Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lên án trò chơi team building phản cảm

NHÓM PV |

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn về việc triển khai các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch;...

 

16h35: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau một ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm, phiên chất vấn thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của Nhân dân và cử tri cả nước, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình dự kiến và đạt được các yêu cầu đề ra.

Các nhóm vấn đề thuộc hai lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp đúng và trúng, phù hợp với diễn biến thực tế đời sống, bám sát thứ tự ưu tiên trong rất nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Diễn biến của phiên chất vấn cho thấy tinh thần sát thực tế rất thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm cao (năm chữ T) đối với cả người hỏi và người trả lời chất vấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn; đồng thời ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như ý kiến của các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn. Căn cứ vào báo cáo của hai bộ và diễn biến của phiên chất vấn, vấn đề chất vấn thực sự thành công trên thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

16h25: Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất những giải pháp thời gian tới

Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Đã có 19 đại biểu phát biểu và 7 lượt đại biểu tranh luận, hiện còn 30 đại biểu đăng ký phát biểu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu chưa phát biểu gửi câu hỏi chất vấn tới bộ phận thư ký, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan trả lời đầy đủ bằng văn bản.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, có thể đánh giá rằng, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng trách nhiệm cao, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, cơ bản đi vào các nội dung chất vấn đã đề ra. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nắm chắc tình hình, thực trạng, nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế đã trả lời những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý và đề xuất những giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Cùng tham gia giải trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

16h22: Muốn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cần có những những giải pháp mạnh mẽ, đột phá

Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, văn hóa là nền tảng tinh thần, được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Mặc dù ngành văn hóa đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải cố gắng làm tốt hơn nữa.

Nhấn mạnh bản chất du lịch là một ngành kinh tế và để phát triển nó thành mũi nhọn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta phải thực hiện hiệu quả những giải pháp mạnh mẽ, đột phá. Tuy nhiên trong thời gian qua, cần phải nhìn nhận nhiều giải pháp đề ra chưa thực sự quán triệt đầy đủ tinh thần về một ngành kinh tế mũi nhọn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động liên quan đến lĩnh vực du lịch với những giải pháp mạnh mẽ, trên tinh thần du lịch đúng là một ngành kinh tế mũi nhọn.

Liên quan đến công tác bảo tồn các di tích, gắn với du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là một nội dung quan trọng. Du lịch không phải chỉ có gắn với di tích, nhưng đây là một thế mạnh của chúng ta. Tuy nhiên, từ nhiều khóa, các đại biểu Quốc hội đã phản ánh rất nhiều về tình trạng xuống cấp của các di tích lịch sử, di tích văn hóa, đặc biệt là một số di tích lịch sử cách mạng. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, mặc dù ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rất nỗ lực, tuy nhiên nhu cầu vốn cho công tác tu bổ, sửa sang di tích nói chung, trong đó có khu di tích lịch sử cách mạng là luôn luôn trong tình trạng thiếu và rất yếu. Bên cạnh đó, các quy trình, thủ tục cũng rất phức tạp.

16h20: Lên án và không khuyến khích tổ chức trò chơi phản cảm

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch nêu quan điểm về việc gần đây xuất hiện những trò chơi gợi dục trong team building.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau).
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định "đây là vấn đề đáng lên án". Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch không chỉ đạo các công ty du lịch tổ chức trò chơi này. Đây là những trò chơi ở nước ngoài được du nhập vào Việt Nam nhưng không qua chọn lọc. "Chúng tôi khuyến nghị thành viên tham gia team building không hưởng ứng các trò chơi phản cảm, mang lại hệ lụy không tốt. Chúng tôi sẽ kiểm tra các công ty du lịch, nếu phát hiện tổ chức trò chơi phản cảm sẽ xử lý” - ông Hùng nói.

16h15: Tiếp tục tạo dựng văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp

Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến văn hóa học đường, giáo dục đạo đức cho học sinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là vấn đề rất rộng lớn và quan trọng đối với trường học.

