Hoàn thành nghị định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2024, Chính phủ giao Bộ Nội vụ hoàn thành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong tháng 5.2024.
Đây là cơ sở để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024.
Đồng thời, nghị quyết cũng nêu rõ, yêu cầu triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và thực hiện cải cách chính sách tiền lương, hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm.
Tiêu chuẩn chung với chức danh công chức lãnh đạo quản lý
Nghị định số 29/2024/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.5.2024.
Nghị định 19 áp dụng đối với các chứng danh Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ; Tổng cục trưởng và tương đương; Phó Tổng cục trưởng và tương đương; Giám đốc Sở, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, Chánh Văn phòng UBND cấp tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng ban Ban Dân tộc…
Các chức danh nêu trên phải đáp ứng tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác và các tiêu chuẩn riêng đối với từng chức danh.
Trong đó, tiêu chuẩn chung về trình độ là tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Hướng dẫn xếp lương công chức thi hành án dân sự
Thông tư 02/2024 của Bộ Tư pháp quy định mã số, xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự sẽ có hiệu lực từ ngày 18.5.2024.
Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự, gồm Chấp hành viên, Thẩm tra viên thi hành án và Thư ký thi hành án; áp dụng đối với công chức làm công tác thi hành án dân sự thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Công chức thi hành án dân sự được quy định gồm 8 ngạch: Chấp hành viên cao cấp, chấp hành viên trung cấp, chấp hành viên sơ cấp, thẩm tra viên cao cấp thi hành án, thẩm tra viên chính thi hành án, thẩm tra viên thi hành án, Thư ký thi hành, thư ký thi hành án, thư ký trung cấp thi hành án.
Công chức chuyên ngành thi hành án dân sự được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004.
Ngạch Chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A3, nhóm A3.1 (từ 6.20 đến 8.0).
Ngạch Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên chính thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.1; (từ 4.40 đến 6.78).
Ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Thẩm tra viên thi hành án, Thư ký thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A1 (từ 2.34 đến 4.98).
Ngạch Thư ký trung cấp thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại B (từ 1.86 đến 3.66).
Từ ngày 15.5, giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần
Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, có hiệu lực từ 15.5.2024.
Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng năm, Quyết định 05/2024/QĐ-TTg nêu rõ, trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ 1.5.2024.
Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp được quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ban hành ngày 15.3.2024 của Chính phủ.
Nghị định quy định ưu đãi đầu tư đối với: Cụm công nghiệp là địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.