Hết năm 2022 sẽ hoàn thành xác thực thông tin thuê bao di động

NHÓM PV |

Quản lý thuê bao, đầu số, xử lý tình trạng sim rác, xây dựng nền kinh tế số, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân... là những vấn đề được đưa ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

11h30: Quốc hội kết thúc phiên làm việc buổi sáng

Năm nay sẽ hoàn thành xác thực thông tin thuê bao di động 

11h20: Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) nêu rõ việc thực hiện chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, 3 doanh nghiệp chiếm 96% thị phần là Viettel, VNPT, Mobifone mới rà soát, đối chiếu được hơn 24% tổng số giấy tờ thuê bao.

“Theo Báo cáo số 158 của Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu là hoàn thành 100% việc đối soát này trong tháng 11.2022. Như vậy, còn chưa đầy một tháng nữa phải rà soát, đối chiếu xong 58 triệu thuê bao di động còn lại. Đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tính khả thi cũng như giải pháp để đạt được mục tiêu trên nhằm góp phần loại bỏ sim rác?” - đại biểu Nguyễn Danh Tú chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, câu hỏi xác thực thông tin thuê bao trên cơ sở dữ liệu quốc gia chỉ là câu hỏi có/không. Hiện các nhà mạng đã rà soát được khoảng 1/4 số thuê bao di dộng, trong đó 90% thông tin là đúng và chỉ 10% chưa chính xác nên cần xác minh lại. 
Còn hơn một tháng để hoàn thành nhiệm vụ, thời gian tuy ngắn nhưng Bộ trưởng tự tin thực hiện đúng thời gian Thủ tướng giao, tức là xong trong năm nay.

Tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân diễn ra phức tạp

11h15: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình về 3 vấn đề đại biểu nêu: Tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng hiện nay, những giải pháp đặt ra; tình trạng mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân của giải pháp ngăn chặn, xử lý; kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Giải trình về những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý lý nhà nước về an ninh mạng hiện nay, Bộ trưởng Tô Lâm nêu 5 nhóm vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng. Đó là hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an ninh mạng chưa hoàn thiện. Quan hệ phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội còn chưa đi vào thực chất mà nặng về hình thức, có tình trạng khoán trắng nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng cho các cơ quan chuyên trách.

 
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm còn chưa hiệu quả, chưa triệt để và chưa kịp thời. Phần lớn các nền tảng dịch vụ, công ty mạng xã hội, ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài hiện không có pháp nhân, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam để triển khai các biện pháp quản lý, phối hợp. Còn nhiều sơ hở trong quản lý các loại hình dịch vụ, lĩnh vực tiềm ẩn những nguy cơ tội phạm.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã nêu một số giải pháp khắc phục tồn tại nêu trên, trong đó tham mưu đẩy mạnh các hoạt động của Ban chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết những vấn đề thực tiễn một cách cơ động, linh hoạt, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Tập trung tham mưu để hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực an ninh mạng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn quản lý nhà nước về an ninh mạng. Nâng cao trình độ, năng lực và quan tâm đầu tư trang bị công cụ, phương tiện nghiệp vụ hiện đại để theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ thế giới cho lực lượng an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ học hỏi kinh nghiệm trong vấn đề bảo đảm an ninh mạng quốc tế lớn.

Giải trình vấn đề về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, Bộ trưởng khẳng định tình trạng này đang diễn ra rất phức tạp. Bộ Công an kiến nghị mốt số giải pháp, gồm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng. Các ban, bộ, ngành, các địa phương chủ động đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, kiểm soát chặt chẽ quy trình bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ lưu trữ thông tin, dữ liệu cai nghiện.

Xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh dữ liệu. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng, an ninh dữ liệu của mở rộng quan hệ hợp tác quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp bảo mật an ninh mạng hàng đầu trên thế giới. Đối với nội dung đại biểu nêu về công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và Ủy ban nhân dân 15 địa phương.

Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia dân cư với các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, do hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ, chưa có hệ thống để kết nối, chưa triển khai đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn thông tin. Có nhiều bộ, ngành, địa phương chưa số hóa dữ liệu, quy trình phục vụ cho triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nên dù đã kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng kết quả khai thác còn rất hạn chế. Thời gian tới, Bộ Công an cùng với các đơn vị, bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, kết nối này để phục vụ cho Nhân dân…

Đề nghị nói rõ hơn về việc xử lý vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng

11h00: Tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Hoàng Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, đề nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời vì sao lại xảy ra tình trạng mạng xã hội báo hóa; việc chậm trễ, lúng túng trong việc xử lý vụ việc vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng trên lĩnh vực mạng xã hội và trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như việc xử lý tập thể, cá nhân để xảy ra việc này? Bộ Thông tin và Truyền thông có rút kinh nghiệm về việc này như thế nào thì Bộ trưởng chưa trả lời những vấn đề nêu trên nên đề nghị Bộ trưởng chia sẻ thực chất về việc này?

