Không có sự phân biệt giữa y tế công lập và tư nhân
Sáng 24.10, tại kỳ họp thứ 4, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, một số đại biểu đề nghị bổ sung các chương về tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh, về y tế tư nhân và về Hội nghề nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ý kiến đại biểu rất xác đáng và đã chỉ đạo rà soát các quy định của dự thảo Luật và pháp luật hiện hành.
Kết quả rà soát cho thấy, dự thảo Luật đang dành 3 điều riêng về chi phí và giá khám bệnh, chữa bệnh, nguồn tài chính cho khám bệnh, chữa bệnh và xã hội hóa.
Tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh cũng đã được ít nhất 8 luật khác quy định.
Ngoài ra, một số vướng mắc trong cơ chế tài chính về khám bệnh, chữa bệnh đang được đề xuất sửa đổi tại Luật Đấu thầu, Luật Giá và một số luật chuyên ngành khác.
Các quy định không có sự phân biệt giữa y tế công lập và tư nhân; trong mỗi điều luật, nếu có liên quan đến đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân đều có quy định áp dụng cụ thể.
Theo bà Thúy Anh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát và bổ sung chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khoẻ đối với một số đối tượng và chính sách phát triển hệ thống cấp cứu tại cộng đồng, đầu tư cho y tế cơ sở, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Có ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung việc ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người lao động, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Có ý kiến ĐBQH hội đề nghị bổ sung chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, chế độ đãi ngộ, cơ chế, chính sách tiền lương phù hợp, xứng đáng cho cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên ngành y tế.
"Tại điểm a, khoản 1 Điều 4 đã quy định về ưu tiên bố trí ngân sách cho việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, trong đó bao gồm cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho công nhân lao động.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành đã có quy định về việc tổ chức, phát triển công trình y tế tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Do đó, xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật" - bà Thúy Anh nói.
Cấm nhũng nhiễu, đăng thông tin quy kết khi xảy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận
Bà Thúy Anh cũng nêu rõ, dự thảo Luật đã chỉnh lý tên và bổ sung hành vi cấm nhũng nhiễu, hành vi lợi dụng uy tín của cá nhân, hành vi đăng tải các thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Một số ý kiến ĐBQH đề nghị cấm hành vi thu dung, khuyến mại người đến khám bệnh, chữa bệnh; cấm người nhà bệnh nhân sử dụng chất kích thích khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cấm có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh và chữa bệnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật đã có quy định cấm các hành vi nhằm mục đích trục lợi trong khám bệnh, chữa bệnh tại khoản 12 Điều 7.
Trong đó bao gồm cả hành vi thu dung, khuyến mại người đến khám bệnh, chữa bệnh để trục lợi. Quy định người đại diện, người đến thăm hoặc người chăm sóc của người bệnh phải chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 17 của dự thảo Luật.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng đã quy định cấm có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh và chữa bệnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo 2 phương án và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Qua quá trình lấy ý kiến, đa số ý kiến lựa chọn phương án 2, đó là quy định rõ các hình thức xã hội hóa.
Đặc biệt, chỉ rõ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao Chính phủ quy định chi tiết.