Hành trình khát vọng
Từ Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào trên Quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày 2.9.1945 đã mở sang một trang mới cho lịch sử dân tộc, khởi dựng cơ đồ đất nước đến khát vọng trở thành quốc gia - dân tộc hùng cường.
Đại hội XIII của Đảng đã nhắc tới quan điểm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây chính là khát vọng Việt Nam, khát vọng hùng cường và là một thông điệp có sức thôi thúc mạnh mẽ.
Đại biểu Quốc hội, TS Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cho rằng, hành trình của dân tộc ta suốt từ đầu thế kỷ XX là hành trình của những khát vọng.
Từ năm 1911 khi Nguyễn Ái Quốc rời bến Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước và sau đó thì Người đã trở lại đất nước thân yêu của mình, chúng ta đã có ngày Quốc khánh 2.9.1945. Đó là một hành trình thực hiện khát vọng tự do - độc lập.
Trong suốt hơn 20 năm của giai đoạn này đó là một hành trình thực hiện khát vọng thống nhất đất nước. Đó chính là giai đoạn 1954 - 1975.
Sau khi chấm dứt chiến tranh, chúng ta bắt đầu hành trình đổi mới. Đó là hành trình của một khát vọng chiến thắng đói nghèo. Đến cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, chúng ta đã trở thành một nước có thu nhập trung bình.
Và Đại hội XIII của Đảng tiếp tục, xác định hành trình xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, xây dựng đất nước giàu mạnh sánh vai các cường quốc năm châu. Đó là hành trình hiện thực hoá khát vọng về một đất nước ấm no, hạnh phúc và một nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, kể từ Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giữ vững nền độc lập, thống nhất đất nước và đạt nhiều thành tựu xây dựng, phát triển đáng tự hào.
Với mức tăng GDP hằng năm trung bình khoảng 7% trong 35 năm qua, ngày nay, Việt Nam đứng trong Top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, Top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.
Mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân
Để mang lại ấm no, hạnh phúc thực chất cho nhân dân, PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, phải “đánh thức” khát vọng Việt Nam, thực hiện cho được mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra với ba mốc quan trọng: Đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 phấn đấu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đề cập bối cảnh tình hình quốc tế và Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với khát vọng về phát triển Việt Nam hùng cường, PGS.TS Đào Duy Quát cho rằng điều này đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ, trước hết là phát huy nội lực với sự đoàn kết của cả dân tộc thực hiện những định hướng chiến lược.
Đó là luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Tập trung triển khai ba đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững; xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng lãng phí; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, chuyển đổi sang nền kinh tế số...
"Để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, trước hết phải đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực là yếu tố quyết định. Cùng với đó cần phải có sự ủng hộ, đồng hành, hợp tác cùng có lợi với cả cộng đồng quốc tế” - PGS.TS Đào Duy Quát nhấn mạnh.