"Hoạt động đăng kiểm chắc chắn sẽ quay trở lại bình thường"

NHÓM PV |

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời về trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa...

Quốc hội kết thúc phiên làm việc buổi chiều 

17h: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với 5 đại biểu chất vấn và 3 đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng sẽ đưa ra câu trả lời trong phiên họp sáng mai 8.6.

Tất nhiều nội dung đào tạo giấy phép lái xe không phù hợp

16h50: Phát biểu tranh luận, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) nêu thực tế các vướng mắc bất cập hiện nay trong đào tạo, cấp phép lái xe, lãng phí nguồn lực về thời gian cho xã hội và khó thực hiện chuyển đổi số hiện nay. Việc đào tạo, sát hạch lái xe là hoạt động nghề nghiệp, theo quy định có hình thức đào tạo chính quy và thường xuyên nhưng hệ thống pháp luật còn chưa thống nhất, gây khó khăn cho cử tri và nhân dân.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước tranh luận. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước tranh luận. Ảnh: Quốc hội

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết bộ đang điều chỉnh những vấn đề không phù hợp thông qua thông tư, sắp tới cập nhật bổ sung vào Luật Đường bộ để có cơ chế rõ ràng trong việc quản lý, đào tạo, nâng cao chất lượng.

“Quá trình chúng tôi đi kiểm tra thấy rằng rất nhiều nội dung đào tạo không phù hợp. Như đại biểu nói là câu chuyện cứ bắt phải học trực tiếp, trong khi lý thuyết nếu học trực tuyến vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả. Tất cả việc này đã được Bộ ghi nhận hết và sẽ xử lý rất sớm trong thời gian tới’, ông Thắng nói.

Bộ GTVT khó nhất là không có tiền

16h45: Tranh luận sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng về hai cây cầu ở Bắc Giang, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho biết hàng ngày, hàng nghìn xe tải chở thanh long, sầu riêng và hoa quả khác đang ùn tắc tại địa phận hai cây cầu này, có trường hợp phải bán giải cứu.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tranh luận. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tranh luận. Ảnh: Quốc hội

Theo ông Hạ, nút thắt nằm ở chỗ chỉ có một chiều đi, một chiều về ở cùng một cây cầu. Trong khi đây là con đường huyết mạch, ngắn nhất để từ mũi Cà Mau thông thương với Trung Quốc. Hiện, mới tháo gỡ được nút thắt này ở cầu Như Nguyệt, còn một cây cầu là Xương Giang tắc vẫn hoàn tắc, không giải quyết được.

Về cầu Cẩm Lý, đây là cây cầu được xây dựng từ thập niên 70. Đến nay, cả nước chỉ có một cây cầu đi cả đường bộ lẫn đường sắt, nối thông với Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh. Vấn đề này cần phải tháo gỡ ngay.

“Vậy tôi xin hỏi bộ trưởng, hiện Bắc Giang còn thiếu thủ tục nào, còn phải gặp đến những ai thì mới được đầu tư vào cây cầu đó? Bây giờ chính vì nhờ vào bán vải, chờ bán vải nên mười mấy năm nay kêu gọi trước Quốc hội mà không làm được nổi. Tôi hy vọng nhờ bài phát biểu của Bộ trưởng hôm nay thì vải của Bắc Giang sẽ tốt hơn”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết trường hợp cầu Như Nguyệt được thực hiện đầu tư rất khẩn cấp vì cây cầu này thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông. Trong trường hợp cấp bách, Chính phủ giao cho tỉnh thực hiện việc đầu tư. Dự kiến cuối năm nay, cầu được thông xe.

“Còn với cầu Xương Giang, phía bộ đã làm xong rồi. Nôm na là bây giờ tất cả thẩm định, tờ trình Bộ đã trình đến Chính phủ xong rồi, chỉ chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt để có nguồn để làm. Còn cầu Cẩm Lý, chúng tôi tiếp tục ghi nhận và thực ra là vấn đề đầu tiên là tiền đâu, Bộ GTVT khó nhất là không có tiền”, ông Thắng nói.

Bộ trưởng cũng lý giải việc đầu kỳ có danh mục rõ ràng, nhưng “giờ phải chờ xem có xuất hiện nguồn nào không”. Ông mong Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm cho Bắc Giang để xử lý vấn đề này.

