhiên điều kiện thực hiện, tham gia kết hợp vào việc nghiên cứu chưa theo kịp, hiện tượng nhiều người tài chưa có môi trường phát huy. Đây là trách nhiệm lớn của ngành. Nếu không đổi mới môi trường, chúng ta khó thu hút, chúng ta có hướng dẫn về chuẩn giảng viên và gắn với thực tiễn. Chúng tôi tiếp thu và cùng với các trường nâng cao chất lượng giảng viên. Điều chỉnh xây dựng Đề án nâng cao chất lượng giảng viên đại học, tỷ lệ đào tạo tiến sỹ tiến tới 25% và theo hướng trách nhiệm các trường ĐH chủ động, nhà nước hỗ trợ chính sách, hỗ trợ học bổng.

10h: Có phải giáo viên đang quá áp lực, nên bạo hành trẻ?

Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An): Thời gian qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách phát triển giáo dục mầm non, giáo dục đại học nhưng giáo dục thường xuyên cho người lớn chưa đúng mức? Bộ trưởng cho biết giải pháp gì?

Thời gian qua, cô giáo là tấm gương mẫu mực cho học sinh noi theo nhưng lại xuất hiện một số sự việc đau lòng như cô giáo phạt trẻ uống nước giẻ lau bảng, ngậm dép… phải chăng cô giáo có nhiều áp lực. Bộ trưởng cho biết có giải pháp gì trong thời gian tới?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục thường xuyên là bậc học quan trọng, một tài nguyên được tái tạo. Trong thời đại công nghiệp 4.0, tiến sỹ cũng phải học, xu hướng học phải thường xuyên và cập nhật kiến thức. Thời gian qua tuy đã cố gắng nhưng chưa được. Chúng tôi thực hiện Đề án xã hội học tập, dòng họ học tập. Gần đây phối hợp tốt với Hội Khuyến học.

Giải pháp cho vấn đề này là xin ý kiến các đại biểu quốc hội sửa Luật giáo dục, trong đó phát triển giáo dục thường xuyên, trong đó thiết chế giáo dục thường xuyên cũng phải khác, tạo điều kiện cho người học, cựu sinh viên tiếp cận. Chúng tôi cùng Hội khuyến học phát động các trường đại học, tạo điều kiện cho các cựu học sinh, sinh viên nâng cao kiến thức.

Bên cạnh nhiều thầy cô đam mê, nhưng còn một số thầy cô đã có những hành vi, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, tôn sư trọng đạo, tôi thấy đây là thiếu xót lớn, nguyên nhân có nhiều nhưng có trách nhiệm của ngành là khâu đào tạo bồi dưỡng, kiểm soát chưa thường xuyên dẫn đến một số thầy cô không có năng lực, kém phẩm chất. Trong thực tế, chắc chắn còn nhiều nhưng với hành vi lên án, hành hạ trẻ, đây là cảnh tỉnh lớn đối với ngành, hiệu trưởng các trường.

Để cô giáo cả học kỳ “không nói gì” khi đứng lớp. Có những áp lực, cả vật chất, tinh thần, tôi luôn động viên các thầy cô giáo những gì tốt phát huy.

Tới đây, chúng tôi sẽ có chương trình đào tạo giáo viên, giáo dục đạo đức trong giáo viên và học sinh, khi thi THPT quốc gia chúng tôi đề nghị đưa môn này vào. Tới đây, trong chương trình GDPT mới chúng tôi nhấn mạnh về giáo dục đạo đức, đặc biệt đào tạo đội ngũ giáo viên sư phạm. Tôi cũng nhận trách nhiệm của ngành trong phát triển đội ngũ giáo viên về chất lượng, số lượng.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Vấn đề xuống cấp đạo đức khá cá biệt, đại biểu muốn nói trách nhiệm của những người đứng đầu của các cơ sở giáo dục mầm non có biết hay không. Cho đến khi báo chí vào cuộc mới bắt đầu làm rõ.

