Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội

NHÓM PV |

Sáng 9.6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Bảo đảm khả thi về tiến độ, bố trí vốn cũng như chất lượng công trình giao thông trọng điểm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc chất vấn Nhóm vấn đề thứ 4 về lĩnh vực giao thông vận tải.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc chất vấn Nhóm vấn đề thứ 4 về lĩnh vực giao thông vận tải.
15h40: Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên chất vấn đã cho thấy tính thiết yếu của lĩnh vực giao thông vận tải, sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội với lĩnh vực quan trọng này.

Trong phiên chất vấn đã có 48 đại biểu đăng ký chất vấn. Có 30 đại biểu đã thực hiện quyền chất vấn, 9 đại biểu tham gia tranh luận. Còn 18 đại biểu đã đăng ký nhưng không đủ thời gian chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị có văn bản gửi đến Bộ trưởng Bộ GTVT để được trả lời.

Theo Chủ tịch Quốc hội, qua báo cáo của Bộ GTVT gửi đến đại biểu Quốc hội, diễn biến của phiên chất vấn lần này cho thấy thời gian qua ngành giao thông vận tải đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành khối lượng công việc lớn. Bộ đã hoàn thành 4 quy hoạch ngành theo Luật Quy hoạch, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 1.239km đường bộ cao tốc; đang triển khai xây dựng 883km và dự kiến tiếp tục khởi công 2.024km đường bộ cao tốc trong giai đoạn 2021-2025…

Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt. Triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ để đẩy nhanh việc phê duyệt, tiến độ triển khai dự án; giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia theo nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm khả thi cả về tiến độ và bố trí vốn cũng như chất lượng công trình; đồng thời triển khai hàng loạt dự án quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương bảo đảm dự án phù hợp với các quy hoạch liên quan không gian phát triển kinh tế- xã hội của địa phương nhằm phát huy hiệu quả đầu tư; khẩn trương giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia.

Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, tiến độ từ các bước khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, dự toán đến công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và triển khai thi công, kiểm soát chất lượng đầu vào đến kiểm soát quy trình thi công, công tác thí nghiệm, nghiệm thu; tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập.

Lựa chọn chủ đầu tư, Ban quản lý dự án có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án; yêu cầu Ban Quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ; kiên quyết xử lý các trường hợp tiêu cực.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong công tác quản lý, phòng, chống tham nhũng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong từng khâu, từng công việc, từ vị trí có thể tiềm ẩn nguy cơ nguy cơ tham nhũng, tiêu cực của đơn vị. Chủ động phòng ngừa, tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất các dự án trọng điểm trong quá trình tổ chức triển khai.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu san lấp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; kiểm tra việc xây dựng, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trình cấp có thẩm quyền có phương án giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập, tồn tại trạm thu phí Dự án BOT nhanh trong năm 2022 trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân, Nhà nước, nhà đầu tư.

Nhà nước chỉ hỗ trợ đối với những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng trên cơ sở chia sẻ rủi ro, thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu thuế điện tử theo yêu cầu tại Nghị quyết 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tập trung rà soát, hoàn thiện quá trình vận hành, có biện pháp phát huy tối đa hiệu quả hệ thống thu phí tự động không dừng.

15h15: Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ 4.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: “Nhà thầu nào không đảm bảo sẽ thay ngay”

15h: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu về một số nội dung mà đại biểu quan tâm liên quan đến các dự án cao tốc trong thời gian vừa qua. Báo cáo tổng thể về đường cao tốc trong thời gian tới đây, Phó Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc; đến năm 2030 sẽ hoàn thành 5.000 km đường cao tốc.

Trên cơ sở nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 18 năm 2021 xác định tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025 phải được hoàn thành và phải được ưu tiên bố trí nguồn lực để hoàn thành dự án này. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội, được Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn với tổng nguồn lực đầu tư cho đường cao tốc là 339.000 tỉ đồng giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tham gia trả lời chất vấn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tham gia trả lời chất vấn.

Về các danh mục triển khai các dự án đường cao tốc, tập trung vào các dự án sau: Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có chiều dài 654 km; tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có chiều dài 729 km; Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp này 5 tuyến cao tốc có tổng chiều dài 549km. “Tổng chiều dài toàn bộ các tuyến cao tốc đang triển khai là 1.932 km. Số km đường cao tốc đã hoàn thành đến thời điểm này là 1.290km. Như vậy, cả các công trình đã hoàn thành và chưa hoàn thành là 3.322km đường cao tốc”, Phó Thủ tướng thông tin.

Về tiến độ triển khai các dự án, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư năm 2017, đã khởi công rải rác trong 3 năm (2019-2021) và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2023, trong đó, năm 2022, phấn đấu hoàn thành 361km. Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường tháng 1.2021 vừa qua. Hiện đã triển khai lập dự án đầu tư, triển khai kiểm đếm, lập các mốc chỉ giới, triển khai phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Toàn bộ 729 km sẽ được khởi công vào tháng 11 năm nay; phấn đấu hoàn thành vào năm 2025 và thông toàn bộ tuyến Bắc – Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài 2.063km từ Lạng Sơn tới Cà Mau.

Các tuyến còn lại như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Biên Hoà – Vũng Tàu sẽ khởi công vào tháng 6.2023 nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này và sẽ hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào hoạt động trong năm 2026. Đường Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 – Vùng thủ đô dự kiến khởi công vào tháng 6.2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2026.