16h35: Làm hết sức mình, tháo gỡ triệt để bảo vệ nhà đầu tư dự án BOT

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho biết, sau phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo sửa đoạn Quốc lộ 1A, đoạn qua thành phố Dĩ An và giao Tổng cục Đường bộ làm thủ tục bàn giao đoạn đường cho địa phương quản lý, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Đại biểu cũng nêu thực trạng nhiều dự án BOT trên cả nước chưa được thực hiện, đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm khi chưa thực hiện triệt để Nghị quyết 62 của Quốc hội, giải pháp sắp tới là gì?

Trả lời đại biểu Nguyễn Quang Huân, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và kiểm tra thực tiễn triển khai thực hiện và xử lý. Về số trạm thu phí theo Nghị quyết 612, Bộ đã triển khai nhưng nhiều vướng mắc, đặc biệt liên quan hợp đồng kí kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, nhà nước hay doanh nghiệp đều bình đẳng khi kí hợp đồng.

Thực tiễn liên quan đến các trạm thu phí, Bộ trưởng cho biết, có trạm đã xử lý được, có trạm cần tiếp tục đàm phán. Ông nhấn mạnh phấn đấu đạt mục tiêu đề ra, theo đó phải đàm phán với các bên liên quan như các ngân hàng, nhà đầu tư. Bộ trưởng cho biết thêm, thực tế một số dự án không phải lỗi do nhà đầu tư, không phải do nhà nước mà do nhu cầu thực tiễn phát sinh, yêu cầu đòi hỏi về sự phát triển nên cần mở thêm tuyến.

Trả lời về xử lý trạm BOT, Bộ trưởng GTVT cho biết Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ làm theo quy trình, làm hết sức mình tháo gỡ triệt để bảo vệ nhà đầu tư đầu tư dự án BOT, nhưng do điều kiện khách quan bị ảnh hưởng quyền lợi. Tất cả căn cứ vào hợp đồng để xử lý mà không phải có đặc quyền, đặc lợi cho nhà đầu tư, Bộ trưởng nêu rõ. Đồng thời, tiếp nhận một số phản ánh của đại biểu, Bộ trưởng GTVT cho biết sẽ trực tiếp kiểm tra, rà soát các nội dung cụ thể.

16h30: Chi phí logistics của Việt Nam ở mức cao so với thế giới

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên - Huế) về giải pháp giảm chi phí vận tải và chi phí logistics, Bộ trưởng GTVT cho biết chi phí này những năm qua đã được cải thiện đáng kể. “Đến 2022, chi phí logistics chiếm 16,8% GDP, trong khi những năm trước là 21% GDP, ở mức rất cao”, ông Thắng thông tin. Theo kế hoạch hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ phấn đấu đến năm 2025, chi phí logistics sẽ đạt mức 16-20%. “Hiện ở mức tiệm cận rồi nhưng vẫn ở mức cao so với thế giới (11%)”, ông Thắng so sánh.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế). Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế). Ảnh: Quốc hội

Nêu nhiều giải pháp, tư lệnh ngành GTVT nhấn mạnh cần đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối cảng biển với cao tốc và đường thủy nội địa. Tiếp theo, cần rà soát, nghiên cứu chính sách giá, chi phí vận tải và các nội dung liên quan phí đường bộ, lệ phí ra vào cảng biển… “Cần ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến vận hành chi phí khai thác logistics để các doanh nghiệp có thể giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh”, ông Thắng nói. Giải pháp cuối cùng, ông cho rằng nên ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát chi phí, giảm thời gian tiếp nhận tàu ra vào và tăng năng suất khai thác.

16h20: Có tới 600 lãnh đạo, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố vì sai phạm đăng kiểm

Tranh luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật) nói về việc Bộ trưởng cho rằng việc đăng kiểm phương tiện cơ giới hiện nay không đáng lo. Nhưng ông Nguyễn Trường Giang cho rằng điều này chỉ đúng một phần. Giải pháp cấp bách như kéo giãn chu kỳ đăng kiểm với phương tiện cá nhân chỉ là trước mắt. 75% các trung tâm đăng kiểm hiện nay là do các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện. Doanh nghiệp khi đầu tư phải thu hồi lại vốn, nhưng với cơ chế tài chính hiện nay thì họ rất khó duy trì được trung tâm đăng kiểm mà họ đã xin phép lập ra.

Đơn cử việc giãn chu kỳ đăng kiểm thì các trung tâm đăng kiểm tư nhân không có việc làm, không có thu nhập, nên đăng kiểm viên sẽ đi nơi khác. Doanh nghiệp vì thế sẽ phá sản. Do vậy, ông Nguyễn Trường Giang đề nghị cần đổi mới cơ chế tài chính. Khi xã hội làm được thì cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước làm. "Đây mới là giải pháp lâu dài, chứ chỉ kéo giãn chu kỳ đăng kiểm mà vẫn giữ cơ chế tài chính cũ thì rất khó giữ các trung tâm đăng kiểm ngoài nhà nước", ông Giang bày tỏ.

Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Nguyễn Trường Giang, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua hết sức nghiêm trọng, gây ra hệ lụy lớn, khi doanh nghiệp, người dân phải chờ đợi trong hoạt động đăng kiểm. Có tới 600 lãnh đạo, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố, trong 281 đơn vị đăng kiểm thì có tới 106 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa. Vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tập trung tháo gỡ, khôi phục hoạt động đăng kiểm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

“Ngay từ khi về nhận công tác, tôi cũng đã chủ động trong việc nghiên cứu để làm thế nào điều chỉnh lại quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Vừa qua, chúng tôi triển khai song song hai việc: Thứ nhất khôi phục lại hệ thống đăng kiểm, trung tâm đăng kiểm; thứ hai là thực hiện rà soát hoạt động đăng kiểm, giúp hoạt động đăng kiểm hiện đại, thông thoáng, chặt chẽ.

Bộ đã ban hành Thông tư 02 thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới và giãn chu kỳ đăng kiểm để phù hợp với quy định của các nước trong khu vực. Đồng thời sửa đổi Thông tư 16, ban hành Thông tư 08 cho việc khi giãn chu kỳ đăng kiểm phải tự động giãn, không cần thiết phải mang xe đến, khám xe rồi cấp tem kiểm định. Điều này vừa đỡ lãng phí, đỡ mất công của người dân, tiết kiệm thời gian cho 1,390 triệu xe.

Cùng với việc đó, còn 3 việc nữa phải xử lý nốt để hoạt động đăng kiểm chắc chắn sẽ quay trở lại bình thường, đó là phải thực hiện việc điều chỉnh cơ chế tài chính. Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Luật Giá để loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá mà chúng ta đang quản lý để thị trường quyết định. Có như vậy mới đảm bảo thu nhập cho các đăng kiểm viên. Ngoài ra, tiếp tục tập trung đào tạo, tuyển dụng cán bộ đăng kiểm để có đủ lực lượng bố trí cho tất cả trung tâm đăng kiểm. Cùng với việc điều chỉnh, giãn các kỳ đăng kiểm, ứng dụng công nghệ thông tin, đăng ký đăng kiểm, thanh toán qua mạng, có như vậy thì áp lực cho đăng kiểm sẽ giảm”, ông nói.

16h: Chủ doanh nghiệp vận tải ép tài xế chạy xuyên đêm dẫn đến buồn ngủ gây tai nạn

Đại biểu Nguyễn Thị Huế -  Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chất vấn, tại báo cáo của Bộ gửi đại biểu có nêu, theo thống kê, tai nạn do xe kinh doanh vận tải gây ra chiếm khoảng 50% các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, mà nguyên nhân là nhiều đơn vị kinh doanh vận tải chưa chấp hành nghiêm quy định như giao phương tiện cho người chưa được khám sức khỏe; ép thời gian giao hàng hoặc tăng chuyến khi lái xe tải chạy quá giờ, chạy quá tốc độ, chạy xuyên ngày đêm dẫn tới buồn ngủ, gây tai nạn. Đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị bộ trưởng có giải pháp gì để siết lại tình trạng này?

Thứ hai, thời gian qua, tại một số địa phương, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe còn nhiều hạn chế như đào tạo vượt số lượng được cấp phép, công tác kiểm tra, giám sát có nơi chưa thực hiện, công tác giám sát học và thi sát hạch còn hình thức, còn tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy và người không đủ năng lực hành vi, không đủ sức khỏe. Đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để chấm dứt tình trạng trên nhằm nâng cao chất lượng công tác này.

Thừa nhận có thực trạng chủ doanh nghiệp vận tải ép tài xế chạy xuyên đêm dẫn đến buồn ngủ gây tai nạn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết đây là thực tế. Vừa qua, báo chí, dư luận đã phản ánh cần nghiêm khắc hơn với vấn đề này. Cách đây 3 năm, một vụ tai nạn giao thông ở Quảng Bình dẫn đến 15 người thiệt mạng, cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự vụ tai nạn, lái xe gây tai nạn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng khởi tố cả chủ doanh nghiệp vì hành vi buông lỏng quản lý, giao xe cho người có bằng lái không phù hợp.

 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội 

Ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng đây là hành động rất cần thiết để chúng ta thực hiện trong thời gian tới. Trong Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ ngày 19.4.2023, Thủ tướng đã yêu cầu đối với các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, chủ tịch UBND tỉnh phải chủ trì đánh giá nguyên nhân, cá thể hóa trách nhiệm cho các đơn vị liên quan.

Về vấn đề đào tạo sát hạch lái xe, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết vừa qua đã thanh tra toàn diện việc sát hạch lái xe tại 63 tỉnh, thành, ghi nhận vấn đề về chất lượng đào tạo, sát hạch như việc cấp giấy phép lái xe cho người nghiện… Bộ trưởng cho biết khi phát hiện đã chỉ đạo thanh tra Bộ xử lý nghiêm, chuyển 6 hồ sơ sang cơ quan công an. Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện thông tư, siết chặt quản lý để không tái diễn việc cấp phép lái xe cho đối tượng nghiện. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo các sở GTVT xử lý nghiêm, do lĩnh vực này đã phân cấp phân quyền toàn bộ xuống cho địa phương. Bộ sẽ hoàn thiện văn bản pháp luật để tạo điều kiện cho địa phương quản lý.

15h50: Tuyến BOT trên Quốc lộ 1A giảm tới 83% doanh thu do có tuyến đường song hành, tuyến tránh

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) nêu rõ, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, của ngành GTVT, nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đến nay, một số doanh nghiệp không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ GTVT đầu tư bằng ngân sách nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án.

Đại biểu nêu dẫn chứng, cử tri phản ánh và bức xúc khi nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT, sau khi đưa vào sử dụng chưa được 1 năm thì Bộ GTVT đầu tư từ ngân sách nhà nước tuyến tránh thị xã Buôn Hồ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp và doanh nghiệp đang đứng bên bờ phá sản. Đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình và phương án giải quyết vấn đề trên.

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn Gia Lai tranh luận. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn Gia Lai tranh luận. Ảnh: Quốc hội

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, trong quá trình phát triển của đất nước, có chiến lược phát triển hạ tầng giao thông cũng rất khó tính toán hết được. Cách đây 15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông của chúng ta rất lớn, trong khi nguồn lực có hạn. Thời điểm đó, chúng ta kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia. Đến khi kinh tế - xã hội phát triển, chúng ta xây dựng các quy hoạch, chiến lược, cùng với sự phát triển thực tiễn, khi rà soát lại vẫn cần tiếp tục xây dựng hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối. Chính vì vậy, những dự án sẽ bị ảnh hưởng.

Sắp tới, khi chúng ta hoàn thành dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bị chia sẻ lưu lượng. “Đơn cử, vừa rồi khánh thành tuyến đường từ Bình Thuận - Dầu Giây – Phan Thiết, riêng tháng vừa rồi, tuyến BOT trên Quốc lộ 1A giảm tới 83% doanh thu tại Bình Thuận, chỉ còn 17%, vì đi những tuyến này vừa nhanh, vừa vắng, lại không mất tiền. Chính vì vậy, ngay trong Luật PPP, chúng ta đã thiết kế khi một dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp, nếu doanh thu vượt quá 125% so với dự tính thì nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho nhà nước; còn nếu doanh thu thấp hơn 75% theo dự kiến thì nhà nước phải chia sẻ.

