Bộ trưởng Công Thương: Nghiên cứu điều hành giá xăng dầu theo ngày

NHÓM PV |

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội liên quan đến nội dung xử lý người vi phạm, hoạt động thanh tra, thu hồi tài sản tham nhũng.

11h30: Quốc hội kết thúc phiên làm việc buổi sáng

Cấm nhận quà, tiền giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức

11h25: Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hiện nay Chính phủ đã trình Quốc hội Luật Thanh tra (sửa đổi) trong đó có xây dựng thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, đã được điều chỉnh với các cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp từ 15 ngày đến 30 ngày.

Thanh tra Chính phủ tiếp tục đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành điều tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận và nâng cao chất lượng kết luận thanh tra theo Nghị quyết 45, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể cho trưởng, phó đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan chủ trì, thành viên thanh tra, người giám sát, người thẩm định kết luận thanh tra và có hình thức xử lý nếu để xảy ra lộ lọt, không chuyển các vụ việc vi phạm tội phạm sang cơ quan điều tra…

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo về những hành vi cấm trong hoạt động của đoàn thanh tra như: cấm nhận quà, tiền giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức và nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra. Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong rất mong các vị đại biểu Quốc hội và cử tri giúp Thanh tra Chính phủ giám sát và phản ánh những sai phạm của cán bộ trong đoàn thanh tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng giải trình về cơ chế giám sát đoàn thanh tra, giám sát xử lý sau thanh tra, về thu hồi tài sản sau thanh tra…

Tài sản từ người thân của đối tượng tham nhũng vẫn là một khoảng trống rất lớn

11h15: Đại biểu Phạm Nam Tiến (Đoàn Đắk Nông): Hiện này còn 40% đến 50% số tài sản chưa được thu hồi lại trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo. Đây là con số không nhỏ vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó mới chỉ kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên chiếm hoặc sở hữu vẫn là một khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát. Đề nghị Tổng Thanh tra cho biết giải pháp căn cơ nào đặt ra cho việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn? 

Ông Đoàn Hồng Phong thừa nhận việc thu hồi là vấn đề khó, nhất là tài sản kinh tế. Vấn đề này Ban Bí thư đã có Chỉ thị 04, do đó kết quả 9 tháng đầu năm thu hồi tài sản tham nhũng đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Thời gian tới, ngoài việc thực hiện tốt Chỉ thị 04, Thanh tra Chính phủ đề nghị các cơ quan sửa đổi bổ sung quy định thu hồi tài sản, giải quyết bất cập, đảm bảo tính đồng bộ để công tác thu hồi hiệu quả.

Về giải pháp, ông Phong cho rằng cần hoàn thiện cơ chế thu hồi, tăng cường xử lý sau thanh tra và thi hành án, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm phải xử lý ngay, tránh tẩu tán, thất thoát tài sản; tích cực hợp tác quốc tế trong giải quyết, thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài.

Giải pháp tách bạch giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra

11h10: Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho biết, trong tổng số hơn 2,3 triệu cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ quan nhà nước tiến hành từ năm 2011 đến nay, cuộc thanh tra chỉ chiếm 10%, 90% là kiểm tra. Như vậy, nếu chúng ta tiếp tục hoàn thiện Luật thanh tra chỉ điều chỉnh được 10% số lượng. Cơ sở pháp lý nào để điều chỉnh các hoạt động kiểm tra, bởi thanh tra quy định rất chặt chẽ về điều kiện người thanh tra, về căn cứ thanh tra, về quy trình, thủ tục và hậu quả pháp lý của hoạt động thanh tra?

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ tách bạch hoạt động kiểm tra và thanh tra. Dự thảo sẽ có một điều khoản quy định rõ về quy trình, trình tự thủ tục của thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Về quy trình kiểm tra, đây là hoạt động thường xuyên theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước. Thủ tục kiểm tra đơn giản hơn, không theo trình tự thủ tục thanh tra mà theo đặc thù từng ngành, lĩnh vực.

Ông Phong cho biết đã hướng dẫn về thực hiện quy trình, thủ tục hoạt động kiểm tra. Tới đây, khi sửa đổi Luật Thanh tra, việc chồng chéo hoạt động thanh tra, kiểm toán sẽ được giải quyết tốt hơn. Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo cụ thể khắc phục liên quan đến hoạt động kiểm tra.

