Sáng 2.6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, cử tri rất quan tâm tới vấn đề giá bán sách giáo khoa tăng cao trong lúc cuộc sống của người dân chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Phần đông dư luận đều cho rằng việc tăng giá sách vào thời điểm này sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đến trường, nhất là gia đình thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa.
Đại biểu tán thành với những giải trình và giải pháp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để giảm giá sách giáo khoa.
Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ căn cứ vào đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có biện pháp hữu hiệu để quản lý giá sách giáo khoa - mặt hàng rất đặc biệt, thiết yếu. Việc này để tránh việc tăng giá tùy tiện, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, tạo dư luận không tốt.
Đại biểu đề nghị rà soát, tinh giản sách giáo khoa theo hướng thống kê danh mục sách giáo khoa bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài sách giáo khoa bắt buộc phải có, số sách còn lại học sinh có thể tham khảo tùy vào điều kiện cụ thể và nhu cầu.
Bà Nga cũng chỉ ra thực trạng số lượng đầu sách giáo khoa cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học quá nhiều. Trong đó nhiều cuốn sách chỉ mang tính tham khảo nhưng phụ huynh không được hướng dẫn nên không biết có thể mua cuốn nào, không mua cuốn nào.
Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm, đầu tư hỗ trợ thư viện sách giáo khoa dùng chung cho các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với sự đầu tư đó, học sinh có thể mượn sách miễn phí và trả lại sau khi kết thúc năm học.

Tranh luận về vấn đề sách giáo khoa, đại biểu Thái Văn Thành (Đoàn Nghệ An) đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá và đảm bảo quyền lợi của học sinh và điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay của người dân.
Về vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nhà trường tăng cường công tác truyền thông rộng rãi trong nhân dân để phụ huynh, học sinh hiểu về hai loại sách giáo khoa. Thứ nhất là sách giáo khoa, đó là sách bắt buộc học sinh có đi học.
Thứ hai là sách bổ trợ, tham khảo, loại sách này tuỳ thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh nên không bắt buộc phải mua.
Lấy ví dụ thực tiễn tại địa phương, đại biểu Thái Văn Thành cho biết, ngành giáo dục tại địa phương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa trên phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh sẽ dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho nhà trường.
Cùng với đó kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản sách giáo khoa cho nhà trường, kêu gọi học sinh khóa trước học xong tặng lại sách để xây dựng thư viện sách giáo khoa. Việc làm này giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học và sách dùng nhiều lần sẽ tránh được lãng phí.
Đề nghị đưa vấn đề học môn Lịch sử vào kỳ họp của Quốc hội
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến của cử tri, chuyên gia quy định môn Lịch sử cấp THPT là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp. Đổi mới phương pháp dạy học, hình thức thi, kiểm tra, đánh giá với môn Lịch sử; truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn học.
Tăng cường công tác tuyên truyền về môn Lịch sử để tạo đồng thuận của xã hội và phụ huynh. Đại biểu Hòa đề nghị Quốc hội đưa vấn đề học môn Lịch sử vào kỳ họp của Quốc hội.