Kinh tế Việt Nam trước dịch Corona: Giữ vững mục tiêu tăng trưởng năm 2020

Nhóm phóng viên |

“Không đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020. Chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2020. Đồng tình với chỉ đạo này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần phải thay đổi phương thức hoạt động, tìm đối tác và thị trường mới để giữ vững mục tiêu tăng trưởng năm 2020.

Nhìn đúng khó khăn để chuyển hướng

Theo các chuyên gia kinh tế, để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành cần vào cuộc để đánh giá mức độ tác động của dịch cúm Corona đến nền kinh tế để đưa ra các giải pháp. Đặc biệt là các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) và Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch để rà soát lại toàn bộ mức độ suy giảm để đưa ra các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cụ thể, Bộ Công Thương phải liên tục cập nhật và đánh giá tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực, đẩy mạnh dịch vụ và logistic phát hiện kịp thời các vấn đề phát sinh để hỗ trợ doanh nghiệp; Bộ NNPTNT phối hợp với các bộ, ngành đánh giá mức độ suy giảm do xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Xác định rõ đối tượng, vùng và mức độ bị thiệt hại để có những giải pháp và kiến nghị lên Chính phủ giải quyết. Cùng đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc về hạ tầng và giải ngân vốn đầu tư công…

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thành Nam cho rằng, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn tới các mặt hàng trái cây xuất khẩu, đặc biệt là 2 mặt hàng thanh long và dưa hấu. Theo thống kê, hiện còn khoảng 100 xe chở thanh long đang bị ứ tại Lạng Sơn, cùng đó nhiều nhà nhập khẩu thuỷ sản phía Trung Quốc đã có thông báo tạm dừng nhập hàng.

Để ứng phó với dịch bệnh, đại diện Bộ NNPTNT cho biết, đã yêu cầu các Sở NNPTNT địa phương rà soát lại toàn bộ tình hình sản xuất nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc trên địa bàn để đưa ra các biện pháp tháo gỡ. Tăng cường tiêu thụ nội địa với việc đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng nông sản và bảo quản, chế biến nông sản. Đặc biệt là phát triển các thị trường mới, các thị trường trước đây các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm thế mạnh.

Giảm lãi vay, cơ cấu thời hạn nợ

Khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Corona (dịch nCoV), ngày 5.2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu Chủ tịch HĐQT/HĐTV, Tổng Giám đốc các tổ chức tín dụng (TCTD) và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai một số giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu các TCTD cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1.1.2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020.

Đặc biệt, các TCTD chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay theo quy định pháp luật hiện hành. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.

Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, NHNN yêu cầu nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và theo dõi diễn biến dịch nCoV, ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn để chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định. “Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố báo cáo UBND tỉnh, thành phố và NHNN để được xem xét, xử lý” - văn bản của NHNN nêu rõ.

Biến nguy cơ thành cơ hội

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cung cấp, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng 1.2020 sơ bộ đạt 36,62 tỉ USD, giảm 18,4 % so với tháng trước và giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2019 (số ngày làm việc trong tháng chỉ có 16 ngày do nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý). Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 18,2 tỉ USD,  giảm 19,4% so với tháng 12.2019 và  tổng trị giá nhập khẩu đạt 18,42 tỉ USD, giảm 17,4% so với tháng 12.2019. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước trong tháng đầu tiên năm 2020 có mức thâm hụt 232 triệu USD, trái ngược với xu hướng thặng dư của tháng 1.2019.

Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - Nguyễn Tôn Quyền cho biết, do ảnh hưởng của dịch cúm do virus corona, những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc ngay lập tức giảm mạnh. Tuy nhiên, theo ông Quyền đây là cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ bởi xuất khẩu dăm gỗ mang lại giá trị không cao, không phát triển bền vững vốn rừng. Nhà nước xem xét tạo điều kiện về lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng mua thiết bị để sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm dăm, viên nén… này để doanh nghiệp sớm hoàn thiện dây truyền sản xuất, bắp kịp cơ hội này, “Tới đây, khi xuất khẩu dăm gỗ giảm sẽ bổ sung nguồn nguyên liệu gỗ trong nước để sản xuất ván nhân tạo, MDF, tạo ra giá trị gia tăng cao. Trong 2 tuần qua, nhiều doanh nghiệp của ngành gỗ đã chuyển hướng, đã có 3 - 4 doanh nghiệp chuyên làm dăm xuất khẩu mua thiết bị sản xuất gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu” - ông Quyền cho hay.