Bộ trưởng Công Thương: Nghiên cứu điều hành giá xăng dầu theo ngày

11h05: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Công thương trong việc khắc phục tình trạng rối loạn thị trường xăng dầu ở Việt Nam. Tuy nhiên thực tế cho thấy, quy định của Nghị định 95/2021/NQ-CP của Chính phủ đã lạc hậu, nó không phù hợp. Bên cạnh đó, vấn đề là về cấp các loại giấy phép trong thời gian qua, đại biểu cho rằng Bộ Công thương đã cấp phép quá nhiều đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu dẫn đến hệ lụy khó quản lý. Đại biểu đề nghị Bộ xem xét lại vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tranh luận.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tranh luận.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay các quy định về kinh doanh xăng dầu đang thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nghị định 95 đang quy định 10 ngày/lần điều chỉnh giá xăng dầu và căn cứ giá điều chỉnh là tính giá bình quân 10 ngày trước của thị trường thế giới. Đó là trong điều kiện bình thường. Đó là thời điểm ban hành Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83.

Bộ trưởng Diên cũng cho hay, vì thị trường xăng dầu rất dị biệt, bối cảnh thế giới có những biến động, do vậy rõ ràng đã có những khiếm khuyết trong quy định hiện hành. Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã nhận thấy điều này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sửa Nghị định 95 cho phù hợp với thực tiễn.

 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Về hệ thống kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Diên thừa nhận, đúng là theo quy định hiện hành, hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện nay đang là đa tầng nấc thì bị rất rối trong những tình huống như thế này. Nhiều tầng nấc cũng dẫn tới tăng chi phí và chi phí này sẽ phải tính vào giá bán lẻ. Do vậy, trong hướng sửa chữa tới sẽ phải sắp xếp lại hệ thống, từ đầu mối đến đại lý, cửa hàng bán lẻ. Như vậy sẽ giảm những cầu, nấc đi.

"Việc điều hành theo ngày, thì đây cũng là hướng chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu chỉ đạo làm sao sát hơn với tình hình. Nếu 10 ngày một kỳ điều hành giá không phù hợp, có thể rút xuống 5 ngày hoặc thậm chí lấy ý kiến rộng rãi người dân và các đối tượng tác động mà thấy rằng điều chỉnh theo ngày là ý kiến đa số thì chúng tôi sẽ nghiên cứu để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền” - Bộ trưởng Diên nói.

Đã có phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam

10h50: Giải trình về vấn đề xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, những ngày qua, tình hình xăng dầu thế giới và trong nước có những diễn biến mới. Cụ thể, nguồn cung xăng dầu thế giới ngày càng khan hiếm bởi Châu Âu và các nền kinh tế lớn gia tăng thu mua lượng dầu hiện có từ các nguồn cung chính là Opec+ và Nga. Bởi hiện đã sát đến ngày (tháng 11) phương Tây áp lệnh trừng phạt với dầu của Nga, cấm tuyệt đối mua bán xăng dầu của Nga với các nước thuộc điều chỉnh của phương Tây.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Tỉ giá ngoại tệ mạnh của Mỹ và EU để nhập khẩu xăng dầu như đô la Mỹ và Euro liên tục thay đổi và tỉ giá đều tăng 0,75 điểm phần trăm trong thời gian qua và dự báo tiếp tục tăng. Đây là những khó khăn cho những doanh nghiệp nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn, ngoại tệ để được bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối còn khó khăn, do nhiều doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện cho vay và bảo lãnh của các ngân hàng thương mại của chúng ta.

Do đó, tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung trong hệ thống tiếp tục diễn ra thêm ở một số thành phố lớn, tập trung đông dân cư.

 
Quốc hội nghe các thành viên chính phủ trả lời chất vấn sáng 5.11.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, chức năng vào cuộc. Đến giờ này, mỗi ngành chức năng đang làm tốt hơn chức trách nhiệm vụ của mình, sự phối hợp giữa các ngành chức năng Bộ Công Thương – Tài chính – Ngân hàng Nhà nước hiệu quả hơn. Chiều hôm qua (4.11), Bộ Tài chính đã có phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam để lấy ý kiến Bộ Công Thương. Cũng ngay trong chiều 4.11, Bộ Công Thương có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Nếu không có gì thay đổi lớn, trong kỳ điều chỉnh ngày 11.11 tới, các chi phí sẽ được cập nhật.

