Đội ngũ công chức, viên chức phải thực sự tận tụy, cống hiến
Là thành viên Ban soạn thảo dự thảo các văn kiện, GS-TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, trước đây chúng ta nói cơ chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, lần này thêm “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Đó là quy luật, làm phải được thụ hưởng, còn nếu làm không thụ hưởng không ai làm. Động lực chính là lợi ích. Lợi ích phải hài hòa tổng thể lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Ông Phú cho biết, việc này nhận được sự đồng tình, hoan nghênh của người dân. Nếu thực hiện được đúng điều này sẽ tạo ra một xung lực mới trong quá trình phát triển đất nước.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, vấn đề chủ trương đã rõ, đường lối đã có thì việc thực hiện trong thực tiễn như thế nào rất quan trọng. Vấn đề dân giám sát, dân thụ hưởng quá đúng, nếu muốn làm được điều này phải là nhận thức từ trên xuống dưới, nhất là từ cơ sở, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã, phường, phải thấm nhuần cái này. Và phải có cơ chế cụ thể.
“Để dân giám sát, dân thụ hưởng thì cơ chế thế, phải có chế tài cụ thể. Như vậy, nếu không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm. Nếu gây khó dễ cho vai trò giám sát, lợi ích của dân, phải xử lý trách nhiệm. Lâu nay, chế tài chưa đủ mạnh, do đó mà đường lối thì đúng, chủ trương thì hay nhưng vào trong thực tiễn, thậm chí có nơi vào cuộc sống bị méo mó đi, khiến quần chúng kém phấn khởi, thậm chí là thiếu tin tưởng” - GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh và cho rằng cần phải quyết tâm khắc phục điều này.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, khái niệm “dân thụ hưởng” liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân. Và điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như đòi hỏi mở rộng cơ chế dân chủ cơ sở. Người dân không chỉ được quyền cung cấp thông tin về đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước, bàn bạc và chất vấn các văn bản hành chính, kiểm soát thực thi các chính sách, còn được quyền đón nhận những điều tích cực nhất. Rõ ràng, để “dân thụ hưởng” đội ngũ công chức, viên chức trong bộ máy công quyền phải thật sự tận tụy và sự cống hiến vượt trội hơn nữa, cán bộ phải xác định tinh thần là công bộc của dân, chấm dứt các hành vi và thủ tục mang xu hướng dồn đẩy cái khó cho người dân.
Ngăn chặn mọi biểu hiện “lợi ích nhóm”
Cùng trao đổi về việc này, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, vấn đề dân giám sát và dân thụ hưởng là những vấn đề rất là quan trọng, có ý nghĩa lớn được đề cập tới trong Văn kiện Đại hội XIII. Nếu như chúng ta phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân thì có thể ngăn ngừa từ sớm những tiêu cực trong xã hội, trong đội ngũ cán bộ. Có lẽ không ai hiểu tổ chức, không ai hiểu cán bộ, đảng viên bằng nhân dân. Có nhân dân giám sát chặt chẽ, hàng ngày, kịp thời góp ý, kịp thời phê bình thì cán bộ dễ nhận thức và sửa chữa được, không mắc vào các sai lầm đáng tiếc phải xử lý như thời gian vừa rồi. Còn vấn đề dân thụ hưởng đây là biện chứng. Đây là nguyên lý của chủ nghĩa xã hội, tức là phân phối theo lao động. Người dân là người trực tiếp làm ra của cải vật chất thì người dân phải là chủ thể để thụ hưởng những thành quả do mình làm ra. Đó là bản chất của chế độ xã hội và đó cũng là động lực để thúc đẩy phát triển xã hội.
Ông Nguyễn Túc cũng cho rằng, chủ trương, đường lối đã có, đã được xác định rõ ràng; nhưng để thực hiện thắng lợi cần quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, nói phải đi đôi với làm thì nhân dân mới tin, hưởng ứng và đem lại những thắng lợi to lớn. Chỉ có quyết tâm, quyết liệt mới thực hiện được những chủ trương đề ra.
“Người dân chỉ thực sự được thụ hưởng, khi và chỉ khi mối quan hệ giữa người dân và chính quyền trở thành dịch vụ công ích minh mạch, chứ không phải “xin- cho” hay “ban phát”” - ông Túc nêu ý kiến.
Cán bộ lãnh đạo phải gần dân, sát dân, không thể xa rời nhân dân
TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, văn kiện Đại hội XIII của Đảng bổ sung thành tố “dân giám sát, dân thụ hưởng” bên cạnh “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là sự khẳng định sâu sắc bản chất ưu việt chế độ ta. “Dân thụ hưởng” là đích cuối cùng, mục tiêu tối thượng của một Nhà nước vì dân, luôn nỗ lực quan tâm nâng cao đời sống nhân dân. Điều này cũng được thể hiện rõ nét qua các chính sách an sinh xã hội (ASXH), phúc lợi xã hội, tập trung chăm lo đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách, người yếu thế.
Nhắc tới nhiều yêu cầu và quyết tâm cần phải thực hiện để có thể đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống, TS Bùi Sỹ Lợi đặc biệt lưu ý, cần phải tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, tăng cường phân công, phân cấp; mạnh dạn trao quyền tự chủ cho địa phương, cơ sở, nhấn mạnh trách nhiệm và phát huy sáng tạo của người đứng đầu. Bên cạnh đó, bảo đảm sự kiểm tra, giám sát, chặt chẽ trên cơ sở công khai, minh bạch để mọi người đều được hưởng thụ một cách công bằng, bình đẳng. Đặc biệt, dù ở cấp nào thì cán bộ cũng phải gần dân, sát dân, không thể xa rời nhân dân. Trong những thời điểm quyết định, cán bộ lãnh đạo càng phải thể hiện được phẩm chất, năng lực, sự xông xáo, nhiệt tình trong giải quyết với công việc, cùng nhân dân đương đầu vượt qua khó khăn, thách thức để hướng tới cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân.