Sáng 22.5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khai mạc tại Nhà Quốc hội, Hà Nội.
Tham dự lễ khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng;…
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, trong đó có 6 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.
Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; xem xét, ban hành 3 nghị quyết quy phạm pháp luật.
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách, quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân.
Dự án đã được tiếp thu, hoàn chỉnh trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và hơn 12 triệu lượt góp ý của các tầng lớp nhân dân. Việc lấy ý kiến nhân dân thực sự đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy sâu sắc quyền làm chủ của nhân dân, góp phần tạo nên bước tiến quan trọng về chất lượng của dự thảo Luật.
"Quốc hội trân trọng cảm ơn sự quan tâm, những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật", Chủ tịch Quốc hội nói.
Trên cơ sở hồ sơ dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Từ đó tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; hoàn thiện dự thảo Luật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và bảo đảm chất lượng để có thể trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Tại kỳ họp, Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện.
Đồng thời dự báo sát với tình hình thời gian tới, từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025.
Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu kỳ họp. Cụ thể là xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, miễn nhiệm và bầu chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Quốc hội xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026.
"Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.