Bên cạnh đó, theo ông Diên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các Ngân hàng thương mại xem xét cụ thể những doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, bảo lãnh và hỗ trợ thanh toán. “Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng cục QLTT tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm. Hi vọng những ngày tới thị trường xăng dầu được giải quyết”, ông Diên cho hay.

 

Theo trưởng ngành Công Thương, hiện xăng dầu sản xuất trong nước đạt 80% nhu cầu. Tuy nhiên, trong 80% ấy có một nửa, thậm chí già nửa lượng dầu thô phải nhập từ nước ngoài, cho nên thị trường thế giới thế nào thì tác động thị trường trong nước như thế.

“Chúng ta còn khoảng trên dưới 20% xăng dầu thành phẩm nhập từ nước ngoài cũng bị ảnh hưởng. Nhưng đến thời điểm này, theo số liệu chúng tôi có được từ sản lượng sản xuất trong nước, số lượng nhập từ nước ngoài đã đạt 86% kế hoạch cả năm. Nguồn cung ở các doanh nghiệp, dự trữ thương mại bảo đảm theo kế hoạch với số lượng 21 triệu tấn xăng dầu đáp ứng nhu cầu trong nước”, ông nói.

Hướng xử lý về tiền đất ở các dự án không thông qua hoạt động đấu thầu, đấu giá

10h35: Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội): Các vướng mắc hiện nay qua nhiều giai đoạn trong xác định giá đất, đặc biệt là đối với những dự án mà theo kết luận của thanh tra là phải tính lại tiền đất do không thông qua hoạt động đấu thầu, đấu giá với những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Đề nghị Tổng thanh tra cho biết hướng xử lý như thế nào?

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: Về vướng mắc trong xác định lại giá đất, trong thời gian qua, thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra bản án, vướng mắc nổi bật nhất là việc xác định lại giá đất theo kết luận thanh tra, kiểm tra bản án. Để khắc phục vấn đề này, Thủ tướng đã có Quyết định 153 để giải quyết tổng thể vấn đề này. Theo đó, các địa phương có khó khăn cần báo cáo Chính phủ, trên cơ sở đó Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị, trên cơ sở đó trình Quốc hội ra Nghị quyết đặc thù giải quyết vấn đề này.

Vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ ở Vĩnh Phúc cho thấy có cán bộ thanh tra chưa chấp hành nghiêm quy định pháp luật 

10h30: Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình): Đối với câu hỏi về quan điểm, nhìn nhận, đánh giá của Tổng Thanh tra Chính phủ về số lượng, chất lượng đạo đức công vụ của đội ngũ làm công tác thanh tra trong cả nước hiện nay Tổng Thanh tra chưa trả lời. Bên cạnh đó, vấn đề tại sao lại có thực trạng Thanh tra Chính phủ có 408 cán bộ, công chức nhưng chỉ có hơn 200 cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cũng như giải pháp để tháo gỡ vấn đề này trong thời gian tới như thế nào thì Tổng thanh tra cũng chưa trả lời. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời rõ về hai vấn đề này?

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: Thời gian qua, các cán bộ thanh tra đã chấp hành nghiêm quy định pháp luật của nhà nước và đạo đức công vụ. Tuy nhiên, cũng còn một số trường hợp vi phạm, chưa chấp hành, điển hình như vụ thanh tra Bộ Xây dựng (nhận hối lộ) khi thực hiện thanh tra ở Vĩnh Phúc. Và cách đây gần 20 năm cũng có những vụ việc vi phạm về nhận hối lộ và cán bộ thanh tra đã bị xử lý theo pháp luật.

Về giải pháp nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã ban hành 5 chuẩn mực về đạo đức ngành thanh tra. Đặc biệt, tháng 7 vừa qua, Thanh tra Chính phủ ban hành Nghị quyết 45 đã quy định cần nâng cao chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm, những điều nghiêm cấm cán bộ thanh tra không được làm, như nhận tiền quà, hối lộ. Bên cạnh đó, khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ thanh tra không được bỏ lọt, sót những vi phạm của các đơn vị bị thanh tra. Nhân buổi chất vấn, Tổng

Thanh tra Chính phủ mong các đại biểu Quốc hội giám sát các đoàn thanh tra khi thực hiện ở các địa phương, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định.

