Thưa Đại tá, để đưa Chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi, quân đội ta đã mưu trí và quyết tâm ra sao? Trận đánh nào để lại kỷ niệm sâu sắc nhất với ông?
- Trận đánh để lại kỷ niệm sâu sắc nhất là trận mở đầu chiến dịch. Khẩu hiệu lúc bấy giờ theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không đánh theo lối bình thường. Bởi uy lực, hỏa lực của địch mạnh, đánh bình thường, thương vong rất lớn. Không chắc chắn, không đánh; không chắc thắng, không nổ súng trước.
Quân đội ta phải đánh theo lối vây - lấn - tấn - diệt. Vây tức là đào công sự, trận địa lấn về phía địch càng gần càng tốt, gần nhất là 50 - 60m. Càng gần địch, quân ta càng tránh được bom, đạn, đại bác... và khống chế quân nhảy dù.
Lúc ấy, quân đội ta có pháo cao xạ 37 ly lợi hại, đạn bắn rất nhanh nên có thể khống chế máy bay thả dù tiếp tế của địch. Bộ đội luôn tận dụng đưa pháo cao xạ đến sát vị trí của địch, để khống chế không phận gần nhất.
Thường máy bay địch muốn thả dù phải hạ xuống độ cao khoảng 500m. Tuy nhiên, khi quân ta khống chế không cho máy bay địch hạ thấp, quân địch phải thả dù từ độ cao 1.000m, dẫn đến thiếu chính xác. Từ đó, quân ta có thể đoạt dù tiếp tế của địch.
Quân đội ta chuyển từ tác chiến theo lối “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”. Điều này có ý nghĩa ra sao đối với thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ?
- Thay đổi này thử thách lòng tin và quyết tâm của cán bộ chỉ huy các cấp trong chiến dịch. Nhưng chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp cho chỉ huy các cấp và toàn thể chiến sĩ có một ý chí sắt đá, kiên quyết tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Điều đó đã được thể hiện thật rõ rệt trong suốt 56 ngày đêm tác chiến ở chiến trường Điện Biên Phủ.
Những năm tháng sinh hoạt và chiến đấu ở lòng chảo Điện Biên, nơi đây được tổ chức thế nào? Quân đội ta phải đối mặt với những gian khổ, hiểm nguy ra sao, thưa ông?
- Nhờ có trận địa công sự, quân đội ta tổ chức đời sống tương đối tốt. Ăn cơm, canh nóng. Thương binh có chỗ nằm nghỉ trong hào rộng trên đường di chuyển đến điểm cấp cứu.
Khó khăn nhất lúc bấy giờ là vận chuyển. Nhưng nhờ có lực lượng dân công, thanh niên xung phong ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, nên vẫn đưa được gạo, thuốc men, nhu yếu phẩm... tới căn cứ. Tiếp đến là nhờ sự giúp đỡ tận tình của đồng bào các dân tộc ở vùng núi, thiếu gì đồng bào lại hỗ trợ.
Ông đã trải qua hành trình thế nào để một chiến sĩ bình thường đến vị trí tham mưu cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
- Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, tôi là một cán bộ Việt Minh ở địa phương, tương đương cấp phường hiện nay. Tôi chỉ huy Đội tự vệ không vũ trang của Việt Minh với hơn 20 người. Đó là lúc tôi bắt đầu cuộc đời cách mạng.
Khi lên Điện Biên, tôi đã là Trung đoàn phó. Theo biên chế, Trung đoàn phó chỉ huy 3.000 quân. Sau này, trung đoàn của tôi thành một lữ đoàn có 7.000 quân. Từ năm 1948 đến năm 1951, tôi là cán bộ được giao nhiệm vụ là Bí thư quân sự của Đại tướng.
Trong quá trình chiến đấu, ông từng bị thương trong trận đánh nào?
