Bất chấp dịch bệnh, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất khu vực

văn nguyễn |

Trong khi phần lớn các nước trong khu vực Châu Á đang phát triển được dự báo sẽ có mức tăng trưởng âm, các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định khi đánh giá Việt Nam vẫn đang duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương và đạt mức tăng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, bất chấp những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Nhiều dự báo lạc quan

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo cập nhật triển vọng phát triển Châu Á (ADO) 2020 trong đó đưa dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương ở mức 1,8% trong năm 2020 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021. Dự báo này mang đến nhiều tín hiệu lạc quan bởi ADB dự báo tổng sản phẩm (GDP) các nước khu vực Châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020, sau đó sẽ bật trở lại và đạt mức 6,8% trong năm 2021.

Theo nhận định của ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

So với mức tăng trưởng 4,8% cũng được chính ADB đưa ra hồi đầu tháng 4.2020, mức tăng trưởng dự báo mới mà ADB vừa đưa ra cho nền kinh tế Việt Nam cho cả năm 2020 dù thấp hơn nhiều nhưng vẫn là một tín hiệu tươi sáng trong bối cảnh tăng trưởng khu vực Châu Á đang phát triển được dự báo suy giảm 0,7% với khoảng 3/4 các nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020. Chưa kể theo đánh giá của ADB, kinh tế khu vực sẽ không thể hồi phục theo biểu đồ hình chữ V mà sẽ chuyển theo hình chữ L, cho thấy quá trình phục hồi sẽ chỉ diễn ra một phần thay vì hoàn toàn.

Tương tự các dự báo của ADB và dù đưa ra con số tăng trưởng khác, Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng đưa ra những dự báo quan trọng trong đó nhìn nhận dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn có sức chịu đựng tốt, khả năng phục hồi sớm và Việt Nam theo đó sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.

Theo ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh tới toàn cầu, Việt Nam nổi lên như là một ngoại lệ nhờ thành công lớn trong việc kiểm soát và xử lý dịch bệnh.

Yếu tố then chốt là Việt Nam hấp thụ tương đối tốt cú sốc kinh tế từ COVID-19 và ảnh hưởng kinh tế của đại dịch đến nền kinh tế Việt Nam cũng được đánh giá là ít trầm trọng hơn so với nhiều quốc gia khác. Điều này được thể hiện qua việc GDP tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020, đạt mức 1,8% và WB theo đó dự báo Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021, nếu tình hình trong nước và quốc tế thuận lợi. Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.

Nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng dương

Dù đưa ra nhiều dự báo lạc quan, báo cáo của các tổ chức quốc tế như ADB vẫn cảnh báo Việt Nam về những nguy cơ lớn mà dịch bệnh có thể gây ra đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 và năm sau đó. Chưa kể những mối đe dọa khác như căng thẳng thương mại toàn cầu có thể dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.

Theo đánh giá của ADB cho thấy, dù doanh số bán lẻ có phục hồi ngay trong tháng 7 và lạm phát duy trì ở mức thấp, tiêu dùng sẽ bị kìm hãm bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm. Đây sẽ là những yếu tố tác động rất mạnh tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.

Theo đánh giá của PGS-TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), khi nhìn vào kết quả tích cực trong nửa đầu năm nay, khả năng cao nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% cho cả năm 2020. Ở một khả năng thấp hơn, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,2% do những diễn biến bất lợi của bệnh dịch.

Trong mọi kịch bản, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Tuy nhiên theo PGS-TS Phạm Thế Anh, Việt Nam đang có nhiều yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh như mong đợi; chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Trong khi đó theo PGS-TS Nguyễn khắc Quốc Bảo (Đại học Kinh tế TPHCM), để tạo ra bầu không khí lạc quan cho nền kinh tế phục hồi và phát triển, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong giai đoạn hiện nay sẽ là giải pháp cứu cánh cho nền kinh tế và theo đó cần có các giải pháp mang tính đột phá, đủ nhanh để giải quyết vấn đề này. Bởi nguồn tiền từ đẩy mạnh đầu tư công được nhìn nhận sẽ giúp kích thích tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, giải quyết đầu ra cho các ngành công nghiệp, trong khu vực sản xuất và quan trọng nhất là hàng hóa công sẽ được tạo ra, các công trình công cộng nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xây dựng kế hoạch tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2021

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2020 vào ngày 4.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng và phương án chỉ đạo điều hành quý III, IV, cả năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021 để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội, trong đó lưu ý xem xét tốc độ tăng trưởng năm 2021 khoảng 6-6,5%. N.Văn

văn nguyễn
TIN LIÊN QUAN

Dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 1,8% trong năm 2020

Vũ Long |

Ngân hàng ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 1,8% trong năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Thị trường trái phiếu vẫn tăng trưởng nóng trong bối cảnh đại dịch

Gia Miêu |

Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm vào khoảng 6,7 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng đạt gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mục tiêu kinh tế 2021-2025: Tăng trưởng toàn diện mọi lĩnh vực

Vũ Long |

Bộ Công Thương đã xây dựng mục tiêu và giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 toàn diện mọi lĩnh vực.

Giải ngân vốn đầu tư công: Động lực tăng trưởng cả trước mắt và lâu dài

Cao Nguyên - Đặng Tiến |

Trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời dịch bệnh, một trong những giải pháp quan trọng được coi như chìa khóa cho tăng trưởng hiện nay đó là phải quyết liệt hơn nữa trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đây là yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ liên tục chỉ đạo...

Nông sản Việt có cơ hội tăng trưởng

Phong Nguyễn |

Theo Bộ Công Thương, việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8.2020, chúng ta đang có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới nhưng Việt Nam mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu, dư địa tại thị trường này đang rất lớn. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ngắn hạn, EVFTA sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25%; đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Góc nhìn pháp lý việc trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không

Việt Dũng |

Chuyên gia luật nói về việc trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không trong vụ phát hiện hơn 11kg ma tuý.

Học sinh cuối cấp căng thẳng vì áp lực thi cử

Trang Hà |

Kỳ vọng của gia đình, thầy cô, những lịch học và ôn thi dày đặc để chuẩn bị kiến thức cho các kỳ thi chuyển cấp khiến học sinh căng thẳng và áp lực. Theo các chuyên gia, để hóa giải áp lực thi cử cho con, trước tiên cần phải thay đổi từ chính các bậc làm cha làm mẹ.

Tát học sinh, một giáo viên ở Ninh Bình bị chấm dứt hợp đồng

DIỆU ANH |

Liên quan đến việc một giáo viên tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập Thiên Thần Nhỏ Ninh Bình tát liên tiếp vào mặt và người một học sinh, chiều ngày 22.3, đại diện lãnh đạo Trung tâm này cho biết đã chấm dứt họp đồng với cô giáo này.

Dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 1,8% trong năm 2020

Vũ Long |

Ngân hàng ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 1,8% trong năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Thị trường trái phiếu vẫn tăng trưởng nóng trong bối cảnh đại dịch

Gia Miêu |

Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm vào khoảng 6,7 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng đạt gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mục tiêu kinh tế 2021-2025: Tăng trưởng toàn diện mọi lĩnh vực

Vũ Long |

Bộ Công Thương đã xây dựng mục tiêu và giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 toàn diện mọi lĩnh vực.

Giải ngân vốn đầu tư công: Động lực tăng trưởng cả trước mắt và lâu dài

Cao Nguyên - Đặng Tiến |

Trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời dịch bệnh, một trong những giải pháp quan trọng được coi như chìa khóa cho tăng trưởng hiện nay đó là phải quyết liệt hơn nữa trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đây là yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ liên tục chỉ đạo...

Nông sản Việt có cơ hội tăng trưởng

Phong Nguyễn |

Theo Bộ Công Thương, việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8.2020, chúng ta đang có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới nhưng Việt Nam mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu, dư địa tại thị trường này đang rất lớn. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ngắn hạn, EVFTA sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25%; đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.