Mở đầu phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có tờ trình về dự án Luật Trồng trọt. Tiếp đến, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đã trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật.
Thảo luận về dự luật, ông Trần Văn Túy – Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội cho ý kiến: Trong dự luật có nhấn mạnh tới việc canh tác, nói đến phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ nhưng không thấy đề cập tới việc khuyến khích sử dụng vật liệu hữu cơ và không cấm việc tiêu hủy vật liệu hữu cơ.
Có nhà khoa học đã tính toán, chỉ cần tận dụng lại rơm rạ ở Việt Nam chuyển sang phân sinh học thì giá trị rất lớn. Mà chúng ta lại đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Cái này rất lãng phí, do đó cần phải xem xét, rà soát thêm.
Một nội dung khác là vấn đề chế biến bảo quản. Điệp khúc được mùa mất giá cái chính do công nghệ bảo quản và chế biến. Nông nghiệp có tính thời vụ mà không giải quyết được vấn đề này thì rất khó phát triển, thất thoát trong khâu bảo quản rất lớn. Xin đề nghị rà soát lại những vấn đề này.
Liên quan đến dự luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho hay: Vấn đề cây trồng, giống biến đổi gene, lai tạo giống đang được nhiều người quan tâm nhưng chưa rõ trong dự luật này. Do vậy cần phải rà soát lại vấn đề này kỹ hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng cần nghiên cứu, làm rõ, xây dựng chiến lược về quy hoạch, thị trường đầu ra cho sản phẩm người dân làm ra. Hiện, tình trạng tự phát, được mùa, mất giá là chuyện năm nào cũng có.
Cần giải quyết thị trường, dự báo như thế nào để đầu ra ổn định. Hiện chạy theo, tự phát nên tự nhiên cà phê, cao su, xoài có thời điểm bị chặt hết. Đầu ra không ổn định thì đời sống người dân rất vất vả, bấp bênh.
"Tôi lên Sơn La, thấy một số loại cây như nhãn, chanh leo, lãnh đạo tỉnh liên hệ trực tiếp với nước ngoài, thoả thuận mỗi năm thu mua bao nhiêu, đến xã nào thành lập HTX đến đấy. Nhân dân phấn khởi, đầu ra ổn định. Như vậy mới tốt", ông Tỵ nói.
Ông Tỵ nhận xét, nhìn chung tầm chưa ổn định, năm nào được mùa mất giá, cũng giải cứu, lúc khoai tây, su hào, lợn, gà. Phải làm sao sớm chấm dứt tình trạng này để dân đỡ khổ.