Đại biểu mong muốn cả hệ thống chính trị xã hội, các ngành các cấp phải vào cuộc, không chỉ riêng ngành giáo dục. trường mầm non, tiểu học, THCS có địa chỉ cụ thể, tại đó có cộng đồng dân cư, chính quyền, các ban ngành đoàn thể để xảy ra những việc như vậy hiệu trưởng có biết hay không, giáo viên có biết hay không, chính quyền địa phương có biết hay không. Khi các phương tiện truyền thông lên tiếng, chúng ta mới biết và lên tiếng, xử lý. Trách nhiệm ở đây là của cả cộng đồng, hệ thống, chứ không chỉ riêng về trách nhiệm Bộ trưởng bộ GDĐT.

9h45 Siết lại “chuẩn giả”, học lệch trong giáo dục

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt vấn đề: Chuẩn giả trong giáo dục, trường đạt chuẩn, giáo viên đạt chuẩn nhưng thực tế không đạt. Các địa phương cho nợ chuẩn… Bộ có biết không? Giải pháp của vấn đề này là gì?

Để thi tốt nghiệp và đại học, các cháu chỉ học các môn thi, nhưng để đủ điểm, phụ huynh đến “nộp tiền” cho giáo viên, Bộ trưởng giải quyết vấn đề này như thế nào?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận đây là hiện tượng có thật.

"Một số địa phương nói rằng đã có kế hoạch để khắc phục việc này. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, tôi kiên quyết không cho phép nợ chuẩn. Tới đây khi chương trình giáo dục được tích hợp sẽ không còn việc nợ chuẩn giáo dục để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới", ông Nhạ hứa.

Tuy nhiên Bộ trưởng cho rằng vấn đề này liên quan đến 19 chỉ tiêu về nông thôn mới (có 2 tiêu chuẩn về giáo dục). Một số địa phương muốn được nông thôn mới xin nợ chuẩn.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương tranh luận lại: Nợ chuẩn giáo dục tại các địa phương không chỉ gắn với việc "muốn đạt chuẩn nông thôn mới", nhiều trường học tại các đô thị lớn cũng mắc hiện tượng này. Cụ thể như, trường trung học cơ sở nhưng bàn ghế lại tiểu học. Đến lúc gia đình chịu không nổi bỏ tiền ra mua để thay thế, hỏng thì trường lại gọi phụ huynh đến sửa.

"Việc này tôi đã kiến nghị Bộ Giáo dục nhưng chưa được khắc phục. Cách hội trường chúng ta đang ngồi vài trăm mét, trường đạt chuẩn quốc gia cũng chưa đạt chuẩn. Nếu trưa nay Bộ trưởng có thời gian tôi xin mời bộ trưởng cùng tôi qua khảo sát.  Trường đạt chuẩn quốc gia mà không có cái gì là chuẩn cả. Trường đạt chuẩn quốc gia mà sân trường mỗi lần tập trung mỗi lớp mời 5 cháu xuống. Trường cấp 2 mà bàn ghế cấp 1", ông Cương nói.

Ông Nguyễn Sỹ Cương cũng nêu hiện tượng học sinh chỉ học môn sẽ thi tốt nghiệp, bỏ học những môn không thi và phụ huynh “nộp tiền” cho giáo viên để con em được công nhận, đủ tiêu chuẩn thi. “Bộ trưởng có biết việc này không, giải pháp nào chặn tình trạng tiêu cực đó?”, ông Cương hỏi.

Tư lệnh ngành giáo dục cho biết, Bộ chưa có thống kê rõ ràng nhưng hiện tượng học tủ, học lệch là có, đặc biệt ở trường chuyên.

"Bộ Giáo dục cấm hiện tượng này. Chúng tôi kiên quyết phản đối và sẽ tiếp tục giám sát. Song cũng mong nhà trường thực hiện nghiêm quy định của Bộ để các cháu được học toàn diện, chứ không phải học để thi", Bộ trưởng Nhạ nói.

