Tờ The Wall Street Journal cho hay, Châu Âu đang mua "hỗn hợp Latvia" còn các thương nhân Mỹ che giấu nguồn gốc của nhiên liệu.
Theo dữ liệu của tờ The Wall Street Journal, tại các bang New York và New Jersey của Mỹ, bất chấp lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga, các tàu chở dầu được cho là vẫn đến đây mang theo nhiên liệu được sản xuất từ nguyên liệu thô của Nga. Tàu vào thông qua kênh đào Suez và Đại Tây Dương với sản phẩm từ các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ, nước đã trở thành khách mua lớn dầu khí Nga.
Châu Âu cũng đã tìm ra cách để có được nhiên liệu từ Nga, hòng tránh lệnh trừng phạt của chính họ. Theo thông tin của hãng Bloomberg, các nước EU mua cái gọi là “hỗn hợp Latvia”, trong thành phần gồm xấp xỉ 50% dầu mỏ Nga.

Nước được lợi đặc biệt trong tình huống này là Ấn Độ - kể từ tháng 2, Ấn Độ đã mua hơn 62,5 triệu thùng dầu của Nga, gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, kể từ đầu mùa xuân, nguồn cung cấp nhiên liệu từ Ấn Độ đến Châu Âu đã tăng 30% và đến Mỹ tăng 43%. Mua dầu từ Nga với mức ưu đãi 20%, New Delhi kiếm kha khá khi cung cấp dầu cho Brussels và Washington.
Trong tình hình hiện nay Nga cũng không tổn thất gì - dầu cần được bán ra để không phải giảm sản lượng. Ngoài ra, trong bối cảnh giá dầu tăng vọt, doanh thu xuất khẩu dầu của Mátxcơva đã tăng gấp rưỡi.
"Giá dầu hiện nay cao đến mức Nga có thể cho phép mình vừa ưu đãi giảm giá vừa tránh trừng phạt xuất khẩu. Thêm vào đó, giá thành sẽ còn tiếp tục tăng. Trước hết là do thiếu hụt nghiêm trọng về tàu chở dầu. Phương Tây có thể mua dầu ở đâu bây giờ: Mỹ Latinh, Châu Phi hay Trung Đông? Nhưng dầu từ những khu vực này chỉ được xuất khẩu bằng đường biển, chứa trong tàu chuyên dụng. Giờ đây, giá thuê tàu đã tăng 50%, là mức kỷ lục trong vòng chục năm qua" - chuyên gia công nghiệp độc lập Leonid Khazanov nói với Sputnik.
Theo quan điểm của một số chuyên gia, nguồn cung từ Ấn Độ cũng có thể gặp nguy hiểm khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chống các sản phẩm dầu chế biến từ nguyên liệu thô của Nga. Tuy nhiên, việc truy tìm “dấu vết Nga” trong nhiên liệu sẽ rất phức tạp và khó khăn - theo ông Khazanov.
Vào ngày 23.3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố áp dụng cơ chế thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp đối với các nước EU và các quốc gia đã áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga. Tổng thống Nga ký sắc lệnh tương ứng và nói rõ rằng nếu các nước "không thân thiện" không thanh toán bằng đồng rúp từ ngày 1.4 thì Nga sẽ coi đây là không thực hiện hợp đồng và cắt khí đốt.