Dẫn chứng một số vụ việc mà cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin truyền thông đã xử lý vi phạm trên mạng xã hội, đại biểu Lê Hoàng Anh nhận thấy, các cơ quan xử lý rất nhanh chứ không như Bộ trưởng nói rằng là thiếu hành lang pháp lý. Đại biểu Lê Hoàng Anh chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng liệu vụ việc xảy ra phải chăng là những người vi phạm có ít tiền hay không có tiền thì xử lý ngay và luôn được, còn người có tiền thì sẽ xử lý chậm và nghe ngóng trước, xử lý sau hay không và đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm về vấn đề này?

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tình trạng báo hoá tạp chí, khi chúng ta ra Luật Báo chí chưa có khái niệm, trong đó có đề cập tới tạp chí và báo. Và phần viết về tạp chí cũng chỉ viết là chuyên ngành và định kỳ. Khi tạp chí lên môi trường số thì định kỳ rất khó. Theo bộ trưởng, có những diễn biến khi đi vào cuộc sống rồi mới nảy sinh, khi đó chúng ta mới ứng xử. “Ứng xử khi đó có chậm không?” - ông Hùng trả lời rằng “có chậm”.

Mãi đến năm 2022, Bộ TTTT mới ban hành và công khai bộ nhận dạng thế nào là báo hoá tạp chí. Thế nhưng diễn biến cuộc sống lúc đó mới nhìn thấy, lúc đó mới thấy tường minh, lúc đó mới công bố và lúc đó mới bắt tay vào xử lý. “So với mong muốn của chúng ta thì đúng là chậm” - ông Hùng nói. Ông Hùng cũng cho rằng, cuộc sống luôn diễn biến. Nhưng quản lý nhà nước thì phải “chắc tay” mới làm được, quản lý nhà nước chưa “chắc tay” thì rất khó làm.

Khi bà Nguyễn Phương Hằng livestream, đó là công nghệ hoàn toàn mới, thể chế của chúng ta chưa có quy định về việc này thì lúc đó chúng ta dùng những hình thức khác để xử lý, phạt hành chính và sau đó chuyển cơ quan. Bây giờ chúng ta đưa vào Nghị định thì chắc chắn xử lý rất gọn gàng. "Còn về câu hỏi “có tiền thì làm, không có tiền thì không làm?” tôi khẳng định, các cơ quan của Bộ TTTT không có việc này. Không có chuyện nhà nước XHCN mà lại có việc “có tiền thì xử lý, không có tiền thì không xử lý”" - Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Nhiều người nghĩ không gian mạng là vô danh, ảo nên phát ngôn thiếu trách nhiệm

10h55: Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, quan tâm đến vấn đề văn hóa trên không gian mạng có tác động cả tiêu cực và tích cực. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ giáo dục thì tác động nguy hại có chiều hướng ngày càng gia tăng, len lỏi vào nhà trường gây ra lối sống ảo, thực dụng, ích kỷ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có quan tâm đến vấn đề này không, giải pháp xây dựng văn hóa mạng - giải pháp mà nhiều nước trên thế giới đang triển khai để giải quyết vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận "đây là câu chuyện nhức nhối". Ông cho hay, nhiều người nghĩ không gian mạng là vô danh, ảo, không ai biết mình là ai nên phát ngôn thiếu trách nhiệm. Nghị định 72 tới đây khi được ban hành sẽ quy định nhà mạng phải xác thực được danh tính người dân khi đăng ký dùng mạng, để khi cơ quan điều tra yêu cầu thì phải cung cấp được danh tính người đó.

Đây là giải pháp mạnh mẽ để người dân có trách nhiệm hơn khi tham gia môi trường mạng. Theo Bộ trưởng, cần tạo lập văn hóa cho môi trường sống mới, từng bước xây dựng văn hoá số. Bước đầu tiên là cần bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số, hiện Bộ đã ban hành bộ quy tắc mẫu và sẽ đánh giá sơ kết thực hiện vào năm sau. "Căn cơ nhất thì vẫn cần đi cả hai chân, pháp trị và đức trị, tức là dùng pháp luật và văn hoá, giáo dục", ông Hùng nhấn mạnh.

Loại bỏ 22 triệu sim rác trong 3 năm

10h45: Đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho hay, hiện nay vẫn còn tình trạng sim rác chưa xử lý được hết. Đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết nguyên nhân tại sao tới giờ phút này vẫn còn tình trạng sim rác?

Liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đại biểu Hòa đề nghị bộ trưởng nêu rõ những đề xuất với Chính phủ, địa phương để trang bị cơ sở, máy móc, thiết bị, hạ tầng kết nối dữ liệu trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, làm rõ từ nay tới cuối năm, liệu việc kết nối và sử dụng tích hợp dữ liệu dân cư trong hệ thống quốc gia có đạt được kết quả như mong muốn hay không?

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp).
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp).

Trả lời về vấn đề sim rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm rất quyết liệt loại 22 triệu sim không đầy đủ thông tin, việc này tiến hành làm trong gần 3 năm. Bộ đã thanh tra toàn diện và nhắc nhở cụ thể xem xét trách nhiệm của từng đơn vị doanh nghiệp viễn thông. Bộ nhận trách nhiệm về vấn đề này và tiếp tục có những giải pháp để làm tốt hơn.

Về dữ liệu dân cư, khi bỏ hộ khẩu giấy thì cần sự kết nối nhiều hơn. Do đó, khi chúng ta tiến hành công tác này thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công an để vận hành tốt các sơ sở dự liệu; đảm bảo thuận tiện cho người dân…

Mỗi tháng phát hiện khoảng gần 40.000 số điện thoại phát tán thông tin rác

10h35: Về tình trạng khủng bố bằng điện thoại, vậy giải pháp để chấm dứt tình trạng trên như thế nào?, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mỗi một tháng, phản ánh của người dân đến Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc qua các công ty viễn thông là từ khoảng 30.000-40.000 số điện thoại thực hiện cuộc gọi rác, trong đó 88% các phản ánh liên quan đến số điện thoại hoặc khủng bố qua cuộc gọi.

Cuộc “điện thoại rác” là vấn nạn toàn cầu. Ở Mỹ, số lượng 1 người dân phải nhận cuộc gọi không liên quan/tháng gấp 3 lần Việt Nam, ở Brazil cũng gấp 3 lần Việt Nam; còn Việt Nam tương đương Indonesia.

Về giải pháp, ông Hùng cho biết, gần đây, bộ đã công bố số điện thoại để người dân có thể phản ánh về các cuộc gọi này để nhà mạng xử lý hoặc bộ chỉ đạo các nhà mạng xử lý.

Bên cạnh đó, ông cho rằng, “phải dùng công nghệ để xử lý”, bởi trên môi trường số, giải pháp quan trọng nhất là công nghệ. Đối tượng của mình dùng công nghệ thì mình cũng phải dùng công nghệ.

“Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng chung tay phát triển công nghệ để xử lý, phát hiện cuộc gọi rác. Mỗi một tháng đã phát hiện khoảng gần 30.000-40.000 số điện thoại có phát tán thông tin rác và có câu chuyện đe doạ, khủng bố” - ông nói.

Không có tình trạng cát cứ dữ liệu của cơ quan nhà nước

10h30: Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) về việc có tình trạng cát cứ dữ liệu của cơ quan nhà nước không, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết, về luật pháp, không có dữ liệu của bộ ngành, địa phương, nhưng về mặt tâm lý cũng có những câu chuyện.

Ông cho rằng, về mặt tâm lý cũng có những nghi vấn về việc hiện đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu rồi nhưng liệu cơ sở dữ liệu thông tin có chính xác không? Cơ sở dữ liệu lớn, cho rất nhiều cơ quan nối vào, giả sử hệ thống công nghệ thông tin không đảm bảo, có mất dữ liệu của mình không?

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận). Ảnh: QH
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận). Ảnh: QH

Tuy nhiên, bộ trưởng khẳng định, trong 8 cơ sở dữ liệu đã kết nối, đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định không có chuyện cát cứ. Theo bộ trưởng, 8 cơ sở dữ liệu đã kết nối là những cơ sở đầu tiên để chúng ta học tập, có thêm kinh nghiệm. “Trong năm tới sẽ là năm dữ liệu số quốc gia. Chúng tôi sẽ chính thức yêu cầu các bộ ngành, địa phương công khai các dữ liệu của bộ ngành, địa phương mình” - ông Hùng nói.

Vì sao chương trình “Sóng và máy tính cho em” chậm triển khai?

*10h20: Tranh luận với Bộ trưởng Hùng, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị làm rõ trách nhiệm trong việc chậm trễ thi hành một số biện pháp liên quan đến chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Theo ông Thành, Nhà nước dự kiến chi 6.000 tỉ đồng để chi cho chương trình Sóng và máy tính cho em, nhưng chưa triển khai được do chậm hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. "Chương trình này trong bối cảnh mới cần được tiếp cận lại, không chỉ là học trong điều kiện dịch mà còn phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục" - đại biểu Thái Nguyên nói.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên).
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên).

