Sáng ngày 4.4. Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025 khai mạc hội nghị lần thứ 20 với nhiệm vụ trọng tâm là đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ quý II/2023.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh trong quý I/2023 chỉ 0,7% - thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 56/63 tỉnh, thành.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, tại hội nghị Thành ủy lần thứ 19, thành phố đã dự báo tình hình năm 2023 sẽ còn rất nhiều khó khăn thách thức, thậm chí có mặt khó khăn hơn năm 2022.
“Và thực tế đã và đang diễn ra như chúng ta biết. Trong bối cảnh đó nó đã tác động trực tiếp, sâu sắc nhiều mặt, ảnh hưởng đến kế hoạch phục hồi và phát triển của nước ta nói chung và thành phố nói riêng. Các chỉ số về kinh tế quý I cho thấy khá rõ những nỗ lực, quyết tâm chưa mang lại kết quả tích cực. Chúng ta chưa thể kiềm chế, ngăn chặn đà giảm sút để rồi phải chấp nhận mức tăng trưởng 0,7%” - ông Nên nói.
Người đứng đầu Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị, với tinh thần nghiêm túc, cầu thị cần đánh giá đúng mức những mặt khó khăn, hạn chế yếu kém.
“Vì sao chúng ta chưa làm được các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra như giải ngân đầu tư công thấp, vướng mắc trong tháo gỡ những việc liên quan đến doanh nghiệp. Tinh thần là làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan. Về chủ quan, nguyên nhân nào là cơ bản, trực tiếp và nguyên nhân nào sâu xa. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp phù hợp phát huy hiệu quả trong thời gian tới” – ông Nguyễn Văn Nên đề nghị.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Nên, từ khi thành phố công bố các chỉ số kinh tế trong quý I, có rất nhiều đóng góp của giới chuyên gia, nhà khoa học, nhà kinh tế trong và ngoài nước.
“Có rất nhiều ý kiến hay, người ta đề xuất ra những toa thuốc để khắc phục và vượt qua. Chúng ta cảm nhận sâu sắc và rất cảm ơn” – ông Nên nói.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, khi tình hình kinh tế thành phố diễn biến có những con số không được bình thường, nhất là tăng trưởng thấp thì rất nhiều người quan tâm. Đây là quan tâm thực sự, người ta mong muốn thành phố phát triển bởi thành phố là đầu tàu.
“Điều đó để ta tự xem lại mình. Người ta đưa ra lời nhắc nhở, những toa thuốc, vấn đề quan trọng là chúng ta phải nhìn nhận, chọn lựa và sử dụng nó như thế nào. Có nghĩa và bác sĩ đã ra toa thì quan trọng là người bệnh có thực sự muốn uống thuốc hay không. Chúng ta sẽ bàn sâu những điều đấy để vượt qua, không chấp nhận những điều thuộc về trách nhiệm chủ quan” – Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị.
Theo Cục thống kê TP Hồ Chí Minh, trong quý I, các ngành dịch vụ trọng yếu (chiếm hơn 60,4% GRDP của thành phố) có đến 4/9 ngành mức tăng trưởng âm, gồm: vận tải kho bãi (giảm 0,63%), thông tin và truyền thông (giảm 2,7%), kinh doanh bất động sản (giảm 16,2%), y tế và hoạt động cứu trợ xã hội (giảm 4,82%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng giảm 0,9% so với cùng kỳ. Ngoại thương tiếp tục gặp khó, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 10,1 tỉ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ ngoái. Môi trường kinh doanh còn bất lợi khi trong quý có 9.129 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng có tới hơn 13.200 doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động.
Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, ước chỉ 952 tỉ đồng, đạt 2,2% trong tổng vốn được giao (hơn 43.400 tỉ đồng).
Tuy vậy, kinh tế TP Hồ Chí Minh vẫn có những điểm sáng như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,5%. Thành phố đã đón gần 7,6 triệu lượt khách du lịch nội địa (tăng 7,2,1% so với cùng kỳ), hơn 1 triệu lượt khách quốc tế (tăng 100%) với tổng doanh hơn 36.100 tỉ đồng, tăng 77,2% so với cùng kỳ. Thành phố ghi nhận 216 dự án FDI cấp mới, tăng 70% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký cấp mới đạt 133 triệu USD, tăng 30%. Thu ngân sách đạt gần 125.000 tỉ đồng (đạt 26,57% dự toán).