“Tốc độ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông rất cao, nhất là phát triển đường cao tốc. Tổng chiều dài tuyến cao tốc để triển khai trong giai đoạn 2021-2025 gấp 4 lần so với giai đoạn 2015-2020. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 triển khai 1.932 km, trong khi đó, giai đoạn 2015-2020 chỉ triển khai 487 km. Tổng nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách giai đoạn 2021-2025 cũng gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2015-2020. Tổng nguồn vốn đã bố trí cho giai đoạn 2021-2025 là 339.000 tỉ đồng, trong khi tổng nguồn vốn bố trí trong giai đoạn 2015-2020 chỉ 89.000 tỉ đồng”, Phó Thủ tướng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chính phủ xác định đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nếu theo quy định thì thủ tục đầu tư rất rườm rà, thường mất từ 2-3 năm mới xong được thủ tục đầu tư của một dự án. Bên cạnh đó vấn đề giải phóng mặt bằng các tuyến đường cao tốc này rất lớn 10.198ha, riêng khối lượng vật liệu xây dựng lên tới từ 200-250 triệu m3. Về cơ sở và các giải pháp triển khai cần tập trung cao nguồn lực, đầu tư dứt điểm, không dàn trải. Rút ngắn thủ tục đầu tư từ 1-2 năm. Ví dụ như tuyến cao tốc phía Đông giai đoạn 2021-2025 từ khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư, triển khai vào cuối năm nay, thời gian chỉ có 1 năm, trong khi trước đó mất đến 3 năm.

Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết cho phép chỉ định thầu các gói thầu từ khảo sát thiết kế, giải phóng đền bù và xây lắp. Đồng thời cho phép rút ngắn thủ tục về cấp mỏ ở các địa phương, vấn đề này cũng rất quan trọng để hoàn thành mỏ trong giai đoạn 1. Phân cấp cho các địa phương trực tiếp triển khai giải toả mặt bằng.

“Về phía Chính phủ, chúng tôi thực hiện giao ban hàng tháng, Bộ Giao thông Vận tải giao ban hàng tuần để tháo gỡ khó khăn. Nếu các nhà thầu mà chậm tiến độ thì thay ngay. Việc hoàn thành các nhiệm vụ trên không dễ dàng gì, nhưng Chính phủ sẽ quyết tâm cao để thực hiện bằng được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay.

Cả nước có 48 nhà thầu đủ năng lực làm cao tốc

14h55: Tham gia tranh luận, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nhắc lại lời Bộ trưởng nói rằng các dự án lớn mới chậm tiến độ và hiện chưa khắc phục được. Tuy nhiên, Bộ lại trình 5 dự án lớn tiếp theo, nếu thời gian tới cùng lúc có 9 dự án thực hiện thì khả năng chậm tiến độ là hiện hữu. Trong khi Luật Đầu tư công quy định thời hạn cho các loại dự án.

"Đề nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết hiện có bao nhiêu nhà thầu thi công đủ năng lực thực hiện dự án này? Có bao nhiêu máy móc cùng thi công 9 dự án trên? Nếu không đảm bảo tiến độ thì trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng thế nào?", ông Hoàng Anh chất vấn.

Đáp lại nội dung này của đại biểu Lê Hoàng Anh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói có 48 nhà thầu từng làm công trình giao thông cấp 1 (làm được cao tốc), có thể đảm nhận dự án từ 1.000 tới 5.000 tỉ đồng. Trong đó có 2 nhà thầu có thể làm dự án hơn 5.000 tỉ đồng. "Với lực lượng đông đảo như vậy, chúng ta có thể đấu thầu lựa chọn nhà thầu", ông Nguyễn Văn Thể khẳng định. Ông nói thêm, trong quá trình triển khai, không phải nhà thầu chính sẽ làm 100% mà thường thuê 30% để nhà thầu nhỏ tham gia cùng. Vì vậy có hàng trăm nhà thầu nhỏ có thể tham gia cùng 48 nhà thầu lớn này.

Nhà đầu tư không mặn mà với BOT do quy định mới

14h45: Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) đặt câu hỏi vì sao hiện nay nhà đầu tư không mặn mà với các dự án BOT, nhất là lĩnh vực cầu đường? Ông cũng đề nghị Bộ trưởng GTVT nói rõ bao nhiêu % hoàn thành dự án trọng điểm quốc gia tới 12.2025 thì được coi là "cơ bản hoàn thành"?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đặt câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhắc lại sự khác nhau giữa dự án BOT trước đây khi thực hiện theo Nghị định 108 và hiện nay (dự án BOT theo hình thức PPP). Các dự án PPP hiện nay làm trên đường song hành, tuyến cao tốc. Còn BOT trước đây thực hiện trên đường hiện hữu, theo Nghị định 108 nên có một số vướng mắc, nhà đầu tư bức xúc. Thực tế các bức xức chủ yếu là nhà đầu tư, ngân hàng lo ngại nợ xấu, hụt doanh thu. "Chúng ta cần giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đó có quyền lợi nhà đầu tư, ngân hàng có liên quan. Bộ GTVT sẽ cố gắng cùng các bộ, ngành rà soát kỹ, nhưng cũng cần nguồn lực để xử lý dứt điểm vấn đề này", Bộ trưởng nói.

Ngành giao thông hiện nay không ai dám làm sai

14h35: Đại biểu Đinh Ngọc Minh đặt vấn đề, hiện cả nước dồn sức làm cao tốc, nhưng chất lượng đường vừa qua đặt ra nhiều vấn đề. Nguyên nhân là thiết kế, thi công hay giám sát? Ông cũng cho rằng, để giảm tải đường bộ thì phải phát triển đường sắt. Nhưng đường sắt chỉ chiếm 0,2% thị phần hành khách, 1,2% thị phần vận tải. Vậy Bộ có hướng cơ cấu lại ngành đường sắt không?

Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng cao tốc chất lượng kém thường rơi vào đường cấp thấp. Còn đường chất lượng cao "có nhưng không tới mức dự án cao tốc nào cũng không đảm bảo chất lượng". Xây dựng cơ bản hiện nay phải làm thật tốt, dự án cao tốc hiện nay và sắp tới sẽ bám theo các tiêu chí này.

Ông nhắc lại các khâu thanh, kiểm tra trong quá trình thi công, xây dựng cao tốc hiện khá chặt chẽ, ngoài thanh tra ngành giao thông còn có sự tham gia của công an, thanh tra Chính phủ để hạn chế những vấn đề nhạy cảm. "Ngành giao thông hiện nay không ai dám làm sai. Ký tá cũng cân đong đo đếm, đảm bảo quy định pháp luật", ông Thể khẳng định.

