Chuyện ít biết về nhạc sĩ Văn Cao: Người họa sĩ của Báo Lao Động và bài hát “Công nhân Việt Nam”

Linh Anh |

Chưa đầy 1 năm trước khi mất, nhạc sĩ Văn Cao còn chống ba-toong đến tham dự lễ kỷ niệm 65 năm ngày báo Lao Động ra số đầu tiên (14.8.1929 - 14.8.1994). Người nhạc sĩ tài hoa ấy, tác giả của bài Quốc ca, ít người biết đã có thời gian thuộc biên chế Báo Lao Động với vai trò họa sĩ và sửa mo-rat.

Chuyện làm báo của nhạc sĩ Văn Cao

Hoạ sĩ Văn Thao - người con của nhạc sĩ Văn Cao - từng kể về quãng đời làm báo của cha mình. Trên tờ CAND cách đây chừng 3 năm, ông Văn Thao viết: “Sau Cách mạng Tháng Tám, Văn Cao được ông Nguyễn Khang và ông Nguyễn Thành Lê giới thiệu đến nhà in Rạng Đông chịu trách nhiệm trình bày, sửa mo-rát cho hai tờ báo: Độc Lập của Đảng Dân chủ và Lao Động của Tổng Công đoàn Việt Nam. Trước Cách mạng Tháng Tám, Văn Cao đã từng phụ trách nhà in bí mật Phan Chu Trinh, in báo Độc Lập…

 
 

Nhà in Rạng Đông do ông Nghiêm Xuân Huyến làm chủ. Ông Nghiêm Xuân Huyến từng là chủ bút của hai tờ báo Bắc Kỳ Thể Thao và Con Ong nổi tiếng một thời. Nhiều nhà văn, nhà báo nổi tiếng như: Vũ Bằng, Vũ Hoàng Chương, Ngọc Giao, Đinh Hùng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Trần Huy Liệu… từng là bạn, là cộng tác viên của ông. Được ông Trần Huy Liệu giác ngộ, nhà in Rạng Đông trở thành một cơ sở in bí mật của Mặt trận Việt Minh.

Trước Cách mạng Tháng Tám một tuần, ông Nghiêm Xuân Huyến bị Nhật bắt và đánh chết trong tù. Sau khi ông Huyến mất, nhà in Rạng Đông được bà chủ nhà in giao cho ông Nghiêm Bình (cháu ruột ông Huyến) quản lý.

Ông Nghiêm Bình là cán bộ Việt Minh làm việc tại nhà in Rạng Đông. Được sự hướng dẫn tận tình của ông Nghiêm Bình, Văn Cao đã nhanh chóng nắm bắt được quy trình công nghệ và tính năng của những cỗ máy in được cho là hiện đại nhất thời kỳ đó. Sau đó không lâu, Văn Cao đã tự trình bày và xuất bản những nhạc phẩm của mình tại nhà in Rạng Đông…”.

 
 
Nhạc sĩ Văn Cao và nhà văn Nguyễn Hữu Đang tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày ra số báo đầu tiên (ảnh trên).  Số nhà 51 Hàng Bồ - nơi nhạc sĩ Văn Cao làm việc với vai trò là phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: HOÀNG LUẬT
Nhạc sĩ Văn Cao và nhà văn Nguyễn Hữu Đang tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày ra số báo đầu tiên (ảnh trên). Số nhà 51 Hàng Bồ - nơi nhạc sĩ Văn Cao làm việc với vai trò là phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: HOÀNG LUẬT