Bộ trưởng Hùng cho biết, chương trình “Sóng và máy tính cho em” có mục tiêu cấp 1 triệu máy tính cho học sinh, trong đó 600.000 máy là từ doanh nghiệp, cá nhân tài trợ; 400.000 máy dùng quỹ viễn thông công ích, hai việc này không chậm, đang tiếp tục triển khai.

Còn đối với khoản 6.000 tỉ đồng, ông Hùng cho hay, đây là chương trình khác, là ngân sách cho các bộ, ngành, địa phương nâng cấp công nghệ thông tin. Đây là chương trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ chưa đưa ra khuyến nghị về việc 6.000 tỉ đồng đó thì trọng tâm nên đặt vào đâu để mang lại hiệu quả. Bộ sẽ sớm đưa những khuyến nghị để thực hiện chương trình này.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đặt vấn đề, nguyên nhân và trách nhiệm không triển khai được chương trình máy tính cho em?

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Quốc hội cho biết, hiện chỉ còn 266 thôn, bản chưa có dịch vụ viễn thông di động. Tuy nhiên, qua các chuyến công tác như khảo sát và phản ánh của cử tri, còn rất nhiều vùng lõm ở các thôn, bản, điểm dân cư không có sóng hoặc sóng rất yếu, nhất là ở các vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Điều này đã hạn chế phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.

"Xin bộ trưởng cho biết con số 266 thôn, bản có thực sự xác đáng không? Giải pháp để đầu tư, cải thiện hạ tầng thông tin ở các tỉnh khó khăn và với nguồn quỹ hỗ trợ thì khi nào các vùng lõm đủ sóng có sóng khỏe, đáp ứng nhu cầu của nhân dân?" - ông Thành chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, chúng ta tuyên bố chương trình 1 triệu máy tính cho em, trong đó 600.000 máy tính bằng nguồn lực xã hội hóa và hiện 500.000 máy tính từ nguồn xã hội hóa đã chuyển tới các em. Quỹ Viễn thông công ích đóng góp 400.000 máy tính.

Bộ đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về thời điểm trao 400.000 máy tính trên và thống nhất khi nào bắt đầu chương trình học trực tuyến trong lúc không còn COVID-19 thì thực hiện. Tiền vẫn còn 1.000 tỉ đồng. Thông tư đã xong, tức là lúc nào cần là có thể "bấm nút".

Về các vùng lõm, ông Hùng cho biết, khi dịch COVID-19 xuất hiện và học sinh phải học trực tuyến mới bắt đầu thực hiện khảo sát các vùng chưa có 3G và 4G. Báo cáo gửi đại biểu của bộ cũng nêu, hiện còn 2.500 thôn bản chưa đáp ứng được hạ tầng này, trong đó 2.200 điểm đã được cải thiện và 300 điểm chưa xong. Đây đều là những khu vực chưa có điện hoặc ít người dân sinh sống. Bộ đặt kế hoạch hết quý I/2023 sẽ hoàn thành phủ sóng đến các khu vực này.

Sau vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng, đã đưa ra quy định về livestream

10h10: Đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) cho biết, nhiều cử tri đánh giá rất cao bộ đã tập trung cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số…

Tuy nhiên, cơ quan quản lý chưa quan tâm, tập trung cho công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội nên để các vụ việc xảy ra thì mới tiến hành thanh tra, kiểm tra và dẫn đến báo hóa mạng xã hội… gây lúng túng, chậm xử lý những vi phạm như trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng khi thường xuyên đưa tin, không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.

Đại biểu đề nghị bộ trưởng cho hay, nguyên nhân vì sao lại như vậy? Trách nhiệm của bộ trưởng trong vấn đề này như thế nào? Và cơ quan có thẩm quyền của bộ đã xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra việc đó ra sao? Bộ có rút kinh nghiệm gì về việc trên?

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi xử lý vụ việc livestream của cá nhân Nguyễn Phương Hằng, lúc đó chưa có quy định pháp luật nào về việc quản lý hành vi livestream. Vì vậy, xử lý vụ việc này phải theo thể chế cũ, xử phạt hành chính 2 lần và chuyển cho cơ quan hình sự, công an xử lý.

Ông Hùng cho hay, sau những vụ việc này, bộ đã đưa vào Nghị định 72 quy định rõ về hoạt động livestream. Theo đó, hoạt động này chỉ những người được đích danh trên môi trường số mới được thực hiện, cá nhân phải công bố địa điểm, thời gian livestream và nếu dùng livestream để bán hàng phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái được chào bán công khai trên mạng xã hội

10h: Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho biết, trên các nền tảng và trang mạng xã hội như Facebook, Zalo hay Tiktok thì vấn nạn hàng giả, hàng nhái được chào bán một cách rất công khai. Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, đây là một vấn nạn cần phải siết lại, cần phải xử lý. Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị bộ trưởng cho biết, giải pháp trong thời gian tới để xử lý tình trạng này như thế nào?