Đối với việc triển khai giáo dục hiện nay, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm và ưu tiên, thì vấn đề về văn hóa học đường, ứng xử trong trường học càng trở nên đặc biệt quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo rất chú ý đến vấn đề này và đã triển khai nhiều hoạt động, nhiều chính sách có liên quan. Trong đó, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là giải pháp toàn diện để tăng cường tố chất văn hóa và phát triển con người.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Xét về vấn đề văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trường học có vai trò trong việc tạo dựng ra các giá trị văn hóa, trường học cần phải thiết lập, củng cố và hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử giữa con người với xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ trong việc chuẩn bị, ban hành Chỉ thị về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trong thời gian sắp tới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hy vọng, việc triển khai nhiều nội dung của chỉ thị này sẽ tạo ra được những sự chuyển biến tốt đối với các vấn đề về văn hóa học đường. Về các quy tắc ứng xử trong trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung để rà soát, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học đã có, lưu ý đề cao vai trò gương mẫu dẫn dắt của nhà giáo, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, xã hội, nhằm từng bước tạo dựng văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp, rèn luyện thế hệ người với những phẩm chất lương thiện, nhân ái, yêu nước, trung thực… giải quyết căn bản và lâu dài những vấn đề các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm.

16h10 - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu 7 nhóm giải pháp đào tạo nghề ngành du lịch

Làm rõ thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, ngành lao động đã tập trung cùng ngành văn hóa để tạo chuyển biến về vấn đề lao động, việc làm trong ngành du lịch.

Theo kết quả thống kê, đến nay có 19,8 triệu người làm trong lĩnh vực du lịch, tăng cao so với quý trước. Gần đây, thị trường lao động trong lĩnh vực du lịch đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Các chính sách mở cửa, hỗ trợ theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, nhất là từ tháng 3.2022 đã tạo cú hích quan trọng để tạo khu vực du lịch, dịch vụ, tạo đà tăng trưởng, phát triển cao.

Bộ trưởng Bộ lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng Bộ lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, chúng ta đã có nhiều chính sách nhằm phục hồi lao động lĩnh vực du lịch, dịch vụ, các chính sách giữ chân, thu hút người lao động quay trở lại, hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động tại chỗ. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành danh mục đào tạo cấp độ 4, trình độ cao đẳng và trung cấp. Thực tiễn, trong thời gian qua, các học viên tham gia Hội thi tay nghề quốc tế của ASEAN đều đạt kết quả cao. Hiện nay, chúng ta đang áp dung mô hình vừa học vừa làm, học văn hóa trong các cơ sở nghề, học nghề trong các cơ sở văn hóa.

Về giải pháp căn cơ trong vấn đề này, Bộ trưởng chỉ ra 7 nhóm giải pháp, cụ thể: Đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và thích ứng dần kỹ năng mới; triển khai mạnh mẽ hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và khu vực, tiến tới công nhận Bộ tiêu chuẩn nghề ASEAN được Tổ chức thi cấp Chứng chỉ nghề quốc gia ASEAN hướng tới các hoạt động du lịch hướng dẫn bài bản, chuyên nghiệp, đủ năng lực cạnh tranh; có chính sách thu hút nhân lực và học, làm việc đi đôi với nâng cao năng lực hệ thống đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao chất lượng; quy hoạch liên kết đồng bộ giữa Trung ương, địa phương, các ngành gắn kết doanh nghiệp lữ hành với nhà trường; phát triển du lịch, đa dạng hóa các hình thức học tập, đào tạo, mở rộng địa bàn đào tạo; tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên…

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần áp dụng một số chính sách ngắn hạn tập trung đào tạo nghề cho người lao động. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để xây dựng đề án phát triển lao động ngành du lịch vừa đào tạo dài hạn vừa trước mắt; vừa học văn hóa vừa học nghề.

16h05: Nhiều vấn đề phiền toái, ứng xử không đẹp, phản văn hóa

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng đến cộng đồng ngày càng rộng, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của internet và các công cụ mạng xã hội, những câu chuyện về đời sống thường ngày, nhất là phong cách thời trang.

Việc ăn mặc chưa đúng mực của nghệ sĩ trong những lần xuất hiện trước công chúng hay trên mạng xã hội đều được dư luận và giới trẻ quan tâm.

Tuy nhiên, đâu là ranh giới giữa phong cách thời trang và thuần phong phong mỹ tục đối với cách ăn mặc của không ít nghệ sĩ hiện nay.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này để đảm bảo phát triển văn hóa con người gắn với thuần phong mỹ tục truyền thống của dân tộc hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Trả lời, Bộ trưởng cho biết, vừa qua có nhiều vấn đề phiền toái, đưa ra những ứng xử không đẹp, phản văn hóa.