9h30: Sáp nhập, giải thể các trường ĐH kém hiệu quả

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) chất vấn: Kết quả của giáo dục được tổ chức ghi nhận đánh giá cao, tuy nhiên về giáo dục đại học chúng tôi băn khoăn, chất lượng đào tạo đại học chưa cao, đặc biệt là sau đại học. Xin Bộ trưởng cho biết giáo dục đại học của chúng ta đang ở đâu trong bảng xếp hạng Châu Á?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: Giáo dục Đại học một số nhóm ngành tốt, về cơ bản còn thấp không đáp ứng thị trường lao động. Nguyên nhân trước hết là chương trình đào tạo chưa sát với thị trường, chủ yếu do các thầy cô xây dựng chương trình theo hiểu biết, rồi điều kiện đảm bảo chất lượng, giáo viên, cơ sở vật chất tài chính nhiều vấn đề.

Tại các nước trên thế giới, các trường ĐH tỷ lệ tiến sỹ rất cao, nhưng ở VN chưa được 23,7% toàn ngành, cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Ở nước ta, suất học phí đối sinh viên bình quân 630 USD trong khi Mỹ là 19.000 USD, Trung Quốc gần 3.500 USD, nên chất lượng đại học rất khó mong đợi cao.

Tới đây chúng tôi cố gắng không dàn trải, những trường chất lượng vừa phải, xem xét sát nhập, giải thể. Các giải pháp nâng cao chất lượng, liên quan đến tự chủ. Tự chủ là một trong những điểm nghẽn khiến các trường không chủ động.

Hiện nay, so với mặt bằng thế giới, giáo dục đại học chúng ta còn thấp, trong xếp hạng Ranking chưa có trường ĐH xếp vào bảng xếp hạng danh tiếng. Gần đây, chúng ta đã có 2 ĐH lọt vào 1000 trường tốt nhất thế giới, đây là tín hiệu mừng và cũng đáng khích lệ.

9h25: Bộ Giáo dục nêu giải pháp chặn bệnh thành tích, lạm phát giấy khen

Nhiều đại biểu chỉ ra vấn đề “lạm phát giấy khen”, “lạm phát học sinh” và đề nghị Bộ trưởng GDĐT nêu giải pháp.

Đại biểu Bùi Thị Thuỷ (Thanh Hoá) đặt câu hỏi: Hiện nay việc cấp giấy khen dần mất giá trị vì điểm số cho quá dễ, tỷ lệ khá giỏi quá nhiều, đó là biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục. Bộ trưởng cho biết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này và giải pháp?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bệnh thành tích không phải bây giờ mới có, ngành cũng “nói không với bệnh thành tích” nhưng không dừng lại ở việc quy định mà còn liên quan đến văn hoá, thói quen.

Chúng tôi đã có văn bản bỏ rất nhiều cuộc thi, không tính điểm các cuộc thi vào thành tích. Những thầy cô nào có sáng tạo sẽ được khuyến khích, biểu dương chứ không đăng ký thành tích.

9h20: Quá nhiều đại biểu xin chất vấn, hệ thống máy liên tục "treo"

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải liên tục thông báo hệ thống máy bị treo vì có cùng lúc nhiều đại biểu xin chất vấn và tranh luận. Có những lúc có tới 67 đại biểu xin chất vấn Bộ trưởng Nhạ vào cùng một thời điểm. 

9h10: Nhức nhối vấn đề bạo hành trẻ em

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) xin tranh luận với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về giáo dục mầm non, mà Bộ trưởng đánh giá là trong nhiệm kỳ của mình đã đạt được kết quả tốt. Đại biểu Phong cho rằng: Ai đánh giá cao giáo dục mầm non của nước ta tôi không rõ, tôi chỉ thấy giáo dục mầm non còn quá nhiều hạn chế. Quy mô phát triển không đồng đều, nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non còn thấp, tỉ lệ chi cho giáo dục mầm non thấp, phụ huynh phải đóng góp nhiều… Chúng ta chưa có đề án gì để giải quyết cho giáo dục mầm non. Tôi mong bộ trưởng cho giải pháp về vấn đề này".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận: Đây là một trong vấn đề gây bức xúc xã hội, dư luận thời gian qua.Hiện toàn ngành có 15.000 cơ sở giáo dục mầm mon, 337.000 giáo viên. Ông Nhạ đánh giá, cơ bản các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, song cũng đã xuất hiện tình trạng bạo hành trẻ ở một số cơ sở mầm non."

