10 năm cõng bạn - Từ ghế nhà trường đến giảng đường đại học
Trong suốt 10 năm, em Ngô Minh Hiếu (Triệu Sơn, Thanh Hoá) đã cõng bạn Nguyễn Tất Minh - người bạn cùng xóm bị liệt hai chân và cả bàn tay phải ngay từ khi mới lọt lòng - đến trường đã làm rung động bao trái tim, thu hút sự chú ý của nhiều người về tình bạn trong sáng, cao đẹp. Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, cả hai em Hiếu và Minh đều đạt kết quả trên 28 điểm khiến mọi người càng thêm cảm phục. Hiếu theo học tại Đại học Y Thái Bình còn Minh theo học Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Từ ghế nhà trường, tới giảng đường đại học, dù học tập ở 2 nơi khác nhau song Hiếu và người bạn thân của mình vẫn luôn dành tình cảm, sự quan tâm nhau trong học tập, gặp gỡ và trò chuyện nhau trong những dịp về thăm trường, lớp. Ngoài giờ lên giảng đường, học thực hành và tự nghiên cứu, trong đợt dịch bệnh vừa qua, Ngô Minh Hiếu cũng tích cực tham gia các hoạt động thanh niên tình nguyện. Em đã tham gia vào tổ COVID-19 cộng đồng tại Thái Bình cùng địa phương tham gia phòng, chống dịch bệnh. Những đóng góp tuy nhỏ nhưng cũng làm em cảm thấy tự hào và vinh dự vì đã cống hiến sức trẻ của mình.
Hành trình yêu thương - 10 năm cõng bạn đến trường, cùng với những thành tích đã đạt được trong học tập, vượt khó vươn lên, Ngô Minh Hiếu đã được Chủ tịch nước, UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp tuyên dương, tặng Bằng khen, Giấy khen. Tới đây, Ngô Minh Hiếu là một trong những điển hình tại chương trình Giao lưu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2021. Chia sẻ trước chương trình với PV Lao Động, Ngô Minh Hiếu cho biết, em rất vinh dự và vui mừng khi được nghe thông báo dự chương trình giao lưu “Hồ Chí Minh - Hành trình Khát vọng” sắp tới. “Em thấy việc làm của mình cũng rất bình dị. Trong cuộc sống còn có rất nhiều tấm gương về lòng nhân ái, tấm gương về học tập để chúng em học hỏi mỗi ngày. Em sẽ tiếp tục theo đuổi ước mơ, cố gắng rèn luyện trong học tập và trong cuộc sống để tiến bộ và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng” - Hiếu nói.
Thầy giáo nặng lòng với trẻ vùng cao và ước mơ xây nhiều lớp học cho trẻ nhỏ
Một tấm gương khác cũng khiến nhiều người cảm phục đó là việc làm của thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Chứng kiến những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của các em học sinh nơi vùng cao, thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ không chỉ là người gieo chữ mà còn là cầu nối để các em có thêm cơm no, áo ấm, được học tập trong những ngôi trường khang trang hơn. Gần 20 năm cắm bản tại huyện miền núi Nam Trà My, thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ vẫn đang từng ngày thực hiện ước mơ về những ngôi trường kín gió hơn cho các em nhỏ.
Vậy là từ một thầy giáo cầm phấn, rèn nét chữ mỗi thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, thầy Vỹ cùng các cộng sự lại cầm xẻng, cầm cuốc để cải tạo phòng học, láng nền ximăng tại các lớp học, các điểm trường… Đến nay, thầy Vỹ cùng những thành viên trong câu lạc bộ “Kết nối yêu thương” đã xây dựng được mới 13 ngôi trường ở các điểm thôn nóc với hơn 50 phòng học và phòng ở cho giáo viên. Các thành viên trong CLB cũng đã tham gia góp sức xây dựng khu nhà bán trú, khu nhà ăn cho học sinh của 3 trường tiểu học, 7 ngôi nhà cho các em mồ côi.
Cùng với đó, thầy Vỹ cùng các thành viên duy trì Chương trình “Bầu sữa yêu thương” cung cấp thường xuyên cho các điểm trường. Hỗ trợ cho 8 em trên 18 tuổi không có việc làm đi học nghề. Điều phối các chương trình mổ tim, mổ sức môi hở hàm ếch, dị tật, chuyến xe 0 đồng cho trẻ em và hỗ trợ các bệnh nhân nghèo. Ngoài ra, người thầy giáo này cũng hỗ trợ dụng cụ lao động, nông cụ cho hơn 1.000 hộ; hỗ trợ tiền mặt, thực phẩm, bình lọc nước, tôn lợp, ống dẫn nước cho 500 hộ bị thiệt hại do bão số 9 năm 2020.
Thầy Vỹ kể, những ngày đầu khi mới nhận công tác tại đây, mọi thứ dường như khác xa so với tưởng tượng. Những lớp học tạm bợ lợp bằng tranh, ngày mưa nước dột xuống, ngày lạnh phải nhóm lửa giữa lớp để sưởi ấm. Trang thiết bị đồ dùng lại vô cùng thiếu thốn, cuộc sống cơm không đủ ăn áo không đủ mặc. “Với mong muốn thầy cô giáo có một nơi ở ổn định để tập trung giảng dạy, học sinh tới trường có một chỗ sạch đẹp hơn, từ đó tôi mới tiến hành thực hiện ước mơ xây trường để cuộc sống mọi người bớt khó khăn hơn” - thầy Vỹ chia sẻ.
Sinh viên Ngô Minh Hiếu, thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ chỉ là hai trong số những điển hình tiêu biểu tham dự chương trình Giao lưu toàn quốc. Còn rất nhiều “bông hoa đẹp” trong “vườn hoa nghìn việc tốt” sẽ xuất hiện tại Chương trình Giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2021 “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các đơn vị tổ chức tối 5.12.