Đưa tiêu chí hạnh phúc vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng:

Khát vọng phồn vinh, hạnh phúc - Hà Nội phải mẫu mực, đi đầu

Trần Vương - Minh Bằng - Phạm Đông |

Một trong những điểm mới của dự thảo văn kiện lần này là “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, đặc biệt nhấn mạnh yếu tố “hạnh phúc” của nhân dân. Hà Nội với vai trò là thủ đô, phải là nơi đi đầu và là thành phố hạnh phúc.

“Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được lấy ý kiến tại Đại hội Đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở và hiện nay đang lấy ý kiến tại Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, thành phố, Đảng bộ trực thuộc Trung ương.

GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết một trong những điểm mới của dự thảo văn kiện lần này là “khát vọng phát triển đất nước”. Ban đầu, có ý kiến cho rằng khát vọng đó phải là “xây dựng một nước Việt Nam hùng cường”. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc toàn diện, Tiểu ban văn kiện mới đây đã báo cáo Bộ Chính trị đưa vào dự thảo “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, đặc biệt nhấn mạnh yếu tố “hạnh phúc” của nhân dân.

Mới đây, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã đưa yếu tố “hạnh phúc” vào trong Nghị quyết Đại hội Đảng. Tân Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy cho hay, chỉ số hạnh phúc được đo lường dựa trên 3 chỉ số chính là sự hài lòng về cuộc sống, môi trường sống và tuổi thọ trung bình. Theo ông Đỗ Đức Duy - việc đưa yếu tố hạnh phúc vào chủ đề Đại hội với mục tiêu xây dựng đời sống hạnh phúc cho nhân dân. Tiêu chí hạnh phúc cũng sẽ là một tiêu chí để các đơn vị phấn đấu trong nhiệm kỳ mới.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa yếu tố “hạnh phúc” vào trong Nghị quyết Đại hội Đảng cấp tỉnh cũng như xuất hiện trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng được xem là một điểm nhấn quan trọng. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi vai trò của nhân dân và mục tiêu phục vụ nhân dân ngày càng được thể hiện trong các văn kiện của Đảng.

Trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Đây là điểm nhấn trong dự thảo Văn kiện lần này, tính con người, tính nhân văn đậm hơn. Theo TS Nguyễn Viết Chức, trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc. Vì vậy, dự thảo văn kiện đặt vấn đề nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh là “rất cần thiết”. Theo ông Chức, yếu tố hạnh phúc cũng chính là một chỉ số để đo chất lượng sống con người. Mục tiêu xuyên suốt của Đảng ta cũng là phục sự nhân dân, phục vụ cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Cũng theo TS Nguyễn Viết Chức, vừa qua tỉnh Yên Bái đã đưa tiêu chí “hạnh phúc” vào trong Nghị quyết Đại hội Đảng kèm theo những tiêu chí đo lường cụ thể và chương trình hành động để thực hiện mục tiêu đó. Đây là điều rất đáng hoan nghênh. Với các địa phương khác cũng có thể nghiên cứu, tham khảo về chỉ số này. Tuy nhiên, cách diễn đạt trong văn kiện của từng địa phương thì có thể khác nhau. Có thể nói cách khác đó là “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân hay chăm lo đời sống vật chất của nhân dân”… Cách đưa không nhất thiết phải giống hệt nhau nhưng tựu chung lại chính là tinh thần phục vụ để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Hà Nội phải là thành phố hạnh phúc

Mới đây, trong buổi làm việc giữa tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: “Yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn các địa phương khác. Hà Nội phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về tất cả mọi phương diện, lâu nay đã quyết tâm rồi, đại hội này cần có bước chuyển biến mới - đây là yêu cầu khách quan. Nói đến Hà Nội phải nói đến toàn diện các lĩnh vực, phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng phải chú trọng văn hóa, Hà Nội phải văn minh, thanh lịch, cụ thể hóa tiêu chí xây dựng người Hà Nội, xây dựng thủ đô, đặc biệt là vấn đề quản lý đô thị, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não trung ương...”.

“Hà Nội trước hết là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa, tiêu biểu cho nền văn hóa Việt Nam, phát triển kinh tế nhưng phải có văn hóa, có quy hoạch, không phát triển tự do, lộn xộn... đã làm thì dứt điểm, đúng kế hoạch” - Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nói - “Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, vì Hà Nội là thủ đô của cả nước, thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, bộ mặt của Quốc gia, trái tim của cả nước, thành phố vì hòa bình. Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu cao như bây giờ”.

Khi đưa ra yêu cầu với Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đã nhắc đến nội hàm của khái niệm “hạnh phúc” cho người dân. Cụ thể, không chỉ phát triển kinh tế mà Hà Nội còn phải văn hoá, văn minh, thanh lịch, an toàn.