- Tôi bị thương trận đầu tiên vào năm 1947. Khi lần đầu tiên quân Pháp tấn công lên căn cứ vào tháng 10.1947. Lúc ấy tôi đang học ở trường võ bị Trần Quốc Tuấn, trên cương vị học viên sĩ quan của trường võ bị đầu tiên của Việt Nam. Hiệu trưởng là ông Hoàng Đạo Thúy, địa điểm học ở Bắc Kạn.
Khi đang học, địch nhảy dù, chiếm thị xã Bắc Kạn. Có tin báo địch đã cho một trung đội nhảy xuống cách Bộ Tổng tham mưu khoảng 4km. Lệnh từ trên yêu cầu trung đoàn phải diệt trung đội dù của địch, nếu không địch sẽ tăng cường quân tấn công căn cứ của ta.
Sáng địch nhảy dù, trưa hôm ấy Hiệu trưởng Hoàng Đạo Thúy triệu tập tất cả học viên, để tìm ra người tình nguyện vào đơn vị tập kích địch ngay trong đêm. Hiệu trưởng chỉ định tôi làm Tiểu đội trưởng chỉ huy 9 người trong trận đánh đó.
Tiểu đội đánh bằng lựu đạn, không phải đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê. Lúc đó, địch được lệnh rút quân, không giữ điểm đó. Trên đường rút, một tên địch bò ra thấy tôi đứng ngoài liền nổ súng trúng chân tôi.
Đó là vết thương đầu tiên của tôi trong quá trình chiến đấu. Đó cũng là trường hợp đầu tiên một tiểu đội toàn học viên quân võ bị do tôi chỉ huy đánh thắng địch. Tôi được tuyên dương trước toàn trường và nhận huân chương chiến công. Từ ấy, tôi được giới thiệu với tướng Giáp.
Suốt những năm tháng tham mưu cho Tổng Tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp, ông rút ra cho mình những bài học gì?
- Tôi đã học được từ Đại tướng lòng quyết tâm, đã quyết tâm thì không bao giờ thay đổi, không suy chuyển. Đã nói tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trước sau cũng phải tiêu diệt quân địch.
Thứ hai là mưu trí. Trong những hoàn cảnh công việc gấp rút như vậy, tướng Giáp tỉnh táo nên mới điều khiển các trận đánh hay. Có tỉnh táo mới ra mưu. Trong binh pháp cổ truyền của Việt Nam, đánh với địch, miếng hay nhất là lừa địch. Có lừa được địch mới đỡ hy sinh xương máu.
Đến giờ, những ngày tháng ở chiến trường Điện Biên Phủ, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn in đậm trong trái tim tôi. Với tôi, lưu giữ ký ức một thời ấy là phúc phận, là tự hào. Chiến tranh dù đã lùi xa nhưng đó chính là báu vật tinh thần không chỉ với chúng tôi mà còn cho cả những thế hệ mai sau.
Đại tá Nguyễn Bội Giong sinh năm 1926, ở làng Giáp Tứ, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).
Nguyễn Bội Giong học giỏi, từng thi đỗ Trường Bưởi, giành học bổng bán phần, rồi toàn phần. Ngày 11.3.1945, Nguyễn Bội Giong nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ thanh niên cứu quốc tại vùng Sét (khu vực Giáp Tứ, Giáp Lục và Giáp Bát ngày nay). Ông cùng nhân dân địa phương tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ông đảm nhận nhiều nhiệm vụ qua các mùa chiến dịch, trên cương vị là Bí thư quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, cho đến phái viên của Bộ Tổng Tư lệnh trong các chiến dịch quan trọng như: Biên giới, Điện Biên Phủ...
Tại chương trình giới thiệu tài liệu lưu trữ về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Genève của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) đầu tháng 4, Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên Chuyên viên cao cấp Ban Tổng kết lịch sử chiến tranh, Bộ Tổng Tham mưu, chia sẻ những kỷ niệm trong cuộc đời binh nghiệp.