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai).
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai).

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, vấn đề quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng, đây là vấn đề khá nhức nhối. Cơ bản quy định pháp luật Việt Nam là các cơ quan phải đảm bảo thực hiện quản cáo đúng pháp luật, tuy nhiên 2 năm gần đây có hình thức quảng cáo mới. Vừa qua, bộ đã sửa các văn bản, Nghị định và thanh tra kiểm tra để các cơ quan truyền thông ý thực việc này.

Đối với các nền tảng xuyên biên giới, bộ sẽ chính thức thanh tra về vấn đề quảng cáo; mong muốn các bộ, ngành địa phương trong thẩm quyền cùng rà soát các lĩnh vực có liên quan đến ngành mình để kiểm tra xử lý vấn đề này.

Thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông về bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân

09h50: Tại phiên chất vấn, đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn Sơn La) đặt câu hỏi tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại vẫn diễn ra khá phổ biến với mục đích quảng cáo hàng hóa, dịch vụ gây phiền hà cho người dân. Xin bộ trưởng cho biết giải pháp nào để giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên?

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La).
Đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La).

Trả lời, bộ trưởng cho hay, dữ liệu cá nhân được coi là tài sản cá nhân, điều này đã được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin. Mỗi một người dân phải bảo vệ tài sản của cá nhân mình. “Tuy nhiên, vừa qua, việc này còn dễ dãi. Như tôi đến cửa hàng làm kính, họ hỏi số điện thoại mình cũng đưa. Về nguyên tắc đúng là phải nhìn hợp đồng mẫu thu thập thông tin. Trong đó, hỏi ông có đồng ý không, tôi sẽ dùng vào việc gì. Thậm chí, mình ra siêu thị cũng đưa ra thông tin cá nhân” - ông Hùng lấy ví dụ và cho rằng vấn đề này liên quan đến nhận thức, tuyên truyền.

Ông Hùng cho biết, bộ đặt một chương trình trong năm 2022 thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông về việc thu thập, xử lý về đảm bảo an toàn thông tin. Sau đó, bộ sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra sang các doanh nghiệp bưu chính. “Doanh nghiệp bưu chính họ cũng thu thập nhiều dữ liệu và đụng chạm đến gần hết người dân” - ông Hùng nói.

Về hành lang pháp lý, Bộ Công an đang chuẩn bị ra Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đặc biệt là việc xử lý mang tính răn đe. Vừa qua, nước ta đã tăng mức phạt gấp 2 lần nhưng vẫn còn thấp so với thế giới.

9h25: Tranh luận, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho biết, khi trả lời về nội dung thông tin xấu độc trên nền tảng mạng xã hội, bộ trưởng có nói “ngoài đời thế nào thì trên mạng cũng như thế”, tôi rất hoan nghênh quan điểm này của bộ trưởng. Nhưng tôi xin bổ sung thêm là ở ngoài đời, chúng ta quản lý theo lãnh thổ, địa giới hành chính nhưng trên mạng là nền tảng đa quốc gia. Và nếu như chúng ta chỉ dùng những biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý những tài khoản vi phạm thì chẳng khác gì chúng ta phòng chống COVID-19 chỉ dừng lại ở việc đeo khẩu trang, cách ly, phong toả. Giải pháp căn cơ nhất phải là giải pháp nâng cao “sức đề kháng” như việc có vaccine, tức là người dân không tin, không nghe những thông tin xấu độc.

Đồng thời, phải có thêm nhiều thông tin để công chúng có thể đọc được, trong đó cần nhiều thông tin hay, thông tin phản biện, thông tin tích cực, phải mang tính thuyết phục cao. Chúng ta phải khuyến khích những tờ báo có những thông tin mang tính phản biện, đi thẳng vào những vấn đề nóng, không né tránh, chứ không phải chỉ khen 1 chiều mới là hay cũng giống như việc uống nhiều thuốc bổ cũng không tốt, gây ngộ độc.

Như Bộ trưởng nói chúng ta nâng lên 3 giờ phải xử lý những thông tin xấu độc nhưng tôi cho rằng chỉ 5-10 phút thôi, thông tin xấu độc đã lan toả rồi. Cho nên quan trọng nhất là phải không “uống thuốc độc” ngay từ đầu, chứ thông tin xấu độc rồi mới ngăn chặn, “uống giải độc” thì mãi mãi sẽ chạy theo các thông tin xấu, độc.

