Chương trình do Báo Tiền Phong phối hợp với các đơn vị tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2.9, Ngày Giải phóng Thủ đô 10.10 và Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22.12.
Tham dự chương trình “Ánh lửa từ trái tim” có: ông Vũ Thanh Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết...
Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của 150 thương binh và hơn 600 sinh viên các Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng.
Tại chương trình, các đại biểu thương binh, cán bộ chăm sóc thương binh sẽ giao lưu, chia sẻ với 600 sinh viên Thủ đô, ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của các thế hệ cha anh, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần cống hiến, hi sinh vì đất nước vì dân.
Qua đó, mãi ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh đã dành cho chúng ta cuộc sống hòa bình hôm nay.
Tại chương trình, thương binh Trịnh Hữu Dần nhớ lại những ký ức u ám khi bị giam 8 tháng tại trại giam Biên Hòa (Đồng Nai) sau khi tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968.
“Ngày ấy, nhà tù u ám lắm, chúng tôi bị tra tấn dã man vào tai, sơ ý là bị đánh, chỉ được ăn cơm với muối…” - ông Dần nhớ lại.
Một hôm, ông Dần được một cán bộ trại giam hỏi: “Bắn như mưa vậy mà các ông không sợ chết à?”.
Ông Dần dũng cảm trả lời: “Chúng tôi không sợ chết. Chúng tôi cố gắng làm hết sức để giành độc lập, tự do cho đất nước. Không như các ông, chỉ đấu tranh giành chiến thắng cho một bộ phận giai cấp”.
Sau 8 tháng bị giam tại trại giam Biên Hòa, ông Dần tiếp tục bị giam tại đảo Phú Quốc. Sau khi Hiệp định Paris năm 1973 ký kết, ông Dần được trao trả, từng điều trị tại nhiều nơi, đến năm 1986 về điều trị tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hoá đến nay và bị thương tật 81%.
Mặc dù bị tổn thương ở sọ não, gãy chân trái, nhưng tại buổi giao lưu, ông vẫn nhớ như in những nỗi đau cùng cực, “vết tích” của chiến tranh còn vương lại để nhắc nhớ cho thế hệ trẻ về giá trị của hòa bình hôm nay.
Chia sẻ tại cuộc giao lưu, thương binh Nguyễn Văn Đãi (sinh năm 1950) - hiện là Chủ tịch Hội đồng Thương binh Trung tâm Nho Quan, Ninh Bình - cho biết, cơ thể ông còn nhiều vết thương từ cuộc chiến tranh năm xưa. “Tôi bị thương ở sọ não, trong não vẫn còn mảnh đạn, hỏng một mắt và nhiều vết thương trên cơ thể” - ông Đãi cho hay.
Năm 1972, trong trận đánh tại tỉnh Long An, ông Đãi bị thương được đồng đội đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, chiếc ba lô của ông đã để lại tại nơi bị thương, sau đó một đồng đội khác hi sinh tại đây.
Ngỡ rằng người hi sinh là ông Đãi (căn cứ thông tin về ông có trong ba lô) nên sau khi chôn cất liệt sĩ hy sinh tại Bến Lức (Long An), bia mộ đã ghi tên ông Nguyễn Văn Đãi. Cách đây gần chục năm, ông Đãi mới biết chuyện này.
“Giặc tăng cường lực lượng và càn quét đến đơn vị chúng tôi tại chiến trường Long An. Chúng tôi cầm cự đến 4 giờ chiều, xe tăng cán vào miệng hầm, nhờ có những cây chàm che chắn miệng hầm, tôi vẫn còn sống dù bị thương nặng.
Đồng đội tôi gửi thư nhắn gia đình vào Long An nhận hài cốt. Những năm 1986-1987, gia đình chưa có điện thoại, 9h đêm hàng xóm gọi điện báo mới biết tôi còn sống” - thương binh Nguyễn Văn Đãi nói.