Những vụ bạo hành trẻ mà báo chí đã nêu là không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu ngành giáo dục rất phản đối, có ý kiến chỉ đạo kiên quyết, với những giáo viên không đủ năng lực thì phải đưa ra khỏi ngành, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải bị đình chỉ, đóng cửa", ông nói.

Về giải pháp khắc phục, ông Nhạ nói: Tôi thấy đây là vấn đề cần giải quyết và đã tham mưu Chính phủ, vừa rồi Nghị định 06, quyết định xây dựng môi trường an toàn thân thiện chống bạo lực cho trẻ.Về hệ thống pháp lý cơ bản có, quan trọng là thực hiện. Tôi cũng mong các bộ có liên quan và địa phương tăng cường giám sát, hệ thống chính trị: phụ nữ, mặt trận, phường xã giám sát, cùng chúng tôi phòng ngừa là chính. Quan điểm là phòng ngừa hơn là việc xử lý. Mong địa phương trực tiếp hỗ trợ về điều kiện cơ sở trường lớp, bố trí giáo viên đủ để không tạo áp lực.

"Hiện chế độ cho giáo viên mầm non thấp quá, ra trường khoảng 2,4 triệu đồng một tháng thì các cô rất khó khăn, đây cũng là lý do gây áp lực. Bộ Giáo dục đã làm việc với Bộ Nội vụ, một mặt tăng cường chất lượng đào tạo, chuẩn bị đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, mặt khác tăng chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm mon", Bộ trưởng Nhạ nêu giải pháp.

9h05: Chế độ cử tuyển nhiều bất cập hạn chế

Đại biểu K’ Nhiễu (Lâm Đồng): Chế độ cử tuyển nhiều bất cập hạn chế, việc đổi mới giáo dục cử tuyển không có gì mới, nảy sinh nhiều vấn đề. Hiện nay giáo dục mầm non có nhiều bức xúc trong xã hội. Bộ trưởng có suy nghĩ gì và có biện pháp gì?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cử tuyển là một chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước. Cách đây 5-7 năm, chính sách đạt hiệu quả cao, gần đây vì nhiều lý do khác nhau cử tuyển có vấn đề, nhiều người đi học về không bố trí được việc làm. Vấn đề này tạo nên nhiều trăn trở, bức xúc của đồng bào. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát, phương hướng sắp tới đối với đối tượng cử tuyển là đi theo hướng thiết thực, gắn địa phương với người học.

8h45: Chênh lệch giáo dục mầm non lớn

"Bộ trưởng nói rằng giáo dục mầm non được thế giới đánh giá cao, ai đánh giá cao thì tôi không biết, nhưng hiện nay chi cho giáo dục mầm non thì ít, sự chênh lệch của giáo dục mầm non giữa các vùng miền thì lớn, tình trạng bạo hành trẻ em diễn ra bức xúc… - đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nêu vấn đề”.

Đáp lại, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định: Ý kiến đại biểu chúng tôi cũng thấy rất đúng. Chúng ta cũng chia sẻ một điều là từ chính sách dân lập, tư thục sang chính sách công lập, chuyển biến rất mạnh mẽ nên công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên cũng còn bất cập.

Với trách nhiệm người đứng đầu ngành chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề cần giải quyết. Chúng tôi tham mưu Chính phủ xây dựng quy định về môi trường an toàn, thân thiện với trẻ.

Nhân dịp này tôi cũng rất mong các bộ có liên quan và địa phương cùng với chúng tôi tăng cường giám sát, đặc biệt là chính quyền cơ sở, các hội phụ nữ, đoàn thanh niên cùng với chúng tôi phòng ngừa.

8h35: Mất bao lâu để đi hết con đường quá độ trong giáo dục?