Vấn đề đó Bộ đã ban hành quy tắc ứng xử tại quyết định 3196 để thực hiện. Trong đó nêu rõ ứng xử trong nghề nghiệp, trong khát vọng cống hiến, lấy giá trị thước đo chân - thiện - mĩ để làm và đấu tranh với cái xấu, cái ác.

Theo ông Hùng, những quy tắc này đã được các văn nghệ sĩ tiếp tục thực hiện, triển khai.

Mặc dù đây không phải là chế tài nhưng họ coi đây là phạm trù đạo đức để làm. Còn một số cái phản cảm thì chúng ta nhắc nhở. Chúng ta không thể lấy hình ảnh, trang phục của một nghệ sĩ trên sân khấu để bắt chước, làm theo. Như vậy sẽ không đúng và nó lại tùy theo gu thẩm mĩ từng người.

16h: Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội

Một trong những nội dung đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai chất vấn Bộ trưởng là giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội.

Xin Bộ trưởng cho biết, việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi và mức độ nào, xu hướng thời gian tới?

Nội dung thứ hai, đại biểu Lê Hoàng Anh nêu rõ, pháp luật và đạo đức là hai quy phạm chủ yếu và đặc biệt quan trọng để điều chỉnh quan hệ xã hội.

Qua nhiều năm, pháp luật đã được hoàn thiện và tăng cường nhưng quan hệ xã hội ở nhiều nơi nhiều lúc ngày càng nóng bỏng, cử tri và nhân dân lo lắng.

Nhiều cử tri cho rằng, đạo đức xã hội, đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và đạo đức gia đình đều xuống cấp. Nhiều vụ việc xảy ra thì chủ thể đều khẳng định quy trình đúng và đã tuân thủ đúng quy trình.

Đại biểu Lê Hoàng Anh nêu ví dụ như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Qua phản ánh của báo chí, người có thẩm quyền trả lời, giáo viên coi thi đã thực hiện đúng quy trình nhưng hậu quả học sinh giỏi ngủ quên trong phòng thi và trượt tốt nghiệp.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này và có giải pháp gì để đạo đức xã hội được tăng cường, củng cố như pháp luật, để mọi người tuân thủ và thực hiện đúng đạo đức, đem lại hiệu quả tốt cho xã hội và không vi phạm pháp luật hay bị xử lý hành chính hay xử lý hình sự.

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai. Bộ trưởng cho biết, việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi và mức độ nào, xu hướng thời gian tới.
Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai. Bộ trưởng cho biết, việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi và mức độ nào, xu hướng thời gian tới.

Trả lời, Bộ trưởng Hùng dẫn Nghị quyết Đại hội XIII có nêu văn hóa, đạo đức có mặt đang xuống cấp.

Nghĩa là ở đây có mặt xuống cấp, chúng ta nhìn thấy có nhiều vấn đề cần được đầu tư, xem xét.

Giải pháp khắc phục bằng cách hoàn thiện thể chế, bằng các công cụ pháp luật, phối hợp giữa các bộ ngành để thực hiện.

Ông Hùng nhấn mạnh vấn đề xây dựng văn hóa là một công việc lâu dài.

Trong văn hóa, xây dựng con người văn hóa vừa là chủ thể, vừa là động lực để thực hiện nhiệm vụ này. Do vậy, đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị.

15h55: Cần làm gì để việc cưới, việc tang được tổ chức văn minh hơn?

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nêu vấn đề, theo báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, nhìn chung các văn bản vi phạm pháp luật được ban hành đã phát huy được hiệu quả, hiệu lực quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở, trong đó có Chỉ thị 05 về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Đại biểu cho rằng, trên thực tế việc tổ chức việc cưới, việc tang còn linh đình, có khi còn cản trở giao thông công cộng.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị Bộ trưởng cho biết, chỉ thị 05 đã thực sự đi vào cuộc sống hay chưa? Và cần tiếp tục làm gì để việc này được tổ chức văn minh hơn?

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định.

Trả lời, Bộ trưởng Hùng cho biết, sau khi có chỉ thị ban hành, Bộ đã có hướng dẫn, vấn đề chỉ ở khâu tổ chức thực hiện.

Ông Hùng đề nghị, các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác thực hiện các quy định, nghị định này.

Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, có chế tài như quy định đám cưới bao nhiêu, có tính chất ước lệ.

Tuy nhiên, ông cho rằng, quan trọng nhất phải ở hương ước, quy ước. Ngay từ từng thôn bản, bản thân từng cán bộ, đảng viên và nhân dân xem xét tổ chức đám cưới hay đám tang cho phù hợp.

Còn tổ chức rình rang, vì lợi nhuận phải được phê phán. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, khi có sai phạm trong vi phạm về tang lễ sẽ có xử lý.

15h30: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghỉ giải lao 20 phút.

15h20: Đề nghị các địa phương chăm lo, xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân ở các khu, cụm công nghiệp lớn

Đại biểu Đoàn Thị Hảo – Thái Nguyên đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp của Bộ để xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp?

Đại biểu Đoàn Thị Hảo từ điểm cầu Thái Nguyên đặt câu hỏi và đề nghị nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho công nhân.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo từ điểm cầu Thái Nguyên đặt câu hỏi và đề nghị nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho công nhân.

Về chất lượng đời sống văn hóa cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ý thức được trách nhiệm này, Bộ đã chủ động, ký chương trình phối hợp với Tổng Liên đoàn để thực hiện.

Bộ cũng ký kết với Hiệp hội văn hóa và kinh tế để xây dựng các tiêu chí và vận động các doanh nghiệp để thực hiện xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp.

Theo ông Hùng, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đầu tư nhiều thiết chế văn hóa.

Đến nay, đã có 34 thiết chế văn hóa thể thao cho công nhân lao động ở cấp tỉnh và nhiều địa phương đã bắt đầu tập trung chăm lo thiết chế cho công nhân ở các khu, cụm công nghiệp lớn.

Trong quá trình vận động và phát triển, khi thu hút đầu tư thì yêu cầu đặt ra là có các thiết chế đồng bộ.

Ông Hùng mong rằng, các địa phương không chỉ chú ý đến công xưởng, nhà máy mà phải chú ý đến không gian văn hóa để đáp ứng được đời sống cho công nhân, người lao động.

Bộ đã đưa ra 12 tiêu chí trong cuộc vận động, phối hợp với hội văn hóa và kinh tế.

Trong đó có 2 điểm quan tâm là doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật và hoạt động đúng pháp luật. Đây là tiêu chí để xem xét doanh nghiệp văn hóa.

Thứ 2 là trách nhiệm với xã hội, doanh nghiệp phải chú ý đến trách nhiệm đối với cộng đồng, với xã hội, với công nhân. Tạo điều kiện cho người lao động được hưởng thụ những giá trị văn hóa, tái tạo sức lao động…

Bộ trưởng có trách nhiệm đến đâu khi văn hóa xuống cấp?

15h05: Phát biểu tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, vấn đề quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội.

Vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết. Đại biểu cho rằng "ai cũng hiểu một mình ngành văn hóa không giải quyết được việc này", nhưng là người đứng đầu cơ quan nhà nước về văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm của mình đến đâu và có kiến nghị gì để thay đổi thực trạng "cơ quan quản lý nhà nước thì không đủ thẩm quyền mà cơ quan có thẩm quyền thì không phải chịu trách nhiệm"?

Liên quan đến việc xây dựng môi trường văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, văn hóa rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ cũng đã chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa, thông qua các công cụ pháp luật.

Bộ cũng đã chủ động rà soát, báo cáo với Quốc hội ban hành các bộ Luật, tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định, Quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ động phối hợp với các cơ quan khác bằng các chương trình liên kết để tổ chức thực hiện, cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết với Bộ Giao thông về việc xây dựng văn hóa giao thông, ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng văn hóa học đường, ký kết với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân, người lao động…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các cấp, các ngành phối hợp tích cực và chặt chẽ với bộ trong việc xây dựng môi trường văn hóa.

