Khoản nợ công dài hạn trong năm tài khoá 2021 đạt 1,017 triệu tỉ yên (7.836 tỉ USD), phá vỡ kỷ lục 18 năm liên tiếp. Nguyên nhân là do chi phí an sinh xã hội tăng cao trong bối cảnh dân số già đi nhanh chóng và các khoản chi tiêu khẩn cấp để đối phó với đại dịch COVID-19, theo Kyodo News.
Ước tính, cùng với khoảng 193.000 tỉ yên (1,488 tỉ USD) dư nợ dài hạn của các chính quyền địa phương, tổng số nợ công của Nhật Bản lên tới 1,210 triệu tỉ yên (9.330 tỉ USD).
Dư nợ nợ công dài hạn, không bao gồm một số loại trái phiếu, tăng 44.000 tỉ yên (3.338 tỉ USD) so với năm 2021. Việc gia tăng nợ khiến nền kinh tế thứ 3 thế giới ngày càng xa rời công cuộc khôi phục sức khoẻ tài chính, vốn đã tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế lớn.
Số dư nợ đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua, từ 500.000 tỉ yên (3.855 tỉ USD) cuối năm 2002. Tính đơn giản, mỗi người dân Nhật Bản đang phải gánh khoản nợ 9,66 triệu yên (74.500 USD).
Việc tăng lãi suất cho khoản nợ tích luỹ sau xu hướng tăng gần đây của lợi suất trái phiếu sẽ là vấn đề “đau đầu” đối với chính phủ. Nhưng đến nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã mua một lượng lớn trái phiếu như một phần của chính sách tiền tệ để giữ lãi suất gần như bằng không.
Trong năm tài khoá 2022, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch chi tiêu kỷ lục 107,60 nghìn tỉ yên (830 tỉ USD) cho ngân sách ban đầu. Trong khi doanh thu thuế kỳ vọng đạt khoảng 65.000 tỉ yên (501 tỉ USD), nước này có thể phát hành trái phiếu để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách.
Bên cạnh đó, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền và đối tác liên minh đảng Công minh đã nhất trí xây dựng khoản ngân sách bổ sung cho năm tài khoá 2022 trị giá hơn 2,5 nghìn tỉ yên (19 tỉ USD) để đối phó với tác động tiêu cực của xung đột Ukraina. Điều này có thể làm suy giảm hơn nữa sức khoẻ tài chính của Tokyo, khiến tình trạng nợ công trở nên tồi tệ hơn.