Ba nhà tình báo có công lớn trong ngày toàn thắng 30.4.1975

lê tiên long |

Trong những ngày diễn ra cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975, cấp chỉ huy chiến lược của ta đã nhận được 3 tin tình báo, đều khẳng định Mỹ không quay lại cuộc chiến. Đó là của nhà báo Phạm Xuân Ẩn, lúc ấy đang trong vỏ bọc phóng viên Tạp chí Time tại Sài Gòn; của ông nghị Đinh Văn Đệ cũng là một điệp viên đơn tuyến và của một vị giáo sư đại học - nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc.

Ba nhà tình báo này đều là những điệp viên chiến lược tầm cỡ của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam cài sâu vào lòng chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và đều ẩn mình rất hoàn hảo, không ai bị lộ cho đến ngày toàn thắng.

Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn

Từ khi những chiến công của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn được công khai, chúng ta đều đã biết, ông là một điệp viên lỗi lạc của ngành tình báo Việt Nam. Giáo sư người Mỹ Larry Berman, trong tựa đề cuốn sách nổi tiếng của mình, đã gọi ông Ẩn là “điệp viên hoàn hảo”. Với vỏ bọc là phóng viên cho các hãng thông tấn nước ngoài, từ hãng tin Reuters, rồi tạp chí Time, ông Ẩn có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều nguồn tin quý giá, từ các quan chức hàng đầu của chính quyền, các tướng lĩnh cao cấp của quân đội VNCH và quân đội Mỹ. Nhờ đó, ông đã gửi về cho tổng hành dinh gần 500 báo cáo, tài liệu hết sức quan trọng.

Các tài liệu của tướng Ẩn gửi về được cho là sống động và tỉ mỉ đến mức người ta kể rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi đọc đã reo lên: “Chúng ta đang ở trong phòng hành quân của Lầu Năm Góc”.

Khi nguyên bản toàn bộ kế hoạch về chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ được chuyển ra Hà Nội, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã biểu dương cơ quan tình báo quân sự và coi đây là “chiến công có tầm cỡ quốc tế”.

Những bản báo cáo của ông Ẩn được đánh giá là đã giúp ban lãnh đạo hiểu chính xác người Mỹ, từ đó đề ra đường lối chiến tranh phù hợp.

Những tài liệu mà ông gửi về có thể kể đến như chiến lược chiến tranh đặc biệt, tài liệu ấp chiến lược, kế hoạch Staley-Taylor, các kế hoạch liên quan đến chiến lược chiến tranh cục bộ, phục vụ chiến thuật cho cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968; các tài liệu liên quan đến chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh.

Giai đoạn 1973 - 1975, ông cũng đã gửi hàng trăm bản tin nguyên bản, phục vụ cấp trên hạ quyết tâm giải phóng miền Nam.

Tướng Phạm Xuân Ẩn đã được nhận các huân chương chiến công khi đưa ra những thông tin quan trọng về trận Ấp Bắc, phục vụ chiến dịch Mậu Thân và sau đó là chiến dịch Hồ Chí Minh...

Đại tướng Hoàng Văn Thái từng kể lại: Vào thời kỳ cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, năm 1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương ta rất băn khoăn trước một câu hỏi quan trọng cần phải tìm gấp lời giải đáp: Liệu khi ta mở cuộc tổng tấn công, quân đội Mỹ có quay trở lại tham chiến trên chiến trường Việt Nam không? Khả năng can thiệp của Mỹ sẽ như thế nào khi ta đánh lớn và ngụy quân, ngụy quyền đứng trước nguy cơ sụp đổ?

Và trong nhiều nguồn tin tình báo từ các mạng lưới cơ sở gửi về, Phạm Xuân Ẩn là người đã giải mã chính xác, xuất sắc để trả lời câu hỏi hóc búa đó: Mỹ dứt khoát không đưa quân trở lại miền Nam. Nguồn thông tin này đã giúp Trung ương đề ra quyết tâm chiến lược “Giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Sau này, Phạm Xuân Ẩn đã được tặng thưởng huân chương cao quý vì câu trả lời ấy. Đồng thời, để chuẩn bị cho kế hoạch tổng tiến công, ông đã mật báo về những tin tức hết sức quan trọng về các kế hoạch phòng thủ Sài Gòn, về việc Mỹ tìm cách thương thuyết để đi đến một giải pháp chính trị.

