NGUY CƠ PHÁ VỠ CẢNH QUAN CỦA CÁC DI TÍCH TRONG NỘI ĐÔ:

Dự án ga Hà Nội “nuốt” Văn Miếu

THÔNG CHÍ |

UBND TP.Hà Nội vừa có đề xuất xây khu ga Hà Nội thành khu đô thị hiện đại kiểu Nhật. Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận vừa được UBND TP.Hà Nội thông qua, sẽ có hàng loạt cao ốc cao từ 40 đến 70 tầng mọc lên. 

Theo nhiều ý kiến, nếu đồ án quy hoạch này được thông qua, sẽ biến khu vực này thành miếng mồi ngon cho các nhóm lợi ích thâu tóm. Việc phá vỡ quy hoạch khi xây dựng ga Hà Nội dẫn tới hệ luỵ gia tăng mật độ cư dân, phá vỡ cảnh quan của các di tích trong nội đô lịch sử. 

Đầu tư siêu lợi nhuận

Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận vừa được UBND TP.Hà Nội thông qua và đang xin ý kiến các bộ, ngành, trước khi báo cáo Thủ tướng, có 6 khu đề xuất xây dựng cao 40-70 tầng gồm: Khu tài chính, khu kiến trúc bố cục ở phía bắc khu đất lập quy hoạch (cao 40-70 tầng); khu truyền thông bố cục phía đông khu đất (cao 40-70 tầng); khu lối sống mới bố cục phía tây nam khu đất (cao 40-60 tầng); khu nghỉ dưỡng đô thị tại khu vực trung tâm quy hoạch (cao 40-60 tầng) và khu ga đường sắt cao ở khu vực trung tâm khu quy hoạch (cao 40-70 tầng).

Ngoài 6 khu cao tầng có 3 khu vực thấp tầng gồm: Khu văn hóa thấp tầng (phía bắc khu đất); khu công viên (phía đông khu đất); khu thương mại quốc tế (phía tây nam khu đất). Tổng diện tích đất lập quy hoạch sẽ khoảng 98,1ha với tổng dân số dự kiến 44.000 người (trong đó có tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện trạng khoảng 40.300 người).

Theo đơn vị lập đồ án, để biến quy hoạch thành hiện thực, Hà Nội sẽ cần phải huy động khoảng 23.800 tỉ đồng để đầu tư xây dựng. Trong đó, TP.Hà Nội đảm nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật (khoảng 700 tỉ đồng).

Theo nhiều ý kiến, muốn thực hiện được đồ án này, phải có các nhà đầu tư vào xây dựng. Trả lời PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Tứ - Chánh Văn phòng Thành uỷ, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội - cho hay, hiện tại việc xây dựng khu đô thị ga Hà Nội mới dừng lại ở bước xin ý kiến để ra chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. “Khi nào tới bước lập kế hoạch đầu tư thì sẽ có thông tin chi tiết về nguồn vốn xây dựng” - ông Tứ nói.

Trong khi đó, PV Báo Lao Động ghi nhận ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, để triển khai được đồ án này, Hà Nội sẽ huy động vốn theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao) theo loại BT tại chỗ, BT theo quy hoạch. Nếu thực hiện BT theo quy hoạch, các nhà đầu tư phải tuân thủ đúng quy hoạch đã được phê duyệt có thể tái định cư tại chỗ với nguyên tắc không làm tăng mật độ cư dân, phần thiếu hụt so với số tiền bỏ ra có thể được đối ứng bằng khu đất khác ngoài trung tâm. Còn BT tại chỗ thì phần đất đối ứng có thể sẽ là các cao ốc, trung tâm thương mại lên tới 70 tầng.

Nếu khu đô thị ga Hà Nội được xây dựng theo BT tại chỗ, nhiều ý kiến nhận định, đây là khoản đầu tư siêu lợi nhuận. Bởi hiện tại, nếu đồ án này được thông qua thì có thể nói, các cao ốc ga Hà Nội sẽ có vị trí có một không hai, mà giới đầu tư bất động sản thường gọi “toạ độ kim cương”. Bởi trong khoảng chục năm trở lại đây, rất ít nhà cao tầng mọc lên tại khu vực đường vành đai trở vào trung tâm (còn gọi nội đô lịch sử).

So với dự án gần nhất tại khu vực nội đô có dự án Hà Nội Aqua Central (44 Yên Phụ, quận Ba Đình), nếu so với vị trí ga Hà Nội còn kém xa thì giá đã lên tới hơn 100 triệu/m2.