Về định hướng phát triển đường sắt, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, thẩm định dự án đường sắt Bắc Nam tốc độ cao. Kế hoạch là sẽ báo cáo Bộ Chính trị và phấn đấu trong nhiệm kỳ này báo cáo Quốc hội để xin chủ trương đầu tư. Khi có chủ trương đầu tư còn lập dự án đầu tư, 3-4 năm sau mới có thể triển khai. Hệ thống đường sắt hiện hữu sẽ định hướng thành vận chuyển hàng hoá, kết nối xuống các cảng cùng đường biển. Còn đường sắt Bắc Nam tốc độ cao sẽ vận chuyển hành khách để đảm bảo giao thông Bắc Nam thông suốt, nhất là vào dịp lễ Tết.

Nghiên cứu một số loại hình đặc thù để đưa vào Luật Đầu tư công, thủ tục ngắn gọn

14h30: Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, chúng ta hiện nay có 2 nguồn vốn là nguồn vốn sự nghiệp kinh tế và nguồn vốn đầu tư công. Trong Luật Đầu tư công có quy định, những dự án trên 500 triệu đồng có tính chất là đầu tư xây dựng cơ bản. Do đó có quy trình hồ sơ riêng. Những dự án dưới 500 triệu, tức là sửa chữa nhỏ mới có thể rút ngắn được quy trình.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, cách đây khoảng 3 năm, Bộ GTVT cũng đã tham mưu, rà soát, nghiên cứu việc này với mong muốn điều chỉnh Luật Đầu tư công hoặc có một cơ chế, quy định về vấn đề sửa chữa nhỏ. “Như sáng nay, tôi cũng đã có báo cáo, vấn đề này có bất cập, nhất là trong vấn đề giao thông. Không chỉ giao thông, cả đường băng các sân bay…. Con đường cũng vậy, khi nó đã xuống cấp, xuất hiện ổ gà, rất cần cơ chế để chúng ta xử lý ngay” - ông Nguyễn Văn Thể nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc xử lý phải đúng luật, xử lý không đúng luật thì sau này chúng ta trả lời không được. Do vậy, việc xem xét Luật Đầu tư công, điều chỉnh Luật Đầu tư công đưa vào những trường hợp đặc biệt, những trường hợp cấp bách để xử lý. Luật Đầu tư công có một điều khoản là những dự án cấp bách, cấp bách ở đây là thiên tai, dịch hoạ, sạt lở núi, sạt lở bờ sông suối và ảnh hưởng tới dân cư. Những công trình đó có vốn là triển khai ngay. Chúng ta huy động vốn, vừa thiết kế, vừa thi công, vừa triển khai.

Vừa qua, 2 đường băng sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, khi COVID-19 bùng phát, và đường băng đang hư hỏng, chúng ta tranh thủ thời gian sửa chữa nhanh gấp, đã báo cáo với Chính phủ và ứng vào dự án cấp bách. Còn việc sửa chữa mặt đường, ở các trụ sở cơ quan mà ứng vào dự án cấp bách là không khả thi. Do đó chúng ta nghiên cứu một số loại hình đặc thù để đưa vào luật đầu tư công, thủ tục ngắn gọn để làm sao thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, Bộ sẽ mời các lãnh đạo bộ, các cơ quan liên quan làm việc để thống nhất kỹ lưỡng việc này.

Đề nghị tháo gỡ vướng mắc theo quy định trong Luật Đầu tư công?

14h20: Có 2 phút tranh luận, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho hay, trong phiên chất vấn, có đại biểu hỏi về việc sửa chữa các công trình giao thông với số vốn không lớn, nhiều khi cấp bách nhưng phải dùng nguồn vốn đầu tư công và thủ tục đầu tư công rất nhiêu khê và chậm chạp. Bộ trưởng cũng đã đồng ý rằng, theo quy định hiện tại, việc sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông trên 500 triệu thực hiện theo thủ tục đầu tư công là bất hợp lý và hứa đề xuất hướng sửa đổi.

Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.
Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.

Theo đại biểu Trần Hữu Hậu, nội dung này ông đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày hôm qua và Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng vướng mắc này là bất hợp lý nhưng nằm trong quy định của Luật Đầu tư công và cần xem xét để sửa. Cho rằng, mọi việc đã đặt ra cần phải xem xét cho tường minh và phải xem xét cho tới tận cùng, đại biểu Trần Hữu Hậu hỏi: Xin Bộ trưởng cho biết, ngay sau kỳ họp này, Bộ trưởng có thể làm việc trực tiếp với Bộ Tài chính, Bộ KHĐT, Bộ Xây dựng để tìm cách tháo gỡ vướng mắc nói trên theo quy định của Luật Đầu tư công để các địa phương và các đơn vị ở nhiều ngành, trong đó có ngành giao thông phát huy được sự chủ động và hiệu quả nhất.

“Không phải sợ, không dám làm những điều cần phải làm. Hoặc dám làm để đạt hiệu quả trong công việc theo chức trách nhiệm vụ của mình, đáp ứng mong mỏi của cử tri nhưng phải nói dối cấp trên, phải đi năn nỉ sự thông cảm và nơm nớp bị xuất toán, bị đề nghị xem xét kỷ luật” - đại biểu Hậu nêu quan điểm.

Giao thông “3 không”, bao giờ làm cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn?

14h10: Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) đặt câu hỏi: “Hiện trạng giao thông của tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Bắc Kạn là “3 không”, không có đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không. Do đó chỉ trông chờ duy nhất vào đường bộ. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã trả lời, hiện nay một số địa phương khó khăn sẽ chậm một chút. Nghe xong, tôi càng thấy băn khoăn. Vậy đối với cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, Bộ đã có quyết định chủ trương đầu tư, đề nghị Bộ trưởng cho biết bao giờ triển khai tuyến đường này?”.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, có những dự án quy mô lớn phải báo cáo Quốc hội, còn những dự án nhóm A, dưới 10.000 tỉ đồng thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo Luật Đầu tư công. Dự án Chợ Mới – Bắc Kạn đã được Chính phủ đề xuất và Quốc hội đã đồng ý và đã có vốn. Hiện Ban quản lý dự án 2 của Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung hoàn thiện các thủ tục, bàn giao mặt bằng cho tỉnh Bắc Kạn, sau đó sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng để triển khai.