Còn trường hợp cán bộ vòi vĩnh tiền của người dân bằng nhiều mẹo khác nhau để vụ lợi cá nhân

10h25: Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh): Hiện nay, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch, lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh. Hiện tượng tham nhũng vặt đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân trong khi những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện nay chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý. Đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp nào để thúc đẩy phát hiện và xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực này một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới?

 
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh).

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: Quả thực, hiện vẫn còn tình trạng cán bộ công chức, viên chức gây phiền hà cho người dân. Phổ biến nhất là việc cố tình kéo dài thời gian, trả lời chung chung, chưa sát với công việc, thậm chí có trường hợp vòi vĩnh tiền bằng nhiều mẹo khác nhau để vụ lợi cá nhân. Về cải cách hành chính, một số bộ ngành, địa phương còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Có thủ tục còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, vẫn còn hiện tượng một số bộ ngành còn “giấy phép con”.

Đang thanh tra đối với việc kinh doanh xăng dầu

10h20: Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai): Hiện nay nhiều cây xăng ở Hà Nội, TPHCM không bán hoặc bán rất ít, giới hạn chỉ 500.000 đến 600.000 đồng đối với một ôtô đã gây bức xúc cho người dân. Đề nghị Thanh tra Chính phủ cho biết đã chỉ đạo thanh tra đột xuất việc cung ứng xăng dầu tại hai thành phố này chưa? Đại biểu Lê Hoàng Anh cũng chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai.
Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thực hiện Nghị định của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra về kinh doanh xăng dầu.

“Chúng tôi đã và đang tiến hành công tác thanh tra đối với lĩnh vực nàỵ, góp phần cùng Bộ Công Thương chỉ ra tồn tại, hạn chế để khắc phục, đảm bảo bình ổn giá xăng dầu” - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói.

9 tháng đã xử lý hành chính 1.714 tổ chức và 4.841 cá nhân sau thanh tra

10h: Đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn Ninh Bình): Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết kết quả xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng và những tồn tại, hạn chế nguyên nhân?

 
Đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn Ninh Bình).

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: 9 tháng đầu năm 2022, qua theo dõi đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra, các cơ quan đã xử lý hành chính 1.714 tổ chức và 4.841 cá nhân. Trong đó, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng.

Nguyên nhân là cơ quan thanh tra không có quyền xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức. Cơ quan thanh tra chỉ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức tiến hành xử lý. Nguyên nhân tiếp theo là quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng về hành chính còn chưa đồng nhất. Nhiều trường hợp đã bị kỷ luật Đảng nhưng khi xem xét kỷ luật hành chính đã hết thời hiệu. Hiện Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi bổ sung nội dung này.

 
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn.

Thanh tra đột xuất phát hiện nhiều vụ sai phạm đặc biệt nghiêm trọng như AVG, Giang thép Thái Nguyên, VnPharma

9h50: Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau): Đề nghị cho biết từ ngày nhậm chức đến nay, Tổng Thanh tra Chính phủ đã chủ động chỉ đạo hoạt động thanh tra đột xuất liên quan các vụ việc tham nhũng trong ngành thanh tra như thế nào, kết quả ra sao?

Đại biểu Lê Thanh Vân
Đại biểu Lê Thanh Vân.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: Theo quy định, Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo chung hoạt động thanh tra trên phạm vi cả nước và thực hiện quyền hạn theo Luật Thanh tra.

Trong những năm gần đây, Tổng Thanh tra Chính phủ đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nhiều cuộc phức tạp, quy mô lớn, đặc biệt nghiêm trọng, kiến nghị cơ quan điều tra xử lý theo các quy định của pháp luật như việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, AVG, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Gang thép Thái Nguyên, thuốc ung thư tại Công ty CP VnPharma, vụ án đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Vụ trang thiết bị vật tư sinh phẩm kít test COVID-19…

Những cuộc thanh tra đột xuất này được thực hiện khẩn trương, trách nhiệm để báo cáo Ban chỉ đạo, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thanh tra đã phát hiện sai phạm và chuyển hồ sơ nhiều vụ việc nghiêm trọng sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý; đồng thời chuyển nội dung, hồ sơ của cán bộ đảng viên sai phạm sang Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để xem xét xử lý theo thẩm quyền.

