Giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã
Sáng 14.3, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 9 xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã, qua đó giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã. Tuy nhiên, việc sắp xếp ĐVHC ở một số địa phương có chậm hơn so với tiến độ theo kế hoạch.
Các cơ quan hành chính, các cơ quan thuộc khối Đảng, đoàn thể ở địa phương được sắp xếp đã đi vào hoạt động ổn định.
Số liệu cho thấy đã tinh gọn được 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện. Theo báo cáo của Chính phủ, đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 2.008,63 tỉ đồng, trong đó giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63 tỉ đồng và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỉ đồng.
Đến hết năm 2021, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư còn phải tiếp tục sắp xếp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với số lượng dôi dư. Hiện còn hơn 400 cán bộ cấp huyện, hơn 3.000 người ở xã và trên 400 cán bộ ở thôn thuộc diện bố trí, sắp xếp.
Tuy vậy, một số địa phương cho rằng, việc thực hiện chế độ, chính sách ở một số địa phương còn lúng túng do các văn bản quy định chưa thật đầy đủ; chưa có cơ chế tài chính để khuyến khích các trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi hoặc có nhu cầu thôi việc để chờ nghỉ hưu.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách khi thôi việc chưa đủ để hỗ trợ cho các đối tượng này ổn định cuộc sống hay bắt đầu công việc khác.
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý hơn đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp ĐVHC; đồng thời có hình thức hỗ trợ, phân bổ nguồn lực cho các địa phương để thực hiện công tác này.
Khảo sát ngẫu nhiên để đảm bảo khách quan
“Dự kiến đến hết năm 2024 hoàn thành việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở ĐVHC mới đảm bảo theo đúng quy định (Phú Thọ, Hòa Bình, Cao Bằng); dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc sắp xếp (Nam Định, Hà Tĩnh)…”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, đoàn giám sát đề nghị tạm dừng tuyển dụng công chức cấp huyện, cấp xã một thời gian để sắp xếp, giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư. Cùng với đó là tăng cường vận động, thuyết phục, kết hợp có chính sách thỏa đáng để cán bộ, công chức gần độ tuổi nghỉ hưu xin về nghỉ hưu trước tuổi để có thêm phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành sắp xếp các ĐVHC cấp xã trong giai đoạn sau.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ "động chạm" đến vấn đề con người. Vấn đề đặt ra khi sáp nhập thì hiệu quả có tốt hơn không? Quản lý nhà nước, quản lý xã hội có hiệu quả không hay chỉ giảm đầu mối về nhân sự và tổ chức bộ máy.
Ông Bùi Văn Cường đề nghị, tới đây khi đoàn giám sát chuyên đề đi khảo sát sẽ không đề nghị địa phương được khảo sát chuẩn bị. Sau khi làm việc với tỉnh/thành, đoàn giám sát sẽ chủ động chọn địa bàn lắng nghe, khảo sát chứ không để chuẩn bị trước. Bởi nếu chuẩn bị trước sẽ chỉ còn lại những ý kiến đồng thuận, sắp đặt sẽ không còn sự khách quan. Đoàn giám sát sẽ lắng nghe ý kiến nhiều chiều, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng để làm việc khách quan.