“Với dự án này, Bộ Giao thông Vận tải cùng địa phương tập trung để hoàn thành dự án cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn trong nhiệm kỳ này, bởi nguồn vốn đã được bố trí đầy đủ trong nhiệm kỳ này. Trong quá trình triển khai, đề nghị địa phương tạo điều kiện cho chúng tôi về công tác giải phóng mặt bằng. Vì dự án này thuộc vùng miền núi, địa hình phức tạp, nếu không giải phóng mặt bằng sớm thì khó xử lý được những khu vực có nền đất yếu. Chúng tôi quyết tâm rất cao để hoàn thành dự án này”, ông Nguyễn Văn Thể nói.

Có tồn tại tư duy nhiệm kỳ trong quản lý đầu tư công?

14h: Mở đầu phiên làm việc buổi chiều, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) đặt câu hỏi: Trước áp lực thực tế về tiến độ và chất lượng đều rất lớn với các công trình giao thông vận tải, đề nghị Bộ trưởng cho biết, với các cơ chế đặc thù, quy trình rút gọn, Bộ trưởng có cam kết giải ngân trên 50.000 tỉ đồng của giai đoạn 2021-2025 theo đúng yêu cầu của Quốc hội không?

Tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào năm 2022, phiên giải trình của Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, một trong những tồn tại hạn chế là một số quy định quản lý đầu tư công của nước ta còn hạn chế, tồn tại tư duy nhiệm kỳ. Nhất là khâu lập thẩm định, lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên của các dự án. Việc lựa chọn dự án đầu tư công vẫn dựa vào chỉ tiêu định tính, thiếu các chỉ tiêu cụ thể. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, tồn tại hạn chế này có trong lĩnh vực giao thông không và giải pháp khắc phục vấn đề này như thế nào?

Ngành Giao thông vận tải không có “tư duy nhiệm kỳ”

Trả lời đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, khi bộ đăng ký kế hoạch vốn, cụ thể năm 2022 là 50.000 tỉ, tất cả các danh mục, Bộ GTVT đều tổ chức các cuộc họp và rà soát rất kỹ. Không chỉ chủ đầu tư đăng ký mà các đơn vị của Bộ đều xem xét tình hình thực tế. Nhìn chung, Bộ GTVT, trong 2 năm vừa qua, mỗi năm đều giải ngân 95-96%. Một số ít không giải ngân hết được do các yếu tố bất khả kháng.

Do đó, Bộ GTVT có niềm tin năm 2022 và các năm tiếp theo, khi Bộ đăng ký với Quốc hội, Chính phủ và được bố trí, Bộ sẽ bám sát, chỉ đạo điều hành hàng tháng để không đáp ứng được yêu cầu, không để xảy ra lãng phí.

Vấn đề thứ 2, liên quan tới tư duy nhiệm kỳ, mà đại biểu nhắc đến, Bộ trưởng Thể khẳng định “riêng ngành GTVT không có tư duy nhiệm kỳ”. Bởi trong các quốc lộ, tất cả các cao tốc đều nằm trong các quy hoạch. Quy hoạch này trong định hướng nhiều chục năm, không phải “bột phát” mà chúng ta đưa vào.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đa số các dự án mà Bộ đăng ký với Quốc hội, Chính phủ là những dự án lớn thường nằm trong các nghị quyết của Đại hội Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng và tất cả những căn cứ này đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

“Có thông tin về tồn tại hạn chế là có tư duy nhiệm kỳ nhưng riêng ngành GTVT là ngành phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch lâu dài, công trình mang tính chất liên vùng, đột phá. Do đó chúng tôi khẳng định tư tưởng là không có tư duy nhiệm kỳ. Tất cả những dự án đều cấp bách, tạo động lực mới, cơ hội mới và phát huy tác dụng. Các bộ, ngành cũng xem xét và tham mưu Chính phủ. Chính phủ cũng xem xét và báo cáo Quốc hội. Quốc hội rà soát và bấm nút và giám sát” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trao đổi.

11h30: Quốc hội nghỉ trưa. Phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ tiếp tục vào đầu giờ chiều nay.

Sẽ khắc phục tình trạng mạng lưới cao tốc không đồng đều 

11h25: Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh: Đề cập đến các tuyến đường bộ cao tốc phân bổ không đồng đều giữa các vùng miền; các vùng kinh tế động lực như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, vùng có vị trí chính trị quan trọng như Tây Nguyên, Tây Bắc nhưng chưa được đầu tư đường bộ cao tốc tương xứng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp và tiến độ khắc phục tình trạng này?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa- Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa- Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vấn đề phân bổ cao tốc không đồng đều đã được Trung ương, Chính phủ nhận diện. Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cao tốc, đặt mục tiêu làm 5.000 km cao tốc để cân đối giữa các vùng, miền và khai thác tiềm năng các vùng miền.

Ông ví dụ, dự án Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Hà Nội là không gian phát triển các đô thị, trung tâm kinh tế lớn, nên quyết tâm đầu tư công để hoàn thành. Vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn được phản ánh hệ thống cao tốc yếu kém, thu hút đầu tư khó khăn. Vì thế, Bộ đã tham mưu làm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề để kết nối các tuyến đường cửa ngõ vào đồng bằng sông Cửu Long và tạo kết nối liên vận quốc tế với Campuchia, nhằm tạo đột phá cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu là tuyến cao tốc cứu cánh cho cả tuyến Đông Nam Bộ. Không có tuyến cao tốc này sắp tới hàng hóa không xuống được cảng Cái Mép - Thị Vải. Hiện quốc lộ 51 quá tải, nên đầu tư dự án này theo hình thức đầu tư công để sớm hoàn thành. Hay làm tuyến cao tốc từ Tây Nguyên xuống Nam Vân Phong để phát triển vùng này theo hướng công nghiệp... Tóm lại, quy hoạch, kế hoạch của Đảng, Nhà nước thì một số vùng có tiềm năng thế mạnh cần đầu tư cao tốc để tạo đột phá, thu hút đầu tư. Hoặc vùng phát triển tốt, hạ tầng tắc nghẽn cũng "cần đầu tư mở rộng thêm.

