Làm rõ trách nhiệm việc chậm tiến độ lập quy hoạch, lãng phí nguồn lực
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng 22.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày báo cáo tóm tắt kế hoạch chi tiết và các đề cương báo cáo giám sát chuyên đề. Cuộc giám sát sẽ đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan.
Kết thúc hoạt động giám sát, Đoàn có báo cáo đánh giá cụ thể về việc sử dụng nguồn lực cho công tác quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030; Lựa chọn tư vấn lập quy hoạch và chất lượng của công tác tư vấn quy hoạch; việc tuân thủ các quy định về căn cứ, yêu cầu, nội dung quy hoạch của từng cấp/loại quy hoạch theo hệ thống quy hoạch quốc gia; tác động đối với công tác quản lý nhà nước, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân...
Đồng thời, báo cáo giám sát sẽ đánh giá việc quản lý các quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) là những quy hoạch có ảnh hưởng lớn đến quản lý đầu tư công, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và của người dân.
Bên cạnh đó là phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân (làm rõ những tồn tại, hạn chế là do quy định pháp luật hay do tổ chức thực hiện); Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân người đứng đầu trong việc chậm tiến độ lập quy hoạch, lãng phí nguồn lực, chất lượng quy hoạch, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động đầu tư, kinh doanh và việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối tượng chịu sự giám sát là Chính phủ và các Bộ (trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực sau: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và HĐND, UBND cấp tỉnh).
Về không gian, đoàn sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo quy định pháp luật liên quan trên phạm vi cả nước. Thời gian giám sát là từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Ai làm gì cũng phải có người khác giám sát
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá hồ sơ chuẩn bị công phu, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu việc giám sát phải cho ra những kết quả cụ thể, thiết thực. Công tác giám sát phải vừa toàn diện, vừa có trọng tâm trọng điểm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tinh thần là đảm bảo nguyên tắc “4 mắt” – ai làm gì cũng phải có người khác giám sát. Cần phải nghe nhiều tai, nhiều kênh, có tính chất độc lập với nhau thì mới có thể “gạn đục khơi trong" được chứ không nghe một chiều.
“Từ khi có Luật Quy hoạch đến nay, việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật hướng dẫn rất chậm, tác động nhiều đến phát triển. Quy hoạch đi trước một bước mà chưa có thì bó tay hết. Giám sát làm rõ cho được lý do vì sao chậm” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Đồng thời, ông Vương Đình Huệ cho rằng, giám sát cũng cần chỉ ra những bất cập của khung khổ pháp luật nếu có để kịp thời sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh. Kết thúc giám sát cần có kiến nghị hình thức xử lý thích đáng với các tổ chức cá nhân sai phạm, chậm trễ, cản trở công tác thi hành pháp luật.