Trên thực tế, đây là vấn đề của Hà Nội. Mặc dù báo cáo có đưa ra GRDP bình quân đầu người của Hà Nội ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước nhưng với người Hà Nội, còn rất nhiều vấn đề nóng liên quan đến sự hưởng thụ của người dân vẫn còn chưa được giải quyết.

Đô thị hạnh phúc, thành phố hạnh phúc là nơi là nơi người dân được đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống. Sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Hà Nội đã phát triển hơn, đời sống nhân dân khấm khá hơn. Nhưng đô thị Hà Nội đã là nơi đáng sống chưa, phát triển đô thị bền vững chưa, thì có thể khẳng định là chưa.

Có thể chỉ ra ngay một loạt những vấn đề mà người dân đang bức xúc: Đó là việc quy hoạch hạ tầng giao thông và hạ tầng xây dựng không đồng bộ, xây dựng tràn lan, các tuyến đường sắt đô thị ngổn ngang chậm tiến độ, đội vốn, việc di dời các nhà máy ra khỏi nội đô thiếu triệt để. Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, rác thải đang trực tiếp tác động lên sức khoẻ người Hà Nội.

Nếu nói Hà Nội là trái tim của cả nước thì trái tim ấy phải khoẻ (kinh tế vững), mạch máu lưu thông tốt (hệ thống giao thông đảm bảo) và sạch (vấn đề môi trường được xử lý) và phải biết yêu thương (có văn hoá).

Hà Nội đang có xu hướng trở thành một đô thị lớn, xa hơn là một đô thị thông minh nhưng cần một hướng đi với những tiêu chí cụ thể để đáp ứng yêu cầu cao của cuộc sống, như được phục vụ bởi các dịch vụ công, có việc làm với thu nhập tốt, có nhà ở không đắt đỏ, đi lại thuận tiện, có không gian công cộng, có cuộc sống thân thiện với thiên nhiên, với cộng đồng và an toàn, không bạo lực. Với Hà Nội, còn là sự bền vững và luôn giữ được sức sống, phải có bàn tay chăm sóc của con người, phải mang giá trị nhân văn, văn hóa, bản sắc riêng đúng với yêu cầu “Hà Nội là thủ đô của cả nước, thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, bộ mặt của quốc gia, trái tim của cả nước, thành phố vì hòa bình” của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước.

Hà Nội chỉ thực sự trở thành nơi hạnh phúc khi có được sự hài lòng của người dân. Đây chính là lúc Hà Nội thể hiện vai trò đầu tàu, vai trò dẫn dắt khi tiêu chí hạnh phúc vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng để hoàn thành “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội: Điều quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc

Tùy từng nơi, từng địa phương thì cách diễn tả có thể khác nhau nhưng nhìn chung đều lấy chất lượng cuộc sống của người dân làm trọng tâm về chỉ số hạnh phúc, tránh cách nói chung chung và người đề xuất cần nêu rõ nội hàm của nó là gì. Môi trường sống trong lành, an toàn, tuổi thọ kéo dài nhưng chất lượng cuộc sống phải tốt thì mới có hiệu quả, ý nghĩa. Hạnh phúc của nhân dân phải là sự hài lòng trong phạm vi phổ quát và mang tính toàn diện ở tất cả các mặt như giáo dục, y tế, môi trường... Điều quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Trong mỗi công việc và hoạt động thì nhân dân phải là chủ thể và đặc biệt coi trọng nhân dân. Hà Nội cần tiếp tục phát triển tư duy về nhân dân mà trước đây nói là cơ chế dân chủ để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.

Hà Nội cần tập trung vào các chỉ số hạnh phúc thông qua các tiêu chí người dân hài lòng về cuộc sống, môi trường, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, hài lòng về cơ quan công quyền, các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để có chỉ số hạnh phúc, Hà Nội phải tìm hiểu xem người dân đang mong muốn điều gì; cuộc sống của người dân ra sao. Muốn hiểu dân thì phải gần dân, không quan liêu, ngồi bàn giấy dự thảo các chỉ thị, nghị quyết. Cần phải xuống cơ sở, hòa mình với người dân, lắng nghe ý kiến của dân, chống xa dân.

Đại biểu QH Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn TP.Hà Nội): Cần xem xét đo lường hạnh phúc

Hà Nội cần có sự tính toán về các chỉ số hạnh phúc nếu đưa vào áp dụng. Cần tính toán hợp lý xem có thực hiện được không, thực hiện được đến đâu và cần những điều kiện gì. Trước tiên lãnh đạo Thành phố cần gương mẫu thực hiện, đảm bảo hài hòa các vấn đề, tăng cường sự bảo vệ môi trường thiên nhiên, không để tình trạng chênh lệch giàu nghèo quá xa sẽ không có được hạnh phúc. Không được đánh đổi môi trường lấy kinh tế thì mới có sự phát triển đột phá. Chỉ số hạnh phúc có thể được áp dụng thí điểm tại một vài địa phương, phải có tiêu chuẩn cụ thể chứ không đặt quá cao. Khi đề ra chỉ số cao mà lại không thể thực hiện được sẽ rất mất uy tín. Hà Nội hiện nay vẫn đang phát triển nên cần xem xét đo lường hạnh phúc thông qua các tiêu chí hài lòng về cuộc sống, môi trường, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, hài lòng về cơ quan công quyền. Trần Vương (thực hiện)

Trần Vương - Minh Bằng - Phạm Đông
TIN LIÊN QUAN

Đưa chỉ số hạnh phúc vào báo cáo Đại hội Đảng

Lê Thanh Phong |

“Chúng tôi có theo dõi và thấy rằng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần đầu tiên đưa chỉ số hạnh phúc của nhân dân vào trong báo cáo. Đây là điều đặc sắc của Yên Bái” - Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh trong phát biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX ngày 23.9.

Bí thư Yên Bái: Chỉ số hạnh phúc không đặt những vấn đề quá phức tạp

VƯƠNG TRẦN (THỰC HIỆN) |

Tân Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy cho hay, chỉ số hạnh phúc được đo lường dựa trên 3 chỉ số chính là sự hài lòng về cuộc sống, môi trường sống và tuổi thọ trung bình.

“Không ngừng đem lại hạnh phúc cho dân ngày càng cao, thì đó mới là người cộng sản chân chính”

NGUYỄN HUY MINH (ghi) |

LTS: Chúng tôi đã có nhiều lần may mắn được gặp và phỏng vấn Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, lúc ông còn đương chức cũng như khi đã nghỉ hưu. Được tin ông từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7.8.2020 tại Hà Nội, mở lại xem những lời ông từng trả lời phỏng vấn trước đây, chúng tôi vẫn thấy ở đó vẹn nguyên những vấn đề thời sự. Xin trân trọng trích giới thiệu cùng bạn đọc một phần tâm sự của ông.

Lì xì mùa Tết hết cả tháng lương

Phương Minh |

"Để chuẩn bị tiền lì xì một mùa Tết đi tong cả tháng lương của tôi, thậm chí phải hơn khi tiền lì xì cũng leo thang theo giá cả" - chị Phạm Ngọc Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ khi được hỏi về việc lì xì đầu năm.

Hàng nghìn người lỉnh kỉnh đồ đạc xuống Ga Thanh Hóa để về quê đón Tết

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão - 2023, tại nhà Ga Thanh Hóa đã đón hàng nghìn người về quê ăn Tết. Tại đây, nhiều người lỉnh kỉnh đồ đạc, “tay xách nách mang” hối hả ra xe người thân chờ sẵn để về đón Tết đoàn viên cùng gia đình.

Người dân chen chân trong siêu thị ngày cận Tết mua hàng giảm giá, bình ổn

THUỲ TRANG |

Đà Nẵng - Với nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá, các siêu thị đang thu hút lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm Tết.

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Đưa chỉ số hạnh phúc vào báo cáo Đại hội Đảng

Lê Thanh Phong |

“Chúng tôi có theo dõi và thấy rằng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần đầu tiên đưa chỉ số hạnh phúc của nhân dân vào trong báo cáo. Đây là điều đặc sắc của Yên Bái” - Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh trong phát biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX ngày 23.9.

Bí thư Yên Bái: Chỉ số hạnh phúc không đặt những vấn đề quá phức tạp

VƯƠNG TRẦN (THỰC HIỆN) |

Tân Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy cho hay, chỉ số hạnh phúc được đo lường dựa trên 3 chỉ số chính là sự hài lòng về cuộc sống, môi trường sống và tuổi thọ trung bình.

“Không ngừng đem lại hạnh phúc cho dân ngày càng cao, thì đó mới là người cộng sản chân chính”

NGUYỄN HUY MINH (ghi) |

LTS: Chúng tôi đã có nhiều lần may mắn được gặp và phỏng vấn Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, lúc ông còn đương chức cũng như khi đã nghỉ hưu. Được tin ông từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7.8.2020 tại Hà Nội, mở lại xem những lời ông từng trả lời phỏng vấn trước đây, chúng tôi vẫn thấy ở đó vẹn nguyên những vấn đề thời sự. Xin trân trọng trích giới thiệu cùng bạn đọc một phần tâm sự của ông.