Bà Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam dự và chủ trì Hội nghị.
Không chủ quan trong nắm bắt tư tưởng nhân dân
Trong 6 tháng đầu năm, UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng về công tác dân vận; tổ chức đại hội nhiệm kỳ của một số tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tiếp tục củng cố tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên, bồi dưỡng cán bộ và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; hướng về cơ sở, nắm bắt tình hình nhân dân nhất là các địa bàn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề phát sinh....
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động nổi bật như chương trình Tết Sum vầy đã thực hiện xã hội hoá các nguồn lực chăm lo cho công nhân lao động ăn tết vui vẻ lên tới 1.512 tỉ đồng. Hoạt động đại hội công đoàn và tiến tới Đại hội Công đoàn toàn quốc đã hoàn thành 90%.
Chương trình phúc lợi của công đoàn với các doanh nghiệp cũng được triển khai kí kết, từ đó thực hiện 2 mục đích người lao động, đoàn viên được hưởng chương trình giảm giá, đồng thời quảng bá thương hiệu Việt Nam thực hiện chỉ đạo của Trung ương về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...

Liên quan tới điểm nóng bức xúc của người dân tập trung đông người, gây ách tắc vừa qua, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, nắm bắt tình hình, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kịp thời báo cáo và có những văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các địa phương, lãnh đạo Đảng đoàn và các đồng chí Uỷ viên Đoàn Chủ tịch cũng trực tiếp xuống các địa phương để nắm bắt tư tưởng của đoàn viên, công nhân.
10 địa phương có tình hình này, trong đó 2 địa phương có sự tham gia của lực lượng chống đối là Phú Thọ và Yên Bái. Những nơi còn lại, đối tượng phản động núp bóng qua một số lực lượng, người dân khác.
Trong diễn biến ở các điểm nóng, điểm phức tạp, một số phần tử lợi dụng để kích động và vào trong doanh nghiệp đóng cầu dao để công nhân không làm việc, vào khu nhà trọ cho tiền công nhân để nghỉ việc đi tập trung. "Xác định, phần tử phản động vẫn có âm mưu lợi dụng công nhân, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, các giai tầng xã hội nhất là những vấn đề nhạy cảm, nổi cộm và bức xúc của nhân dân, từ đó chủ động tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động, người dân. Sẽ không lơ là, chủ quan", bà Hồng nói.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế của công tác dân vận thời gian qua, từ đó đề nghị trong thời gian tới, Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần có những giải pháp đồng bộ trong công tác tuyên truyền vận động, tham mưu cho cấp ủy trong việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những bức xúc của nhân dân; có những giải pháp để kiểm soát tốt hơn mạng xã hội cũng như huy động sự vào cuộc của hệ thống báo chí trong khối để có tiếng nói kịp thời định hướng dư luận xã hội.
Đóng góp ý kiến, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Duy Phương và Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn cũng đã nêu những đổi mới phương thức tuyên truyền, tập hợp tới lực lượng thông qua hình thức mạng xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức tốt các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, kịp thời giải quyết các vụ khiếu kiện phức tạp, giải quyết các điểm nóng phát sinh, từ đó khẳng định vai trò gần dân, sát dân, phát huy hiệu quả công tác dân vận trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, điều Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trăn trở hiện nay là đời sống của người dân vẫn còn khó khăn; tình hình mưa lũ, sạt lở tại các tỉnh miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản; việc nắm bắt và lắng nghe ý kiến của nhân dân có nơi chưa sâu, chưa chắc,…
“Đừng chủ quan mà phải nắm bắt những vấn đề tiềm ẩn”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhắn nhủ.
Lắng nghe ý kiến người dân, phát huy dân chủ
Cũng theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, các tổ chức trong Khối cần tăng cường việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đổi mới hình thức tiếp xúc với nhân dân thông qua đối thoại trực tiếp, lắng nghe, phát huy dân chủ thực hiện tốt chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
“Chính quyền cần lắng nghe ý kiến của nhân dân, tạo bầu không khí dân chủ thực sự trong nhân dân, người đứng đầu luôn phải biết lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gợi mở.
Kết luận Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trương Thị Mai đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị -xã hội cần quan tâm cụ thể hóa, tham gia có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương nhất là vai trò của MTTQ VN trong hoạt động giám sát phản biện xã hội, vai trò tự quản của cộng đồng; tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, nắm chắc tình hình không bị động khi tình huống xảy ra.

Trưởng Ban Dân vận Trương Thị Mai lưu ý MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong đổi mới phương thức hoạt động của công tác dân vận cần quan tâm đến việc vận động giải quyết điểm nóng, điểm phức tạp; Tiếp tục xây dựng tổ chức vững mạnh, gắn liền với nhân dân để góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.