Chuỗi hoạt động tại Nhật của người đứng đầu Bình Định có ý nghĩa làm sâu sắc hơn mối quan hệ vốn đã gần gũi, tin cậy. Chuyến đi đồng thời cũng là nỗ lực mở rộng cơ hội tìm kiếm đối tác, thiết lập nền tảng phát triển mới cho đất võ tương lai.
Đoàn cấp cao Bình Định đã kịp hoàn thành lịch trình dày đặc các cuộc tiếp xúc, trao đổi thông tin với lãnh đạo, nhà đầu tư, doanh nghiệp, bao gồm cả Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và tham dự hội thảo thu hút đầu tư do Công ty Cổ phần Becamex Bình Định phối hợp tổ chức.
Đầu tư chưa tương xứng thế mạnh, tiềm năng
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bình Định, các lĩnh vực, ngành nghề được ưu tiên mời gọi đợt này là công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện, điện tử; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh...
Tại các diễn đàn hoặc trao đổi song phương, ông Hồ Quốc Dũng giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Bình Định, đặc biệt là môi trường đầu tư, cơ chế chính sách, giá thuê đất, chính sách miễn giảm tiền thuê đất, nguồn lao động, dòng vốn cung ứng cho doanh nghiệp… khi đầu tư vào khu kinh tế và các khu công nghiệp.
Thông báo tin mừng về đà tăng tốc mạnh mẽ của du lịch Bình Định, gần nhất là sự bùng nổ du khách nhân Giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế F1H20 cuối tháng 3, Bí thư Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh sự kiên trì của các thế hệ lãnh đạo Bình Định trong sứ mệnh tiên phong kiến tạo mô hình, động lực phát triển mới. “Tại Việt Nam, Bình Định là tỉnh đầu tiên hình thành đô thị khoa học, là trung tâm giao lưu học thuật được biết đến nhiều trong khu vực và trên thế giới. Bình Định cũng thuộc nhóm địa phương đi đầu trong xúc tiến xây dựng trung tâm trí tuệ nhân tạo...”, ông nói.
Năm 2023, Bình Định xuất khẩu hơn 275,3 triệu USD sang thị trường Nhật Bản, tăng 31% so với năm 2022; chủ yếu là gỗ các loại, sản phẩm may mặc, thủy hải sản… Ở chiều ngược lại, Bình Định nhập gần 64,7 triệu USD, tăng 37% so với năm 2022, phần lớn là thủy hải sản chế biến, nguyên phụ liệu dệt may - da - giày, phân bón...
Ông Hồ Quốc Dũng cho biết, Bình Định là địa phương có sản lượng khai thác cá ngừ lớn nhất nước. Từ 2015, qua Hội Hữu nghị Nhật - Việt thành phố Sakai, Dự án “Chuyển giao ngư cụ, công nghệ đánh bắt nhằm hiện đại hóa ngành đánh bắt cá ngừ Bình Định” đã triển khai và phát huy hiệu quả. Dự án có sự hiện diện của JICA trong vai trò phối hợp hỗ trợ.
Về thu hút đầu tư, Bình Định có 19 dự án của doanh nghiệp Nhật Bản, chiếm 22% tổng số dự án FDI của tỉnh, với tổng vốn đăng ký 94,17 triệu USD. Trong đó, công nghiệp có 10 dự án, vốn đầu tư 72,30 triệu USD; thương mại, dịch vụ 7 dự án - 1,03 triệu USD; nông nghiệp 2 dự án - 20,84 triệu USD. Các dự án Nhật Bản hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Hồi tháng 7.2023, nhận xét về những con số trên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng: “Đầu tư Nhật Bản vào Bình Định còn khiêm tốn, chưa tương xứng tiềm năng của tỉnh và mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Nhật Bản”.
Kết nối bền chặt
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu chia sẻ: “Cần tận dụng lợi thế cạnh tranh từng thành phố của bạn để có thể chọn lựa, tập trung thu hút các ngành nghề, lĩnh vực trọng tâm, phù hợp”.
Nhiều tổ chức, khu vực Nhật Bản có quan hệ gắn bó với Bình Định mà Hội Hữu nghị Nhật - Việt Sakai là một ví dụ. Lần này, những vị khách Bình Định quay lại Izumisano (Osaka), gặp Thị trưởng Hiroyasu Chiyomatsu cùng cộng sự nhằm củng cố kết quả đạt được từ “thỏa thuận thành phố hữu nghị” ký từ năm 2019. Izumisano là thành phố cửa ngõ sân bay quốc tế Kansai, có quan hệ hợp tác phát triển với nhiều đối tác trên thế giới. Ông Hiroyasu Chiyomatsu mong muốn tiếp tục thúc đẩy các chuyến viếng thăm, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Bình Định của người dân, doanh nghiệp Izumisano trong khi Bí thư Hồ Quốc Dũng đề cập một đường bay thẳng phục vụ nhu cầu đầu tư, du lịch khi Phù Cát trở thành sân bay quốc tế.
Tại tỉnh Nagano, đoàn Bình Định gặp Chủ tịch Hội đồng Yamagishi Yoshiaki và Thống đốc Abe Shuichi. Nagano nổi tiếng với lĩnh vực sản xuất, chế biến rau quả. Đây cũng là trung tâm công nghiệp điện tử, cơ khí; vùng đất của những điểm du lịch trứ danh như Lâu đài Matsumoto, Công viên khỉ Jigokudani, Karuizawa… Bí thư Hồ Quốc Dũng bày tỏ mong muốn Bình Định và Nagano kết nghĩa với nhau để hỗ trợ phát triển toàn diện. Ông Dũng giới thiệu Tổng Công ty Becamex IDC và Công ty Cổ phần Becamex Bình Định làm hạt nhân kết nối, giúp tăng cường quan hệ hợp tác, trao đổi văn hoá, đầu tư trước khi tiến tới một ràng buộc chính thức.
Ý tưởng của lãnh đạo Bình Định được giới chức Nagano và cả Đại sứ Phạm Quang Hiệu chia sẻ. Thống đốc Abe Shuichi đặc biệt quan tâm tới thông tin về môi trường đầu tư của Bình Định và khẳng định: Hai tỉnh cần thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tiến tới thiết lập quan hệ kết nghĩa, tạo điều kiện hỗ trợ khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh mỗi bên.