Khảo sát của PV Báo Lao Động ngày 21.9, giá đất trong ngõ đường Lê Duẩn đã dao động tới 150 đến 200 triệu/m2, còn đất mặt đường Lê Duẩn và các tuyến đường lân cận như Nguyễn Khuyến, Trần Nhân Tông dao động từ 350 triệu tới 450 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí. Nói vậy để thấy, việc xây dựng 6 khu nhà cao 40-70 tầng sẽ là “gà đẻ trứng vàng” với các nhà đầu tư.

Ảnh: Hải Nguyễn
Ảnh: Hải Nguyễn

Có nên đánh đổi?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho rằng, theo quy luật kinh tế, đất đai càng ở trung tâm thì có giá trị càng cao, và hiệu quả kinh tế cao nhất là nâng cao giá trị sử dụng đất bằng cách xây các nhà cao tầng.

Theo ông Chiến, đồ án xây khu đô thị tại ga Hà Nội làm trái quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt là điều đã rõ. Và việc trái quy hoạch này khiến Hà Nội phải trả giá bằng cách bỏ ra nhiều tiền hơn để giải quyết trong tương lai. Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị đưa ra ví dụ, 6 khu nhà cao từ 40-70 tầng, thử tưởng tượng có cả triệu mét vuông sàn xây dựng.

“Theo quy định, cứ 100m2 sàn xây dựng thì phải có 25m2 sàn đỗ ô tô. Như vậy, cả khu vực ga Hà Nội sẽ thành bãi xe khổng lồ. Ngoài ra, các trung tâm thương mại sẽ hút lượng lớn người vào khu vực này. Việc ùn tắc sẽ không tránh khỏi”.

 
 

Khi PV Báo Lao Động đặt vấn đề, UBND TP.Hà Nội đề xuất bỏ ra 700 tỉ đồng để xây dựng toàn bộ hạ tầng khu vực, số tiền này có bảo đảm việc ùn tắc sẽ không xảy ra?

Ông Chiến cho rằng, với 700 tỉ đồng chỉ là hạ tầng khu vực ga Hà Nội, phải tính tới liên kết giao thông cả khu vực nội đô. “700 tỉ đồng bỏ làm hạ tầng chỉ gói gọn trong khu vực ga, còn các tuyến đường khác thì sao? Sau khi dân số tăng, áp lực hạ tầng, có thêm nghìn tỉ nữa chưa chắc đã giải quyết được” - ông Chiến nói.

Trong khi đó, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng - nhận xét, khu vực ga Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch trong nội thành như Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng.

Khu vực này thường xuyên bị ùn tắc, nếu xây dựng công trình cao từ 40-70 tầng thì càng làm tắc nghẽn hơn. “Các đơn vị thích nhắm vào các mảnh đất trung tâm do đó là đất vàng. Cho nên cần tỉnh táo để không xảy ra hệ luỵ về sau” - ông Liêm nói.

 
 

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nếu chỉ chú ý khai thác thì sẽ sai lầm không thể sửa chữa nổi

Nhìn tổng thể Hà Nội rất cần quy hoạch để giảm tải số dân, phù hợp với hạ tầng đô thị đang còn rất nhiều bất cập. Việc khu trung tâm tăng số tầng, đồng nghĩa với việc số dân sẽ tăng lên sẽ càng bất cập với hạ tầng đô thị.

Trước đây, Hà Nội đã có quy hoạch vùng, khu vực phía Tây sẽ là nơi tập trung trung tâm thương mại, tài chính, hạn chế nhà cao tầng ở khu vực nội đô, đặc biệt là các khu di tích lịch sử.

Đặc biệt, ga Hà Nội là một địa chỉ cần bảo tồn, giữ gìn vì nó có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với Hà Nội. Lẽ ra Hà Nội cần nghiên cứu đến tương lai không xa là dịch chuyển đường sắt truyền thống ra ngoài trung tâm nhưng vẫn giữ ga Hà Nội như một địa chỉ lịch sử, thậm chí khôi phục nguyên hình dáng để làm một địa chỉ tham quan, bảo tồn. Nếu chỉ chú ý khai thác thì sẽ sai lầm không thể sửa chữa nổi và sẽ là áp lực lớn cho khu vực trung tâm sau này.

 
 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái: Đi ngược lại kiến trúc đô thị của Hà Nội trong sự phát triển lành mạnh

Việc xây dựng những nhà cao tầng nấp dưới “chiêu bài” xây dựng lại ga Hà Nội đã hàm chứa trong đó sự phê phán, phá hỏng không gian đô thị của khu vực ga Hà Nội trên giấy tờ. Ở đấy nó ẩn náu một mục đích khác mà muốn gọi tên ra là lợi ích của một nhóm lợi ích muốn làm tiền.