Cuốn lịch sử Báo Lao Động còn ghi: “Tháng 9.1945, sau lễ Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, đồng chí Trần Danh Tuyên - Ủy viên thường vụ Thành ủy - thay mặt Hội đồng nhân dân cứu quốc giao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Quốc Diệp chuẩn bị mọi mặt để tái xuất bản tờ Lao Động. Báo Lao Động sẽ in công khai và in Tipo, trước mắt ra hằng tuần, mỗi kỳ in báo từ 1.500 đến 2.000 tờ, báo là tiếng nói của công nhân và Hội Công nhân cứu quốc, có nhiệm vụ tuyên truyền vận động công nhân, lao động tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng. Đồng chí Trần Quốc Diệp được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập báo kiêm công việc trị sự và tòa soạn. Cùng với đồng chí Trần Quốc Diệp còn có nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao. Văn Cao làm nhiều việc, từ viết lách đến trình bày báo, sửa mo-rát… thậm chí có lúc còn đứng máy in. Buổi đầu khuôn chữ, mực in còn thiếu thốn, chắp vá, Văn Cao về nhà in Rạng Đông của bố vợ lấy bộ chữ có chân, bộ chữ thuộc loại đẹp nhất lúc bấy giờ, đem về dùng để in báo Lao Động.

Lo công việc in ấn là đồng chí Vũ Tiệp vốn là công nhân in sớm được giác ngộ cách mạng. Vũ Tiệp đã lo lắng từ công việc hành chính cho đến sửa chữa lại máy in. So với lúc đó thì cơ sở in của Lao Động  thuộc loại “khá giả” của làng báo, sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.”

Hoạ sĩ Văn Thao thông tin: “Ngày 23.9, cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược đã bùng nổ trên chiến trường Nam Bộ… Trung ương quyết định tăng cường lực lượng vào Nam để sát cánh cùng quân và dân Nam Bộ chiến đấu chống lại đế quốc Pháp, bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc. Các đội quân Nam tiến được nhanh chóng thành lập, nhiều đơn vị Quân Giải phóng cùng nhiều đoàn cán bộ được tăng cường cho mặt trận Nam Bộ.

Tại ga Hà Nội, Văn Cao đã chứng kiến một không khí thi đua làm việc không kể ngày đêm của công nhân ngành hỏa xa. Ông đã thấy những ánh mắt sáng lên niềm tự hào trên những khuôn mặt lem luốc dầu mỡ của những người thợ máy, nụ cười kiêu hãnh của những anh lái tàu, của những người công nhân toa xe… Làm sao họ không tự hào được khi giờ đây họ đã làm chủ, họ đã là những người công nhân của một đất nước độc lập. Sau ca làm việc vất vả họ lại trở thành những chiến sĩ tự vệ say sưa tập luyện dưới sự hướng dẫn của Văn Cao cùng những cộng sự của ông. Một ý nghĩ chợt đến trong đầu Văn Cao. Sao mình không làm một bài hát cho những người công nhân này nhỉ?...

Nhạc sĩ Văn Cao.
Nhạc sĩ Văn Cao.

Văn Cao gặp Trần Cư - là cán bộ phụ trách Công đoàn Hỏa xa. Bên ấy đang triển khai thành lập các đội tự vệ võ trang, nhưng chưa có người huấn luyện. Văn Cao đã từng phụ trách đội trừ gian nên mình cử cậu sang giúp anh Trần Cư huấn luyện các đội tự vệ cho ngành đường sắt. Trần Cư là một trong những cán bộ Đảng có nhiều kinh nghiệm hoạt động và gây dựng phong trào cách mạng trong các tổ chức của công nhân. Văn Cao nói ý tưởng của mình. Trần Cư nói: “Mình là người rất thích các bài hát của cậu, hôm trước mình có gặp anh Nguyễn Khang, bàn với anh về việc nhờ cậu làm một bài hát cho công nhân. Anh Khang nhất trí ngay, nhưng biết cậu đang bận nhiều việc nên mình chưa dám nói. Không ngờ hôm nay cậu lại có ý tưởng đó… Chúng ta vừa mới giành được độc lập từ tay bọn thực dân Pháp. Giai cấp công nhân chỉ mới hình thành chưa được bao lâu. Anh em thợ thuyền chủ yếu làm thuê cho bọn chủ Pháp tại các hầm mỏ và các xưởng máy, xưởng đóng tàu… trình độ thấp, đa số làm những công việc thủ công nặng nhọc. Số công nhân có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao không đáng là bao. Công cuộc kiến thiết đất nước cần phải phát triển ngành công nghiệp tiên tiến với đội ngũ công nhân lớn mạnh, với chúng ta còn dài lắm. Nhưng mình tin rằng, trong tương lai không xa, chúng ta nhất định làm được.