14h55: Nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa vẫn còn hạn chế

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian qua, các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng đã góp phần rất lớn trong việc giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều di tích đã bị xuống cấp cần được trùng tu, tôn tạo, mở rộng để tương xứng với ý nghĩa và giá trị.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng có giải pháp thu hút nguồn lực cho nhiệm vụ này cũng như các giải pháp nhằm phát huy giá trị của di tích?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đặt câu hỏi từ điểm cầu tỉnh Bến Tre
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đặt câu hỏi từ điểm cầu tỉnh Bến Tre

Về ý kiến một số đại biểu cho rằng, vẫn còn tình trạng chậm trễ trong việc bảo tồn, chống xuống cấp di tích, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Di sản văn hóa, Nghị đinh 166/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế. Những năm qua, ngân sách Nhà nước hàng năm đều cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế; còn nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng qua thời gian, nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ.

Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu tính đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

14h45: Làm sao để phát triển du lịch quốc tế vào Việt Nam một cách bền vững

Phản ánh tình trạng khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam còn rất thấp, đại biểu Quốc hội Đôn Tấn Phong (đoàn An Giang) nhấn mạnh, khách du lịch quốc tế tới Việt Nam là một chỉ số rất quan trọng.

Đại biểu Phong cho rằng, trên thế giới có trên 7 tỉ người, những người có tiềm năng đi du lịch cũng mấy tỉ người, chỉ cần chúng ta làm ra các sản phẩm, mỗi người tới một lần, chúng ta đã có một thị trường lớn hơn rất nhiều. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm mình về vấn đề này? Biện pháp cơ bản để phát triển du lịch quốc tế vào Việt Nam một cách bền vững?

Đại biểu Đôn Tấn Phong – Đoàn ĐBQH An Giang.
Đại biểu Đôn Tấn Phong – Đoàn ĐBQH An Giang.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch nói, trước đại dịch COVID-19, do Việt Nam chưa có điều kiện đo đếm, tính toán, nên không thống kê xem có bao nhiêu khách trở lại.

Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch khảo sát thời điểm trước dịch thì 40% khách quốc tế được hỏi cho biết sẽ quay lại Việt Nam.

"Nhưng cũng có nhiều tổ chức khác đánh giá chỉ 10% khách quốc tế trở lại Việt Nam", ông Hùng nói.

"Khách quốc tế có trở lại Việt Nam hay không điều này không ảnh hưởng đến việc tăng thu hay không tăng thu cho ngành du lịch, vì còn tùy thuộc vào tâm lý khách hàng và điều kiện kinh tế của họ", ông Hùng nói và cho biết, có người chỉ muốn đến một lần để thưởng thức, có người đi nhiều lần để khám phá.

"Sẽ có đối tượng này, đối tượng khác bù đắp lại. Nhưng chúng tôi mong muốn khách sẽ quay lại".

Để khách đến, ông Hùng cho biết, cần làm mới sản phẩm du lịch và văn hóa. "Nếu so sánh lợi thế thì Việt Nam không có lợi thế hơn các nước, nên khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ ăn nghỉ mà còn muốn tìm hiểu văn hóa, con người. Do đó chúng ta cần đưa ra các sản phẩm phù hợp", ông nói.

14h40: Làm rõ trách nhiệm chậm ban hành chính sách điều chỉnh giá điện cho cơ sở lưu trú

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, Nghị quyết 08 đã xác định sẽ ban hành chính sách để điều chỉnh giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú.

Tuy nhiên, đến nay chính sách này chưa được ban hành.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm rõ trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, tham mưu của Bộ trong vấn đề này?

Và trong thời gian tới, Bộ có những giải pháp gì để tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành chính sách này để triển khai trong thực tiễn?

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh điểm cầu tỉnh Ninh Bình.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh từ điểm cầu tỉnh Ninh Bình.

Theo Bộ trưởng Hùng, thị trường lao động đang có sự chuyển dịch nên nhân lực du lịch có khó khăn, không chỉ riêng Việt Nam mà cả quốc tế.

Ngành du lịch cũng gặp khó ở chỗ cơ sở vật chất sau thời gian dịch bệnh cần được nâng cấp và sửa chữa nhưng chưa làm được nhiều. Bộ đã tổ chức hội nghị, diễn đàn kết nối tour, tuyến, tìm giải pháp căn cơ cho vấn đề này.

"Các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho du lịch cần đồng bộ. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch như miễn giảm thuế, miễn giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú. Trong bối cảnh khó khăn này nên kéo dài thêm thời hạn thực hiện chính sách hỗ trợ này đến năm 2023", ông Hùng đề nghị.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

14h35: Làm rõ về tình trạng di tích bị biến dạng được làm mới sau khi trùng tu, cải tạo

Chưa đồng tình với câu trả lời, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tranh luận: Đề nghị làm rõ về tình trạng di tích bị biến dạng được làm mới sau khi trùng tu, cải tạo.

Đại biểu đánh giá cao và chia sẻ những khó khăn của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.

Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chưa thông tin cụ thể về tình trạng di tích bị biến dạng được làm mới sau khi trùng tu, cải tạo.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, tới đây Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ có quản lý, giám sát, kiểm tra và xử lý như nào với những trường hợp trên?

14h30: Khắc phục tình trạng di lịch sử văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng

Tại Hội trường, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông khẳng định: Di sản văn hóa Việt Nam, các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng nói riêng là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đóng góp vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Bảo vệ và phát huy các giá trị di tích này nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Khắc Mai, trong thực tế hiện nay, tình trạng di tích bị biến dạng, trẻ hóa sau trùng tu, tôn tạo ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước.

Bên cạnh đó, nhiều di tích lịch sử văn hóa không được bảo vệ, quan tâm đúng mức nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết giải pháp căn cơ nhằm khắc phục trước mắt và định hướng lâu dài để giải quyết vấn đề này?

Đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỉ đồng để chống xuống cấp di tích

Trả lời câu hỏi về việc di tích lịch sử xuống cấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo thống kê, cả nước có 40.000 di tích, những di tích này đang được rà soát để có phương án bảo tồn, phát triển.

Gần 3.600 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 8 di sản được UNESCO ghi nhận và nhiều di sản được cấp tỉnh ghi nhận.

Trách nhiệm về quản lý, phân tích, xếp hạng là do địa phương sở tại quản lý.

Ông Hùng cho biết ở nhiệm kỳ Quốc hội trước, đã có nguồn kinh phí khoảng 245 tỉ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu di tích. Bộ Văn hóa đã điều tiết số tiền này cho khoảng 400 di tích.

Tuy nhiên, nguồn ngân sách này cũng chưa đủ sức để phục hồi tất cả di tích của cả nước.

Thời gian tới, Bộ tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội tập hợp nguồn lực của Trung ương và địa phương để chống xuống cấp các di tích.

Các địa phương đề xuất phải trên 5.000 tỉ để thực hiện công việc này, nhưng nguồn lực của Trung ương là không đủ.

Bộ Kế hoạch Đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỉ đồng để chống xuống cấp di tích. Khi nhận được nguồn lực này, Bộ sẽ chuyển xuống cho các địa phương trùng tu, tôn tạo.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

14h20: Nhiều thông tin phản văn hóa trên mạng xã hội

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH Hà Giang cho biết, hiện nay, mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông giải trí phổ biến nhiều người sử dụng.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích xã hội mang lại cũng nảy sinh không ít những vấn đề biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, những giải pháp để chấn chỉnh, giải quyết tình trạng trên?

Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH Hà Giang.
Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH Hà Giang.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, mạng xã hội hiện nay có tình trạng thông tin lệch chuẩn, phản văn hóa.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Ông Hùng đề nghị, người dân tôn trọng và làm theo bộ quy tắc này để tạo dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh.

Thời gian tới, các cơ quan của bộ sẽ phối hợp với ngành liên quan tích cực kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tung tin xấu độc, lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin lệch chuẩn, phản văn hóa.

14h15: Đề xuất kéo dài chính sách hỗ trợ lĩnh vực du lịch

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng: Du lịch chỉ có thể phục hồi hoàn toàn khi thị trường du lịch toàn cầu phục hồi.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, một số quốc gia hiện vẫn chưa sẵn sàng mở cửa thị trường du lịch và vẫn hạn chế đi lại thì việc phối hợp hợp tác giữa Chính phủ các nước là hết sức cần thiết.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết giải pháp cho vấn đề này và những đề xuất của Bộ với Chính phủ để có những chỉ đạo phù hợp giúp thúc đẩy hợp tác với các nước để sớm phục hồi thị trường du lịch toàn cầu, qua đó thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch ở Việt Nam?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Về việc khắc phục khó khăn cho du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, thị trường lao động đang có sự chuyển dịch và khó khăn về nguồn nhân lực.

Đây không phải chỉ riêng Việt Nam mà còn cả nhiều nước trên thế giới.

