Báo cáo mới của công ty quản lý tài sản Anh Janus Henderson cho thấy nợ chính phủ toàn cầu dự kiến sẽ tăng 9,5% trong năm nay lên mức kỷ lục 71,6 nghìn tỉ USD. Sự gia tăng nợ chủ yếu sẽ do Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc thúc đẩy.
Theo nghiên cứu được công bố mới đây, các chính phủ trên khắp thế giới đã tăng cường vay nợ kể từ đại dịch COVID-19 để nỗ lực bảo vệ nền kinh tế của mình khỏi suy thoái.
Theo dữ liệu của Janus, nợ công của Trung Quốc tăng nhanh nhất và nhiều nhất tính theo tiền mặt, tăng 1/5 - tương đương 650 tỉ USD vào năm ngoái. Trong số các nền kinh tế lớn, phát triển, Đức có mức tăng tỷ trọng lớn nhất, với tỷ lệ nợ tăng vọt 15%, gần gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu.
Nghiên cứu cho thấy nợ chính phủ toàn cầu đã tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ qua, nhưng một yếu tố giảm thiểu là mức chi trả nợ thấp. Tuy nhiên, những mức này hiện cũng đang tăng mạnh, tăng khoảng 14,5% vào năm 2022 lên 1,16 nghìn tỉ USD.
Báo cáo cho biết: “Tác động lớn nhất có thể cảm nhận được ở Anh do lãi suất tăng, tác động của lạm phát cao hơn đối với số lượng lớn nợ công và chi phí của chương trình nới lỏng định lượng (QE)”.
Bethany Payne, Giám đốc danh mục đầu tư trái phiếu toàn cầu tại Janus Henderson, lưu ý: “Đại dịch COVID-19 đã có tác động rất lớn đến việc vay nợ của chính phủ - và những hậu quả sau đó sẽ tiếp tục kéo dài trong một thời gian”. Bà nói thêm rằng "chiến sự đang diễn ra ở Ukraina cũng có khả năng gây áp lực buộc các chính phủ phương Tây phải vay nhiều hơn để tài trợ cho việc tăng chi tiêu quốc phòng".
Janus Henderson chỉ ra rằng mức vay chính phủ tăng trên toàn thế giới mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư vào trái phiếu kỳ hạn ngắn hiện tại có vẻ hấp dẫn so với trái phiếu dài hạn rủi ro hơn.