Thông tin từ Bộ Nội vụ cho hay, tỉnh Hưng Yên đề nghị thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, thông tin tình hình, cung cấp các tài liệu liên quan về quá trình hình thành, phương thức hoạt động và những vấn đề quản lý nhà nước đối với các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo”, hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo;
Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng công tác quản lý, xử lý tình huống tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo các cấp.
Về đề nghị này, trên Cổng Thông tin điện tử, Bộ Nội vụ đã có phản hồi: Theo Bộ Nội vụ, ngày 28.11.2019, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ban hành Văn bản số 1400/TGCP-TGK hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong thời gian qua, khi có những vấn đề phát sinh chưa có quy định rõ tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đã kịp thời thông tin và hướng dẫn địa phương như: Việc xây dựng cơ sở tín ngưỡng mới, về quyền sở hữu cơ sở tín ngưỡng,...
Việc xây dựng cơ sở tín ngưỡng thực hiện theo Luật Xây dựng, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn. Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, điện thờ tư gia không được công nhận là cơ sở tín ngưỡng.
Hoạt động tín ngưỡng tại các điện thờ tư gia chỉ được phục vụ riêng cho gia đình. Việc quản lý xây dựng và hoạt động của các điện thờ tư gia thuộc trách nhiệm chính quyền cơ sở, cần ngăn chặn kịp thời việc xây dựng điện thờ tư gia với mục đích hoạt động như cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng; không để các hoạt động tín ngưỡng tập trung đông người, hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi ở điện thờ tư gia.
Về quản lý nhà nước đối với các hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo”, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các “đạo lạ, tà đạo”.
Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác quản lý thông tin qua internet và xuất bản ấn phẩm liên quan đến “đạo lạ”, “tà đạo”; tuyên truyền để các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nâng cao cảnh giác, tiếp nhận có chọn lọc các khoản viện trợ, tài trợ;
Vận động Nhân dân không tin theo các “tà đạo”; hướng dẫn xây dựng các quy ước, hương ước trong đó có nội dung ngăn chặn các “tà đạo”; tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị để chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và thống nhất phương hướng giải quyết.
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục kịp thời cung cấp thông tin về những hiện tượng tín ngưỡng, “đạo lạ”, “tà đạo” phát sinh, tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, đôn đốc Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ về công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng, “đạo lạ”, “tà đạo”.