Kích cầu đầu tư xã hội
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong năm 2020, nếu 700.000 tỉ đồng vốn đầu tư công được giải ngân hiệu quả sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), mặc dù tốc độ giải ngân có tăng nhưng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình. Do đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 4.2020 ước tính đạt 23,2 nghìn tỉ đồng tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tháng 3.2020 và đạt mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ năm trước giai đoạn 2016-2020.
Tính chung 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 83,7 nghìn tỉ đồng, tương đương 18,1% kế hoạch năm, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 19,3% và tăng 4%). Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 12,3 nghìn tỉ đồng, bằng 15,8% kế hoạch năm và tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Nội mới chỉ đạt 9,8% kế hoạch vốn. Thành phố thực hiện cân đối bằng cách điều tiết vốn từ các dự án chậm triển khai, có vướng mắc sang cho các dự án cấp thiết, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác.
Dự kiến, sẽ có 23 dự án bị giảm vốn với tổng số 1.772 tỉ đồng để chuyển sang cho 60 dự án khác theo chủ trương điều tiết linh hoạt vốn đầu tư công, trong đó có các dự án hạ tầng giao thông rất cấp bách của thủ đô như: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; đường nối Vành đai 3 - cao tốc Pháp Vân…
Về bảo đảm nguồn cho đầu tư công năm 2020, Sở KHĐT Hà Nội cho biết, sau khi tính toán, dự phòng việc hụt thu ngân sách vì ảnh hưởng của COVID-19 nhưng UBND TP.Hà Nội không điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm nay, bao gồm 22.000 tỉ đồng vốn kế hoạch của năm, 11.000 tỉ đồng từ các kỳ giải ngân trước chuyển sang và khoảng 6.000 tỉ đồng vốn kết dư ngân sách của năm 2019 đã được giao cho đầu tư công năm 2020 (tổng là 37.000 tỉ đồng). Đây là con số rất lớn và nếu giải ngân được sẽ có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thành phố, trước mắt là tác động tới tăng trưởng kinh tế trong quý II/2020.
Cùng đó, các dự án trong điểm của Bộ GTVT như: Cao tốc Bắc Nam đoạn phía đông, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và dự án sửa chữa đường băng cất hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và sân bay Nội Bài (Hà Nội)… với tổng mức đầu tư trên 112.073 tỉ đồng (hiện đã bố trí 14.279 tỉ đồng cho 3 dự án đường cao tốc đã thi công).
Đại diện Bộ GTVT cho rằng, nếu các cấp có thẩm quyền sớm bố trí được nguồn vốn, ra quyết định đầu tư, triển khai thi công nhanh sẽ sớm giải ngân, tạo công ăn việc làm kích thích tăng trưởng kinh tế. Bộ GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã các giao BQL dự án, Tổng Công ty căn cứ quy định của pháp luật về xây dựng, nghiên cứu và đề xuất các phương án thực hiện theo quy định, các thủ tục trình và phê duyệt bao gồm kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đề cương và dự toán các gói thầu tư vấn, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các gói thầu xây lắp; tổ chức lựa chọn Nhà thầu tư vấn và Nhà thầu xây lắp theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định... sẽ tương tự như các dự án đầu tư công thông thường.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính - Đinh Tiến Dũng, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Cần tháo gỡ kịp thời các khó khăn, nhất là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Tập trung các dự án giao thông
Theo Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM - ông Lương Minh Phúc, đơn vị đang cùng với các đơn vị tư vấn, nhà thầu triển khai công tác thi công cho 70 gói thầu thuộc 35 dự án tại 100 khu vực thi công. Theo ông Phúc, trong quý I/2020 đã khởi công 10 dự án mới gồm: Dự án xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 (thuộc dự án Xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 2), dự án Xây dựng hệ thống hầm, cầu trước khu vực Bến xe Miền Đông mới, dự án Xây dựng hạ tầng 9 lô đất - Thủ Thiêm, dự án Xây dựng cầu thép An Phú Đông, dự án Nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2…
Trong quý II/2020, BQL cũng đã đồng loạt khởi công xây dựng 13 dự án hạ tầng giao thông lớn với tổng vốn hơn 3.500 tỉ đồng. Các dự án: Xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, dự án Nâng cấp cải tạo đường Huỳnh Tấn Phát (Giai đoạn 2), dự án xây dựng hệ thống thoát nước Hương Lộ 11, dự án xây dựng hệ thống hạ tầng khu vực kênh Nước Đen, dự án nâng cấp cải tạo đường Trần Văn Giàu, dự án nâng cấp mở rộng các tuyến đường: Dương Quảng Hàm, Trần Văn Mười, dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống, dự án Xây dựng cầu Kênh A, cầu Kênh B (Bình Chánh)…
Cùng với việc khởi công các dự án mới, Ban Quản lý đang cố gắng phối hợp các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo đường Nguyễn Hữu Cảnh, cầu chữ Y, hầm chui An Sương, nâng cấp đường Tô Ký, cải tạo đường Liên Phường, cải tạo đường Đỗ Xuân Hợp, cầu Phước Long, Vàm Sát...
Hiện BQL cũng đang tập trung chuẩn bị trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư công trong kỳ họp giữa năm 2020 các dự án: Xây dựng tuyến đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; xây dựng nút giao thông An Phú (giai đoạn 1); xây dựng các đoạn 1, 2, 4 để khép kín vành đai 2; xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái và các dự án mở rộng cửa ngõ thành phố như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Quốc lộ 22… Theo ông Phúc, việc đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án trên sẽ góp phần đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm và đóng góp cụ thể vào mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TPHCM.