Chính phủ kiến tạo, đổi mới đưa nhiều quyết sách, cởi trói, trải thảm đỏ để doanh nghiệp Việt phát triển

Vũ LONG - Lan Hương |

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS-TS Phạm Quý Thọ (Học viện Chính sách và Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói: “Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những bước đi tương đối rõ. Ông tập trung vào kinh tế, trong đó đặc biệt là thúc đẩy tự do kinh doanh. Trong hai lần tham dự Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mang đến hai thông điệp quan trọng: Một là, thúc đẩy tự do kinh doanh; hai là, điều gì còn vướng mắc, cản trở về mặt thể chế thì phải được tháo gỡ”.

Ngay từ khi đảm nhận vị trí Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bắt tay vào hành động cụ thể, thể hiện bằng hàng loạt chính sách, quyết sách nhằm thể hiện một Chính phủ kiến tạo và đổi mới, như ban hành các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35; Chỉ thị số 15/CT-TTg về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Dệt may là một trong 5 mặt hàng XK đạt giá trị trên 10 tỉ USD, đạt kim ngạch trên 22,6 tỉ USD, tăng 17,1%. Ảnh: PV
Dệt may là một trong 5 mặt hàng XK đạt giá trị trên 10 tỉ USD, đạt kim ngạch trên 22,6 tỉ USD, tăng 17,1%. Ảnh: PV

Cắt giảm điều kiện kinh doanh, cởi trói cho DN

Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), tạo thuận lợi hơn nữa cho DN hoạt động, ngày 15.5.2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP. Bên cạnh tiếp tục bám sát các tiêu chí đánh giá về MTKD của Ngân hàng Thế giới (WB), về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới, và năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, Nghị quyết 19 còn yêu cầu tập trung cải thiện các chỉ số MTKD để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của WB. Đặc biệt, đến năm 2020 chất lượng MTKD của Việt Nam ngang hàng với trung bình các nước ASEAN 4.

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - đánh giá: Nhờ có Nghị quyết 19 cùng sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục được cải thiện.

Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế). Đa số trụ cột về hiệu quả thị trường (như thị trường tài chính, lao động, công nghệ và quy mô thị trường) đã có sự cải thiện. Môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm 2016. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua. Nếu tính hai năm liêp tiếp thì môi trường kinh doanh của nước ta tăng 23 bậc. Bộ chỉ số thứ ba là đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay.

Theo đại diện CIEM, mặc dù đã đạt được những kết quả cao, được cộng đồng quốc tế ghi nhận về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết 19, nhưng mức độ cải thiện chưa đều và mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 trên các chỉ tiêu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh vẫn còn là thách thức.

Nghị quyết 19 cũng nhấn mạnh cải thiện điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Cụ thể, yêu cầu bãi bỏ và đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh, giảm 50% danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành và giảm tỉ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25-27% hiện nay xuống còn 10%, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Quan trọng hơn, Nghị quyết 19 lần đầu tiên bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics và du lịch để tạo thuận lợi, giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế.

Đánh giá về mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết 19, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, đây là mục tiêu không dễ dàng nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu như có đủ quyết tâm và sự nỗ lực. Sự nỗ lực và quyết tâm này trước hết phải đến từ người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương. Họ càng sâu sát, quyết liệt bao nhiêu thì khả năng thành công càng cao.

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu đề ra, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, nhằm giảm bớt nhũng nhiễu cho DN khi thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Trong 9 tháng có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỉ USD, chiếm 58,2%. Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt 36,1 tỉ USD, tăng 14,6%; hàng dệt may đạt 22,6 tỉ USD, tăng 17,1%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,6 tỉ USD, tăng 16,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,1 tỉ USD, tăng 28,7%; giày dép đạt 11,8 tỉ USD, tăng 10,5%.

Hỗ trợ doanh nghiệp “Start up”

Không chỉ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi điều kiện cho các doanh nghiệp đang hoạt động mà Chính phủ còn đặc biệt quan tâm với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong từng cá nhân, doanh nghiệp để từ đó xây dựng một quốc gia khởi nghiệp, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp, thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỉ đồng.