Rất nhiều công trình xây dựng của Hà Nội đã có sự lầm lẫn về văn hóa như tòa nhà Lê Trực, đang xử lý mà vẫn chưa xử lý xong và những tòa nhà đã xây dựng mà tự nó đã làm xấu không gian Hà Nội, thí dụ Hàm Cá Mập, những tòa nhà ấy về kiến trúc là không đẹp và thiếu văn hóa. Đó là chưa kể đến việc định đặt tượng, chẳng hạn như ý định đặt tượng King Kong, Rùa vàng ở Hồ Gươm.

Tất cả những đặt, để trong không gian văn hóa đô thị ấy nếu không được tính trên một tổng thể về không gian văn hóa đô thị và không gian cảnh quan tuyệt vời của Hà Nội vốn được hình thành trong cả nghìn năm thì sẽ bị phá vỡ. Rất nhiều lần người ta đã rút khỏi không gian đô thị những kiến trúc không phù hợp, vậy tại sao những kiến trúc kiểu này vẫn được đề nghị xây dựng?

Ga Hà Nội là một công trình có lịch sử hàng trăm năm, khi người Pháp xây dựng, đặt ở đấy đã có tính toán quá kỹ rồi. Tại sao giờ mình lại tính lại, nhất là cái tính lại đó phản lại mỹ học của kiến trúc trong đô thị.

Cho dù đô thị là phải phát triển, phải có nhà cao tầng, nhưng hiện nay đang diễn ra tình trạng loạn xạ về chiến lược phát triển đô thị. Ai là người sẽ chịu trách nhiệm về việc ấy. Nên bác bỏ dự án này, vì nó đi ngược lại kiến trúc đô thị của Hà Nội trong sự phát triển lành mạnh, bền vững, tử tế. MAI CHÂU (ghi)

Nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến: Cọc cạch, lạc lõng, phản văn hóa

Việc xây mới ga Hà Nội phải hết sức cân nhắc, có cần thiết phải xây không? Vì nếu thực hiện sẽ có nguy cơ phá vỡ cảnh quan, quy hoạch khu vực nội đô Hà Nội.

Ga Hà Nội không chỉ có giá trị phục vụ giao thông công cộng, mà còn là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Đây là một di sản của Hà Nội, tất cả những công trình ở ga đã có tuổi đời trên 80 năm, đã gắn bó với bao thế hệ. Nó là chứng cứ tội ác của Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Những kiến trúc của Pháp tại ga không chỉ có giá trị ở Việt Nam mà còn được đánh giá là công trình độc đáo ở Châu Á. Giờ nghĩ đến việc phá bỏ một công trình có giá trị di sản, kiến trúc lớn như thế có nên không?

Thử hỏi bây giờ xây những tòa nhà 40-70 tầng, hiện đại, sầm uất cạnh một nơi linh thiêng như Văn Miếu có được không? Tôi phải nói thẳng là nó rất cọc cạch, lạc lõng, không hợp với không gian văn hóa ở đây.

Nhất là khoảng cách từ ga Hà Nội đi ra Văn Miếu rất gần, giá trị của Văn Miếu thì ai cũng biết rồi. Giờ để một công trình lênh khênh cao lớn, cạnh những căn nhà ngói, các cụ vẫn gọi là nhà cấp 4, các vị có nhìn được không? Nó rất phản văn hóa.(THIÊN HƯƠNG ghi)

KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.Hà Nội: Nguy cơ phá vỡ cảnh quan khu vực

Việc xây dựng quá nhiều công trình cao tầng như vậy còn dẫn đến mâu thuẫn với kiến trúc, cảnh quan khu vực xung quanh. Đặc biệt khu vực Ga Hà Nội lại rất gần khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cách khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và hồ Hoàn Kiếm không xa. Không nên chỉ vì quyền lợi cục bộ của một công trình mà phá vỡ không gian quy hoạch chung của thủ đô.

Ga Hà Nội hay còn gọi là ga Hàng Cỏ là di sản, nằm trong danh sách bảo tồn nên phải giữ nguyên trạng. Đây là một trong những công trình có giá trị lịch sử, minh chứng cho một thời kỳ hào hùng của dân tộc, do đó không được phá bỏ, chỉ nên chỉnh trang, cải tạo lại sao cho hài hòa nhất với không gian, cảnh quan, kiến trúc chung của đô thị. TRẦN VƯƠNG


THÔNG CHÍ
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.