Đại biểu Hồ Thị Vân dẫn lại câu nói của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Giáo dục ta đang trong giai đoạn quá độ nên phải chấp nhận để đổi mới?”. Đại biểu đặt câu hỏi: “Chúng ta phải đi hết bao lâu trên con đường quá độ? Đã tới đoạn nào của quá độ?”.

Bộ trưởng Giáo dục khẳng định đổi mới lĩnh vực này không thể nóng vội, đây vấn đề nhạy cảm phải có lộ trình, bước đi cụ thể. Ví dụ vấn đề thi cử. Bộ đã cải cách hai kỳ thi mỗi năm thành một kỳ. Năm 2017 việc thi cử tương đối ổn định, được cử tri và nhân dân cả nước ủng hộ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dự kiến trong nhiệm kỳ của mình đã làm được gì, đến lúc hết nhiệm kỳ sẽ đi hết bao nhiêu % mục tiêu giáo dục mình đưa ra?

Về những câu hỏi khó này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng đây là vấn đề lớn, cần có quá trình, trong nhiệm kỳ của mình Bộ trưởng cố gắng hoàn thiện chương trình sách giáo khoa; đẩy mạnh tự chủ đại học; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của các cơ sở đào tạo;... 

“Chúng ta phải đổi mới, về căn bản giáo dục không thể đứng yên. Hiện chúng ta đang đi đến giai đoạn thực hiện nhiều nhiệm vụ có kết quả, điển hình là phổ cập mầm non với trẻ 5 tuổi và việc này được nhiều nước ghi nhận. Trẻ 5 tuổi vào mầm non ở Việt Nam đạt tỉ lệ cao chỉ sau Singapore. Kết quả đổi mới trung học, phổ thông cũng được nhiều tổ chức quốc tế uy tín như Worldbank đánh giá cao.

“Để kết luận làm được gì thì chưa đủ căn cứ, nhưng chúng tôi có cơ sở tin rằng trong nhiệm kỳ sẽ có kết quả không chỉ chuyển biến mà là rõ nét”, Bộ trưởng Giáo dục tự tin nói.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ trưởng Nhạ cũng thừa nhận hiện còn nhiều vấn đề, như xây dựng chương trình phổ thông tổng thể một cách kỹ lượng và hiện vẫn đang trong thời gian thẩm định, chuyển từ phương thức đào tạo về nội dung, sang phát triển năng lực học sinh.

“Tôi chưa thể kết luận là làm được gì, với nhiệm kỳ Quốc hội phân cho, tôi sẽ cố gắng hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới sẽ ban hành, đẩy mạnh tự chủ, đột phá, các trường đại học công lập…”, Bộ trưởng Nhạ nói thêm.

8h20: Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của thị trường

Đại biểu Đào Tú Hoa tiếp tục phiên chất vấn: Hiện có 200.000 cử nhân ra trường không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực đất nước và nhân dân. Đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra giải pháp cho vấn đề này?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT đưa ra câu trả lời: Hiện tượng có 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp là có thật, nhưng tới đây chúng tôi sẽ tập trung để nâng cao chất lượng. Đây là gốc của vấn đề, sẽ phối hợp với doanh nghiệp để gắn việc đào tạo với nhu cầu sử dụng, đào tạo theo địa chỉ.

Trường đại học không chỉ có trách nhiệm tuyển sinh đầu vào mà còn phải quan tâm đến đầu ra, có trách nhiệm với sinh viên mình đào tạo cũng như với thị trường lao động. "Bộ sẽ tăng cường công tác hậu kiểm chứ không nặng về tiền kiểm như trước nữa", ông Nhạ nói.

“Cốt lõi là phải nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm định chất lượng đào tạo, công bố công khai kết quả kiểm định để người học có thông tin lựa chọn cơ sở đào tạo ngay từ đầu vào và các trường phải nâng cao chất lượng và chịu trách nhiệm về sản phẩm đầu ra…”, Bộ trưởng tiếp tục nêu giải pháp.

