Xây dựng thiết chế phòng ngừa hiệu quả
Ngày 5.6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì và điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, KTNN có vai trò và trách nhiệm đặc biệt quan trọng trong việc tham gia phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.
“Với vị trí là người đứng đầu một trong những cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, mong Tổng KTNN cho biết phải làm gì để xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng; cương quyết đưa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đi đến thắng lợi nhưng mặt khác vẫn nuôi dưỡng được niềm tin, vẫn thắp sáng được ngọn lửa nhiệt huyết, vẫn bảo vệ được những người dám nghĩ, dám làm và mong muốn được cống hiến cho đất nước?”, đại biểu đặt vấn đề.
Trả lời câu hỏi, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, trước hết là làm sao tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà không giảm tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói, làm sao “đánh chuột không vỡ bình”.
Tổng KTNN cho rằng, phải xây dựng thiết chế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng. Cùng với đó là xây dựng thiết chế về phát hiện, xử lý nghiêm minh để không dám tham nhũng; xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để không muốn và không cần tham nhũng. Có như vậy công tác phòng chống tham nhũng mới hiệu quả.
Về việc đùn đẩy né tránh, sợ trách nhiệm, theo ông Ngô Văn Tuấn, có 3 nguyên nhân: Ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức; trình độ, năng lực chưa theo kịp yêu cầu; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát.
Để khắc phục tình trạng trên, Tổng KTNN cho rằng, trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, nâng cao trình độ năng lực và đặc biệt phải hoàn thiện thể chế để quy định rõ quyền và nghĩa vụ của từng công chức.
Luân chuyển cán bộ để hạn chế quan hệ thân hữu
Đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) đặt câu hỏi: “Mô hình KTNN theo khu vực có đảm bảo được tính độc lập, tính khách quan?”.
Trả lời, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho rằng, thực hiện quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, KTNN làm rất mạnh trong việc luân chuyển, luân phiên điều động cán bộ.
Trong vòng 2-3 năm, phải luân phiên, luân chuyển trong công tác kiểm toán và chỉ đạo kiểm toán từng địa phương và khu vực. Trong đó có luân chuyển từ trụ sở chính về khu vực hoặc trong nội bộ khu vực; luân chuyển địa bàn, luân chuyển lĩnh vực.
Liên quan đến mô hình tổ chức, ông Ngô Văn Tuấn cho hay, ngành kiểm toán được phân 1.974 biên chế, hiện có mặt 1.864 và tổ chức theo 32 đơn vị, 8 cơ quan tham mưu, 8 cơ quan chuyên ngành, 13 khu vực và 3 đơn vị sự nghiệp.
Tổng KTNN nói và cho biết, hy vọng những giải pháp như vậy giúp hạn chế được quan hệ thân hữu, hạn chế tối đa tham nhũng, tiêu cực.
Thuận An, Phúc Sơn vi phạm về đấu thầu, không liên quan đến kiểm toán
Đề cập đến việc thời gian qua xảy ra một số vụ án lớn, liên quan đến việc đấu thầu, cụ thể là vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An có sai sót trong đấu thầu, Tổng KTNN khẳng định: “Hai đơn vị này là doanh nghiệp không có vốn Nhà nước, nên họ không phải là đơn vị được kiểm toán”.
Tuy nhiên, 2 tập đoàn này có liên quan đến việc sử dụng tài chính công, tài sản công với tư cách là nhà thầu. Vì vậy, KTNN thực hiện kiểm toán chủ đầu tư, ban quản lý dự án liên quan đến 2 tập đoàn này.
“Chia lửa” với Tổng KTNN về vụ Ngân hàng SCB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, KTNN mặc dù không kiểm toán Ngân hàng SCB nhưng cũng đã kiến nghị và lưu ý về trường hợp ở SCB.
Theo ông Hồ Đức Phớc, trong quá trình thực hiện kiểm toán có những thiếu sót, sai phạm, các cơ quan đã điều tra, xử lý vụ án.