Nợ "quyền lợi" giáo viên là không thể chấp nhận
Tại ngày làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã yêu cầu Giám đốc Sở GDĐT giải trình rõ về việc tập thể giáo viên Trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh) nhiều lần đưa đơn đến các cấp để “đòi quyền lợi” nhưng bất thành.
Giải trình tại kỳ họp, ông Đào Đức Tuấn - Giám đốc Sở GDĐT Bình Định - cho biết, theo phân cấp quản lý, việc chi trả lương, chế độ đối với các trường học trên địa bàn huyện Vân Canh thuộc UBND huyện này. Tuy nhiên, Sở GDĐT đã phối hợp với UBND huyện Vân Canh và Phòng GDĐT huyện rà soát lại việc chi trả tiền chế độ dạy thêm giờ, thêm lớp năm học 2022-2023.
"Đến nay, địa phương này đã sắp xếp chi trả chế độ cho một nửa số trường học trên địa bàn huyện. Còn lại khoảng 300 triệu đồng chưa chi trả cho các trường. Hiện Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện đã rà soát và trình UBND huyện Vân Canh về các trường hợp còn lại này", ông Tuấn nói.
Trước vấn đề trên, ông Hồ Quốc Dũng đề nghị UBND tỉnh Bình Định nhanh chóng kiểm tra, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan khi để chậm lương, nợ chế độ của giáo viên trên địa bàn huyện Vân Canh.
"Báo chí nêu lên mà các đồng chí để thế. Chủ tịch UBND huyện mà để nợ lương, chế độ như thế là không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị trong tuần tới là phải xử lý dứt điểm tình trạng này", ông Hồ Quốc Dũng nói.
Trường tư làm được nhưng trường công thì không
Về việc chuyển đổi 13 trường mầm non sang công lập tự chủ hoàn toàn từ năm 2022 trên địa bàn tỉnh, ông Đào Đức Tuấn - cho biết, mới đây, UBND tỉnh cũng chỉ đạo địa phương tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiện toàn bộ máy, rà soát hoàn thiện phương án tự chủ của các trường. Tuy nhiên hiện nay, một số trường mầm non không đảm bảo quy mô theo quy định của Bộ GDĐT.
Tính đến tháng 5.2024, có 4/13 trường có công trình xây dựng mới, 6/13 trường là sửa chữa một số hạng mục, 5/13 trường sữa chữa thiết bị hư hỏng và 13/13 trường mua sắm thiết bị mới. Từ tháng 1.2022 đến tháng 5.2024, tổng kinh phí đầu tư cho 13 trường là hơn 23 tỉ đồng.
Về việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non không đảm bảo quy mô tối thiểu theo quy định Bộ GDĐT, hoạt động không hiệu quả, đến nay, huyện Phù Mỹ, Tuy Phước, thị xã An Nhơn, TP Quy Nhơn đã có kế hoạch sáp nhập. Tuy nhiên, đến tháng 7.2024, chỉ mới có huyện Phù Mỹ là đã sáp nhập.
"Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến cơ sở vật chất cho các trường mầm non tự chủ. Các địa phương thực hiện kế hoạch sáp nhập còn chậm so với yêu cầu. Còn 12/13 trường chưa thực hiện việc rà soát, hoàn thiện phương án tự chủ", ông Tuấn nêu.
Về việc chuyển đổi các trường mầm non, ông Hồ Quốc Dũng đặt vấn đề: Tại sao các trường mầm non tư nhân họ tự mua đất, tự xây trường, nhưng vận hành trường học lại có lãi, còn các trường công được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, chỉ có việc thu đủ tiền để trả lương mà cũng không làm được?
"Người ta tự đầu tư, tự làm mà người ta có lãi, còn mình thì tất cả do Nhà nước đầu tư hết, chỉ có việc thu tiền để trả đủ tiền lương cho bộ máy mà không trả được, chỗ này là nằm ở đâu, phải làm rõ vấn đề này ra, ỷ lại như thế thì không thể được.
Ta có thể đưa ra 1 trường làm thí điểm, tổ chức đấu thầu, đấu giá để cho tư nhân người ta vận hành xem thử có được không. Mục đích của xã hội hóa là giảm bớt gánh nặng chi ngân sách, giờ gần như ỷ lại hết vào ngân sách thì coi như chủ trương này không thực hiện được", ông Hồ Quốc Dũng nói.