8h10: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) chất vấn: Đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá phân luồng học sinh phổ thông hiện nay?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dung, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng vấn đề đại biểu hỏi đã đánh đúng vào các vấn đề trọng tâm của giáo dục hiện nay.Vấn đề phân luồng học sinh phổ thông không phải mới, Trung ương và Bộ GDĐT cũng đã có những đề án phân luồng, nhưng kết quả chưa được tốt. 

“Chúng tôi thừa nhận chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa phân luồng tốt, xem nhẹ năng lực thực hành. Đây là trách nhiệm của ngành giáo dục” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận. Về nguyên nhân, Bộ trưởng Nhạ cho rằng vấn đề cốt lõi là do chương trình giáo dục. Hiện cơ quan chức năng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về phân luồng, trong đó trong chương trình phổ thông có quy định về giáo dục hướng nghiệp, nhằm khắc phục tình trạng này. 

Ông cho biết, vào tháng 5.2018, chúng tôi đã phối hợp với Bộ LĐTBXH để ban hành đề án phân luồng học sinh.Bên cạnh đó, trong thiết kế chương trình phổ thông phải quán triệt tinh thần là lồng ghép thông tin về cuộc Cách mạng 4.0 vào kiến thức lý thuyết để các em ngay trên ghế nhà trường đã nắm được thông tin thực tiễn; đồng thời tạo đam mê, động lực cho học sinh với nghề nghiệp tương lai,... Ngay trong chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT đã quán triệt việc lồng ghép nội dung giáo dục hướng nghiệp, xây dựng đội ngũ tư vấn hướng nghiệp.

Về giáo dục chất lượng cao, Bộ GDĐT đã tham mưu cho Chính phủ có giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội, khu vực tư nhân đầu tư vào giáo dục chất lượng cao; theo đó ngoài thu hút đầu tư về cơ sở vật chất còn nhập các chương trình, giáo trình đào tạo của các nước tiên tiến để sinh viên có thể tiếp cận chương trình học tập chất lượng cao ngay trong nước, không phải đi du học; tới đây sửa đổi Luật Giáo dục đại học để cụ thể hóa chủ trương này...

Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, trong bối cảnh đang tiếp cận cuộc cách mạng 4.0, Bộ sẽ đẩy mạnh việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hướng nghiệp trong trường phổ thông. “Thời gian qua có những nơi hướng nghiệp còn hình thức, thậm chí cộng điểm để xét tốt nghiệp mà chưa chú trọng đến hiệu quả. Tới đây chúng tôi tiếp tục chấn chỉnh vấn đề này.

Trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chúng tôi đã quán triệt với nhóm tác giả phải lồng ghép giáo dục hướng nghiệp vào trong chương trình. Phải tạo ra đam mê học sinh, chứ không phải miễn cưỡng như hiện nay là thi THPT không đỗ thì vào trường nghề học. Ngoài ra, phong trào giáo dục STEM cũng được đẩy mạnh. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn trong thời gian tới”- Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

8h05: Học sinh, sinh viên bỏ 4 tỉ đô la đi du học hằng năm

Đại biểu Nguyễn Văn Thân: Hiện Việt Nam có xu hướng gửi con em đi nước ngoài theo học bổng và tự trả tiền. Trong khi đó, một số nước cũng đã mở cơ sở tại VN với học phí cao… Vậy Bộ trưởng nghĩ gì về vấn đề này và làm sao để tạo điều kiện để các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này?

 
 Đại biểu Nguyễn Văn Thân

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá đây là xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thì vai trò tham gia đóng góp của các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Chúng tôi đã tham mưu, có đề án để tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội.

“Số học sinh sinh viên ra nước ngoài rất nhiều, mất 3-4 tỉ đô la/năm. Vậy làm sao để thu hút học sinh có điều kiện học trong nước nhưng vẫn được hưởng nền giáo dục tốt. Chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ khuyến khích nhiều nhà đầu tư tham gia vào ngành giáo dục.

8h05: Phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bắt đầu
Đầu giờ sáng đã có 63 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. 

Mở đầu phiên chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung; Nguyễn Văn Thân, Đào Tú Hoa,... chất vấn về vấn đề phân luồng học sinh phổ thông, giáo dục nghề nghiệp; giải pháp khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm; tiến độ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục...