Bộ trưởng cho biết những người làm công tác giao thông rất mừng vì nhiệm kỳ này Quốc hội, Chính phủ ủng hộ lớn cho các dự án trọng điểm quốc gia. Ông hy vọng với tổng thể kế hoạch phát triển các tuyến đường cao tốc hiện nay, sau nhiệm kỳ này sẽ khắc phục được sự mất cấn đối đường cao tốc giữa các vùng miền.

Cao tốc Bắc – Nam: Giá gói thầu tăng 30%, thiếu hụt 12,5 triệu m3 vật liệu xây dựng

11h20: Đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hoá) đặt câu hỏi: Một số đại biểu hỏi về giải pháp để hoàn thành đường cao tốc Bắc – Nam. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong 360km đường cao tốc Bắc – Nam phải hoàn thành trong năm 2022 và trước tiến độ 3 tháng. Yêu cầu của Chính phủ đối với ngành giao thông trong năm 2024 phải hoàn thành 650km đường cao tốc. Tuy nhiên, hiện nay giá xăng dầu và sắt thép tăng cao. Giá các gói thầu so với lúc trúng thầu cao tốc Bắc – Nam tăng từ 20-30%, nguồn vật liệu xây dựng thiếu hụt. Cụ thể, trong 6 dự án cao tốc thiếu hút 12,5 triệu m3 vật liệu xây dựng. Các địa phương cũng đã có kế hoạch cung ứng vật liệu nhưng thực tế rất khan hiếm do vấn đề găm hàng, ép giá, tăng giá đối với dự án này. Trách nhiệm của Bộ trưởng chỉ đạo mục tiêu hoàn thành cao tốc Bắc Nam trong năm 2022 và tới năm 2024 thế nào?

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, với cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1, chúng tôi đang triển khai 10 dự án, trong đó có 4 dự án hoàn thành trong năm nay. Tiến độ các dự án này đã đạt 58%.

Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rút ngắn thời gian 3 tháng, nhưng đây là chỉ đạo của Thủ tướng, còn thực tế triển khai thi công, chúng tôi rất tập trung. Có một số dự án sẽ hoàn thành tiến độ trước 3 tháng, nhưng cũng có những dự án do vướng mắc, thời gian ngắn làm sao điều chỉnh được. Hiện lo lắng nhất là hai dự án: Dự án Phan Thiết – Vĩnh Hảo, hiện đạt được tỉ lệ gần 40% và phấn đấu đến ngày 30.6 sẽ đạt được tỉ lệ khoảng 50%.

“Hiện còn phần thảm nhựa nữa cho nên sẽ đảm bảo tiến độ”. Còn tuyến Dầu Giây – Phan Thiết đã đạt tiến độ 45%. Cũng giống như dự án Phan Thiết – Vĩnh Hảo, Bộ Giao thông Vận tải cố gắng tập trung hoàn thành phần nền đất trong tháng 6 này, để tháng 7 và tháng 8 tới tập trung thảm nhựa.

“Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Trưởng ban chỉ đạo các công trình trọng điểm cũng thường xuyên họp kiểm điểm tiến độ, để xem trong 1 tháng đã làm được những gì, chậm cái gì, lý do và giải pháp như thế nào. Hiện những công trình này đang được giám sát chặt chẽ. Các cán bộ của Bộ Giao thông hàng tuần phải đi công trường để kiểm tra, giám sát tiến độ. Phấn đấu cuối năm nay, chúng tôi hoàn thành 361 km đường cao tốc của 4 đoạn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng có còn thương mến Bình Dương?

11h05: Có 1 phút chất vấn, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết tuyến đường 1K có đoạn dài 6 km qua TP Dĩ An (Bình Dương) đã được nhà đầu tư BOT bàn giao lại cho Bộ GTVT. Tuy nhiên, trạm thu phí thì chưa dỡ bỏ, điện chiếu sáng đã hư hỏng nặng. UBND tỉnh Bình Dương đã gửi văn bản cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho lắp lại hệ thống chiếu sáng và đề nghị Bộ GTVT bàn giao tuyến đường trên cho Bình Dương quản lý, song đến nay vẫn chưa giải quyết. Qua đại biểu Quốc hội, cử tri gửi đến Bộ trưởng hai câu hỏi. Một là Bộ trưởng có còn thương mến Bình Dương không? Hai là nếu còn thì khi nào kiến nghị trên sẽ được xử lý, ông Huân chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vế một thì dễ trả lời, chắc là "yêu và còn yêu hơn", nhưng "đến bao giờ" thì chắc là khó. Trao đổi nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, địa phương nào bộ cũng quan tâm, địa phương nào có điều kiện phát triển kinh tế tốt, có dư địa lớn, nếu đầu tư tạo điều kiện hơn thì sẽ đem lại lợi ích quốc gia lớn hơn. Còn các vùng khó khăn thì sẽ hơi chậm một chút, vùng chiến lược đột phá thì phân ra "trước mắt" và "lâu dài". Bình Dương, khu vực miền Đông Nam Bộ là "trước mắt". Do đó Quốc lộ 1K mà đại biểu nêu, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét. Quan điểm của Bộ là khi có tuyến tránh, tuyến quốc lộ thì tuyến cũ, đi trong đô thị phải bàn giao cho địa phương, để địa phương phát triển, khai thác tốt nhất vì đã có tuyến tránh thay thế rồi. "Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đại biểu. Tôi cũng chỉ hứa được là nhanh nhất có thể vì chưa biết thực tế có vướng mắc gì. Tôi giao Tổng cục Đường bộ rà soát để trả lời riêng cho đại biểu", Bộ trưởng Thể nói.

