Thí điểm vì mục tiêu chung của quốc gia
Tiếp tục kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 22.10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại tổ thảo luận số 3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giải thích vì sao có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một số địa phương. Dù thể chế nước ta là một khuôn khổ thống nhất cho toàn quốc nhưng vẫn thí điểm một số khuôn khổ chính sách mới. Trên cơ sở kết quả thí điểm này chúng ta sẽ tổng kết, đánh giá và nhân rộng trên toàn quốc. Việc thí điểm vì mục tiêu chung cho sự phát triển của quốc gia.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chủ trương của Đảng ta đều nhất quán nâng trên và đỡ dưới. Nếu địa phương nào có điều kiện phát triển, đầu tàu, động lực thì có những cơ chế chính sách đột phá mạnh hơn để tạo điều kiện cho phát triển. Việc này sẽ tạo sự lan toả cho những địa phương khác, cho cả vùng, thậm chí cho cả nước. Còn với những địa phương, địa bàn khó khăn nước ta sẽ có những cơ chế chính sách đặc thù giúp họ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với địa phương khác.
Trong đó, Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế là những địa phương đều có nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về phát triển.
Riêng Hải Phòng là một trong những tam giác phát triển của phía bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), cực tăng trưởng mạnh. Trong thời gian gần đây, Hải Phòng có những bứt phát mạnh mẽ cả về GDP, thu ngân sách, kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, đầu tư nhiều cho các xã. Còn với những huyện có khả năng lên quận cũng được đầu tư mạnh mẽ.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, 9 tháng đầu năm nay dù cả nước tăng trưởng thấp nhưng Hải Phòng vẫn tăng trưởng hơn 12%. Cả nước phấn đấu đến năm 2030 đạt mức 8.000 USD thu bình quân đầu người nhưng riêng Hải Phòng lại đặt mục tiêu 16.000 USD GDP bình quân đầu người. Do đó, nhu cầu phát triển của Hải Phòng là rất lớn.
Hải Phòng xác định tầm nhìn không chỉ là một cực tăng trưởng mà còn là động lực tăng trưởng của khu vực và cả nước. Đồng thời đây cũng là địa phương xác định hoàn thành sớm nhất mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có vị trí mang tầm cỡ trong khu vực. Do đó đã có nghị quyết riêng của Bộ Chính trị được chuẩn bị công phu do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì ban hành năm 2019.
Với Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước đây, Bộ Chính trị đã có nghị quyết phấn đấu đưa địa phương này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Quá trình tổ chức thực hiện, Huế đã có tốc độ phát triển tốt. Tuy nhiên, phần đặc thù nông thôn của Huế có xuất phát điểm khó khăn, khó đạt được tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.
Do đó, trên cơ sở tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị đã có đề xuất, có quyết sách xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương với cốt lõi là Cố đô Huế. Vì vậy, các tiêu chí về dân số, thu nhập không nhất thiết như các thành phố trực thuộc khác. Đây là cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố di sản.
Với tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại khi Bác Hồ vào thăm đã nói: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. Do đó, Thanh Hoá đang phấn đấu trở thành một trong tứ giác phát triển của phía bắc bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hoá. Bên cạnh đó, Thanh Hoá có động lực phát triển kinh tế Nghi Sơn.
Do vậy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lúc này Thanh Hoá chỉ thiếu cơ chế để tổ chức thực hiện và phát triển... Nghệ An cũng tương tự như vậy. Diện tích lớn nhất, dân số đứng thứ tư cả nước, có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng còn nhiều khó khăn, nhất là các huyện miền tây Nghệ An. Thanh Hóa và Nghệ An cũng là hai địa phương khởi đầu của phong trào xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản và hiện được nhân rộng ra cả nước. Đây là sáng kiến rất đặc thù của hai địa phương này.
Tạo nguồn lực để các địa phương phát triển
Cùng cho ý kiến, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù, sẽ tạo cơ chế chính sách cũng như nguồn lực để các địa phương phát triển, thúc đẩy góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Vị đại biểu này cũng đề cập đến một số vấn đề. Thứ nhất về quản lý sử dụng rừng, theo quy định hiện hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50ha trở lên… Ông nhất trí với việc bảo đảm tính kịp thời, công khai minh bạch, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định thực hành.
Tuy nhiên, nội dung này thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên liên quan đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì vấn đề diện tích rừng rất quan trọng. Vì vậy, đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định là báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Vấn đề thứ hai, về HĐND tỉnh quyết định áp dụng trên địa bàn tỉnh, phí và lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí và lệ phí ban hành theo Luật phí và lệ phí. Điều này đại biểu Tú cũng đồng ý với quyết định trên, tạo căn cứ pháp lý để huy động thêm nguồn lực.