Trước đó, trong phiên chất vấn Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung ngày 5.6, nhiều đại biểu đã nêu con số 200.000 cử nhân thất nghiệp và đề nghị các bộ giải thích rõ về con số này, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm trước cử tri. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, quan trọng là chất lượng sinh viên ra trường.

“Nhìn rộng ra một chút, tỉ lệ sinh viên toàn cầu thất nghiệp 13%. Riêng Châu Á Thái Bình Dương 11%.

"Nếu so với bên ngoài, chúng ta không băn khoăn mà lo về chất lượng nguồn nhân lực " - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Hôm nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng sẽ đăng đàn trả lời cử tri về vấn đề này.

Trước khi phiên chất vấn diễn ra, Bộ trưởng Bộ GDĐT thừa nhận, chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… nên còn khoảng 200.000 lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động chưa có việc làm. 

Theo Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ, tỉ lệ thất nghiệp trình độ đại học ở Việt Nam trên dưới 4%. Nếu tính trong tổng số hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thuộc độ tuổi này, tỉ lệ không quá lớn (năm 2017 gần 3% đến 4,5%, chủ yếu là làm việc không đúng ngành hoặc không muốn chấp nhận dịch chuyển đến nơi thiếu lao động). Ông cho rằng đây cũng là tình trạng chung của các nước trên thế giới.

10h 40: Đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định): Chứng chỉ theo khung ngoại ngữ mới, học lại thi lại tại các cơ sở, gây tốn thời gian tiền của _ Quan điểm của Bộ
Đầu tiên là qui định 10 cơ sở bồi dưỡng và cấp nhận chứng chỉ nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Cách đây 5-7 năm, chúng tôi đã nghiên cứu khung trình độ về ngoại ngữ 6 bậc Châu Âu và tham chiếu các tiêu chuẩn ngoại ngữ. Chuyển dần từng bước và không công nhận A,BC,D và A1-2, B1-2, C1-2, Từ đấy chuyển sang công nhận theo qui định trình độ ngoại ngữ khung 6 bậc Châu Âu. Tromg quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi nhận trách nhiệm chậm trong vấn đề triển khai các cơ sở thực hiện và chúng tôi có thông tư sắp ban hành.
Đặng Chung - Hữu Long - Hà Phương - Phạm Hoài
TIN LIÊN QUAN

“Tôi kỳ vọng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ trả lời thẳng vào vấn đề cử tri quan tâm”

Xuân Hải |

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đã nói như vậy khi trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội về phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ sẽ diễn ra từ sáng nay 6.6

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn: Dư luận quan tâm đến vấn đề nào nhất?

Hà Phương |

Dư luận đặc biệt quan tâm tới việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ngày mai 6.6 sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước đại biểu Quốc hội với 3 nhóm vấn đề nóng hổi hiện nay là tình trạng bạo lực học đường, nạn thành tích và đạo đức xuống cấp trong giáo dục. 

Chủ tịch Quốc hội "chấm điểm" phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Đặng Chung |

Kết thúc phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung vào chiều 5.6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, khúc triết, đưa ra nhiều giải pháp có lộ trình thực hiện rõ ràng.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Tôi kỳ vọng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ trả lời thẳng vào vấn đề cử tri quan tâm”

Xuân Hải |

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đã nói như vậy khi trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội về phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ sẽ diễn ra từ sáng nay 6.6

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn: Dư luận quan tâm đến vấn đề nào nhất?

Hà Phương |

Dư luận đặc biệt quan tâm tới việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ngày mai 6.6 sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước đại biểu Quốc hội với 3 nhóm vấn đề nóng hổi hiện nay là tình trạng bạo lực học đường, nạn thành tích và đạo đức xuống cấp trong giáo dục. 

Chủ tịch Quốc hội "chấm điểm" phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Đặng Chung |

Kết thúc phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung vào chiều 5.6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, khúc triết, đưa ra nhiều giải pháp có lộ trình thực hiện rõ ràng.