Rồi một chiều tối, hòa cùng những người công nhân trở về sau một ca làm việc, Văn Cao cảm thấy mình là một thành viên trong đội ngũ của những người công nhân hỏa xa ấy. Những con người mạnh mẽ, trung thực, thẳng thắn đôn hậu và nhân ái. Văn Cao đi cùng một tốp thợ dọc theo phố ga trở về căn gác nhỏ của mình tại 45 phố Nguyễn Thượng Hiền.

Đêm ấy Văn Cao không ngủ. Một nét nhạc cứ lặp đi lặp lại ngân lên, một lời ca bật ra: “Công nhân Việt Nam tiến tới/ Cùng sống tập đoàn, toàn thế giới công khai cùng kiến thiết xã hội ngày mai…”. Văn Cao nhận ra rằng, công cuộc kiến thiết đất nước tương lai nằm trong tay giai cấp công nhân. Từ nhận thức đó những dòng ca từ cứ lần lượt hiện ra đan xen với những nét nhạc hòa quyện vào nhau... “... Một thế giới mới kiến thiết, một tương lai cho công nhân, một hân hoan cho muôn giống người/ Một sức sống mới thắm thiết, dựng xây do tay công nhân, đoàn kết chiến đấu chung khắp nơi…”.

Sáng hôm sau, Văn Cao cẩn thận chép lại bài hát vừa hoàn thành trong đêm. Văn Cao nắn nót viết lên trên đầu trang giấy tên bài hát “Công nhân Việt Nam”.

Hào hùng những bài ca công nhân

Nhạc sĩ Trương Hữu Lục khi nói về những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao không quên nhắc đến bài “Bài ca công nhân”.

Ông viết trên tờ Sài Gòn Giải Phóng cách đây 6 năm: “Tôi muốn nói đến ca khúc Công nhân Việt Nam của nhạc sĩ Văn Cao ra đời năm 1945, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, cuộc tổng khởi nghĩa thành công trong cả nước. Giai điệu rộn rã âm vang trong nhịp đi hùng tráng: “… Ngoài kia công nhân ơi, quốc tế đang giơ tay cố vời bầy con đoàn kết…/Tranh đấu cuối cùng là đời sống mới dâng xa, công nhân Việt Nam tiến tới…”. Bài Công nhân Việt Nam trở thành ca khúc nằm lòng của giai cấp công nhân nước ta thời đó tuy còn non trẻ nhưng dày dạn trong đấu tranh. Bài hát còn là cái mốc lớn trong sự nghiệp âm nhạc Việt Nam, có tác dụng thúc đẩy đội ngũ nhạc sĩ cả nước hướng về đề tài cổ vũ, động viên giai cấp công nhân đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

Tiếp bước lá cờ đầu Công nhân Việt Nam của Văn Cao là một số ca khúc về công nhân liên tục ra đời. Đáng chú ý có bài Pha màu luống cày do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác xuất hiện vào khoảng năm 1948-1949. Niềm vui lao động sản xuất của người thợ trong từng ngành nghề đã được các nhạc sĩ chuyển thể thành muôn ngàn giai điệu phấn chấn tự hào. Hình ảnh người công nhân xây dựng thật đẹp trong các ca khúc Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu), Em là thợ quét vôi (Đỗ Nhuận), Trên công trường rộn tiếng ca (Ngô Quốc Tính)… và thật lạc quan, yêu đời trong nhạc phẩm Bài ca xây dựng (Hoàng Vân): “… Bạn đời ơi, hãy tin, hãy yêu và hát cùng chúng tôi những người thợ xây tin yêu cuộc đời mới/Trong ánh trăng, trong khói bom, suốt bốn mùa tôi vẫn xây…”.

