Trước chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19-20.6 của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi đã chia sẻ với báo giới về tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian tới, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Đại sứ Đặng Minh Khôi chỉ ra, năm 2012, Việt Nam và Liên bang Nga đã xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Năm 2015, Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do (VN-EAEU FTA), tạo thuận lợi cho phát triển hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước. Sau khi Hiệp định VN-EAEU FTA có hiệu lực từ tháng 10.2016, thương mại song phương Việt Nam - Nga phát triển nhanh, đạt kim ngạch 5,5 tỉ USD vào năm 2021, tăng 90% so với năm 2016.
Tuy nhiên, từ sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraina, tình hình chính trị - kinh tế trên thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực tới hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nga, cùng với sự nỗ lực chung của các cơ quan chức năng và của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, các khó khăn về vận tải, thanh toán… từng bước được tháo gỡ, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đã có sự hồi phục rõ rệt.
Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 3,6% so với năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt xấp xỉ 2 tỉ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhiều nhóm hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, may mặc, thiết bị máy móc tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao sang thị trường Nga.
Ngược lại, Việt Nam cũng tăng nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như than đá, phân bón, hóa chất, thực phẩm… phục vụ sản xuất, kinh doanh đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 5.2024, Liên bang Nga có 186 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỉ USD; trong khi đó Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỉ USD.
"Hợp tác trong lĩnh vực truyền thống là dầu khí tiếp tục được duy trì và củng cố, với hai doanh nghiệp tiêu biểu là Vietsovpetro và Rusvietpetro tiếp tục hoạt động có hiệu quả. Hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực khác như chế biến thực phẩm, sản xuất - lắp ráp ô tô… cũng từng bước phát triển" - Đại sứ Đặng Minh Khôi chia sẻ.
Trong thời gian qua, Việt Nam và Nga cũng từng bước nối lại hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác bị gián đoạn từ sau bùng phát đại dịch COVID-19. Từ đầu năm 2024, hai bên đã mở lại tuyến bay thẳng giữa Mátxcơva và Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 3 chuyến/tuần.
Hiện nay, Nga và Việt Nam đã nới lỏng các quy định về visa cho công dân của nhau. Từ tháng 8.2023 công dân Việt Nam đã có thể xin visa điện tử vào Nga với quy trình đơn giản, thuận tiện; trong khi đó từ 15.8.2023, du khách Nga có thể lưu trú tại Việt Nam đến 45 ngày miễn visa.
"Đây là các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước hồi phục và thúc đẩy hợp tác du lịch - thương mại trong thời gian tới" - Đại sứ Đặng Minh Khôi cho hay.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nga, trong những năm gần đây, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt, cấm vận của các nước phương Tây, Liên bang Nga tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP khá cao và trở thành nền kinh tế đứng thứ tư thế giới theo sức mua.
"Trong bối cảnh đó, ngoài các lĩnh vực hợp tác truyền thống, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực mà Nga có thế mạnh như công nghiệp nền tảng, công nghệ cao, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, dược phẩm… Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp hai nước tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành tại Nga và Việt Nam tìm hiểu thị trường, tìm khách hàng, thiết lập quan hệ kinh doanh - đầu tư" - Đại sứ nói.