Đến năm 2025, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển 600 DN khởi nghiệp, 100 DN tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán, sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỉ đồng.

Đề án cũng nêu rõ 2 nhóm đối tượng được hỗ trợ. Thứ nhất là cá nhân, nhóm cá nhân có dự án, DN khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Những DN khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận lần đầu cũng được hỗ trợ. Thứ hai là tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất – kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các đơn vị này phải đáp ứng các tiêu chí như người đứng đầu có ít nhất một năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, tổ chức đó có ít nhất một năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 nhóm khởi nghiệp, đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất một tỉ đồng…

Đề án cũng nêu rõ sẽ tiếp tục triển khai Đề án thương mại hoá công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam với quy mô dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong thời gian 5 năm đến năm 2020. Ngoài ra, theo đề án, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách thuế, tài chính cho các DN khởi nghiệp… 

Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, khi đạt mức tăng 2,78%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2012-2018. Ảnh: PV
Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, khi đạt mức tăng 2,78%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2012-2018. Ảnh: PV

Tăng cường giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV)

Luật Hỗ trợ DNNVV đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 1.1.2018. Để triển khai đồng bộ, có hiệu quả, sớm đưa các chính sách, giải pháp quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV; xây dựng và ban hành trong năm 2018 các thông tư quy định về: Tổ chức hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV (không bao gồm nội dung hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các DNNVV) quy định tại Điều 15 Luật Hỗ trợ DNNVV; Quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới tư vấn viên, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên quy định tại Điều 14 Luật Hỗ trợ DNNVV. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập DN, trong đó quy định mức thuế suất thuế thu nhập DN và áp dụng có thời hạn đối với các DNNVV; quy định việc miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn cho các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; quy định việc miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn cho các DN, tổ chức đầu tư, kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm; quy định việc miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn cho các DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; quy định việc miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn cho các nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV; các bộ, ban, ngành triển khai các đề án hỗ trợ DNNVV…

Thêm 119,5 nghìn  DN hoạt động, bổ sung 2.845,3 nghìn tỉ đồng vào nền kinh tế

Theo công bố mới  nhất của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2018, cả nước có 96.611 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỉ đồng, tăng 2,8% về số DN và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10 tỉ đồng, tăng 3,8%. Nếu tính cả 1.881,9 nghìn tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2018 là 2.845,3 nghìn tỉ đồng. Bên cạnh đó, còn có 22.897 DN quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên hơn 119,5 nghìn DN. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới 9 tháng năm 2018 là 819,7 nghìn người, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về tình hình đăng ký DN theo lĩnh vực hoạt động, trong 9 tháng năm 2018, tỉ lệ DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2017 ở 10 ngành, trong đó, nổi bật có ngành kinh doanh bất động sản tăng 41,6%, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 26,6%, tài chính, ngân hàng... Về số vốn đăng ký của DN thành lập mới, các ngành nghề có số vốn đăng ký lớn nhất là kinh doanh bất động sản có 282.100 tỉ đồng, chiếm 29,3% trên tổng số vốn đăng ký; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy có 146.678 tỉ đồng, chiếm 15,2%; xây dựng có 134.011 tỉ đồng, chiếm 13,9%, công nghiệp chế biến, chế tạo có 107.112 tỉ đồng, chiếm 11,1%.

Xét tổng thể, trong 9 tháng năm 2018, một số ngành đang có xu hướng tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động cùng tăng mạnh trong tất cả các tiêu chí, đó là: Kinh doanh bất động sản, sản xuất phân phối điện, nước, gas, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội.

