Nắm chắc thế mạnh
Từ thực tế dịch bệnh SARS năm 2003 và mới đây là COVID-19 cho thấy, y tế Việt Nam đã tạo nên rất nhiều kỳ tích, nâng tầm uy tín trên thế giới. Theo Thầy thuốc Nhân dân, PGS-TS Trần Thị Trung Chiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - người thủ lĩnh có 45 ngày “trực chiến” nóng bỏng cùng dịch SARS nhận định: Về mặt bối cảnh, Việt Nam là một nước trong vùng nhiệt đới, môi trường, khí hậu là điều kiện cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm phát triển. Hệ thống y tế dự phòng được đầu tư xây dựng. Từ đó cho chúng ta những kinh nghiệm thực tiễn để đối phó với dịch bệnh, thậm chí là những dịch bệnh bất thường xảy ra.
Mặt khác, Việt Nam có thế mạnh như thầy thuốc Việt Nam có đủ năng lực để thực thi những kỹ thuật khám chữa bệnh trình độ cao như vi phẫu thuật, ghép tạng, ghép mô...
Xuất phát từ những tiền đề đó, để y tế Việt Nam phát triển hậu COVID-19, chúng ta phải xây dựng một hệ thống y tế dự phòng thực sự tốt. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo cán bộ. Nhà nước nên có những ưu tiên chính sách cho mảng y tế dự phòng về đầu tư, đào tạo nhân lực. Bởi thực tế người làm y tế dự phòng khó có thu nhập cao so với bác sĩ lâm sàng. Chỉ khi chúng ta có những ưu tiên như vậy mới khuyến khích cán bộ làm việc, gắn bó với công tác này. Để từ đó, chúng ta sẽ có một đội ngũ bác sĩ phản ứng nhanh, đáp ứng yêu cầu trong trường hợp khẩn cấp.
Nguyên Bộ trưởng chỉ rõ cần xây dựng, nâng cấp một số phòng xét nghiệm. Cơ sở vật chất phải đủ chuẩn mực để có thể chẩn đoán được khi có những loại virus lạ, biến thể, có phương án ứng phó, điều trị cho bệnh nhân tốt hơn, kỹ lưỡng hơn.
Đó là về y tế dự phòng, còn y tế điều trị hay y tế kỹ thuật cao, chúng ta phát triển hơn nữa về trình độ của đội ngũ y bác sĩ, cơ sở hạ tầng y tế. Phía nhà nước cần nhiều chính sách đầu tư, phát triển dành cho ngành Y tế.
Đồng quan điểm, GS-AHLĐ Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khoá XIV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương - cho rằng dịch COVID-19 cho đến nay về cơ bản đã được khống chế. Có thể nói, đây là một thành tựu rất to lớn của đất nước. Trong đó, y tế giữ một vai trò quan trọng mà có thể điểm ra được những thành tựu đáng chú ý.
“Cũng chính trong đợt chống dịch COVID-19 vừa qua Y tế Việt Nam đã thể hiện rất nhiều thế mạnh nổi bật mà trước kia chúng ra chưa có cơ hội. Có thể kể đến một vài thế mạnh nổi bật về con người, đội ngũ y, bác sĩ nói chung có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo, yêu nghề. Trình độ tay nghề cao, nhất là những kỹ thuật mang tính tinh tế, chuyên sâu. Vì thế, hậu COVID-19, chúng ta cần có chiến lược để phát huy hơn nữa những thành tựu đã có” - GS Nguyễn Anh Trí cho hay.
Cần một chiến lược phục hồi kinh tế từ y tế
Để đất nước ngày một phát triển và đặc biệt là phục hồi nền kinh tế cần lựa chọn những ngành lĩnh vực ưu tiên, nhiều chuyên gia cho rằng ngành Y tế cần được quan tâm hơn nữa. Các chuyên gia kinh tế của Mạng lưới Học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) nhận định Việt Nam có thể chuyển mình trong cuộc khủng hoảng COVID lần này, biến khó khăn thành cơ hội.
Bà Trần Thị Thu Hà - thành viên Ban Cố vấn VANJ - đánh giá rằng Việt Nam đứng trước cơ hội khi các làn sóng doanh nghiệp dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc về nước hoặc sang các khu vực khác như ASEAN. Nước ta có thể sẽ là địa bàn lý tưởng để làm căn cứ sản xuất cho các công ty y tế nước ngoài nếu biết tận dụng thời cơ. Các Hiệp định Thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA hay các FTA đã ký kết trước đây với Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác sẽ là thử thách và là cơ hội cho các lĩnh vực mới, sáng tạo. Các ngành nghề trong đó có dịch vụ y tế cũng cần phải ứng dụng công nghệ và tư duy quản lý tiên tiến hiện đại.
“Đây chính là lúc, Việt Nam cần nhìn nhận lại mình, đánh giá năng lực của các doanh nghiệp, điều chỉnh chiến lược, tăng nội lực, tạo động lực và lợi thế mới để tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu với giá trị gia tăng cao hơn. Cơ hội đối với các nhà khởi nghiệp như dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà và sản xuất trang thiết bị y tế là rất lớn, nhất là khi sự tin tưởng mà các nước dành cho Việt Nam ngày càng cao qua các đơn hàng về y tế như khẩu trang vừa qua” - bà Trần Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, đã tới lúc cần thay tư duy lấy tốc độ làm trọng, cần phải nâng giá trị lao động lên, “chống tụt hậu như chống giặc” và phải thực hiện nhanh, mạnh các cải cách cần thiết về thể chế và nhân lực để bứt phá. Bên cạnh đó, những chính sách về y tế, môi trường, phát triển bền vững vẫn cần phải đảm bảo để chúng ta có thể vừa sống chung với COVID-19 vừa phát triển kinh tế.
Bà Phạm Chi Lan nhận định rằng: “Việt Nam đang có một cơ hội rộng mở để phát triển. Việt Nam cần ứng dụng công nghệ, tạo ra cách làm mới, tạo liên kết mới và thị trường mới. Từ cách đây 30 năm, các chuyên gia kinh tế toàn cầu đã nhận định, thế kỷ XXI là thế kỷ của y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giờ thì điều đó đang trở thành hiện thực”.