Dịch cúm virus corona không chỉ ảnh hưởng đến các mặt hàng nông, thủy hải sản mà còn cả thị trường bất động sản. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DRH Holdings  Ngô Đức Sơn, đối với bất động sản nhà ở, khách hàng Trung Quốc vốn chiếm tỉ lệ lớn trong nhóm người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, nhưng do đại dịch, lượng khách này chắc chắn sẽ giảm mạnh. “Bất động sản công nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam rất nhiều, nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, họ sẽ phải thay đổi kế hoạch hoặc dời lại thời điểm đầu tư” - ông Sơn nhận định. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, việc nhiều ngành nghề như nông sản, du lịch… chịu ảnh hưởng từ dịch Corona cũng sẽ tác động lớn tới thị trường vì dòng tiền từ các ngành này đổ vào địa ốc nhiều khả năng sẽ tăng đáng kể.

Đáng chú ý, trước tình hình dịch Corona đang tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm cách thoát khó. Bà Nguyễn Hương - Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Land - cho biết, Đại Phúc Land sẽ thay đổi kế hoạch tổ chức bán hàng. Thay vì tổ chức các buổi mở bán tập trung lượng khách hàng lớn, doanh nghiệp sẽ tách thành các đợt nhỏ. Trong khi đó, nhìn nhận thị trường theo chiều hướng tích cực, ông Nguyễn Nam Hiền - Phó Tổng Giám đốc Hung Thinh Corp nhấn mạnh, tuy thị trường gặp khó, nhưng không phải không có cơ hội.

Với bất động sản nghỉ dưỡng, dịch virus corona được xem cú sốc mạnh, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Văn phòng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, khu vực miền Nam - cho rằng, virus Corona chỉ gây ảnh hưởng ngắn hạn. Ông Hùng phân tích, năm 2020 nhìn chung là năm khó khăn cho bất động sản nghỉ dưỡng. Theo ông Hùng, khó khăn bởi Trung Quốc là quốc gia chiếm phần lớn khách du lịch qua Việt Nam. Trong giai đoạn dịch virus này, không chỉ Trung Quốc mà các nước Châu Âu, Châu Mỹ trong thời gian tới sẽ ngại qua các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, rất nhiều căn hộ condotel đang hoàn thiện và đưa vào thị trường, con số có thể lên đến hàng chục ngàn căn. Với đại dịch này thì áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn đối với những dự án đã và đang hoạt động. “Sau biến cố này, nhiều khả năng bất động sản Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để thu hút tốt dòng vốn FDI. Khi dòng tiền đổ vào Việt Nam nhiều thì tốt cho cả nền kinh tế, và bất động sản sẽ không ngoại lệ.

Hàng Việt xuất vào Trung Quốc giảm 1,5 tỉ USD ngay trong tháng đầu năm

Ngày 5.2, tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng đầu tiên của năm Canh Tý 2020 chỉ đạt 8,29 tỉ USD, giảm khoảng 2,86 tỉ USD so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 12.2019 (đạt 11,15 tỉ USD). So với tháng 12 của năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận giảm 1,5 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu giảm 1,36 tỉ USD. So với tháng 1.2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1.2020 giảm gần 1,1 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 30 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu giảm 1 tỉ USD.

Thống kê theo giá trị trung bình theo ngày làm việc (loại trừ ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ lễ quốc gia) trong tháng 1, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 1.2020 đạt 130,52 triệu USD/ngày, giảm 20,18% so với tháng 12.2019 trước đó, nhưng tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, trị giá nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc trong tháng 1.2020 tính trung bình theo ngày đạt 261,47 tỉ USD/ngày, giảm 6,5% so với tháng 12.2019 và giảm 2,1% so với tháng 1.2019.

Trong 3 ngày làm việc sau nghỉ Tết Nguyên đán (30, 31.1.2020 và 3.2.2020), tổng trị giá xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 82,1 triệu USD/ngày, chỉ bằng 63% ngày làm việc thông thường trong tháng 1.2020 trước đó; trong khi đó nhập khẩu đạt 182,8 triệu USD/ngày, chỉ gần bằng 70% ngày làm việc thông thường trong tháng 1.2020 trước đó. C.Nguyên

Nhóm phóng viên
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.