Ngày 24.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi toàn diện dự án Luật này. Các đại biểu chỉ ra rằng, tình trạng mua bán người diễn ra với những hoạt động rất phức tạp, phạm vi rộng; không chỉ liên quan đến pháp luật Việt Nam mà còn liên quan đến các cam kết, Công ước quốc tế.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho biết về tính cấp thiết bổ sung quy định hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ.
Về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn của đề xuất này, đại biểu cho biết, theo các Công ước quốc tế về quyền trẻ em, trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ; việc mua bán thai nhi có thể xem là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em.
“Chính vì vậy, đòi hỏi các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán” - đại biểu này nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Thạch Phước Bình, thai nhi mặc dù chưa sinh ra nhưng cần được bảo vệ như một con người với đầy đủ các quyền cơ bản. Việc mua bán thai nhi không chỉ là vi phạm quyền của thai nhi, mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người.
“Thực tế hành vi mua bán thai nhi có xu hướng gia tăng và phức tạp. Nhiều bà mẹ mang thai bị ép buộc hoặc lừa gạt để bán thai nhi của mình vì kinh tế, tình cảm” - đại biểu này nói thêm.
Vì vậy, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về việc mua bán thai nhi trong bụng mẹ vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng chống mua bán người. Điều này sẽ giúp luật bao quát và phản ánh đúng thực tế hơn; đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ thai nhi và bà mẹ mang thai.
Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng cần có giải pháp đối với hành vi mua bán thai nhi.
Vị đại biểu này nói, trong lần sửa đổi Luật lần này, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình hình mua bán thai nhi đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi như trong giai đoạn hiện nay.
Mặt khác, hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức rất phức tạp như tham quan du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi thông qua các đối tượng là pháp nhân thương mại…
Do đó, đại biểu đề nghị, cần phải xem xét, cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người nhằm kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia như hiện nay.