Trả lời, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhất trí với quan điểm của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa về câu chuyện “đề kháng”. Không chỉ riêng thông tin xấu, độc đâu mà mọi thứ, mọi lĩnh vực đều cần “sức đề kháng”. Trên không gian mạng, tin xấu, độc cũng giống như không khí, tin xấu mà nhiều cũng giống như không khí bị nhiễm bẩn. Điều mà tôi nói “đời thực với đời ảo” ý như thế này: “Ai quản lý những vấn đề gì ở đời thực thì quản lý cái đó trên không gian mạng. Lĩnh vực công thương cũng phải quản lý hàng hoá trên mạng, lĩnh vực văn hoá cũng phải quản lý về thuần phong mỹ tục trên mạng… Chỉ như vậy, chúng ta mới có đủ nguồn lực để làm không gian mạng trong sạch, lành mạnh”.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa thêm nội dung kỹ năng số vào chương trình đào tạo công nghệ thông tin ở cấp THPT cho các em học sinh  - đây là một loại “đề kháng”.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức cho hay, nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân trên không gian mạng để người dân có thể truy cập, xem, tìm kiếm, hỏi đáp, có những kỹ năng cơ bản sống trong môi trường số. “Chúng tôi nghĩ rằng, không gian mạng của chúng ta thì cần có trách nhiệm làm cho không gian mạng lành mạnh” - ông Hùng nói.

9h30: Quốc hội nghỉ giải lao.

Mỗi ngày có hai triệu giao dịch trực tuyến

* 9h25: Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) cho hay, hiện nay, việc xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thống nhất cao. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả. Do đó, chưa thật sự mang lại hiệu quả, thuận lợi cho người dân khi tiến hành các giao dịch có liên quan, thậm chí có những công việc gây phiền hà cho người dân. Ví dụ, vấn đề về sổ hộ khẩu mà chúng ta hay đề cập trong thời gian gần đây.

Trước thực trạng trên, đại biểu Hằng đặt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các bộ, ngành có liên quan nhằm khắc phục triệt để tồn tại này trong thời gian tới, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ số chính quyền số nhằm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số?

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông).
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông).

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, có 8 cơ sở dữ liệu là kết nối, trong đó có 5 cơ sở dữ liệu quốc gia và 3 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Những cơ sở dữ liệu này khi đã kết nối qua trục chia sẻ kết nối dữ liệu mà Bộ Thông tin và Truyền thông vận hành thì hiệu quả.

Theo ông Hùng, mỗi ngày có 2 triệu giao dịch kết nối trung ương với địa phương, bộ ngành với nhau. Trong đó, có đóng góp đáng kể của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là nhiều cơ sở dữ liệu khác của bộ ngành địa phương đã xây dựng, nhưng chưa kết nối và chia sẻ. Một số hệ thống công nghệ thông tin muốn kết nối lấy dữ liệu từ cơ sở dữ liệu nhưng chưa đảm bảo.

Hiện có khoảng 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, bộ đang xử lý để đảm bảo an toàn, an ninh mạng về kết nối.

9h20: Nhân tài là yếu tố quyết định trong làm chủ khoa học công nghệ

Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) nêu rõ, trong báo cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định việc đào tạo nhân lực chuyên trách về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang thiếu hụt về số lượng và chất lượng. Đại biểu đề nghị bộ trưởng chỉ rõ giải pháp cho vấn đề này.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ).
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ).

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định vấn đề chảy máu chất xám, nhân tài là thực trạng xuất hiện ở nhiều quốc gia. Nhân tài là yếu tố quyết định trong làm chủ khoa học công nghệ, tuy nhiên, đây lại là yếu tố thị trường quyết định.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, muốn thu hút nhân lực chất lượng cao cần có mức thu nhập tốt. Hiện nay, đã có doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao trả được mức lương tương đương doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam có tạo ra lợi nhuận cao không.

Vì vậy, bên cạnh yếu tố thị trường, Đảng, Nhà nước cũng cần có thêm chính sách thu hút nguồn nhân lực và làm nhiều hơn nữa để có đủ nhân tài cho phát triển khoa học công nghệ.

Nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam

* 9h15: Chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) cho biết, bộ trưởng đã nhiều lần phát biểu về vai trò và tầm quan trọng của nền tảng số xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là giải pháp đột phá để thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Đại biểu Lý Văn Huấn chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về giải pháp để thúc đẩy xây dựng nền tảng số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên).
Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên).

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam. Theo bộ trưởng, nền tảng số trên không gian mạng giống như hạ tầng trong thế giới thực.

Nếu không làm chủ nền tảng số, người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên nền tảng số nước ngoài. Dữ liệu số bị thu thập. Dữ liệu số được gọi là tài nguyên. Do vậy, Bộ TTTT đặt trọng tâm phát triển các nền tảng số.

Năm 2022, chúng ta đã công bố 52 nền tảng số phải xây dựng xong, đưa vào khai thác, đây là nền tảng số dùng chung quốc gia. Đến giờ phút này, đã xong 52 nền tảng số và đưa vào vận hành.

