Sục sôi hướng về mặt trận Điện Biên
Ngược dòng lịch sử hơn sáu thập kỷ, vào cuối năm 1953, cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp đã bước vào giai đoạn tổng phản công. Mặt trận Điện Biên Phủ trở thành trận quyết chiến chiến lược của cả dân tộc.
Vào thời điểm cả nước sục sôi hướng về mặt trận, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Nghệ An phát lệnh tổng động viên chi viện tiền tuyến lớn.
Các ông Minh Châu - Bí thư Tỉnh ủy, Hoàng Ngọc Nhân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Trường Khoát - Chủ tịch tỉnh, chỉ với chiếc xe đạp là phương tiện đi lại duy nhất thời kháng chiến đã lặn lội, xông xáo xuống tận xã chỉ đạo tuyển quân, thu gom lương thực, thực phẩm, tổ chức lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, khẩn cấp chi viện mặt trận.
Đến tháng 2.1954, cả tỉnh đóng góp đợt đầu 1.400 tấn thóc, 300 tấn muối, mắm kem, 300 tấn thuốc lào, 2.500 xe đạp thồ hàng, 2950 chiếc khăn lau mặt. Cả tỉnh động viên 5.438 thanh niên nhập ngũ, 2.600 thanh niên xung phong, 32.000 dân công hỏa tuyến.
Những tân binh trai trẻ huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thị xã Vinh được lựa chọn vào lực lượng xung kích, tổ mũi nhọn cắm cờ ở hầu hết các đại đoàn chủ lực 312, 304, 316, 308 và đại đoàn công pháo 351, đại đoàn hỏa lực mạnh đầu tiên của quân đội ta với trang bị trọng pháo 105 ly, sơn pháo 75 ly và pháo phòng không 37 ly.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy địa cầu”, nhiều Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Trị (đại đoàn 316), Trần Can (đại đoàn 312), Phan Tư (đại đoàn 351), Đặng Đình Hồ (đại đoàn 312) là con em ưu tú quê hương Bác Hồ.
Nếu trên chiến hào tiến công đánh chiếm các cứ điểm then chốt, ác liệt, có mặt con em Nghệ An với quân số hơn 5 trung đoàn thì ở trung tuyến chi viện đạn, dược, vũ khí, lương thực, thực phẩm, phá bom, mở đường vượt trọng điểm dốc Cun, đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi trên đường số 6, đường số 41 Tuần Giáo lại ngời sáng những tấm gương quả cảm “san núi, mở đường thắng lợi” của lực lượng thanh niên xung phong Đoàn 40, trong đó có Đội 34 Nghệ An.
Bộ tư lệnh chiến dịch và Binh trạm tiền phương giao cho Đội 34 Nghệ An bảo đảm giao thông tuyến đường chi viện mặt trận từ Suối Rút (Hòa Bình) đến cây số 31 (Tuần Giáo). Vừa san lấp hố bom, mở đường xế, đường tránh, ngụy trang đường, lát ngầm vượt suối, Đội 34 còn có nhiệm vụ bốc xếp hàng, vận chuyển hàng, sơ tán hàng quân sự các trạm trung chuyển từ Suối Rút đến trạm Km 80, cửa ngõ chính dẫn vào Điện Biên Phủ.
Tại trọng điểm cầu Tà Vài, cầu Yên Châu, ngã ba Tuần Giáo, Cò Nòi... bị đánh phá cầm canh lại ngời sáng tấm gương dũng cảm, mưu trí, sáng tạo phá bom nổ chậm, bom bướm như đội viên Lê Văn Hiệu, Nguyễn Văn Hòa, Đặng Xuân Bửu, Lê Văn Thường, Ngô Trí Tường, Bùi Đinh Yên...
Chuyển 5.000 tấn lương thực, thực phẩm
Ngã ba Cò Nòi, hội tụ tuyến hành quân, tiếp vận từ bến phà Tạ Khoa, từ Suối Rút đổ vào mặt trận được công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ví như “túi bom”, “cửa tử”. Nơi đây đã thấm máu xương hơn một trăm cán bộ, chiến sĩ công binh, thanh niên xung chốt giữ trọng điểm giao thông huyết mạch, trong đó có 14 người con ưu tú của Nghệ An.
Đường lên mặt trận Điện Biên Phủ nô nức, kiên gan, bền bỉ đoàn dân công hỏa tuyến Nghệ An băng đèo, lội suối, ngày nghỉ, đêm hành quân vượt hơn 600km đường rừng, dốc cao, chuyển 5.000 tấn lương thực, thực phẩm từ hậu phương tới hệ thống kho trạm tiền phương.
Đại đội dân công xe đạp thồ Anh Sơn tập hợp gần một trăm gương mặt trẻ “tay ngai” trung chuyển hàng sát mặt trận. Đại đội dân công hỏa tuyến Anh Sơn được tặng cờ thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các đội viên Nguyễn Văn Hán, Nguyễn Văn Hữu, Nguyễn Thị Trúc được tặng thưởng Huân chương chiến sĩ hạng Ba.
Nếu như đội viên dân công Ma Trường Kháng, Cao Văn Ti đoàn Thanh Hóa chở 320kg hàng, cao nhất mặt trận thì Nguyễn Vân Hán, đoàn Nghệ An đạt bình quân thồ 280kg hàng trên một cung đường vận chuyển.
Bài học của “tay ngai” xe đạp Nguyễn Văn Hán là chuẩn bị đủ săm, lốp, nhựa vá, má phanh, cơm nắm, nước uống, chủ động giao, nhận hàng, quay trở nhanh từng chuyến vận chuyển. Anh tự tạo chiếc đèn chai thắp dầu hỏa tẩm bông, có chụp phòng không, hắt ánh sáng xuống mặt đường để chuyển hàng ban đêm.