Chưa phát hiện “lợi ích nhóm” giữa các cơ quan nhà nước với nhà đầu tư trong dự án BOT

10h50: Trao đổi về ý kiến tranh luận của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, năm 2019 theo đề án Chính phủ đã giao, mỗi trạm BOT ít nhất 2 làn xe thu phí tự động. Đến năm 2019, chúng ta đảm bảo điều kiện 1 trạm có ít nhất 2 làn theo yêu cầu của đề án. Rồi sau đó từng bước mở rộng dần ra. Bởi “chưa dán thẻ” thì không thể nào sử dụng được.

Bộ trưởng cho biết, việc dán thẻ được thực hiện từ năm 2017 đến nay với đạt 3,2 triệu ô tô. Do vậy đến nay là thời điểm chín muồi để chúng ta sử dụng các làn tự động. Cách đây 2 hôm, 28 trạm của Tổng công ty đường cao tốc mới ký hợp đồng.

Bộ trưởng Thể cho biết, hiện nay, các đơn vị đã nhập thiết bị và ký hợp đồng tín dụng, trong tháng 6 và tháng 7 các bên sẽ tiến hành lắp đặt. Các cơ quan cũng cam kết với Chính phủ đến ngày 31.7 sẽ xong. Do vậy, chúng ta quy định thời hạn sau 31.7 nếu chưa triển khai thu phí không dừng sẽ phải xả trạm.

Nói về việc các trạm thu phí BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, đây là vấn đề liên quan tới người dân. Việc “có lợi ích nhóm” hay không, các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công an cũng rất quan tâm vấn đề này và hiện chưa phát hiện “lợi ích nhóm” giữa cơ quan nhà nước với các nhà đầu tư. Nếu có cá nhân nào vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta có bộ máy để kiểm tra, giám sát việc này còn riêng chúng tôi biết được số liệu nghe báo cáo như vậy”, Bộ trưởng Thể cho biết.

Bất khả kháng mới làm đường xuyên rừng, vườn quốc gia

10h40: Trả lời câu hỏi của ĐBQH về việc làm các tuyến đường xuyên rừng tự nhiên, vườn quốc gia cần giải pháp nào để tránh ảnh hưởng đến môi trường, đến rừng tự nhiên, trưởng ngành Giao thông vận tải cho rằng, thực tế đã có đường Hồ Chí Minh xuyên qua vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) và có nhiều giải pháp cho vấn đề này.

“Chúng ta làm xuyên qua rừng tự nhiên, để tránh ảnh hưởng đến môi trường có thể làm đường trên cao. Nếu làm trên cao đắt quá, có thể làm đường nhưng tăng cường làm nhiều hầm, nhiều cầu để thú vật có thể đi lại và tránh ảnh hưởng đến rừng. Chúng ta cũng tham vấn ý kiến của các tổ chức quốc tế liên quan đến rừng sinh thái đã được quốc tế công nhận để có thêm các giải pháp làm đường”, ông Thể nói.

Cũng theo ông Thể, việc làm các tuyến đường xuyên qua những cánh rừng đặc dụng, vườn quốc gia bất khả kháng mới làm, nếu không sẽ tránh để bảo vệ môi trường, sinh thái. Bởi nhiêu vườn quốc gia, rừng tự nhiên là địa điểm du lịch rất nổi tiếng.

Sẽ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài khi đủ các điều hoàn hợp đồng

10h35: Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) đặt câu hỏi, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định các trạm BOT khi đã hoàn vốn sẽ hoàn thu phí. Cách đây hơn 2 năm, Bộ trưởng đã trả lời về nội dung kiến nghị bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt. Đây là trạm thu phí gây nhiều bức xúc cho người dân vì vị trí đặt không đúng. Đến nay trạm vẫn hoạt động bình thường. Vậy Bộ trưởng cho biết bao giờ trạm được chính thức dỡ bỏ? Lời hứa của Bộ trưởng đối với người dân được các ĐBQH chuyển đến thì cần phải được giám sát từ những việc rất nhỏ cho đến dự án lớn của quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu tranh luận.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu tranh luận.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài là dự án có nhiều bức xúc ở Hà Nội. “Chúng ta đã có những phương án kết thúc dự án BOT này. Tuy nhiên thời điểm tôi trả lời cho đại biểu Nguyễn Lân Hiếu là lúc doanh thu của BOT đang tốt. Vừa qua, dịch COVID-19 nên doanh thu của trạm sụt giảm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và cho biết có giai đoạn hầu như không có xe đi trên đường. Điều này dẫn đến doanh thu của trạm bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của ĐBQH để rà soát lại sao cho đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư với người dân. “Chúng ta là cơ quan Nhà nước. Chúng tôi cũng chẳng có quyền lợi gì trong này. Chúng ta phải giám sát để người dân không thiệt, giám sát sao cho nhà đầu tư thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết” - ông Thể nói.

Theo ông Thể, có những dự án BOT 10 năm, có những dự án 12 năm… Cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm rà soát việc này. Với trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, bộ đang rà soát kiểm tra, khi đủ các điều hoàn hợp đồng thì sẽ dừng trạm.

“Có gian lận, lợi ích nhóm” trong ngần lại triển khai thu phí không dừng không?

10h30: Nhấn nút tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) dành 2 phút để nói về vấn đề tổ chức thu phí không dừng tại các trạm BOT. Đại biểu Trí cho hay đã từng chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về triển khai thu phí không dừng. Bộ trưởng từng hứa với đại biểu “như đinh đóng cột” là đến cuối năm 2019 trạm thu phí không dừng sẽ được thực hiện trên toàn quốc. Tuy nhiên, kết quả đến bây giờ chúng ta đã thấy.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu tranh luận.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu tranh luận.

“Từ năm 2019 tới nay, chúng ta làm nửa vời, thiếu sự kiên quyết, chưa có hạn chót. Chúng ta làm nhưng chỉ được 1-2 luồng chưa có nhiều luồng. Nhiều lúc đi ngang qua, tôi cảm thấy rất kỳ lạ”, đại biểu Trí nói.

Đại biểu Trí cho hay ông “rất mừng” khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo sau 31.7 phải xả trạm BOT nếu chưa có thu phí không dừng.

Đại biểu Trí cho rằng, việc thu phí không dừng ở các trạm BOT còn nhằm mục đích quan trọng hơn đó là minh bạch hoạt động thu tiền, tài chính giao thông. Qua đây, chúng ta cũng tìm ra nguyên nhân của sự “lần lựa, ngần ngại” triển khai thu phí không dừng của các nhà đầu tư. Cử tri cho rằng ở đây có “sự gian lận, lợi ích nhóm”. Chúng ta phải trả lời “có thật” hay không và phải có biện pháp gì để ngăn chặn nếu có. Và cuối cùng, từ đó phải rút ra được kinh nghiệm gì để triển khai BOT trên toàn quốc?

Hiến kế thành lập Quỹ Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông

10h25: Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: Qua nghiên cứu của các nước, việc giao cho tư nhân có thể tham gia các dự án PPP, Chính phủ các nước thường lập Quỹ Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để huy động nguồn vốn từ xã hội, cho các nhà đầu tư tư nhân vay tham gia vào các dự án đối tác công tư. Chúng tôi đã hiến kế cho Bộ trưởng về vấn đề này, không biết đến nay thực hiện như thế nào?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với những dự án giao thông được thực hiện theo hình thức đối tác công tư, khi xây dựng xong, nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu và giao cho các doanh nghiệp tư nhân quản lý. “Việc Nhà nước giám sát những công trình này sẽ hợp lý hơn, đặc biệt sẽ hạn chế được nhiều nguồn lực như nguồn nhân lực, nguồn vốn trong quá trình duy tu bảo quản”, ông Thể nói.

Các dự án lớn đều có điều chỉnh giá, nhưng điều chỉnh có kịp thời?

10h20: Giải trình thêm về vấn đề tiến độ các dự án giao thông chậm do tăng giá vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, các dự án lớn đều có điều chỉnh giá, song vấn đề đặt ra là điều chỉnh giá có kịp thời không? Sự phối hợp giữa bộ ngành và các địa phương trong công tác biến động giá cả cần rất chặt chẽ. Bởi khi triển khai các dự án, nhà thầu thường có tâm lý lo lắng khi làm giá cao (do giá nguyên vật liệu, chi phí vận tải cao tăng theo giá xăng dầu) đến khi thanh quyết toán lại giá thấp.

“Để đảm bảo công bằng và quyền lợi của nhà thầu, chúng tôi cho rằng các bộ ngành cần phối hợp với các địa phương xem xét cơ chế đảm bảo công bằng cho nhà thầu. Sự phối hợp giữa Bộ ngành và các địa phương là quan trọng. Nhưng quan trong hơn cả là thông báo giá của địa phương. Nếu thông báo của địa phương giá sát với thực tế, kịp thời thì việc thanh quyết toán cho nhà thầu sẽ tốt”, ông Thể nói.

Chủ tịch Quốc hội: “Đừng để dư luận hiểu nhầm việc nhà thầu thiệt thòi do nhận các công trình của Nhà nước”

10h15: Sau phần giải trình của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói thêm việc có ý kiến tiến độ các dự án giao thông chậm do tăng giá vật liệu xây dựng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đối với các dự án giao thông, những hợp đồng xây lắp đều có cơ chế điều chỉnh giá.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

“Chậm ở đây là do thủ tục và quy trình điều chỉnh hay do nhà thầu cảm thấy thiệt thòi gì mà không làm. Điều này phải nói cho rõ. Đừng để dư luận nghĩ rằng bây giờ dự án đã ký hợp đồng rồi, đã chọn nhà thầu, giờ giá cao lại không làm. Phải rất tường minh, không là sẽ hiểu nhầm chuyện các nhà thầu bị thiệt thòi do nhận các công trình Nhà nước, nhưng giá tăng dẫn đến bị thua lỗ. Hoàn toàn không có chuyện này”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay.

Các đại biểu Quốc hội tại hội trường.
Các đại biểu Quốc hội tại hội trường.

Giá nguyên vật liệu tăng vọt khiến nhà thầu giao thông gặp khó

10h10: Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) và Trần Quang Minh (Quảng Bình) hỏi về việc khan hiếm cục bộ nguyên nhiên vật liệu tại các dự án giao thông đường bộ, khiến nhà thầu gặp khó khăn.

Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, do ảnh hưởng xăng dầu, chiến sự Nga - Ukraine khiến giá nguyên vật liệu xây dựng tăng giá đột biến. Hai Bộ Giao thông và Xây dựng đã báo cáo Chính phủ. Bộ Xây dựng tổ chức 7 đoàn kiểm tra ở các công trường. Hiện theo quy định thông báo giá của địa phương là sau 1-3 tháng. Có 37 địa phương thông báo giá hàng tháng, còn lại đều thông báo 3 tháng một lần.

Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.
Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Ông Thể đề nghị, các địa phương mỗi tháng thông báo giá một lần để cập nhật biến động giá kịp thời hơn. Dự án lớn đều ký hợp đồng theo điều chỉnh giá, địa phương thông báo kịp thời thì sẽ điều chỉnh kịp thời hơn. Tuy nhiên, thực tế là giá biến động nhanh, cơ chế vận hành chậm nên ít nhiều ảnh hưởng tới nhà đầu tư, nhà thầu.

"Chúng tôi mong muốn nửa tháng thông báo giá một lần, nhưng như vậy nhiều vật tư biến động, gây áp lực lớn cho Sở Tài chính địa phương", ông Thể nói và cho biết sẽ cùng các bộ, ngành có phương án xử lý tốt nhất. Còn xử lý triệt để thì rất khó do giá nguyên vật liệu xây dựng ảnh hưởng từ giá xăng dầu, nguyên vật liệu từ thị trường thế giới.

Từ 31.7 chưa hoàn thành thu phí không dừng thì phải xả trạm BOT

9h55: Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) đặt câu hỏi: Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, từ ngày 31.7 năm nay không thu phí nào không lắp đặt thu phí không dừng được thì phải xả trạm. Việc này có thực hiện được hay không hay lại xin lùi? Việc lái xe chưa dán thẻ thu phí không dừng khi đi vào làn thu phí không dừng sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100, như vậy, các trạm thu phí bị lỗi liệu có bị xử phạt không?