Sau ngày 30.4.1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh - đã vào Sài Gòn gặp Phạm Xuân Ẩn. Tướng Dũng đã nghe Phạm Xuân Ẩn nói chuyện về tình hình nội bộ chính quyền Sài Gòn từ sau trận Phước Long tháng 1.1975. Nghe xong những đánh giá của Phạm Xuân Ẩn, tướng Dũng nói rằng, nếu như gặp được Phạm Xuân Ẩn sớm hơn thì những tin tức cung cấp “sẽ giúp Bộ Chính trị hạ quyết tâm nhanh hơn để giải phóng Sài Gòn”.

Nhà tình báo Đinh Văn Đệ

Là người nắm giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện chính quyền Sài Gòn, từng tham gia phái đoàn VNCH sang Mỹ xin viện trợ để cứu vãn tình thế trong những ngày cuối tháng 3.1975, ông Đinh Văn Đệ đã nắm được thông tin quan trọng rằng nước Mỹ sẽ không tiếp tục can thiệp vào Việt Nam. Thông tin quý giá của ông cũng đã góp phần giúp quân giải phóng đẩy nhanh quyết tâm giải phóng Sài Gòn trong mùa xuân năm 1975.

Ông Đinh Văn Đệ, thường gọi là Ba Đệ, sinh năm 1924, quê ở tỉnh Đồng Tháp trong một gia đình đạo Cao Đài có truyền thống cách mạng.

Năm 1952, ông bị động viên vào Trường sĩ quan trù bị Thủ Đức. Mãn khóa, ông đứng thứ 6 nên được về Bộ Tham mưu Đệ nhất Quân khu. Do thông minh, nhanh nhẹn, Đinh Văn Đệ được tướng Lê Văn Tỵ chọn làm trợ lý Tổng Tham mưu trưởng, thăng cấp đại úy, sau đó được thăng lên trung tá Chánh Văn phòng Tổng tham mưu trưởng quân lực VNCH vào giữa năm 1957.

Cuối năm 1957, tướng Nguyễn Chánh Thi đảo chính hụt Ngô Đình Diệm. Ông bị nghi ngờ là dính líu với lực lượng đảo chính và bị quản thúc hơn một tháng. Nhờ mối quan hệ thân thiết của bố vợ ông với ông Phan Khắc Sửu nên Ba Đệ được bảo lãnh và sau đó được vào học tại Trường Đại học Quân sự Đà Lạt và đỗ thủ khoa.

Đinh Văn Đệ sau đó được cử làm Thị trưởng Đà Lạt, sau kiêm Tỉnh trưởng Tuyên Đức, đến năm 1966 thì được thăng cấp đại tá và chuyển sang làm tỉnh trưởng Bình Thuận. Cuối năm 1967, ông Đệ từ chức tỉnh trưởng, ứng cử vào Hạ viện, ông đã đắc cử ở Đà Lạt và trở thành Phó Chủ tịch Hạ viện, Phó Trưởng khối đối lập.

Do có nhiều người thân hoạt động trong hàng ngũ cách mạng, trong đó có em trai là Đinh Văn Huệ - sĩ quan tình báo, sau này là đại tá - Cụm trưởng Cụm điệp báo VĐ2, nên ông Đệ cũng được giác ngộ và sau đó trở thành cơ sở của mạng lưới tình báo VĐ2.

Liên tục trong hai khóa Quốc hội trên danh nghĩa Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Sài Gòn, Đinh Văn Đệ đã cung cấp cho mạng lưới cách mạng nhiều tin tức quan trọng.

Điển hình như tháng 1.1975, sau khi tỉnh Phước Long hoàn toàn giải phóng, Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng có chỉ thị yêu cầu Ba Đệ cho biết phản ứng của địch: Liệu chúng có dám tái chiếm Phước Long hay không? Nhờ có thông tin “địch đã bỏ Phước Long” do Ba Đệ chuyển ra mà ta đã tập trung hầu hết lực lượng cho trận Buôn Ma Thuột. Hơn thế, Ba Đệ còn cho hay, địch bỏ Phước Long nhưng sẽ cho không quân dội bom quần nát Lộc Ninh, thủ phủ của chính phủ cách mạng. Đúng là vài ngày sau đó địch làm thật, nhưng ta đã có phương án đối phó nên hạn chế tối đa thương vong.