Một tín hiệu đáng mừng là trong năm 2022, hàng triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam và chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt Nam. Con số này đang tăng lên.

Về các giải pháp tiếp theo, Bộ trưởng Hùng cho rằng: “Có việc thì sẽ có người. Có việc khó thì sẽ có người giỏi. Có việc vĩ đại thì sẽ có người vĩ đại”. Người ở đây được hiểu là cả người và doanh nghiệp. Chúng ta đã chọn cách này, cách công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia, cả mức Trung ương và các địa phương.

Bộ TTTT có một trang web công bố các bài toán cần lời giải bài toán chuyển đổi số Việt Nam và có một trang web chuyên về giải pháp số để giải quyết các bài toán số Việt Nam. Mỗi năm công bố, đánh giá, trao thưởng gọi là Vietsolution. Việc này đã triển khai được 2 năm.

9h10: Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa về ngăn chặn thông tin xấu độc, bộ trưởng cho rằng, hiện nay việc xử lý còn nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, trong khi một người ở Việt Nam hiện nay có nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội.

Về giải pháp căn bản, bộ trưởng cho rằng, thế giới thực ra sao thì trên không gian mạng cũng như vậy. Ai quản lý cái gì ở thế giới thực thì trên không gian mạng cũng quản lý cái đó. Nghĩa là tất cả chúng ta đều phải vào cuộc để quản lý, các địa phương cũng phải quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng; các tổ chức, nhà trường và gia đình cũng phải quản lý con em mình trên không gian mạng. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc mới giải quyết được căn cơ những vấn đề trên không gian mạng.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên).
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên).

Toàn dân giám sát việc báo hoá trang tin điện tử, báo hoá tạp chí

Về vấn đề xử lý báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin điện tử, trưởng ngành Thông tin truyền thông cho biết, có một giải pháp rất mới, hiệu quả là chúng ta đã công khai dấu hiệu, biểu hiện thế nào là một trang thông tin báo hoá để toàn xã hội biết và chung tay giám sát.

Thay vì Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc thì nay toàn dân giám sát. Bộ đã công khai việc này trên 3 tháng.

“Trong số 650 tạp chí, chỉ có 30 tạp chí có dấu hiệu báo hoá do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện; với gần 2.000 trang tin điện tử chỉ số lượng vi phạm cũng tầm đó. Năm nay là năm mà Đảng, Nhà nước chỉ đạo rất quyết liệt về việc thanh, kiểm tra, giải quyết vấn đề báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin điện tử. Chúng tôi cũng đã tổng thanh tra, kiểm tra, đến cuối năm nay là xong; đã xử phạt, nhắc nhở, yêu cầu khắc phục. Đến năm 2023 có thể giải quyết căn cơ vấn đề này” - ông Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

9h: Mức xử phạt tin giả ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 các nước trong khu vực

Trả lời về vấn đề tin giả, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trên không gian mạng, tin giả lan truyền rất nhanh, nếu xử lý chậm hậu quả khó lường. Vừa qua, chúng ta đã sửa các Nghị định để nâng tầm vấn đề xử lý tin giả, từ thông tư lên Nghị định. Nghị định này quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan và thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 48 tiếng xuống còn 24 tiếng, có những thông tin đặc biệt phải xử lý ngay trong 3 giờ.

Về mức phạt, theo bộ trưởng, hành vi đưa thông tin giả đã tăng lên 3 lần, nhưng so với các nước trong khu vực chỉ bằng 1/10. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe, ít nhất ngang mức trung bình so với các nước trong khu vực.

Làm rõ giải pháp xử lý tội phạm công nghệ cao và ngăn chặn tin giả

* 8h50: Đặt vấn đề chất vấn hội trường, đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (đoàn Long An) cho biết, gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng qua mạng có chiều hướng gia tăng diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như an ninh mạng, tài chính, ngân hàng, đất đai, công chứng còn sơ hở, thiếu sót, chưa có sự phối hợp chặt chẽ.

Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An).
Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An).

Vấn đề thứ hai, trong thời gian qua, bộ có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên mặt trận phòng, chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý có lúc còn chậm tạo cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang ông xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, an ninh trật tự, quyền lợi và lợi ích của những tổ chức, cá nhân.

Đại biểu đề nghị bộ trưởng làm rõ, với vai trò và trách nhiệm của mình, bộ trưởng đã có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề trên?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: Thời gian vừa qua, việc đầu tiên Bộ TTTT làm là hoàn thiện các văn bản, thể chế đã ban hành, định nghĩa rõ các hành vi và quy định, quy trình xử lý hành chính, cơ chế chuyển cho công an xử lý hình sự.

