Công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là nhiệm vụ trọng tâm

NHÓM PV |

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là nhiệm vụ trọng tâm. Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.

Giải pháp để nâng cao chất lượng của ngoại giao kinh tế

Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18.3, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cho rằng, ngoại giao về kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để hỗ trợ cho các địa phương nói riêng và của cả nước nói chung trong phát triển kinh tế, đối ngoại, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của đất nước.

Vậy giải pháp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong thời gian tới để nâng cao chất lượng của ngoại giao kinh tế là gì?

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước. Ảnh: Phạm Thắng
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước. Ảnh: Phạm Thắng

Trả lời về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là nhiệm vụ trọng tâm.

Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động về triển khai công tác ngoại giao kinh tế.

Các bộ, ngành, các địa phương cũng đã cụ thể hóa xây dựng kế hoạch riêng của mình về công tác ngoại giao kinh tế. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì, chỉ đạo 3 hội nghị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là khai thác được những tiềm năng hợp tác với các đối tác mà Việt Nam đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ. Đồng thời là tạo ra những nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các bộ, ngành triển khai một số việc:

Thứ nhất là chỉ đạo các cơ quan đại diện tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư du lịch, quảng bá các sản phẩm thế mạnh vào khu vực Trung Đông, châu Phi, đặc biệt là khu vực vùng Vịnh.

Thứ hai là tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh, nhất là các sản phẩm đồ gỗ sang các thị trường Trung Đông, châu Phi. Kêu gọi đầu tư của các quỹ đầu tư khu vực Trung Đông vào các lĩnh vực mà họ rất quan tâm.

Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tìm kiếm, giới thiệu các đại sứ, doanh nghiệp, các nhà đầu tư khu vực Trung Đông tiềm năng.

 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng

Duy trì dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc truyền bá văn hóa Việt Nam, duy trì phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đây là một trong những trọng tâm của công tác ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực xây dựng đề án, chiến lược, cụ thể hóa bằng kế hoạch công tác.

Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức sự kiện ngày Việt Nam, tuần phim, ẩm thực Việt Nam để quảng bá văn hóa Việt Nam. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đều có góc trưng bày sản phẩm văn hóa ở trụ sở, đặc biệt là ở phòng tiếp khách, tiếp công dân.

Bộ cũng phối hợp thành lập các trung tâm văn hóa Việt Nam, nghiên cứu Việt Nam tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước sở tại.

Về việc duy trì dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài, đây là vấn đề Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học để triển khai việc hỗ trợ các hội đoàn người Việt xây dựng các trường, lớp tiếng Việt, qua đó duy trì, phát huy được giá trị văn hóa Việt Nam.

Các cơ quan đã xây dựng giáo trình dạy tiếng Việt dành riêng cho đối tượng người Việt tại nước ngoài, cung cấp sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy cho các cơ sở giáo dục, đào tạo về tiếng Việt.

Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ hơn 70.000 các loại sách giáo khoa tiếng Việt, nhiều văn hóa phẩm tiếng Việt đi kèm để hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các hội đoàn người Việt ở nước ngoài thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức dạy tiếng Việt, vận động chính quyền các nước hỗ trợ các cơ sở giảng dạy tiếng Việt của kiều bào ta.

Đồng thời đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục sở tại phù hợp với cấp học, hỗ trợ xây dựng các cơ sở vật chất. Bên cạnh đó là xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Chặt đứt đường dây dụ dỗ, lôi kéo, đưa thanh thiếu niên ra nước ngoài

Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18.3, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) cho biết, hiện nay có tình trạng người Việt Nam, chủ yếu là giới trẻ đi lao động ở nước ngoài nhưng làm việc trong các sòng bạc lừa đảo, các cơ sở mại dâm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết giải pháp để phát hiện, hỗ trợ người dân.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, tình trạng thanh thiếu niên bị lừa đảo, dụ dỗ đi làm việc ở nước ngoài, trở thành nạn nhân của cưỡng bức lao động, bắt cóc, mua bán người tại các cơ sở cờ bạc, trò chơi trực tuyến diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay.

Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề hết sức phức tạp. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan đã tổ chức giải cứu, đưa nhiều người về nước. Tới đây, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.

“Phải chặt đứt đường dây, chứ không chúng sẽ tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo, đưa thanh thiếu niên ra nước ngoài”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Giải pháp tiếp theo được Bộ trưởng nhắc đến là chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này. Đồng thời, phải thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp, có tổ chức và ngăn chặn di cư bất hợp pháp.

Tiếp tục triển khai công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ nạn nhân đưa về nước; hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu hết số công dân còn bị cưỡng bức lao động, nạn nhân của tội phạm buôn bán người.

Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng

Hơn 10 triệu lượt người ra nước ngoài lao động và học tập

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, việc bảo hộ công dân trên các lĩnh vực ở nước ngoài sau đại dịch COVID-19 được sự đồng tình của nhân dân cả nước.

Việt kiều rất cảm ơn Bộ Ngoại giao, tuy nhiên có không ít trường hợp du học sinh, giảng viên các trường đại học trong nước cử đi tu nghiệp ở nước ngoài không về nước làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác đi học khó khăn.

Vậy Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự có biện pháp gì can thiệp trục xuất các đối tượng này về nước để lập lại kỷ cương?

Trả lời về công tác bảo hộ công dân, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ sau đại dịch COVID-19 thì giao lưu giữa Việt Nam và quốc tế được triển khai mạnh mẽ. Năm 2022, có khoảng 3,8 triệu lượt công dân của Việt Nam ra nước ngoài, nhưng năm 2023 lên đến hơn 10 triệu lượt người ra nước ngoài lao động và học tập.

Số lượng lao động, du học sinh của ta quay trở lại học ở các nước tăng lên nhanh. Trong bối cảnh đó, xảy ra một số vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến hợp tác của nước ta với các đối tác.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo cho các bộ, ngành liên quan phải xây dựng một quy trình, quy chế để đào tạo đội ngũ lao động nước ta sang nước ngoài lao động. Việc này để đảm bảo vừa chấp hành tốt nội quy định của nước sở tại, đồng thời cũng là đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại và của quan hệ giữa hai nước.

Theo Bộ trưởng, du học sinh ra nước ngoài rất đông, qua trao đổi cho thấy, nhiều du học sinh có nguyện vọng về đất nước cống hiến phục vụ. Song nhiều du học sinh cũng cho biết bên đó vẫn còn nhiều điều kiện để các em sau khi học xong có thể ở lại làm việc, đóng góp.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, lãnh đạo cấp cao của ta cũng đã trả lời với bà con cử tri khi tiếp xúc với kiều bào là nếu các học sinh thấy rằng, có thể phát huy được vai trò công việc của mình sau khi học xong ở nước sở tại cũng chính là góp phần đóng góp và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng quan trọng hơn là làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước.

Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh

Chiều 18.3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam là điểm đến ưa thích của khách du lịch, đã kí kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước nhằm thu hút du lịch…

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một số ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thực cho công dân Việt Nam còn khó khăn.

Do đó đề nghị Bộ trưởng cho biết vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này và giải pháp để cải thiện tình hình, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và ngược lại?

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên. Ảnh: Phạm Thắng
Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên. Ảnh: Phạm Thắng

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, các nước trên thế giới rất quan tâm và coi Việt Nam là điểm đến an toàn, với nhiều danh lam, thắng cảnh.

Trong xu thế mở cửa, hội nhập sâu rộng, không chỉ các nước đến Việt Nam mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu đi du lịch, tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh.

Ngoài ra, hiện có 13 nước mà Việt Nam miễn thị thực đơn phương – đây là địa bàn du lịch trọng điểm có nhiều khách du lịch đến Việt Nam

Bộ Ngoại giao cũng đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương, để tạo điều kiện hoạt động xuất nhập cảnh thông thoáng hơn.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đang đàm phán miễn thị thực song phương đối với nhiều nước về thị thực công vụ.

Phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre" Việt Nam

Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn, đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm khi được báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước về kết quả công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung, của ngành ngoại giao nói riêng.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thời gian qua, tình hình thế giới trải qua nhiều biến động, bên cạnh những thuận lợi, cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn trước, đặt ra nhiều nhiệm vụ mới nặng nề cho công tác đối ngoại, ngành ngoại giao.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre" Việt Nam, triển khai đồng bộ, sáng tạo trên 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao.

Việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả 4 trụ cột ngoại giao đã đem lại những kết quả toàn diện, quan trọng.

Ngành ngoại giao đã hỗ trợ và trực tiếp tham mưu, phối hợp với các bộ ngành tổ chức các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao diễn ra ở khắp các châu lục và nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương, qua đó, củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc, tạo dựng được sự tin cậy chính trị ngày càng cao, thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Đại biểu Quốc hội nói về nghịch lý giá vé máy bay, giá điện càng tăng, càng lỗ

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực tài chính sáng 18.3, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) bày tỏ quan tâm đến việc điều hành giá của một số mặt hàng như vé máy bay hoặc điện.

Liên quan đến việc giá vé máy bay tăng cao thời gian qua, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, "không hẳn do vấn đề cung cầu hay nhiên liệu".

Đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh, đối với các mặt hàng này đang có một nghịch lý là càng tăng giá thì doanh nghiệp lại càng lỗ.

“Câu chuyện đặt ra cần giải được bài toán này. Hiện nay chi phí của Vietnam Airline đang cao quá. Còn giá điện lâu nay chỉ có lên chứ không xuống mà EVN vẫn lỗ…”, đại biểu Trịnh Xuân An nêu rõ.

Theo đại biểu, phải chăng việc tính giá trên cơ sở pháp luật thời gian qua chưa ổn? Việc tính toán đã đảm bảo tính đúng, tính đủ hay chưa? Đại biểu Trịnh Xuân An nêu vấn đề và đề nghị cần phải có sự rà soát, thanh tra, kiểm tra nội dung này để đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời nội dung tranh luận. Ảnh: Phạm Thắng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời nội dung tranh luận. Ảnh: Phạm Thắng

Trả lời nội dung tranh luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bay đang thực hiện đúng quy định về giá máy bay.

Trong khung giá vé máy bay do Bộ Giao thông vận tải ban hành, có 15 mức, hiện các doanh nghiệp đang điều hành trong khung giá này, chưa vượt ngoài khung.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, nhiều quốc gia đã thực hiện bỏ giá trần để doanh nghiệp tự quyết định theo cung cầu thị trường.

Tuy nhiên, Luật Giá của chúng ta vẫn quy định giá trần đối với vé máy bay, khung trần đó do Bộ Giao thông vận tải quy định.

"Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bay hiện nay đang thực hiện đúng theo khung quy định, không vi phạm quy định của pháp luật về giá", Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.

Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp xây dựng khung giá bán lẻ điện

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, theo quy định của Luật Điện lực, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp xây dựng khung giá bán lẻ, khung giá phát điện, khung giá bán buôn, giá truyền tải điện.

Đã có một thời gian rất dài nhiều cơ sở điện gió, điện mặt trời xây dựng xong nhưng không có khung giá để hòa điện.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trách nhiệm và đã thực hiện trách nhiệm này như thế nào trong việc xây dựng khung giá cho điện gió, điện mặt trời cũng như khung giá bán lẻ?

Bên cạnh đó, theo Luật Giá, việc khai giá và việc hình thành cơ sở dữ liệu về giá là công cụ quan trọng để quản lý thị trường giá, đảm bảo lành mạnh và minh bạch. Đây cũng là một cơ sở quan trọng để tạo ra nguồn dữ liệu cho việc thẩm định giá.

Trong thời qua, nhiều cơ quan thẩm định giá từ chối không thẩm định do không có cơ sở dữ liệu chắc chắn. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết việc kê khai và hình thành cơ sở dữ liệu về giá như thế nào?

Trả lời đại biểu Hoàng Văn Cường về giá bán lẻ điện và khung giá điện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Công Thương chủ trì để xây dựng các biểu giá điện, sau đó Bộ Tài chính sẽ có ý kiến với Bộ Công Thương trước khi trình Chính phủ.

Về vấn đề xây dựng giá điện cho điện mặt trời và điện gió, phải căn cứ vào Quy hoạch điện 8 để tính toán xác định khung giá và xác định giá bán lẻ.

Về hình thành cơ sở dữ liệu về giá để thực hiện kê khai giá và quản lý giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Cục Giá của Bộ Tài chính đã xây dựng dữ liệu về giá và đã cấp 824 tài khoản để khai thác cơ sở dữ liệu giá của Bộ Tài chính. Nhưng đây mới chỉ là bước đầu. Để xây dựng dữ liệu giá một cách đồng bộ công tác thu thập và thống kê, công tác lưu trữ là hết sức quan trọng.

Do đó, các Sở Tài chính của các tỉnh, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan phải chuyển giá đến Bộ Tài chính để xây dựng cơ sở dữ liệu về giá. Khi có cơ sở dữ liệu giá tốt thì sẽ quản lý giá tốt.

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

PHẠM ĐÔNG |

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, muốn thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính nêu giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ

PHẠM ĐÔNG |

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn hai Bộ trưởng Bộ Tài chính và Ngoại giao

PHẠM ĐÔNG |

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề: nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao.

Tọa đàm: Chế tài không đủ mạnh, sẽ còn nhiều doanh nghiệp trây ỳ, nợ và trốn đóng BHXH

NHÓM PV |

Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp (DN) vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) diễn ra ngày càng phức tạp với số tiền chậm đóng lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng. Thậm chí, có DN vẫn trích thu nhập của người lao động cho khoản đóng BHXH nhưng thực tế lại không hề nộp cho cơ quan bảo hiểm. Tình trạng này khiến cho quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, Báo Lao Động tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Chế tài không đủ mạnh, sẽ còn xuất hiện nhiều doanh nghiệp trây ỳ, triền miên nợ và trốn đóng BHXH” - nhằm giải đáp các thắc mắc, giúp người lao động yếu thế bảo vệ quyền lợi khi bị chủ sử dụng lao động nợ BHXH và phương án, chế tài xử lý hiện nay đối với các trường hợp trây ỳ, triền miên nợ đóng BHXH.

Bên trong chuyến tàu metro Nhổn - ga Hà Nội ngày vận hành thử

Tô Thế |

Dự án Tuyến Đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội bước vào tuần 2 của giai đoạn vận hành thử (Trial - Run). Trong tuần đầu tiên, Dự án đã thực hiện 7/57 kịch bản, các hoạt động được diễn ra thuận lợi, cơ bản đáp ứng các yêu cầu đã đặt ra.

Thanh Hằng Beauty Medi tiếp thu và cam kết xử lý triệt để sai phạm Báo Lao Động phản ánh

NHÓM PV |

Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Trường Giang - đơn vị chủ quản của Thanh Hằng Beauty Medi - thừa nhận đã buông lỏng trong quản lý kinh doanh nội bộ, để xảy ra những sai phạm liên quan đến tế bào gốc như Báo Lao Động phản ánh.

Đắk Nông phát hiện nhiều hiện vật có niên đại gần 10.000 năm

PHAN TUẤN |

Đắk Nông - Các ngành chức năng vừa phát hiện gần 100 hiện vật có niên đại gần 10.000 năm trước tại di chỉ Thôn 7, xã Đắk Drô, huyện Krông Nô.

Kết quả xử lý vi phạm đất đai ở Thái Bình sau phản ánh của Báo Lao Động

Trung Du |

Thái Bình - Sau khi Báo Lao Động phản ánh, UBND huyện Quỳnh Phụ ban hành chỉ đạo “nóng”, đến nay một số vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai ở thôn Tràng, xã An Tràng theo nội dung bạn đọc thông tin cơ bản đã được địa phương tiếp thu, xử lý khắc phục.

Thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

PHẠM ĐÔNG |

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, muốn thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính nêu giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ

PHẠM ĐÔNG |

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn hai Bộ trưởng Bộ Tài chính và Ngoại giao

PHẠM ĐÔNG |

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề: nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao.