Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cam kết sửa quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

Nhóm PV Lao Động |

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân ngày 7.11, vấn đề bất cập trong các quy định về văn bằng, chứng chỉ với công chức, viên chức mà Báo Lao Động phản ánh được đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn và tham gia tranh luận khá sôi nổi.  Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ rà soát, tham mưu với Chính phủ để sửa đổi quy định, với mục đích công chức, viên chức không phải khổ vì những tấm chứng chỉ "làm đẹp hồ sơ".

Có nên bỏ quy định này khi thi xét nâng ngạch hay không?

Sáng 7.11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm, đặt ra với Bộ trưởng Tân là những bất cập trong các quy định về văn bằng, chứng chỉ trong thi nâng ngạch, thăng hạng. 

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đặt câu hỏi nêu tình trạng việc tổ chức thi, xét thăng hạng, nâng ngạch công chức, viên chức chưa rõ ràng, có nhiều bất cập, nhất là yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Vì yêu cầu đủ thủ tục nên cán bộ công chức, viên chức phải đi học nhưng theo kiểu đối phó, chất lượng chứng chỉ không thực chất. Nhiều ngành nghề chưa thực sự cần chứng chỉ này nên mục đích chỉ là đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch, gây tốn kém.

Đại biểu Phúc chấn vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Xin Bộ trưởng cho biết có hay không tình trạng này? Làm thế nào để khắc phục và có nên bỏ quy định này khi thi xét nâng ngạch hay không?”.

Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm 

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận qua dư luận báo chí, phản ánh của cử tri và nhất là từ công chức, viên chức ông cũng thấy quy định về văn bằng, chứng chỉ rất phiền hà.

"Không chỉ thi thăng hạng hay xét nâng ngạch đâu các đồng chí, mà còn ở quy trình bổ nhiệm. Nhiều quá!” - Bộ trưởng Tân nói.

Ông cho biết, những quy định này không phải mình Bộ Nội vụ đưa ra, mà đã có từ năm 1993, đến nay không còn phù hợp, cần phải chỉnh sửa.

“Tôi nghĩ hai mươi mấy năm rồi thì phải sửa chứ. Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này. Một quyết định mà 20 năm không sửa, để thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết sẽ sửa vào năm 2020 sau khi Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức được sửa đổi. Thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch... đúng theo quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ nào”.

Người đứng đầu ngành Nội vụ cũng cho rằng có nhiều cách kiểm soát chất lượng công chức, viên chức. Có thể sát hạch trên máy tính mà không cần văn bằng gì. Phương pháp này có thể thực hiện để để bớt đi thủ tục hành chính, thiên về hậu kiểm là chính và phải thực chất.

Dẫn Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 nêu rõ chuẩn văn bằng ngoại ngữ phù hợp với từng vị trí việc làm, từng vị trí có chứng chỉ văn bằng khác nhau nên sắp tới sẽ sửa lại quy định cũ về chứng chỉ. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Nghị quyết 26 là phải có tỉ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế, nên từ cấp vụ trở lên phải đủ điều kiện.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cam kết trước Quốc hội: “Xin hứa với Quốc hội, sau khi Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức ban hành thì chúng tôi sẽ sửa quy định về văn bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để không còn là gánh nặng với cán bộ công chức, viên chức mà đi vào thực chất”.

Cũng về những bất cập trong quy định về chứng chỉ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề trước Quốc hội: Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người cán bộ công chức, viên chức ở đó rất thông thạo tiếng nội ngữ, tiếng dân tộc, chúng ta có nhất định phải quy định lấy thêm cái chứng chỉ ngoại ngữ hay không?

"Đây là vấn đề được rất nhiều người phản ánh, chúng ta sẽ phải nghiên cứu"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

"Thông tin sẽ khiến hàng triệu người trên cả nước vui mừng"

Cũng chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về vấn đề chứng chỉ, Đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) đánh giá cao khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận trách nhiệm và hứa sẽ rà soát, chỉnh sửa các quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong thi nâng ngạch, thăng hạng với công chức, viên chức.

“Thông tin này sẽ khiến hàng triệu người trên cả nước vui mừng, bởi sẽ bớt hành trình khốn khổ, tốn kém “chạy” chứng chỉ để qua các cửa ải” - đại biểu Vượt nói.

Tuy nhiên, ông đề nghị Bộ trưởng nêu rõ hơn chủ trương của trung ương trong việc thực hiện, để vừa nâng cao đội ngũ, tránh việc đưa ra các quy định mang tính cào bằng.

Đại biểu Vượt dẫn chứng một số quy định về chứng chỉ hiện nay, như phát thanh viên người dân tộc không có bằng ngoại ngữ thì buộc phải lấy bằng tiếng dân tộc. Giáo viên ở vùng sâu, vùng xa cũng bị yêu cầu có chứng chỉ, nếu không có đủ thì bị loại ngay từ vòng đầu.

“Ngay các đại biểu của chúng ta, dù sử dụng thành thạo máy tính, thì có cần có chứng chỉ không?” - đại biểu băn khoăn và cho rằng, các loại chứng chỉ nên quy định với từng vị trí việc làm cụ thể, chức danh cụ thể, không thể buộc cán bộ công chức, viên chức nào cũng phải có.

Cũng bức xúc về các quy định văn bằng chứng chỉ trong nâng ngạch, thăng hạng của công chức, viên chức, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) đã dùng từ “giấy phép con” trong loạt bài “giấy phép con hành viên chức, giáo viên” mà Báo Lao Động vừa đăng tải để tranh luận với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.

“Từ theo dõi phiên trả lời của Bộ trưởng từ sáng đến giờ, tôi tính là khoảng trên 5 lần bộ trưởng nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm. Tôi rất tin đó là lời nhận khuyết điểm trong thành ý của Bộ trưởng.

Xin thưa Bộ trưởng rằng, chúng tôi đại biểu Quốc hội đến với nghị trường này, mang rất nhiều tâm tư của cử tri, trong đó có cử tri là công chức, viên chức giáo viên. Họ rất nhiều áp lực. Cử tri hiện đang rất tâm tư, băn khoăn, lo âu về việc hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ mà cử tri nói với chúng tôi không khác gì những “giấy phép con”. Vì chính những quy định như thế tạo ra rất nhiều lỗ hổng, nhiều kẽ hở về mặt pháp lý” - đại biểu Hiền chia sẻ.

 
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên).

Bà đề nghị Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thẳng thắn có đánh giá liên quan đến lực lượng đội ngũ cán bộ tham mưu về chính sách, về xây dựng pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành nội vụ hiện nay. Khi đề ra những văn bản không phù hợp thực tế, ban hành rồi lại xin rút, xin lỗi. Đại biểu cũng mong Bộ Nội vụ đầu tư cho lực lượng này, vì đây là khâu quan trọng nhất, để không “đẻ” thêm các “giấy phép con” khiến công chức, viên chức khổ.

Cũng chất vấn phần trả lời của Bộ Nội vụ về vấn đề văn bằng, chứng chỉ, đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) cho biết, thời gian qua Báo Lao Động và dư luận xã hội cũng lên án rất nhiều và phanh phui nhiều tiêu cực của các đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ phục vụ nhu cầu của viên chức, công chức trong việc nâng ngạch, thăng hạng. Ông đề nghị Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục Đào tạo khắc phục triệt để tình trạng này.

Tham gia “chia lửa” ở phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về vấn đề liên quan đến viên chức là giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng vui mừng khi Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết tới đây sẽ có nhiều đổi mới về tuyển dụng, điển hình như quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

“Qua thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết. Những yêu cầu này cần lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp và cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong chuẩn giáo viên” - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói.

Những ngày qua, Báo Lao Động liên tiếp có loạt bài điều tra, bóc trần những chiêu trò, vấn nạn học giả, chứng chỉ thật trong việc thi, cấp phát chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của các cơ sở giáo dục. Trong quá trình thâm nhập điều tra, phóng viên cũng chứng kiến câu chuyện “dở khóc dở cười” của những người đi thi. Đa phần họ là giáo viên, hoặc đối tượng chuẩn bị thi công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, viên chức.

Họ thừa nhận không biết và không có kiến thức về tiếng Anh, nhưng “cực chẳng đã” phải nộp tiền đi thi. Vì những tấm chứng chỉ này là “giấy thông hành” để viên chức, đạt các tiêu chuẩn thăng hạng chức danh nghề nghiệp, sau đó không biết dùng vào việc gì.

Điều đáng nói, để có đủ những tấm chứng chỉ theo yêu cầu, đối tượng giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở vùng cao phải khốn khổ, lặn lội đường xa đi học. Có thầy cô phải vay ngân hàng lấy tiền "lo" cho đủ chứng chỉ để được hưởng bậc lương đúng theo bằng cấp mà mình đang có.  Người khác, dù dạy ở vùng cao, thành thạo tiếng của đồng bào dân tộc nơi mình công tác, vẫn bị quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ.

Thầy cô gọi thẳng những tấm chứng chỉ là loại “giấy phép con hành giáo viên”, làm khổ công chức, viên chức và kiến nghị cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi quy định, thậm chí là phải loại bỏ những chứng chỉ chỉ có tác dụng “làm đẹp hồ sơ”.

“Nếu bỏ các chứng chỉ khi thực hiện xét thăng hạng thì tốt quá, nhưng mãi mà người ta không bỏ”, “Tốt nhất là bỏ, không cần chứng chỉ ấy nữa”, “muốn xét thăng hạng, chúng tôi còn bao nhiêu tiêu chuẩn, phải đủ năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải nỗ lực không ngừng trong quá trình giảng dạy, đó mới là những tiêu chuẩn thực chất nhất chứ không phải mấy chứng chỉ học và thi cấp tốc kia”, “đừng hành giáo viên thêm nữa”… đây là những tâm sự của viên chức, giáo viên về vấn đề văn bằng, chứng chỉ trong thi nâng ngạch, thăng hạng. Từ những mong muốn, nguyện vọng của giáo viên, chúng tôi thực hiện loạt bài về vấn đề này.

Và trên hành trình đó, mỗi ngày chúng tôi lại nhận được thêm sự ủng hộ của đội ngũ giáo viên, viên chức trên cả nước để cùng góp tiếng nói mạnh mẽ lên án những quy định, loại bỏ chứng chỉ làm đẹp hồ sơ mà họ gọi là “giấy phép con”, tận thu của giáo viên.

Nhóm PV Lao Động
TIN LIÊN QUAN

Cần loại bỏ các loại giấy phép con làm khổ công chức, viên chức

Nhóm PV Lao Động |

Ngay sau khi Báo Lao Động đăng tải loạt bài “Giấy phép con hành giáo viên”, phản ánh những bất cấp trong hệ thống chứng chỉ phục vụ việc nâng ngạch, thăng hạng của công chức, viên chức, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng đã đến lúc Bộ Nội vụ và các ngành liên quan phải ngồi lại, rà soát những quy định bất cập, “dẹp” những chứng chỉ chỉ có tác dụng làm đẹp hồ sơ.

Giấy phép con "hành" giáo viên: Tiền tỉ vào túi ai?

Nhóm PV Lao Động |

Cả nước có khoảng 1 triệu giáo viên, số tiền tối thiểu mỗi giáo viên cần phải bỏ ra để có đủ 3 chứng chỉ để đạt điều kiện thăng hạng là 3 triệu đồng. Làm một phép tính đơn giản, tổng số tiền thấp nhất để 1 triệu giáo viên có thể thăng hạng lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Nguồn tiền "khủng" này đã “chảy” đi đâu và ai đang hưởng lợi?

Giáo viên vay tiền ngân hàng, ngập trong nợ để dự kỳ thi chứng chỉ gian lận

Nhóm PV |

Những tháng cùng ăn, cùng học với giáo viên, chúng tôi tận thấy nỗi thống khổ, vất vả của thầy cô trên hành trình chinh phục những chứng chỉ để đủ điều kiện được thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Những chuyện bi hài đằng sau tấm chứng chỉ lần lượt được giáo viên kể ra, xót xa và chua chát. Họ tự hỏi: “Ai đã vẽ ra quy định để tận thu những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt giáo viên?”.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cần loại bỏ các loại giấy phép con làm khổ công chức, viên chức

Nhóm PV Lao Động |

Ngay sau khi Báo Lao Động đăng tải loạt bài “Giấy phép con hành giáo viên”, phản ánh những bất cấp trong hệ thống chứng chỉ phục vụ việc nâng ngạch, thăng hạng của công chức, viên chức, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng đã đến lúc Bộ Nội vụ và các ngành liên quan phải ngồi lại, rà soát những quy định bất cập, “dẹp” những chứng chỉ chỉ có tác dụng làm đẹp hồ sơ.

Giấy phép con "hành" giáo viên: Tiền tỉ vào túi ai?

Nhóm PV Lao Động |

Cả nước có khoảng 1 triệu giáo viên, số tiền tối thiểu mỗi giáo viên cần phải bỏ ra để có đủ 3 chứng chỉ để đạt điều kiện thăng hạng là 3 triệu đồng. Làm một phép tính đơn giản, tổng số tiền thấp nhất để 1 triệu giáo viên có thể thăng hạng lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Nguồn tiền "khủng" này đã “chảy” đi đâu và ai đang hưởng lợi?

Giáo viên vay tiền ngân hàng, ngập trong nợ để dự kỳ thi chứng chỉ gian lận

Nhóm PV |

Những tháng cùng ăn, cùng học với giáo viên, chúng tôi tận thấy nỗi thống khổ, vất vả của thầy cô trên hành trình chinh phục những chứng chỉ để đủ điều kiện được thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Những chuyện bi hài đằng sau tấm chứng chỉ lần lượt được giáo viên kể ra, xót xa và chua chát. Họ tự hỏi: “Ai đã vẽ ra quy định để tận thu những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt giáo viên?”.