Theo tính toán sơ bộ thì tổng số tiền có thể tiết kiệm được khi thực hiện các phương án đổi mới về cải cách thủ tục hành chính khoảng trên 8.800 tỉ đồng/năm.
Đổi mới phương thức làm việc của cơ quan nhà nước
Chiều 23.12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Trưởng ban soạn thảo Đề án: "Thí điểm đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết Thủ tục hành chính" chủ trì cuộc họp với đại diện một số bộ, địa phương để lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Đề án.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đây là cơ sở quan trọng để thành lập Trung tâm hành chính công tại các bộ, ngành, địa phương. Đến nay 100% các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn bộ phận Một cửa các cấp để giải quyết thủ tục hành chính; trong đó, 59/63 địa phương thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh.
"Các Trung tâm hành chính công ra đời trong điều kiện đổi mới mạnh mẽ, góp phần thay đổi trách nhiệm, thái độ cán bộ thi hành công vụ", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" là giải pháp đổi mới hữu hiệu về phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, tạo chuyển biển cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức và công dân, đơn giản hóa các TTHC, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức.
Bên cạnh đó đổi mới, cải tiến chế độ làm việc và quan hệ công tác trong cơ quan hành chính nhà nước, đã bản thay đổi bộ mặt của cơ quan hành chính các cấp, nâng cao chất lượng hiện đại hóa công sở hành chính theo chủ trương của Chính phủ.
Tiết kiệm 8.800 tỉ đồng mỗi năm
Thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, VPCP đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương có liên quan xây dựng Đề án nêu trên theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2021.
10 điểm đổi mới của Đề án bao gồm:
(1) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC;
(2) Xây dựng bộ phận một cửa hiện đại, hiệu quả;
(3) Số hóa, giá trị pháp lý của tài liệu, hồ sơ thực hiện TTHC đã được số hóa; lưu trữ, khai thác, chia sẻ hồ sơ, tài liệu thực hiện TTHC của tổ chức, cá nhân đã được số hóa;
(4) Thực hiện dịch vụ công trực tuyến, TTHC trên môi trường điện tử;
(5) Thuê dịch vụ để thực hiện một số công việc trong quy trình giải quyết TTHC;
(6) Đẩy mạnh việc số hóa, lưu trữ tài liệu, hồ sơ giải quyết TTHC;
(7) Nâng cao tỉ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử;
(8) Nâng cao năng suất, chất lượng giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và TTHC;
(9) Giảm thời gian chờ đợi nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức;
(10) Đổi mới về nhân sự trực tại bộ phận một cửa.
Theo tính toán sơ bộ thì tổng số tiền có thể tiết kiệm được khi thực hiện các phương án đổi mới về cải cách thủ tục hành chính khoảng trên 8.800 tỉ đồng/năm.