Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 của Luật này.
Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Về đăng ký tham gia đấu giá, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại Khoản 4 Điều 38 về việc hạn chế cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đăng ký tham gia đấu giá; cần có cơ chế để thực hiện bảo đảm tính khả thi trong thực tế, cũng như bảo đảm quyền của cá nhân khi tham gia đấu giá.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng chuyển quy định tại Điểm e Khoản 4 Điều 38 về các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá sang Điểm d2, d3 Khoản 5 Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm để có cơ sở xử lý khi phát hiện vi phạm (hậu kiểm).
Đồng thời, thu hẹp phạm vi đối tượng bị cấm tham gia đấu giá theo hướng chỉ cấm đối với vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột tham gia phiên đấu giá đối với cùng một tài sản để bảo đảm phù hợp với thực tiễn xảy ra trong thời gian qua.
Về xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá (Điều 70), ông Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật chỉ quy định chế tài xử lý đối với trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá vì đây là 2 loại tài sản đặc thù, có giá trị lớn, ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, chứng khoán, giá cả vật liệu xây dựng…
Do đó, việc bổ sung quy định cấm người trúng đấu giá đối với những tài sản này tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, đề xuất của đại biểu về việc “người trúng đấu giá phải thanh toán khoản tiền chênh lệch giữa kết quả đấu giá và tiền trúng đấu giá theo kết quả đấu giá được tổ chức lại liền kề sau đó, nếu tiền trúng đấu giá theo kết quả đấu giá lại thấp hơn” là xác đáng.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bảo đảm tính khả thi khi áp dụng cần phải được nghiên cứu, đánh giá. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở tiếp thu khi sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản.
Còn về hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội đã tiếp thu và chuyển quy định tại Điều 39 về tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác vào Điểm d2 Khoản 2 Điều 9 như tại dự thảo Luật.