Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an chủ trị Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng lãnh đạo các bộ, ngành...
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc để xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số, phát triển và thịnh vượng.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một thành phần trong ba đột phá chiến lược là "chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số".
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Thủ tướng cho rằng, quá trình chuyển đổi bao giờ cũng rất khó khăn, và chuyển đổi số thì càng khó khăn hơn, vì đây là phương thức phát triển mới, là vấn đề chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Thời gian qua, Bộ Công an đã quyết liệt hành động, khẳng định vai trò tiên phong, nòng cốt và quyết tâm chính trị trong quá trình chuyển đổi số công tác quản lý dân cư, đặc biệt thể hiện qua việc triển khai “Đề án 06”, một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả phục vụ chuyển đổi số quốc gia...
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chưa từng có tiền lệ và khó dự báo, cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra nhiều thách thức đối với lực lượng Công an.
Thủ tướng đề nghị Bộ Công an cần thống nhất nhận thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, quyết liệt tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ. Trong đó, Bộ Công an tiếp tục thực hiện tốt vai trò thường trực trong tổ chức triển khai Đề án 06 của Chính phủ...; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số và các sản phẩm của cuộc Cách mạng khoa học lần thứ 4 trong công tác nghiệp vụ ngành Công an...
Ngành Công an cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp để thu hút chuyên gia, nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào phục vụ trong ngành Công an.
Đồng thời, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ thành công của các quốc gia tiên tiến để thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số ngành Công an, tạo sự lan tỏa góp phần xây dựng Chính phủ số, công dân số, nền kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng tin tưởng rằng những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của Bộ Công an trong chuyển đổi số quốc gia sẽ được hưởng ứng, đón nhận một cách tích cực từ các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; lực lượng Công an nhân dân sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành người chiến sĩ xung kích trên mặt trận chuyển đổi số...
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã thống nhất lấy Ngày chuyển đổi số Quốc gia ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số của ngành Công an.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, năm 2022, Bộ Công an đã xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý; phát triển các ứng dụng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và căn cước công dân; cung cấp Dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm an ninh an toàn hệ thống thông tin điện tử của ngành Công an và các bộ, ngành, địa phương...
Đặc biệt, trong ứng dụng Cơ sở dữ liệu về dân cư và Căn cước công dân, lực lượng Công an đã cung cấp cho người dân nhiều tiện ích rất thiết thực về định danh nhân thân, sử dụng dịch vụ y tế, giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt... và trong thời gian tới sẽ tiếp tục cung cấp thêm nhiều tiện ích khác phục vụ đời sống của người dân góp phần xây dựng công dân số, xã hội số, kinh tế số.
Để tiếp tục khẳng định trách nhiệm của lực lượng Công an trong tiến trình Chuyển đổi số quốc gia, vai trò là cơ quan thường trực của Chính phủ triển khai Đề án 06, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, năm 2023 ngành Công an cung cấp các dịch vụ, tiện ích như: Tích hợp tài khoản định đanh diện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia để công dân tham sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Sử dụng VNeID trong bảo hiểm y tế, giáo dục, thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, quản lý thị trường, quản lý thuế, tài khoản sàn giao dịch điện tử, nền tảng mạng xã hội, xác thực bản quyền video, sản phẩm số… Mở tài khoản thanh toán, ví điện tử, xác thực sinh trắc cho các giao dịch điện tử có giá trị…
Cấp tài khoản định danh cho tổ chức và người nước ngoài; Kết nối đến các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế cung cấp dịch vụ xác thực thông tin, chia sẻ thông tin phục vụ phát triển kinh tế số; Cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: Cho phép người dân kiểm tra hồ sơ y tế và hẹn lịch khám với bác sĩ...