AP dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết hai máy bay ném bom Tu-22M3 đã thực hành tương tác với lực lượng phòng không và không quân Belarus trong nhiệm vụ kéo dài 4 giờ. Chuyến bay diễn ra sau một số cuộc tuần tra tương tự trên Belarus, quốc gia có chung đường biên giới với Ukraina về phía bắc.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho hay đã điều máy bay chiến đấu Sukhoi Su-25SM đến Belarus vài ngày trước khi diễn ra cuộc diễn tập quân sự chung theo kế hoạch. Các máy bay đã vượt qua 7.000 km từ khu vực Primorye của Nga đến các sân bay quân sự ở khu vực Brest, phía tây Belarus.
Nga có kế hoạch tập quân sự chung ở Belarus, bắt đầu từ ngày 17 và kéo dài đến hết ngày 20.2.
Việc triển khai này làm dấy lên lo ngại ở phương Tây về nguy cơ Nga tấn công Ukraina khi thủ đô Kiev của Ukraina chỉ cách biên giới Belarus 80km.
Phương Tây kêu gọi Nga rút khoảng 100.000 binh sĩ từ các khu vực gần Ukraina, nhưng Điện Kremlin tuyên bố sẽ đóng quân ở bất cứ nơi nào họ cần trên lãnh thổ Nga, đồng thời phủ nhận hoàn toàn mọi cáo buộc về một cuộc tấn công tiềm năng vào Ukraina.
Trong những tháng gần đây, Nga đã tiến hành một loạt cuộc tập trận chung với Belarus và liên tục cử máy bay ném bom tầm xa có khả năng hạt nhân tuần tra trên lãnh thổ Belarus, quốc gia có biên giới với các thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia.
Trong bối cảnh căng thẳng về Ukraina, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điều quân đến Ba Lan, Đức và Romania để tiếp viện cho các đồng minh NATO ở Châu Âu.
Binh sĩ thuộc Quân đoàn dù số 18 của Quân đội Mỹ đã hạ cánh tại sân bay quân sự Wiesbaden (Đức) hôm 4.2, dỡ phương tiện và thiết bị từ các máy bay vận tải quân sự. Đây là những binh sĩ đầu tiên trong số 2.000 lính Mỹ được điều động tới các nước NATO ở Đông Âu. Trong khi đó, 1.700 lính dù Mỹ thuộc Sư đoàn Dù số 82 của Lục quân đến Ba Lan, quốc gia giáp biên giới với Ukraina. Ông Biden cũng điều quân đến Romania, nâng tổng số quân bổ sung lên gần 3.000 người.
Đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin báo hiệu rằng Mátxcơva sẵn sàng đàm phán thêm với Washington và các đồng minh NATO. Là một phần của hoạt động ngoại giao cấp cao nhằm xoa dịu căng thẳng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tới Mátxcơva và Kiev vào ngày 7-8.2, trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ đến Kiev và Mátxcơva vào ngày 14-15.2.
Ngày 5.2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Emmanuel Macron và “nhất trí rằng việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng hiện tại vẫn phải là ưu tiên hàng đầu” - AP đưa tin.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cũng đã điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, nhấn mạnh rằng phải giảm leo thang tình hình Ukraina.