 

Ngành thanh tra ít cán bộ, rất khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ

9h45: Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình): Đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá về số lượng, chất lượng và đạo đức công vụ của lực lượng thanh tra?

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.
Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: Hoạt động thanh tra còn gặp khó khăn khi cán bộ ít. Thời gian qua, ngành đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong 10 năm từ 2012-2022, Thanh tra đã triển khai đồng bộ, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, kiến nghị thu hồi số tiền hơn 461.000 tỷ đồng; 750.000 ha đất; kiến nghị xử lý hơn 44.000 tập thể cá nhân; chuyển cơ quan điều tra hơn 1.100 vụ và hơn 1.100 người.

Ngoài thanh tra theo kế hoạch, thanh tra được giao nhiều việc thanh tra đột xuất, như năm 2022 sẽ thanh tra mua sắm thiết bị và phòng chống COVID-19, thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thanh tra quy hoạch và thực hiện quy hoạch điện VII, thanh tra kinh doanh xăng dầu... Thanh tra chỉ có 408 cán bộ công chức thì rất khó khăn trong hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ.

Giám sát, thanh tra việc thu, chi tại các ngân hàng

9h25: Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Đoàn Thanh Hóa): Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn diễn biến phức tạp và tinh vi. Đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong công tác thanh tra ngân hàng những năm vừa qua. Thanh tra Chính phủ có giải pháp nào để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này?

 
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: Thực hiện chức năng được giao, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với bộ, ngành địa phương, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ công tác thanh tra, trong đó có một số công tác trọng tâm đối với lĩnh vực ngân hàng như tiền tệ, cấp tín dụng, xử lý nợ xấu, phòng chống rửa tiền….

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo hướng dẫn thanh tra ngân hàng giám sát, thanh tra việc thu, chi các ngân hàng. Tiến hành thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước và 4 Ngân hàng thương mại. Sau thanh tra đã phát hiện nhiều bất cập cần chấn chỉnh và xử lý nghiêm.

Có vụ việc Thanh tra Chính phủ kết luận không có sai phạm, UBKTTW vào cuộc lại phát hiện sai phạm

9h15: Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận): Có nhiều địa phương khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc tiến hành thanh tra, nhưng khi kết luận lại không có hoặc chỉ rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào kiểm tra thì lại phát hiện sai phạm, có nhiều vụ việc còn xử lý hình sự?

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết có lẽ đây là câu chuyện ở tỉnh Bình Thuận được Thanh tra Chính phủ giải quyết theo đơn khiếu nại, tố cáo. Trên cơ sở đơn thư tố cáo của một nguyên cán bộ tỉnh Bình Thuận tố cáo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận làm sai vụ việc liên quan đến công tác thanh tra. Đó là chuyển mục đích sử dụng sân golf sang khu đô thị.

“Riêng về vụ việc này, khi tiến hành thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã thành lập đoàn thanh tra để rà soát lại các nội dung, trong đó có một số nội dung thay đổi như việc xác định giá đất không chính xác, mặc dù khi đó, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu chính quyền huyện xác định lại giá đất cho đúng quy định nhưng sau 2 năm, chính quyền không thực hiện, người tố cáo tiếp tục tố cáo.

Sau đó, khi tôi nhận nhiệm vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, khi phát hiện sai phạm đã chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan điều tra”, ông nói.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, sau khi cơ quan điều tra giải quyết vụ việc, Uỷ ban Kiểm trung ương có xem xét hồ sơ sự việc này thấy được trách nhiệm của thanh tra với 2 vấn đề: Thứ nhất là việc giải quyết vụ việc còn chậm; thứ hai việc kế thừa kết quả kiểm toán và Bộ Xây dựng, cùng với thanh tra còn có vấn đề nên 3 cơ quan này đã có đội ngũ lãnh đạo chịu hình thức xử lý, kỷ luật.

