Đó là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khi trao đổi với báo chí về việc mới đây, một công ty đặt mua khăn lụa của Khaisilk sau đó phát hiện khăn vừa có mác "Made in China", vừa có mác "Made in Vietnam", vấn đề này đang gây xôn xao dư luận.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Khaisilk đã tự làm mất thương hiệu, uy tín của mình và còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo ông Thanh, trước mắt cần phải chờ kết luận của Bộ Công thương sau khi có kết quả kiểm tra.
Ông Thanh nhấn mạnh: Tôi không ủng hộ những việc làm như của Khaisilk hay như vụ việc mặt hàng hải sản của Việt Nam vừa rồi bị EU rút thẻ vàng là một ví dụ. Một số doanh nghiệp, cá nhân họ làm sai mà không nghĩ gì đến cộng đồng cả. Chúng ta cần phải xử lý thật nghiêm việc này sau khi có kết quả kiểm tra. Nhưng mọi việc cần phải xử lý theo quy định của pháp luật, cần phải xem Khaisilk vi phạm vào điều khoản nào, mức vi phạm như thế nào", ông nói thêm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cũng nêu rõ, theo quy định tại Nghị định 43 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa thì xuất xứ hàng hóa là một trong các nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Còn theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Việc lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa là hành vi bị cấm.
"Đối chiếu với quy định của pháp luật, theo báo chí phản ánh, khăn lụa Khaisilk bán có xuất xứ "made in China" nhưng trên sản phẩm lại ghi "Made in Vietnam" thì rõ ràng việc này vi phạm, làm sai lệch nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng", ông Hùng nêu.
Ông cũng nhấn mạnh, việc hàng Việt Nam cứ thật giả lẫn lộn như trường hợp của Khaisilk đã gây nhiều vấn đề, trong đó, rất khó thuyết phục người tiêu dùng trong việc ưu tiên dùng hàng Việt.
Trước đó, một công ty đã đặt mua 60 chiếc khăn từ cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai, Hà Nội thuộc thương hiệu Khaisilk. Tuy nhiên, khi nhận được khăn, công ty này phát hiện 1 chiếc khăn vẫn còn nguyên 2 chiếc mác, một là "Made in China" và một là Khaisilk Made in Vietnam.