Riêng dự án này, đúng là khi chúng ta làm tuyến tránh thì dự án BOT Quang Đức bị ảnh hưởng. Thời điểm đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến giao Bộ GTVT nghiên cứu, trình phương án mua lại của nhà đầu tư. Sắp tới, cùng với việc trình, tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội về cơ chế thu phần vốn nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc, Bộ GTVT cũng sẽ tham mưu Chính phủ trình về cơ chế xử lý với các dự án BOT bị ảnh hưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

15h30: Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) đặt câu hỏi về dự án tuyến đường sắt Yên Viên – Cái Lân được triển khai từ năm 2005 hiện đang bị dừng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Sau 18 năm với gần 60% kinh phí đã được thực hiện, hiện dự án đang rơi vào tình trạng “cầu chờ đường, đường chờ đá lắp ray” gây lãng phí rất lớn, ảnh hưởng tới người dân tại hành lang đường sắt.

“Dự án có được tiếp tục thực hiện hay không? Khi nào thực hiện? Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết những tồn đọng kéo dài nêu trên?”, đại biểu chất vấn.

Đại biểu Trần Thị Vân. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Trần Thị Vân. Ảnh: Quốc hội

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án đường sắt này là sự nhức nhối của cử tri tỉnh Quảng Ninh. Dự án trước đây đã phê duyệt và triển khai từ năm 2005 nhưng do khó khăn về ngân sách nên năm 2011 phải dừng lại theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Hiện nay, dự án vẫn đang triển khai dở dang.

Vừa qua, Bộ GTVT đã tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở ý kiến của tư vấn, thấy rằng tuyến đường này rất cấp thiết. Chính vì vậy, Bộ GTVT đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành Nghị quyết của Chính phủ về phát triển đường sắt, trình Bộ Chính trị và trong Kết luận 49 của Bộ Chính trị đã yêu cầu tuyến đường sắt này phải được triển khai trước năm 2030. “Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến của đại biểu và tiếp tục tham mưu cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, bố trí nguồn vốn thực hiện. Bộ GTVT ủng hộ tiếp tục hoàn thiện tuyến đường sắt Yên Viên – Cái Lân”, ông Nguyễn Văn Thắng nói.

13h25: Hiện chỉ còn 2 tỉnh có trung tâm đăng kiểm chưa mở lại

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đặt câu hỏi chất vấn về việc cử tri đề nghị mở lại các trung tâm đăng kiểm. Bởi, trong thời gian qua, trung tâm đăng kiểm nhiều nơi đã đóng cửa, gây bức xúc và khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Qua tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến đề nghị tạo điều kiện để mở lại các trung tâm này. Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Bộ trưởng có giải pháp gì để sớm triển khai nội dung này.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Quốc hội

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, cả nước hiện chỉ còn 2 tỉnh là Bắc Kạn và Hoà Bình là chưa mở lại được, còn trung tâm đăng kiểm ở các tỉnh thành khác cơ bản đã mở lại. Đối với Hoà Bình, ông Thắng cho biết đã làm việc trực tiếp với Bí thư tỉnh và Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh về việc làm gì để mở lại. Bộ Giao thông Vận tải đã phải hỗ trợ địa phương đào tạo một cán bộ do địa phương giới thiệu, thi tuyển, cấp chứng chỉ để giữ cương vị lãnh đạo giám đốc trung tâm đăng kiểm. Đối với các đăng kiểm viên, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hoà Bình chuẩn bị rất đầy đủ và sẽ sớm mở lại trung tâm đăng kiểm tại đây.

15h20: Dành ngân sách nâng cấp hết các tuyến cao tốc từ 2 lên 4 làn xe

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, hiện nay, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không khuyến khích đầu tư các tuyến cao tốc có 2 làn xe gây lãng phí, khai thác không hiệu quả, mất thời gian. Hiện Huế có 2 tuyến cao tốc: La Sơn - Túy Loan và  Cam Lộ - La Sơn phát huy hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên do quy mô nhỏ và lưu lượng, tốc độ không cao nên vẫn sử dụng Quốc lộ 1A. Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, vậy với những dự án quy mô nhỏ, xin Bộ trưởng cho biết đã có kế hoạch rà soát để nâng cấp và mở rộng không?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Quốc hội

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết việc đầu tư các tuyến cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh hay 6-8 làn xe là nhu cầu đúng đắn, cần thiết. Thủ tướng luôn chỉ đạo cố gắng đầu tư tuyến nào hoàn thành tuyến đó, song thực tế vừa qua, nhiều tuyến do nguồn lực có hạn nên chỉ đủ ngân sách làm 2 làn xe, một phần do ban đầu, lưu lượng xe qua các tuyến này cũng không lớn.

Nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng về việc hạn chế làm các tuyến cao tốc 2 làn xe, ông Thắng cho biết qua tổng hợp, có 5 tuyến cao tốc hiện nay có 2 làn xe, trong đó có 2 tuyến ở Thừa Thiên Huế như đại biểu Hải nêu. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo thời gian tới ưu tiên nguồn ngân sách tập trung nâng cấp các tuyến cao tốc từ 2 làn xe lên 4 làn, đây là chỉ đạo rất đúng đắn. Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu, tới đây sẽ tiếp tục phối hợp tham mưu và đề xuất nguồn vốn để hoàn thiện kế hoạch mở rộng, nâng cấp các tuyến cao tốc này.

15h15: Nhu cầu làm cao tốc, đường quốc lộ cần 466.000 tỉ nhưng chỉ được bố trí 366.000 tỉ đồng

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện nay, một số tuyến đường quốc lộ không đáp ứng nhu cầu đi lại, nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Một số tỉnh đề xuất chủ trương với Bộ Giao thông Vận tải và với Chính phủ là có cơ chế cho phép các tỉnh dùng ngân sách của địa phương để đầu tư mở rộng các tuyến đường này, phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội, sau đó sẽ bàn giao cho địa phương quản lý.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết quan điểm về vấn đề này như thế nào?

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay, theo quy định của Luật Ngân sách và Luật Giao thông đường bộ, các tuyến đường cao tốc ở quốc lộ thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải. Những tuyến đường tỉnh lộ trở xuống thuộc trách nhiệm của địa phương.

“Vừa qua, trong bối cảnh, nguồn ngân sách có hạn, nhiều tuyến đường xuống cấp, ngân sách trung ương một năm Bộ Giao thông Vận tải được giao chỉ đáp ứng được 66%. Ví dụ nhiệm kỳ này, nhu cầu của chúng ta cần 446.000 tỉ đồng để đầu tư làm đường cao tốc, quốc lộ nhưng ngân sách chỉ bố trí được 366.000 tỉ đồng, không đáp ứng được để đầu tư hết các tuyến đường quốc lộ.

Trong bối cảnh nguồn ngân sách trung ương có hạn, nếu địa phương bố trí được nguồn vốn, cùng với trung ương thực hiện các tuyến quốc lộ là rất cần thiết, quan trọng. Không chỉ có tỉnh Vĩnh Phúc mà nhiều địa phương vừa rồi cũng đã đề nghị như vậy. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ cũng đã họp để trình Thường vụ Quốc hội thực hiện cơ chế thí điểm trong lúc Luật chưa sửa được và Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép địa phương có thể có nguồn vốn tham gia với trung ương để triển khai xây dựng đường quốc lộ và cao tốc”, ông nói.

15h05: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu

Phát biểu trước khi chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết rất vinh dự được Quốc hội lựa chọn là một trong bốn bộ trưởng tham gia phiên trả lời chất vấn. Bộ luôn lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chủ trương, chiến lược của Đảng và Nhà nước trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Việc này cũng nhằm kịp thời hoàn thành những công trình hạ tầng giao thông chiến lược hiện đại, an toàn để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng, đóng góp hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ cũng nhận thấy còn nhiều hạn chế như tai nạn giao thông tuy đã được kéo giảm nhưng vẫn ở mức cao, sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm gây bức xúc trong nhân dân và dư luận; công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe còn bộc lộ hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tiêu cực.

“Nhiệm vụ của ngành Giao thông Vận tải rất nặng nề và thách thức. Bản thân tôi mới chỉ có hơn 7 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói và cho biết những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội là động lực để Bộ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

15h03: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

Chiều 7.6, sau phiên đăng đàn của Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng bắt đầu "ngồi ghế nóng".

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Nội dung chất vấn bao gồm các giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn. Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.

Ngoài ra, còn có việc quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

Cùng trả lời chất vấn với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Trong báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) đã được Bộ Giao thông Vận tải phân cấp tương đối triệt để cho địa phương; đồng thời thực hiện mạnh mẽ xã hội hóa các cơ sở, đào tạo sát hạch lái xe, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học và sát hạch lái xe của xã hội.