Những tấm gương lao động quên mình của người thợ mỏ đã được phản ảnh khá rõ nét trong nhiều bài hát như Chúng tôi vào lò (Trần Chung), Đường đi lên mỏ (Tân Huyền), Hành khúc người thợ lò (Hồ Bắc), Hát về đất mỏ chiến khu (Doãn Nho)… và gây nhiều ấn tượng nhất đối với quần chúng có lẽ là ca khúc hoành tráng Tôi là người thợ lò (Hoàng Vân): “Tôi là người thợ lò sinh ra trên đất mỏ/Trong những ngày cờ đỏ bay trên núi Bài Thơ/… Kìa tiếng búa khoan reo như tiếng trống trận/Kìa nghe tiếng mìn nổ như tiếng súng công đồn…”. Một ngành nghề mới mẻ, hiện đại của những người thợ khoan dầu mỏ giữa biển khơi mênh mông cũng đã gây được cảm hứng dạt dào cho người nhạc sĩ trong bài hát Mùa xuân đến từ những giếng dầu (Phạm Minh Tuấn): “…Mùa xuân đến rạo rực lòng ta/Mùa xuân đến làm đẹp bài ca/Mùa xuân từ những giàn khoan/Giữa biển khơi nghìn trùng sóng vỗ…”.

Có thể nói ca khúc “Công nhân Việt Nam” đã mở đường cho những ca khúc về công nhân trong thời gian tiếp theo. Và thật tự hào với những lớp phóng viên, biên tập viên Lao Động khi biết Văn Cao sáng tác ca khúc ấy trong khoảng thời gian ông làm việc tại Báo Lao Động.

Sau ngày bầu cử Quốc hội, Văn Cao mới ra tới Hà Nội. Ông lại trở về nhà in Rạng Đông tiếp tục làm báo. Bài “Công nhân Việt Nam” được in trên báo Lao Động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1.5.1946. “Công nhân Việt Nam” sau đó đã được chọn làm bài hát của Tổng Công đoàn Việt Nam”.
Sau ngày bầu cử Quốc hội, Văn Cao mới ra tới Hà Nội. Ông lại trở về nhà in Rạng Đông tiếp tục làm báo. Bài “Công nhân Việt Nam” được in trên báo Lao Động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1.5.1946. “Công nhân Việt Nam” sau đó đã được chọn làm bài hát của Tổng Công đoàn Việt Nam”.

Nhạc sĩ Văn Cao kể chuyện làm báo Lao Động

Khi còn sống, nhạc sĩ Văn Cao đã kể về câu chuyện của mình khi làm báo Lao Động: “Tôi có cái vinh dự là sau Cách mạng Tháng Tám, khi báo Lao Động ra số công khai đầu tiên tôi đã có mặt. Trước đó, tôi làm việc bên Báo Độc Lập. Vốn có quan hệ công tác thời bí mật với ông Trần Danh Tuyên và ông Nguyễn Hữu Mai nên khi ông Tuyên phụ trách tờ Lao Động mời là tôi về ngay. Hằng ngày tôi làm việc trực tiếp với ông ấy ở 51 Hàng Bồ, trụ sở của Báo Lao Động. Tôi vừa viết bài, viết truyện, vừa trông nom việc ấn loát. Nhà in ở tầng 1. Trên gác bàn việc xong là tôi đến ngay với anh em công nhân. Và suốt ngày, thậm chí suốt đêm ở đó luôn. Nhà in thiếu thốn đủ thứ, màu, mực không có đã đành. Khuôn chữ thì nham nhở. Phải tìm tòi lục lọi cái gì dùng được thì dùng. Phải làm sao cho tờ báo in ra được đẹp. Bí quá tôi phải về nhà lấy bộ chữ mới, chữ có chân ở nhà in Rạng Đông của bố vợ sau này. Có chữ tốt rồi thì phải tìm cách in sao cho đẹp, cho rõ ràng, sáng sủa…Trước mình là anh sáng tác, suốt ngày lang thang vơ vẩn ngoài đường. Giờ thì từ sáng tới khuya, quanh quẩn bên bàn, bên máy, bên anh em công nhân… giữ luôn cả việc sửa mo - rát. Có vất vả nhưng thấy vui, không biết mệt là gì. Tờ Lao Động in rất đẹp. Có chữ chân vào loại nhất thời bấy giờ. Và chính trong không khí đó, tôi đã sáng tác bài Công nhân Việt Nam”.