Thanh tra phát hiện, kiến nghị sửa đổi nhiều chính sách pháp luật còn bất cập, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của Quốc hội.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của Quốc hội.

9h08: Phát biểu mở đầu chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thông qua công tác thanh tra đã phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật còn sơ hở, bất cập, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm, sai phạm.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, kiến nghị xử lý nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó có vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đánh giá cao, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

9h05: Quốc hội bắt đầu chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, sáng 5.11, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực thanh tra. Các nội dung được chất vấn gồm:

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

- Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong nhân dân.

- Công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Theo báo cáo của Thanh ra Chính phủ, 9 tháng đầu năm 2022, qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 52.466,4 tỉ đồng, 8.240,8 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 15.964,3 tỉ đồng và 147,1 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 36.502,1 tỉ đồng, 8.093,7 ha đất.

Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước. Song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp, là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay.

Ông Đoàn Hồng Phong chỉ ra 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng của thu hồi tài sản tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp.

Thứ nhất là một số quy định của pháp luật về thu hồi tài sản còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý sau thanh tra để bảo đảm cho việc thu hồi tiền, tài sản theo kết luận thanh tra được hiệu quả.

Thứ hai là số tiền thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án hoặc đối tượng thanh tra không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm có giá trị thấp; Có những trường hợp cố ý trây ỳ hoặc trốn tránh việc thực hiện, hoặc không có khả năng nộp lại khoản tiền bị cơ quan thi hành án và cơ quan thanh tra thu hồi.

Thứ ba, thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài, thời điểm xử lý vi phạm cách xa thời điểm có hành vi vi phạm dẫn đến tài sản dễ bị tẩu tán, che giấu.

Thứ tư, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án và xử lý sau thanh tra, nhất là các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán ....

Thứ năm, có những trường hợp pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu để thu hồi; trong một số vụ án, vụ việc vẫn xảy ra việc đối tượng bỏ trốn; việc phối hợp trong tương trợ tư pháp hình sự và thực hiện kết luận thanh tra gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian tới cần hoàn thiện các quy định về xử lý sau thanh tra và tăng cường các biện pháp chế tài xử lý hành vi vi phạm trong công tác này nhằm thu hồi tài sản qua hoạt động thanh tra.

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Dân sửa nhà trong ngõ sâu thì thanh tra biết, cao ốc vi phạm thì không?

NHÓM PV |

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy phản ánh, người dân sửa chữa nhà cửa trong ngõ sâu thì thanh tra xây dựng vẫn nắm được, nhưng công trình lớn, cao ốc ngay mặt đường vi phạm trật tự xây dựng nhưng thanh tra xây dựng không phát hiện ra.

9 tháng, thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 52.000 tỉ đồng, 8.200ha đất

NHÓM PV |

Thanh tra Chính phủ đã tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm như đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, mua sắm tài sản công. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 52.466,4 tỉ đồng, 8.240,8 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 15.964,3 tỉ đồng và 147,1 ha đất.

Đề nghị thanh tra hoạt động sàn giao dịch, môi giới bất động sản

CAO NGUYÊN |

Bên cạnh việc điều chỉnh, hoàn thiện quy định pháp luật để khắc phục những tồn tại của thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng kiến nghị các cơ quan bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản…

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Dân sửa nhà trong ngõ sâu thì thanh tra biết, cao ốc vi phạm thì không?

NHÓM PV |

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy phản ánh, người dân sửa chữa nhà cửa trong ngõ sâu thì thanh tra xây dựng vẫn nắm được, nhưng công trình lớn, cao ốc ngay mặt đường vi phạm trật tự xây dựng nhưng thanh tra xây dựng không phát hiện ra.

9 tháng, thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 52.000 tỉ đồng, 8.200ha đất

NHÓM PV |

Thanh tra Chính phủ đã tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm như đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, mua sắm tài sản công. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 52.466,4 tỉ đồng, 8.240,8 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 15.964,3 tỉ đồng và 147,1 ha đất.

Đề nghị thanh tra hoạt động sàn giao dịch, môi giới bất động sản

CAO NGUYÊN |

Bên cạnh việc điều chỉnh, hoàn thiện quy định pháp luật để khắc phục những tồn tại của thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng kiến nghị các cơ quan bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản…