Chấn chỉnh tình trạng cán bộ cầm chừng, sợ sai
Tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nêu rõ, có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc theo vị trí việc làm; có tâm lí “bàn lùi”, “không làm thì không sai”, không dám tham mưu, đề xuất, thậm chí không dám quyết định những nội dung công việc thuộc thẩm quyền... Có tình trạng thiếu chủ động trong tham mưu hoặc tham mưu “lòng vòng”, không nêu rõ quan điểm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu phải làm rõ được những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, dám làm. Trên cơ sở đó, có chế tài xử lí trách nhiệm cụ thể đối với tập thể, cá nhân.
Một đầu tàu kinh tế khác đó là TP Hồ Chí Minh (TPHCM) - cũng chỉ rõ có tình trạng “lo ngại về thực hiện công vụ của một số bộ phận cán bộ công chức viên chức”. Điều này cũng ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của TPHCM trong thời gian qua.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ có chỉ thị về nội dung này, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lí để cán bộ công chức yên tâm thực hiện công vụ theo hướng vừa chống tham nhũng có hiệu quả vừa kiến tạo môi trường phát triển.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - nhìn nhận, nguyên nhân trước tiên và quan trọng nhất là việc thời gian vừa qua có nhiều cán bộ, đảng viên, thậm chí lãnh đạo bị xử lí kí luật, bị vướng vòng lao lí vì những vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Một nguyên nhân khác đó là trình độ, năng lực, nhận thức của cán bộ, đảng viên còn có nhiều hạn chế.
Xử lí nghiêm tình trạng cố tình đùn đẩy, né tránh
Để chấn chỉnh tình trạng nói trên theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, không thể chỉ tập trung vào một giải pháp nào mà cần có tổng thể các giải pháp.
Trong đó, việc cần tập trung hàng đầu là công tác lập pháp. Cần phải có sự rà soát kĩ lưỡng và thận trọng những quy định của pháp luật còn vướng mắc, còn là điểm nghẽn khiến cho cán bộ đảng viên gặp khó khi thực thi công vụ để kịp thời sửa đổi.
“Một hệ thống pháp luật đầy đủ, hoàn chỉnh và khoa học là nền tảng vững chắc để thực thi công vụ hiệu quả và liêm chính” - đại biểu Nga nói.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, hành vi không làm gì cả trong bổn phận, nghĩa vụ mà nhà nước trao cho, như vậy là vô trách nhiệm, mà vi phạm pháp luật thì phải xử lí.
Bộ phận này gồm 3 nhóm, nhóm thứ nhất là không biết gì, không biết gì thì không làm được gì. Nhóm thứ hai là không có lợi thì không làm. Nhóm thứ ba là biết nhưng sợ không làm. Cả 3 nhóm đó đều không thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật trao cho, ở đây là Nhà nước, là nhân dân trao cho, mà vi phạm như vậy thì phải xử lí.
Ông Vân cho rằng, rất đáng tiếc là các cấp, các ngành thấy được cán bộ không làm gì là vi phạm nhưng không xử lí, mà xử lí thì phải xem xét tính chất, mức độ và hậu quả gây ra.
“Một người không làm gì cả nhưng gây ra hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lí hình sự, tôi nói ví dụ như bác sĩ không cứu người gây nên hậu quả chết người là phải truy tố.
Một chủ tịch tỉnh mà không làm gì dẫn đến hậu quả kinh tế đình trệ, không phát triển, khiến cho doanh nghiệp, nhân dân lâm vào khó khăn, hành vi không làm gì này gây hậu quả lớn hơn nhiều vị bác sĩ kia nhưng không xử lí” - ông Vân nói và cho rằng, cần phải nhìn nhận, đánh giá kĩ và có biện pháp xử lí với những trường hợp này.