Tháng 3.1975, ông Đinh Văn Đệ tham gia phái đoàn VNCH sang vận động Mỹ viện trợ khẩn cấp để cứu đồng minh đang trong cơn hấp hối. Với vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện VNCH, Đinh Văn Đệ đã khéo léo diễn thuyết trước Quốc hội Hoa Kỳ, vẽ lên một thực trạng đen tối của chiến trường, về sự lục đục, rối ren của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu; về sự sa sút một cách toàn diện của Quân lực Việt Nam cộng hòa...

Cách làm này của ông vừa không khiến Mỹ và Thiệu nghi ngờ, vừa hoàn thành nhiệm vụ tình báo của ông: Ngăn không cho Mỹ quay lại miền Nam.

Tổng thống Mỹ Gerald Ford sau đó đã cử tướng Frederick Carlton Weyand, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Nam Việt Nam (MACV) tới miền Nam nắm vững tình hình, nhưng gói cứu trợ 300 triệu USD không bao giờ được gửi tới Việt Nam, cuốn phăng những hi vọng cuối cùng của Thiệu và VNCH. Ngày 6.4.1975, phái đoàn của Đinh Văn Đệ kết thúc chuyến công du cầu viện về nước mà không đạt được kết quả như mong đợi. Hầu hết thành viên trong đoàn đều đã cảm nhận được sự buông xuôi của Mỹ qua thái độ lạnh nhạt, thờ ơ của Quốc hội Hoa Kỳ.

Những thông tin này cũng đã được ông Đệ nhanh chóng gửi về cho ta, nhờ đó, tổng hành dinh càng quyết tâm đẩy nhanh kế hoạch tiến công để giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Dù những thành tích của ông trong ngành tình báo được đánh giá cao với nhiều Huân chương chiến công giải phóng, nhưng sau ngày giải phóng miền Nam, ông Đinh Văn Đệ đã quay lại với việc tu hành của đạo Cao Đài, trở thành Đạo trưởng Thiên Vương Tinh của Cơ quan Phổ thông Giáo lý (đạo Cao Đài).

Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc

Nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc trên trang bìa cuốn tiểu thuyết chân dung “Đơn tuyến” của nhà báo - nhà văn Phạm Quang Đẩu. Ảnh: Lê Tiên Long
Nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc trên trang bìa cuốn tiểu thuyết chân dung “Đơn tuyến” của nhà báo - nhà văn Phạm Quang Đẩu. Ảnh: Lê Tiên Long

Một điệp viên khác là giáo sư Nguyễn Đình Ngọc, người hoạt động đơn tuyến tại Sài Gòn với vỏ bọc một giáo sư Toán học, và sau ngày giải phóng, cũng được phong quân hàm Thiếu tướng như ông Phạm Xuân Ẩn.

Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc sinh năm 1932, quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Năm 1953, ông gia nhập lực lượng điệp báo của lực lượng CAND Việt Nam. Dưới bí danh Ziệp Sơn, ông vào Sài Gòn và hai năm sau ông lấy được học bổng du học tại Pháp.

Nhập học tại Đại học Paris, với trí thông minh cùng quyết tâm cao độ, ông đã tốt nghiệp với ba bằng kỹ sư về các ngành khá khác biệt nhau: Thủy văn - Khí tượng, Đóng tàu và Viễn thông. Sau đó, ông tiếp tục nhận được hai bằng Tiến sĩ về Địa lý và Toán học, trở thành người Việt Nam hiếm hoi làm giáo sư giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng của Pháp như Đại học Hải công, Đại học Viễn thông, Đại học Sorbonne...

Năm 1966, ông trở về nước và được nhận vào làm giáo sư tại Viện Đại học Sài Gòn và thỉnh giảng tại tất cả đại học khác. Giáo sư tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo, với hình ảnh một người “lập dị”: Chỉ quan tâm đến khoa học mà không để ý đến tiền bạc, sống độc thân, ngày chỉ ăn một bữa, giỏi xem tử vi...

Với khả năng toán học và tin học vượt trội, ông thường xuyên được mời cộng tác làm việc cho hệ thống tính toán của Quân lực VNCH và cả quân đội Mỹ. Do mối quan hệ cộng việc và xã hội, ông đã cung cấp được nhiều thông tin rất quan trọng một cách kịp thời và chính xác cho cấp chỉ huy như các cuộc tập kích vào Trung ương Cục Miền Nam hay nhận định năm 1975 Mỹ sẽ không quay lại can thiệp...

Trong cuốn sách viết về chân dung giáo sư - nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc mang tựa đề "Đơn tuyến" của nhà báo - nhà văn Phạm Quang Đẩu (NXB CAND, 2013), có kể lại chi tiết câu chuyện ông Ngọc lấy được thông tin Mỹ sẽ không quay lại Việt Nam thế nào. Dù nội dung trong sách đã được văn học hóa, nhưng thể hiện dựa trên các sự kiện có thật về những chiến công của nhà tình báo.

Theo đó, mùa xuân năm 1975, sau những thay đổi dồn dập của tình hình thời sự đến ngày 26.4, ông nhận được chỉ thị “khẩn” từ chỉ huy là ông Hai Tân: “Trung ương muốn biết trong tình hình ngụy quyền Sài Gòn sắp bị sụp đổ, Mỹ có quay trở lại hay không? Cần trả lời ngay!”.

Ông Hai Tân mà ông Ngọc đề cập, là ông Nguyễn Phước Tân, tên thật là Nguyễn Văn Chẩn, là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (LLVTND), người chỉ huy trực tiếp của ông Nguyễn Đình Ngọc hoạt động bí mật.

Nhận chỉ thị của tổ chức, ông Ngọc nghĩ ngay đến hai người mà ông có quan hệ thân thiết, là đại tá Mỹ Jason Kaatz ở MACV và Phó Đề đốc Hải quân VNCH Nghiêm Văn Phú, cũng là em rể vợ ông Ngọc. Tuy nhiên, khi ông đến nhà Jason Kaatz thì ông này đã ra đi.

Ông Ngọc liền đến nhà Nghiêm Văn Phú đúng lúc vợ chồng ông này đang hối hả chuẩn bị di tản. Ông hỏi Nghiêm Vạn Phú:

- Tình hình nguy cấp thế này, sao không cầu cứu Không lực Hoa Kỳ yểm trợ?

Ông Phú trả lời: Đã gọi ra Đệ Thất hạm đội cho Đô đốc Noel Gayler rồi, nhưng máy không bắt đuợc, bận liên tục anh à.

Ông Ngọc giục: Gọi lại xem, biết đâu gặp. Phú bật máy bộ đàm. Bỗng có tín hiệu. Tiếng của người ở đầu dây bên kia nghe được khá rõ. Phú gào vào bộ đàm:

- Đô đốc có biện pháp gì yểm trợ khẩn cấp chứ. Chúng tôi không thể tử thủ mãi được, sắp bại trận cả rồi!

- Hết cách rồi! - tiếng của Noel Gayler không giấu nỗi thất vọng, chán nản. Ông Thiệu, ông Kỳ cũng yêu cầu như Phó đề đốc nhưng Tổng thống Gerald Ford đã từ chối. Giờ chỉ còn chiến dịch di tản bằng phi cơ C130 tại phi trường Tân Sơn Nhất đưa người Mỹ rời Việt Nam thôi.

Ông Phú buông máy, nhìn ông Ngọc nhún vai lắc đầu. Ông Ngọc nói ngay với ông ta:

- Đằng nào cũng thua. Tử thủ không giải quyết được gì, chỉ thêm đổ máu cho cả hai phía.

Sau khi từ chối di tản cùng gia đình ông Phú, Giáo sư Ngọc bắt tay ông ta. Cả hai đều hiểu, đây là cái bắt tay cuối cùng, rồi chia tay nhau vội vã.

Dù Nghiêm Văn Phú cho xe jeep đưa ông Ngọc về, nhưng trong đầu ông đã tính ngay bài toán: Phải chọn cách nào để tin đến ông Hai Tân nhanh nhất? Theo nguyên tắc, ông Ngọc chỉ được phép gửi tin qua hộp thư bí mật. Ông Ngọc biết nơi ông Hai Tân đang ở là chùa Đại Tùng Lâm trên đường 51 đi Vũng Tàu, nhưng trước đó ông Hai Tân đã có chỉ thị: Chưa có lệnh không được đến.

Giáo sư Ngọc liền nhờ người lái xe đưa qua nhà một người bạn đồng nghiệp là giáo sư Võ Bình, người có chiếc Peugeot 404, để xin mượn ông ta chiếc xe ôtô này trong vài giờ và phá bỏ quy tắc bí mật, tự mình lái xe xuống chùa Đại Tùng Lâm.

Trên đường 51 nườm nượp xe của các gia đình đi Vũng Tàu di tản, hầu hết đều xuôi về mạn biển. Hòa vào dòng xe với tốc độ đều đều bám đội hình, ông Ngọc khỏi phấp phỏng sợ nếu xe nào phía trước gặp sự cố thì ùn tắc là cái chắc, không biết bao giờ mới thông được. May mắn làm sao, sau hơn một giờ ông đã đến được khu vực chùa Đại Tùng Lâm.

Vừa gặp, nét mặt ông Hai Tân lộ rõ vẻ ngạc nhiên khi thấy ông Ngọc đến vào lúc này. Nhưng khi nghe kể lại nội dung cuộc điện đàm giữa Nghiêm Văn Phú với Đô đốc Noel Geyler, nét mặt ông giãn ra, thoáng một nụ cười nở trên môi, ôm choàng người đồng đội, rồi nhẹ nhàng bảo ông cần quay trở về thành phố...

Sau này, khi nước nhà đã thống nhất, ông Ngọc được biết, tin của ông về đến bộ chỉ huy ở cấp cao nhất 24 giờ trước cuộc tổng công kích cuối cùng vào đầu não của chế độ Việt Nam Cộng hòa.

lê tiên long
TIN LIÊN QUAN

Ngày 30.4.1975 ở Trại Davis

Kỳ Quan |

Những ngày cuối tháng 4.1975, do nhiệm vụ đặc biệt mà ông - một sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam - có mặt ngay tại sào huyệt của đối phương, Trại Davis trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Ông và các đồng đội đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và có thể hy sinh. Cũng chính các ông đã vinh dự treo lá cờ Tổ quốc đầu tiên ở nội ô Sài Gòn sáng 30.4.1975.

Xúc động ngắm nhìn cờ Tổ quốc tung bay trên Quảng trường Ba Đình sáng 30.4

Sơn Tùng |

Buổi lễ thượng cờ thiêng liêng tại Quảng trường Ba Đình đúng vào ngày kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước càng khiến những người chứng kiến cảm thấy xúc động, tự hào.

TP.Hồ Chí Minh khoác "áo mới" mừng ngày đại lễ 30.4 và 1.5

HUYÊN NGUYỄN |

Khác với sự bình lặng trong thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chào đón ngày lễ 30.4 và 1.5, TP.Hồ Chí Minh khoác lên những bộ "áo mới" cho sự kiện trọng đại kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Ngày 30.4.1975 ở Trại Davis

Kỳ Quan |

Những ngày cuối tháng 4.1975, do nhiệm vụ đặc biệt mà ông - một sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam - có mặt ngay tại sào huyệt của đối phương, Trại Davis trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Ông và các đồng đội đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và có thể hy sinh. Cũng chính các ông đã vinh dự treo lá cờ Tổ quốc đầu tiên ở nội ô Sài Gòn sáng 30.4.1975.

Xúc động ngắm nhìn cờ Tổ quốc tung bay trên Quảng trường Ba Đình sáng 30.4

Sơn Tùng |

Buổi lễ thượng cờ thiêng liêng tại Quảng trường Ba Đình đúng vào ngày kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước càng khiến những người chứng kiến cảm thấy xúc động, tự hào.

TP.Hồ Chí Minh khoác "áo mới" mừng ngày đại lễ 30.4 và 1.5

HUYÊN NGUYỄN |

Khác với sự bình lặng trong thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chào đón ngày lễ 30.4 và 1.5, TP.Hồ Chí Minh khoác lên những bộ "áo mới" cho sự kiện trọng đại kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.