Khó khăn tiếp theo của ngành du lịch là về cơ sở vật chất. Sau thời gian dịch bệnh, cơ sở vật chất cần được nâng cấp, sửa chữa nhưng cũng chưa đủ, chưa đáp ứng được ngay trong một sớm một chiều.

Bộ cho rằng, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch cần được đồng bộ.

Trước hết, về chính sách, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các chính sách hiện có để hỗ trợ những đối tượng tác động trong dịch bệnh, giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú cũng được triển khai.

Trong bối cảnh khó khăn, Bộ cũng đề nghị kéo dài thêm thời hạn để được hưởng các chính sách này, cho cả năm 2023 để nuôi dưỡng ngành còn khó khăn.

Về đào tạo, Bộ đã giao cho các trường liên kết chủ động với doanh nghiệp, đào tạo theo tín chỉ, đào tạo rút ngắn, cầm tay chỉ việc để có một lực lượng bắt tay vào làm ngay, khắc phục thiếu hụt.

Bởi hiện tại, nhân lực làm công tác du lịch thì 70% làm ở các cơ sở lưu trú, 20% làm ở lữ hành và 10% ở dịch vụ khác. Đây là điểm nghẽn cần được tháo gỡ.

14h05: Nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết, dành các nguồn lực đầu tư cho văn hóa

Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, phiên chất vấn là dịp để Bộ được kiểm điểm, đánh giá lại hoạt động của ngành mình trước Quốc hội, trước cử tri cả nước.

Từ đó thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khó khăn để từ đó Quốc hội có nhiều giải pháp giúp ngành phát triển hơn.

Ông Hùng nêu rõ, sau hội nghị Văn hóa toàn quốc, 63 tỉnh thành đã có các chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện kết luận của Tổng Bí thư về 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp.

Nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết, dành các nguồn lực đầu tư cho văn hóa.

Thành công của SEA Games trên nhiều phương diện đã mang lại hiệu ứng tốt. Du lịch đã có bước phát triển sau đại dịch, lượng khách nội địa tăng, khách quốc tế chuyển biến tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hùng cho biết, ngành đối mặt với nhiều khó khăn. Nhóm du lịch đang trăn trở làm sao để tăng lượng khách quốc tế, đảm bảo tính bền vững…

Văn hóa là một vấn đề cần được tác động nhiều ngành, nhiều cấp; nhiều biểu hiện đang còn xuống cấp, từ đó đòi hỏi cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Do vậy, Bộ mong muốn đón nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trên tinh thần xây dựng để Bộ hoàn thành nhiệm vụ.

14h: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn bắt đầu. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10.8.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10.8.

Chiều 10.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch.

Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch; Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.

Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Bộ Công an duy trì thế tấn công, trấn áp tín dụng đen ngay từ khi manh nha

Vương Trần - Phạm Đông |

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, sắp tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục duy trì thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ, tổ chức tốt công tác nắm tình hình, triển khai chuyên đề phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Bộ Công an không có chủ trương thu sổ hộ khẩu giấy của người dân

PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG |

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết việc người dân bị thu sổ hộ khẩu, rồi lại đi xin giấy xác nhận đều là phát sinh cá biệt. Bộ không có chủ trương thu sổ hộ khẩu để làm khó người dân và sẽ cho kiểm tra lại.

Bộ trưởng Tô Lâm: Hộ chiếu mẫu mới cơ bản là thuận lợi, không có hộ chiếu nào phải bỏ đi

Nhóm Phóng viên |

Sáng nay (10.8), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Bộ Công an duy trì thế tấn công, trấn áp tín dụng đen ngay từ khi manh nha

Vương Trần - Phạm Đông |

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, sắp tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục duy trì thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ, tổ chức tốt công tác nắm tình hình, triển khai chuyên đề phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Bộ Công an không có chủ trương thu sổ hộ khẩu giấy của người dân

PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG |

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết việc người dân bị thu sổ hộ khẩu, rồi lại đi xin giấy xác nhận đều là phát sinh cá biệt. Bộ không có chủ trương thu sổ hộ khẩu để làm khó người dân và sẽ cho kiểm tra lại.

Bộ trưởng Tô Lâm: Hộ chiếu mẫu mới cơ bản là thuận lợi, không có hộ chiếu nào phải bỏ đi

Nhóm Phóng viên |

Sáng nay (10.8), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an.