Kiểm tra, giám sát phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá

VƯƠNG TRẦN |

Một trong những điểm mới của quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng là, công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng (Quy định 22).

Quy định này quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đối với các tổ chức Đảng và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định này áp dụng đối với tổ chức Đảng và đảng viên, bao gồm cả tổ chức Đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thế hoặc thay đổi do chia tách, sáp nhập về mặt tổ chức; đảng viên đã chuyển công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu.

So với quy định Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26.7.2016 của Trung ương khóa XII cùng về nội dung này, Quy định 22 có nhiều điểm mới và quy định chi tiết, cụ thể hơn.

Quy định 22 dành điều riêng quy định về nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát. Trong đó điểm mới đáng chú ý là quy định rõ, công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đồng thời, phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng.

Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục.

“Mọi tổ chức Đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ”, Quy định 22 nêu rõ.

Quy định mới về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng cũng bổ sung một điều về giải thích từ ngữ. Cạnh đó, quy định mới về quyền, trách nhiệm của đối tượng kiểm tra, giám sát.

Theo đó, Quy định 22 yêu cầu, các đối tượng kiểm tra, giám sát không để lộ nội dung kiểm tra, giám sát cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết; không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thu phát sóng khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát.

Các đối tượng kiểm tra, giám sát được sử dụng bằng chứng, chứng cứ liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát để báo cáo giải trình; bảo lưu ý kiến và đề nghị tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét lại nhận xét, đánh giá, kết luận, quyết định đối với mình hoặc việc thực hiện nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nội dung, yêu cầu, trách nhiệm, thẩm quyền của chủ thể kiểm tra, giám sát.

Nguyên tắc thi hành kỷ luật Đảng

Quy định 22 cũng dành một điều để quy định rõ nguyên tắc thi hành kỷ luật Đảng. Trong đó nêu rõ, Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi hoàn.

Khi kỷ luật một tổ chức Đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức Đảng…

Theo Quy định 22, kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại (trừ trường hợp có quy định khác).

Tổ chức đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, phải chỉ đạo hoặc đề nghị ngay với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời.

Khi các tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội đình chỉ công tác hoặc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải chủ động thông báo ngay cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó để xem xét, xử lý kỷ luật đảng. Sau khi giải quyết khiếu nại kỷ luật về Đảng, nếu có thay đổi hình thức kỷ luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo việc xem xét lại hình thức kỷ luật về hành chính, đoàn thể.

Đối với đảng viên là cấp uỷ viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp uỷ các cấp quản lý đã nghỉ hưu, nếu phát hiện có vi phạm khi đang công tác thì thẩm quyền thi hành kỷ luật của các tổ chức đảng được thực hiện như đang đương chức; nếu có vi phạm khi đã nghỉ hưu thì do tổ chức đảng quản lý đảng viên đó xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.

Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, bị bệnh nặng thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật. Trường hợp đảng viên vi phạm đã qua đời tổ chức đảng xem xét, không xử lý — kỷ luật, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trong các quy định về thi hành kỷ luật Đảng đối với đảng viên vi phạm pháp luật, một số quy định cũng được nêu chi tiết hơn.

Quy định 22 nêu rõ, đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức Đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của toà án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiếm toán; không cần quyết định cho đảng viên, cấp uỷ viên trở lại sinh hoạt mới xem xét, xử lý kỷ luật.

Sau khi có bản án hoặc quyết định của toà án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, nếu thấy cần thiết, tổ chức Đảng có thẩm quyền kỷ luật xem xét lại việc kỷ luật Đảng đối với đảng viên đó.

Việc cho phép sử dụng các nội dung vi phạm pháp luật do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp để chủ động kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên là điểm mới so với quy định năm 2016.

Về thi hành kỷ luật Đảng với đảng viên vi phạm pháp luật, Quy định 22 cũng nêu rõ, đối với Đảng viên có vi phạm bị truy nã hoặc bị toà án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định khai trừ hoặc xoá tên trong danh sách đảng viên (đối với đảng viên dự bị), không phải theo quy trình thi hành kỷ luật.

Tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định khai trừ hoặc xoá tên đảng viên thông báo bằng văn bản cho chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt và các tổ chức đảng nơi đảng viên đó là thành viên.

Đảng viên, cấp uỷ viên bị toà án tuyên phạt hình phạt thấp hơn hình phạt cải tạo không giam giữ, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, tổ chức đảng có thẩm quyền phải quyết định cho đảng viên trở lại sinh hoạt đảng, cấp uỷ viên trở lại sinh hoạt cấp uỷ và xem xét để quyết định xử lý kỷ luật theo đúng quy trình.

Quy định 22 cũng nêu rõ cơ cấu tổ chức và số lượng ủy viên Ủy ban kiểm tra các cấp:

Ủy ban Kiểm tra Trung ương có từ 19 - 21 ủy viên chuyên trách; trong đó không quá 1/3 là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm; số lượng Phó Chủ nhiệm do Bộ Chính trị quyết định.

Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương có từ 9 - 11 ủy viên do cấp ủy quyết định, trong đó có 2 ủy viên kiêm chức (Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban tổ chức của cấp ủy là cấp ủy viên và chánh thanh tra tỉnh, thành phố). Riêng Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TP.HCM số lượng từ 13 - 15 ủy viên; Thanh Hoá, Nghệ An có từ 11 - 13 ủy viên.

Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương có 11 - 13 ủy viên do Quân ủy Trung ương quyết định. Trong đó có 8 - 10 ủy viên chuyên trách và từ 3 - 5 ủy viên kiêm chức bao gồm: Chủ nhiệm Ủy ban là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Cục trưởng Cục Tổ chức; Cục trưởng Cục Cán bộ; Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng; có 2 - 3 ủy viên là Ủy viên Quân ủy Trung ương.

Ủy ban Kiểm tra Đảng uỷ Công an Trung ương có từ 11 - 13 ủy viên do Đảng ủy Công an Trung ương quyết định. Trong đó có từ 8 - 10 ủy viên chuyên trách và 3 - 5 ủy viên kiêm chức (bao gồm: Chủ nhiệm Ủy ban là Phó Bí thư hoặc ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Chánh Thanh tra Bộ Công an); có từ 2 - 3 ủy viên là ủy viên Đảng uỷ Công an Trung ương.

VƯƠNG TRẦN
TIN LIÊN QUAN

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 3 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII

ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG |

Từ ngày 11 đến ngày 14.5.2021, tại Hà Nội, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ ba. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.

Thực hiện quy trình bầu các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

Vương Trần |

Ngày 2.2.2021, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII đã họp Kỳ thứ nhất.

Tăng cường kiểm tra giám sát, không để cán bộ “dính chàm”

TRẦN VƯƠNG |

PGS.TS Nguyễn Văn Giang - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trong sinh hoạt Đảng cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục cán bộ, sớm phát hiện ra những sai phạm, ngăn chặn kịp thời những sai lầm không để “dính chàm”. Đồng thời, cần xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm để cảnh tỉnh, răn đe và làm bài học cho những người khác.

Tiến Linh: Tết vui nhất khi có gia đình

Thanh Vũ |

Thường xuyên thi đấu xa nhà, với Tiến Linh, dịp Tết là thời gian quý báo để anh có thể đoàn tụ cùng gia đình cũng như hướng đến những mục tiêu mới cho bản thân trong tương lai.

Chuyên gia hướng dẫn cách bảo quản đồ ăn ngày Tết an toàn

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người có thói quen tích trữ thực phẩm, làm nhiều đồ ăn để ăn uống, tiếp khách. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, nếu thực phẩm không được bảo quản tốt có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Những vật thể kỳ lạ nhất trong vũ trụ

Anh Vũ |

Hành tinh của chúng ta đại diện cho sự sống, một phần rất nhỏ của các hiện tượng đặc biệt có thể được tìm thấy khắp vũ trụ. Mỗi ngày, các nhà thiên văn học lại đưa ra những điều ngạc nhiên mới về khoảng không bao la ngoài kia.

Khu trọ của những người xa quê ở lại Bình Dương ngày giáp Tết

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Những dãy trọ ở Bình Dương ngày giáp Tết vắng hẳn người. Không gian lắng đọng lại với những người lao động xa quê vì điều kiện kinh tế khó khăn không thể về quê đón Tết, sum họp cùng người thân.

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy |

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 3 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII

ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG |

Từ ngày 11 đến ngày 14.5.2021, tại Hà Nội, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ ba. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.

Thực hiện quy trình bầu các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

Vương Trần |

Ngày 2.2.2021, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII đã họp Kỳ thứ nhất.

Tăng cường kiểm tra giám sát, không để cán bộ “dính chàm”

TRẦN VƯƠNG |

PGS.TS Nguyễn Văn Giang - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trong sinh hoạt Đảng cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục cán bộ, sớm phát hiện ra những sai phạm, ngăn chặn kịp thời những sai lầm không để “dính chàm”. Đồng thời, cần xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm để cảnh tỉnh, răn đe và làm bài học cho những người khác.