TĂNG TRƯỞNG MỨC 7,47%/NĂM

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong kịch bản cơ sở tăng trưởng giai đoạn 2018 - 2020, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 7,47%/năm và duy trì tăng trưởng ở mức cao trong giai đoạn 2021 - 2025. Tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 mới tổ chức đầu tháng 8.2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo xây dựng các giải pháp tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. “Chúng ta đang tìm động lực mới trong tăng trưởng là gì của thời kỳ này và thời kỳ tiếp theo, nhất là từ năm 2019 - 2021, trong bối cảnh thế giới có xung đột, bảo hộ thương mại? Thứ hai là dư địa nào mà chúng ta cần phải làm? Người ta đang nói, nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch là dư địa rất lớn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

GDP 9 THÁNG 2018 TĂNG CAO NHẤT KỂ TỪ NĂM 2011

Nhờ những quyết sách của Chỉnh phủ tạo điều kiện để các DN hoạt động, tính chung 9 tháng năm 2018, GDP của cả nước ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%. Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,78%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2012-2018. Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá với 9 tháng tăng 8,98%. Khu vực dịch vụ 9 tháng năm nay tăng 6,89%, tuy thấp hơn mức tăng 7,21% của 9 tháng năm trước nhưng cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2012-2016.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm 2018 ước tính đạt 178,91 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỉ USD, chiếm 58,2%.

Vũ LONG - Lan Hương
TIN LIÊN QUAN

Khánh Hoà đón đoàn khách du lịch Trung Quốc đầu tiên năm Quý Mão

Thanh Hương |

Từ Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc), du khách Trung Quốc trên chuyến bay thẳng của Vietjet đã “xông đất” sân bay quốc tế Cam Ranh (Nha Trang, Khánh Hoà) rạng sáng ngày mùng 2 Tết Nguyên đán.

Nguyễn Huy Hoàng: Gạt làn nước xanh vươn tới đỉnh cao

HOÀI VIỆT |

Năm 2022 đã khép lại và nam tuyển thủ bơi lội Nguyễn Huy Hoàng đã bước vào chu kỳ tập luyện mới của năm 2023. Không thể phủ nhận, Huy Hoàng là gương mặt thành công nhất của thể thao Việt Nam ở năm đã qua. Tuy nhiên, bản thân chàng vận động viên bơi của thể thao Quảng Bình và Đội tuyển bơi Việt Nam vẫn khá dè dặt, rằng mình vẫn phải tiếp tục nỗ lực hướng đến các đỉnh cao của năm 2023 đầy quan trọng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về ba bài học chính sách tiền tệ

Hương Nguyễn |

Năm mới 2023 với những mục tiêu, thách thức mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ những quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Những nhịp chèo đua thuyền dậy sóng sông Cà Ty, Phan Thiết mùng 2 Tết

DUY TUẤN |

Bình Thuận - Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty là nét văn hóa riêng biệt của người dân TP. Phan Thiết vào chiều mùng 2 Tết hằng năm. Năm nay có 9 đội đến từ các xã, phường có ngư dân đi biển ở TP.Phan Thiết. Trong tiếng reo hò cổ vũ của người dân, du khách đứng chật kín 2 bên bờ sông, các vận động viên ra sức chèo dậy sóng sông Cà Ty.

Gánh nặng vô hình của lì xì

ANH HUY |

Mỗi khi Tết đến, có lẽ không ít người cảm thấy lo lắng và đau đầu, phải tính toán liệu lương, thưởng có đủ trang trải cho lì xì. Từ đó, lì xì trở thành một gánh nặng vô hình tùy vào thu nhập từng người.

Khách du lịch ùn ùn đổ về các khu, điểm du lịch ở Ninh Bình dịp Tết Quý Mão

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Trong 4 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023 (từ ngày 29 đến ngày mùng 2 Tết) các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đón hơn 8,5 vạn lượt khách du lịch, tăng gấp 7 lần so với dịp Tết Nguyên đán 2022.

An Giang: Giám sát 556 cơ sở kinh doanh xăng dầu

Thành Nhân |

Các Đội Quản lý thị trường của tỉnh An Giang đã tổ chức giám sát 556 cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn. Trong đó, có 555 cơ sở đang hoạt động, còn 1 cơ sở hết xăng, dầu nhưng vẫn mở cửa hoạt động.

Trực Tết tại bệnh viện: Niềm hạnh phúc không phải nghề nào cũng có

Thuỳ Linh - Đức Mạnh |

Với những y sĩ phải trực Tết, gia đình họ sẽ phải chịu thiệt thòi vì tình thương và trách nhiệm giờ đây phải sẻ nửa cho những bệnh nhân và xã hội ngoài kia.