Một trong những điều Bộ TTTT rất quan tâm là xử lý một cách căn bản. Việc đầu tiên là Bộ TTTT đã công khai các đầu số điện thoại, cụ thể là đầu 156, các trang web để tiếp nhận thông báo về những vi phạm.

Vấn đề thứ hai là phát triển công cụ, công nghệ. Trong quản lý không gian mạng, chúng ta cũng coi công nghệ số là lực lượng thực thi. Năm 2020, Bộ TTTT đã rà quét và ngăn chặn khoảng 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo, nếu không ngăn chặn sẽ có khoảng 3,1 triệu người truy cập các trang web và xác suất bị lừa đảo là rất lớn.

Về số điện thoại, Bộ TTTT đã tập trung xử lý các sim rác. Đây là một trong những công cụ để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về xử lý sim rác có 3 công đoạn lớn là:

Thứ nhất, tất cả thuê bao không có đầy đủ thông tin sẽ xoá khỏi hệ thống. Năm 2018 có 22 triệu thuê bao chưa có thông tin và đến nay, tất cả thuê bao đều có thông tin.

Vấn đề thứ 2 là thông tin đó có chính xác không, hiện nay, rất may, chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các nhà mạng đang đối soát. Đến đầu năm 2023 sẽ rà soát xong.

Vấn đề thứ 3, một người đăng ký nhiều sim, gọi là sim không chính chủ. Thì vấn đề ở đây là xử lý sim không chính chủ. Xử lý xong vấn đề này, chúng ta sẽ ngăn chặn được tình trạng lừa đảo, cuộc gọi rác.

8h40: Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, sáng 4.11, các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TTTT).

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông gồm:

+ Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.

+ Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

+ Việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

- Người trả lời chất vấn:

+ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

+ Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Theo báo cáo của Bộ TTTT, việc lộ lọt dữ liệu cá nhân ở Việt Nam thời gian qua chủ yếu do 2 nguyên nhân:

Thứ nhất là do yếu tố kỹ thuật. Các hệ thống thông tin thu thập, xử lý, lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng nhưng không bảo đảm an toàn, an ninh mạng, dẫn đến bị tấn công, khai thác.

Thứ hai là yếu tố phi kỹ thuật. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng và chia sẻ trái phép với bên thứ ba; hoặc bên thứ ba cấu kết với nhân viên quản lý dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp; hoặc thu thập thông qua việc tạo các trang web, tài khoản mạng xã hội để thu thập; dụ dỗ người dân cung cấp khi chính người dân cũng sơ ý, tùy tiện và chủ động cung cấp thông tin cá nhân của mình.

Về giải pháp khắc phục tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân trong thời gian tới, Bộ TTTT cho biết, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện rà soát việc đảm bảo an toàn cho dữ liệu thông tin cá nhân của ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Triển khai các biện pháp quản lý, kỹ thuật để bảo vệ thông tin cá nhân do mình thu thập, lưu trữ theo quy định về an toàn, an ninh mạng; Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đánh giá việc bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân của ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Tiến hành thanh tra và xử lý quyết liệt, mang tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm...

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

4 tư lệnh ngành sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

NHÓM PV |

Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, phiên chất vấn bắt đầu từ chiều 3.11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ chủ trì và có phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Trong 2,5 ngày làm việc, Quốc hội sẽ chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề.

Sim rác nhắn tin lừa đảo, “khủng bố” người dân

Trần Tuấn |

Không chỉ tạo ra 74 triệu cuộc gọi rác trong 6 tháng đầu năm, sim rác còn là chủ thể chính tạo ra những tin nhắn rác “khủng bố” người dân. Thậm chí lừa đảo, gạ cắm, bán sim số đẹp kiếm lời hoặc mời chào vào các đường dây cờ bạc, cá độ…

Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng xóa toàn bộ sim rác

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng xóa toàn bộ sim rác, không thể để sim rác gây hệ lụy cho xã hội.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

4 tư lệnh ngành sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

NHÓM PV |

Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, phiên chất vấn bắt đầu từ chiều 3.11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ chủ trì và có phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Trong 2,5 ngày làm việc, Quốc hội sẽ chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề.

Sim rác nhắn tin lừa đảo, “khủng bố” người dân

Trần Tuấn |

Không chỉ tạo ra 74 triệu cuộc gọi rác trong 6 tháng đầu năm, sim rác còn là chủ thể chính tạo ra những tin nhắn rác “khủng bố” người dân. Thậm chí lừa đảo, gạ cắm, bán sim số đẹp kiếm lời hoặc mời chào vào các đường dây cờ bạc, cá độ…

Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng xóa toàn bộ sim rác

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng xóa toàn bộ sim rác, không thể để sim rác gây hệ lụy cho xã hội.