Về hệ thống cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, hiện nay, cả nước có 371 cơ sở đào tạo lái xe ôtô phân bố ở 63 tỉnh, thành phố; 154 trung tâm sát hạch lái xe ôtô, phân bố tại 57 tỉnh, thành phố, hiện còn 6 tỉnh chưa có trung tâm sát hạch gồm: Lai Châu, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bắc Kạn và Vĩnh Long.

Theo báo cáo của các Sở giao thông vận tải, đến ngày 28.2.2023, cả nước có hơn 40,6 nghìn ôtô tập lái, hơn 48,4 nghìn giáo viên dạy thực hành, hơn 3,8 nghìn giáo viên dạy lý thuyết, và hơn 2,3 nghìn giáo viên vừa dạy lý thuyết và dạy thực hành.

Về công tác cấp GPLX quốc gia, năm 2022 cả nước cấp hơn 845 nghìn GPLX ôtô và hơn 927 nghìn GPLX môtô. Đến nay, cả nước đã cấp hơn 12,2 triệu GPLX ôtô và hơn 51 triệu GPLX môtô.

Ngay từ đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra toàn diện, tổng thể công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của các Sở GTVT trên phạm vi toàn quốc; đồng thời quán triệt quá trình kiểm tra phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, nghiêm túc, làm đến đâu xử lý sai phạm đến đó; chịu trách nhiệm trước bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và pháp luật về kết quả thanh, kiểm tra.

Đến nay, qua kiểm tra nhận thấy có tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, thực hiện của Sở giao thông vận tải, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực như: Việc khai thác dữ liệu DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe) để quản lý công tác đào tạo còn hạn chế; Chưa kiểm tra, giám sát khoá học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế...


NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Đại biểu đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Nhóm PV |

Đánh giá về các câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, một số đại biểu đánh giá cao việc Bộ trưởng đã đi thẳng vào những vấn đề người dân, cử tri, doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, Bộ trưởng chưa nêu bật được các giải pháp trước mắt.

Đang tập trung giải quyết vấn đề cấp đất cho đồng bào dân tộc

NHÓM PV |

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn trước Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

20 năm đóng bảo hiểm mới được hưởng lương hưu, người lao động không chờ được

NHÓM PV |

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV diễn ra trong 2,5 ngày. Thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Nữ doanh nhân Thái Hương và khát vọng nâng tầm thương hiệu Việt

Phạm Dung |

Nhắc đến nữ doanh nhân thông minh, bản lĩnh, chèo lái doanh nghiệp “khủng” trên thị trường không thể không nói đến Anh hùng Lao động Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH.

Một công ty con của EVN nói không với nợ vay, doanh thu gần 15 tỉ đồng mỗi ngày

Quang Dân |

Kết thúc 3 tháng đầu năm 2023, doanh thu Nhiệt điện Phả Lại (thành viên EVN) đạt 1.311 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kì. Bên cạnh đó, công ty còn gây ấn tượng khi không ghi nhận nợ vay tài chính trong thời gian qua.

Vốn FDI bật tăng, loạt "ông lớn" cam kết đầu tư vào Việt Nam

Thu Giang |

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) gần đây liên tục có động thái liên tục rót vốn, thể hiện mục tiêu, cam kết gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam.

Vùng áp thấp khả năng mạnh lên trên Biển Đông gây thời tiết nguy hiểm

AN AN |

Cơ quan khí tượng dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục ít di chuyển, có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Băng tại Bắc Cực có thể biến mất vào năm 2030

Thảo Phương |

Các nhà khoa học cảnh báo Bắc Cực có khả năng phải đối mặt với thảm hoạ không còn băng sớm hơn khoảng 1 thập kỷ so với tính toán trước đó.

Đại biểu đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Nhóm PV |

Đánh giá về các câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, một số đại biểu đánh giá cao việc Bộ trưởng đã đi thẳng vào những vấn đề người dân, cử tri, doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, Bộ trưởng chưa nêu bật được các giải pháp trước mắt.

Đang tập trung giải quyết vấn đề cấp đất cho đồng bào dân tộc

NHÓM PV |

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn trước Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

20 năm đóng bảo hiểm mới được hưởng lương hưu, người lao động không chờ được

NHÓM PV |

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV diễn ra trong 2,5 ngày. Thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.