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.

Liên quan đến vấn đề thu phí không dừng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, việc áp dụng thu phí không dừng sẽ giúp việc đi lại thuận lợi, công khai minh bạch việc thu phí.

Tuy nhiên, việc thu phí không dừng chưa bảo đảm tiến độ đề ra vì còn nhiều vướng mắc, khó khăn như thói quen của người dân còn hạn chế, công nghệ có một số sơ sót về kỹ thuật… Hiện nay đã dán được khoảng 3,2 triệu thẻ thu phí không dừng, chiếm khoảng 69% số xe ô tô trên toàn quốc.

Theo Bộ trưởng, cả nước hiện có hơn 113 trạm thu phí, hơn 400 làn đường nên không thể đáp ứng kịp về ứng dụng công nghệ, đến năm 2019 cơ bản các dự án BOT đã có ít nhất 2 làn thu phí không dừng. Tuy nhiên còn 28 trạm thu phí của Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam do vướng mắc về tái cơ cấu nên không có kinh phí triển khai, đến thời điểm này mới giải quyết xong về cơ chế, ký hợp đồng tín dụng để triển khai thu phí không dừng.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 30.6 toàn bộ các trạm BOT (trừ các trạm của Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam) phải hoàn thành lắp đặt đầy đủ làn thu phí không dừng, chỉ trừ lại 2 làn ở mỗi làn đường để giải quyết những tình huống phức tạp. Riêng các trạm thuộc Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam đến 31.7 phải hoàn thành toàn bộ thu phí không dừng.

“Nếu đến ngày 30.6 các trạm BOT ngoài thuộc Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam chưa hoàn thành thì chúng tôi sẽ cho dừng thu phí, khi nào hoàn thiện xong thì mới cho thu phí lại. Riêng các trạm thuộc Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam cũng như vậy, đến 31.7 không hoàn thành thu phí không dừng thì phải xả trạm”, Bộ trưởng khẳng định.

9h30: Quốc hội nghỉ giải lao 20 phút

Một số dự án giao thông chậm tiến độ, chất lượng có vấn đề, Bộ xin “nhận trách nhiệm”

9h20: Sau phần phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu trước khi chất vấn. Bộ trưởng Thể cho biết, với trách nhiệm của ngành GTVT, ngành luôn lắng nghe, tiếp thu đầy đủ, thực hiện nghiêm túc, lỗ lực cao thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và các kiến nghị của đồng bào, cử tri cả nước. “GTVT là mạch máu của nền kinh tế, GTVT phát triển đến đâu thì kinh tế phát triển theo. Sinh thời, Bác Hồ dạy ngành giao thông: “Giao thông là mạch máu của tổ chức, giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Ngành GTVT luôn phấn đấu để cố gắng hoàn thành tốt chức trách và nhiệm vụ được giao” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Ông cho biết, trong những nhiệm kỳ qua, GTVT là một trong các khâu đột phá. Từ Nghị quyết Đại hội XI, XII, XIII đều xác định cần phải đầu tư những công trình dự án lớn của ngành GTVT. Với cố gắng của mình, một số dự án giao thông trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, có một số dự án chậm tiến độ, chất lượng có vấn đề, và có một số biểu hiện lãng phí. Trong lúc ngân sách nhà nước khó khăn, chúng ta đã xã hội hoá, thực hiện nhiều dự án BOT. Trong thời gian vừa qua, Quốc hội cũng đã chất vấn ngành giao thông về các dự án BOT.

“Chúng tôi đã nghiêm túc tiếp thu thực hiện các kết luận của Quốc hội. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, với một số dự án chậm tiến độ, một số dự án có vấn đề cũng như chậm giải quyết các vấn đề BOT. Với trách nhiệm của mình, ngành GTVT xin nhận những hạn chế, khuyết điểm này” - Bộ trưởng Thể nói. Ông Thể nói "rất may mắn được Quốc hội chọn chất vấn, bởi là cơ hội để ngành giao thông vận tải giải trình những vấn đề người dân quan tâm".

9h15: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông vận tải: Tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc. Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.

Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Tham gia trả lời với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Sáng 9.6, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

Các vấn đề được quan tâm gồm: Tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc.

Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.

- Người trả lời chất vấn:

+ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

+ Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Đầu giờ chiều, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các thành viên Chính phủ liên quan, Tổng Kiểm toán nhà nước tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 4.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ 4.

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Bộ GTVT nói về giải pháp khắc phục dự án đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ

NHÓM PV |

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, hiện tại đã bố trí đủ nguồn lực triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Bộ kiến nghị các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

ĐBQH đề nghị làm rõ tác động khi chậm hoàn thành đường Hồ Chí Minh

NHÓM PV |

Đại biểu Lê Hoàng Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị đánh giá kỹ lưỡng tác động, thiệt hại của việc không hoàn thành thông tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2020 đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là ở các địa phương có tuyến đường đi qua.

Làm rõ nguồn vốn, thời gian hoàn thành của 3 dự án đường bộ cao tốc

Phạm Đông |

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tính toán, làm rõ thời gian hoàn thành, tính khả thi 3 dự án đường bộ cao tốc. Rà soát, thuyết minh rõ sơ bộ tổng mức đầu tư, cơ cấu tổng mức đầu tư.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Bộ GTVT nói về giải pháp khắc phục dự án đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ

NHÓM PV |

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, hiện tại đã bố trí đủ nguồn lực triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Bộ kiến nghị các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

ĐBQH đề nghị làm rõ tác động khi chậm hoàn thành đường Hồ Chí Minh

NHÓM PV |

Đại biểu Lê Hoàng Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị đánh giá kỹ lưỡng tác động, thiệt hại của việc không hoàn thành thông tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2020 đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là ở các địa phương có tuyến đường đi qua.

Làm rõ nguồn vốn, thời gian hoàn thành của 3 dự án đường bộ cao tốc

Phạm Đông |

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tính toán, làm rõ thời gian hoàn thành, tính khả thi 3 dự án đường bộ cao tốc. Rà soát, thuyết minh rõ sơ bộ tổng mức đầu tư, cơ cấu tổng mức đầu tư.