Linh Anh
TIN LIÊN QUAN

Mỗi ngày một bài bình luận

LÊ THANH PHONG |

Giữ chuyên mục Sự kiện Bình luận (SKBL) của Báo Lao Động được 15 năm, chuyện nghề có nhiều, xin được chia sẻ với bạn đọc nhân sinh nhật báo nhà.

Phía sau loạt bài "Cung đường gỗ lậu"

HUYÊN NGUYỄN thực hiện |

Cầm trên tay giải C Giải Báo chí Quốc gia 2017 với loạt bài "Ia H'Drai - Gỗ lậu tập kết công khai", một đề tài mất 2 năm theo đuổi, Lê Đình Văn (SN 1991) - phóng viên thường trú Báo Lao Động bồi hồi nhớ lại những tháng ngày xâm nhập điều tra, vẫn còn toát mồ hôi bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể bỏ mạng giữa rừng biên giới Campuchia - Việt Nam. 

Đứng trước cuồng phong...

Lê Thanh Nguyên |

Những ngày cuối tháng Mười, năm Chín Bảy mưa dông, gió giật mạnh, mây đen kéo về che phủ cả ngày và đêm… Chưa bao giờ sự khắc nghiệt của trời đất áp đến gần thủ phủ miền Tây như vậy. Tin khí tượng thủy văn giội trên sóng truyền hình, phát thanh liên tục về cơn áp thấp nhiệt đới đã nhanh chóng mạnh lên thành một cơn bão nhiệt đới và được JTWC (Trung tâm cảnh báo bão liên hợp) đặt tên là “Linda”. Di chuyển theo hướng Tây, cơn bão tiếp tục tăng cường, Linda đổ bộ vào tỉnh Cà Mau, và được gọi là bão số 5.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Mỗi ngày một bài bình luận

LÊ THANH PHONG |

Giữ chuyên mục Sự kiện Bình luận (SKBL) của Báo Lao Động được 15 năm, chuyện nghề có nhiều, xin được chia sẻ với bạn đọc nhân sinh nhật báo nhà.

Phía sau loạt bài "Cung đường gỗ lậu"

HUYÊN NGUYỄN thực hiện |

Cầm trên tay giải C Giải Báo chí Quốc gia 2017 với loạt bài "Ia H'Drai - Gỗ lậu tập kết công khai", một đề tài mất 2 năm theo đuổi, Lê Đình Văn (SN 1991) - phóng viên thường trú Báo Lao Động bồi hồi nhớ lại những tháng ngày xâm nhập điều tra, vẫn còn toát mồ hôi bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể bỏ mạng giữa rừng biên giới Campuchia - Việt Nam. 

Đứng trước cuồng phong...

Lê Thanh Nguyên |

Những ngày cuối tháng Mười, năm Chín Bảy mưa dông, gió giật mạnh, mây đen kéo về che phủ cả ngày và đêm… Chưa bao giờ sự khắc nghiệt của trời đất áp đến gần thủ phủ miền Tây như vậy. Tin khí tượng thủy văn giội trên sóng truyền hình, phát thanh liên tục về cơn áp thấp nhiệt đới đã nhanh chóng mạnh lên thành một cơn bão nhiệt đới và được JTWC (Trung tâm cảnh báo bão liên hợp) đặt tên là “Linda”. Di chuyển theo hướng Tây, cơn bão tiếp tục tăng cường, Linda đổ bộ vào tỉnh Cà Mau, và được gọi là bão số 5.