Sáng 28.6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Thảo luận về dự án Luật, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) bày tỏ lo lắng trước thực trạng, trong xu thế mở cửa, tiếp nhận và dung nạp ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đang đứng trước thách thức lớn, dễ nhận thấy nhất là về mặt kiến trúc.
Theo đại biểu, toàn cầu hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa làm nảy sinh một số tác động tiêu cực đến giá trị kiến trúc truyền thống. Nhằm tăng tối đa diện tích sử dụng, nên việc ganh đua về độ cao trong đô thị chưa có dấu hiệu suy giảm.
Các tòa nhà chung cư luôn vươn cao, do đó không gian xanh và hạ tầng sẽ thiếu vì mật độ dân cư cao, từ đó góp phần làm cho môi trường bị ô nhiễm.
“Cảnh quan nông thôn cũng dần mất biểu tượng đặc trưng văn hóa như cây đa, đình làng; nhà theo kiến trúc truyền thống thay thế bằng nhà ống, nhà theo kiểu kiến trúc ngoại lai, kiến trúc dập khuôn” - đại biểu cho biết.
Do đó, để đảm bảo quy hoạch phát triển bền vững, tại Điều 7 về nguyên tắc hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc về việc bảo vệ, kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng không gian văn hóa vùng miền.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm thể chế hóa định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Về trình tự điều chỉnh quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị, khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch mà không làm thay đổi mục tiêu quy hoạch, nên ủy quyền cho cấp dưới 1 cấp để tổ chức thực hiện, nhằm giảm thủ tục hành chính và giảm thời gian cho việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch.
Đồng thời cần quy định rõ về thời gian lập, thẩm định và phê duyệt việc điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Giải trình vấn đề đại biểu quan tâm đến dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đô thị và nông thôn là các không gian lãnh thổ không thể tách rời, được tổ chức xen kẽ, được quản lý theo các cấp chính quyền hành chính. Trong đơn vị hành chính đô thị có một phần khu vực nông thôn và trong đơn vị hành chính nông thôn có bao gồm khu vực phát triển đô thị.
Do đó, theo Bộ trưởng, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần được nghiên cứu 1 cách đồng bộ về lãnh thổ để đảm bảo yêu cầu trong sự chuyển hóa không gian đô thị và nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thêm, dự thảo luật đã quy định rõ các hoạt động quy hoạch trên địa bàn gắn kết phát triển đô thị và nông thôn; các đối tượng không gian lập quy hoạch cũng được xác định theo Điều 5 của dự thảo Luật.
Theo đó, nội dung quy hoạch nông thôn được tập trung vào cho quy hoạch mục tiêu xây dựng, tổ chức phân bố dân cư nông thôn trên cơ sở đánh giá lựa chọn không gian đất đai trên toàn bộ ranh giới lập quy hoạch. Còn các ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi... theo quy hoạch của luật chuyên ngành và luật chuyên ngành.